Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc khai thác băng cháy tại Biển Đông. Tính đến ngày 9/7, sau 60 ngày khai thác liên tục, Trung Quốc thu được hơn 300.000 m3 khí gas hydrate, hay còn gọi là băng cháy tại vùng biển cách tỉnh Quảng Đông 320 km về phía Đông Nam. Theo Cục Khảo sát địa chất Trung Quốc, đây là đợt khai thác dài ngày nhất và thu được nhiều băng cháy nhất. Một mét khối băng cháy tương đương 164 m3 khí đốt tự nhiên. 

Trung Quốc phản ứng Indonesia đặt tên một khu vực Biển Đông. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 14/7, Người phát ngôn Cảnh Sảng tuyên bố, “Trong thời gian dài, cách gọi “Nam Hải” và tên gọi  tiếng Anh “Biển Đông” để chỉ khu vực địa lý, vốn được quốc tế thừa nhận rộng rãi, bao gồm Liên Hợp Quốc. Việc thay đổi tên gọi không có ý nghĩa gì và không đóng góp tích cực vào nỗ lực chuẩn hóa quốc tế các tên gọi địa danh. Các quốc gia liên quan cần hợp tác với Trung Quốc vì các mục  tiêu chung và duy trì tình hình ổn định hiện nay ở Biển Đông.

+ Philippines:

Philippines ra Tuyên bố Kỷ niệm một năm Phán quyết Tòa Trọng tài. Tuyên bố trên trang Bộ Ngoại giao Philippines ngày 12/7 cho hay, “Chính quyền Duterte cam kết vững chắc bảo vệ các yêu sách lãnh thổ và quyền lợi trên biển của Philippines, và tin rằng tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết phù hợp dựa trên quan hệ láng giềng tốt đẹp. Cách tiếp cận của Philippines mang lại những lợi ích to lớn cho đất nước, củng cố vị thế của Philippines với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN và giữ hòa bình khu vực. Thông qua việc duy trì quan hệ láng giềng tốt đẹp, ngư dân của chúng ta quay trở lại đánh bắt ở Bãi cạn Scarborough. Chúng ta đã nhận được cam kết về đầu tư và hỗ trợ tài chính lên đến 30 tỷ USD từ các đối tác trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Alan Peter S. Cayetano cho hay Chính quyền Duterte theo đuổi chiến lược củng cố các mối quan hệ đồng minh cũ và tham gia vào các đối tác mới. Philippines không phải là kẻ thù của nước nào, mà là bạn của tất cả các nước trong sự nghiệp phát triển đất nước, đóng góp cho an ninh và ổn định lâu dài ở khu vực.”

Philippines thúc đẩy khai thác dầu khí tại vùng biển không tranh chấp. Ngày 14/7, Bộ trưởng Ngoại giao Alan Peter Cayetano cho biết Philippines đang tìm kiếm các thỏa thuận thăm dò và khai thác dầu khí những khu vực không tranh chấp ở Biển Đông. Ông Cateyano khẳng định Philippines không coi nhẹ các thỏa thuận tương lai ở các khu vực tranh chấp tuy nhiên bất cứ thỏa thuận nào cũng phải phù hợp với Hiến pháp và nội luật Philippines. Ngoại trưởng Cateyano cũng khẳng định thông tin Philippines cho phép quyền khai thác ở Bãi Cỏ Rong là không đúng sự thật.

+ Indonesia:

Indonesia đặt tên mới cho một khu vực biển ở Biển Đông. Indonesia ngày 14/7 đặt tên mới cho phần phía bắc của vùng EEZ của nước này ở Biển Đông là Biển Bắc Natuna (North Natuna Sea). Thứ trưởng Bộ về các vấn đề Biển Indonesia ông Arif Havas Oegroseno công bố bản đồ với tên gọi mới và nhấn mạnh "Biển Bắc Natuna" là khu vực có nhiều hoạt động về dầu khí. Ông Oegroseno cũng cho hay Indonesia sẽ đăng ký với Tổ chức thủy văn quốc tế (IHO) để chính thức công nhận vùng biển này, và cộng đồng quốc tế có thể hiểu vùng biển này thuộc về nước nào.

+ Malaysia:

Malaysia bắt giữ 22 ngư dân Việt Nam vì đánh cá trái phép. Theo thông báo ngày 14/7 của Cơ quan thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA), cơ quan này đã bắt giữ một tàu đánh cá cùng 22 ngư dân Việt Nam khi đánh bắt cá trái phép trong vùng biển thuộc bang Terengganu của Malaysia vào ngày 11/7. Kết quả kiểm tra cho thấy các ngư dân Việt Nam không có giấy tờ đi lại hợp lệ và cũng không có giấy phép đánh bắt ở vùng biển của Malaysia. MMEA đã tịch thu 800 lít dầu diesel, ngư cụ cùng với 1,2 tấn cá và 100 kg mực khô.

+ Mỹ:

Hạ viện Mỹ thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng 2018. Ngày 14/7, với tỷ lệ phiếu 344-81, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2018, với con số lên tới 696 tỷ USD. Dự kiến, Thượng viện Mỹ sẽ thông qua bản NDAA của mình vào cuối năm 2017. Hai dự thảo của Hạ viện và Thượng viện phải được thống nhất trước khi chuyển đến Nhà Trắng để Tổng xem xét ký ban hành thành luật hoặc phủ quyết.

+ Canada:

Tàu chiến Canada bị tàu Trung Quốc bám sát ở Biển Đông. Các tàu khu trục Trung Quốc bám đuôi tàu Winnipeg của hải quân hoàng gia Canada ở khoảng cách khoảng 3 hải lý khi con tàu này thực hiện hoạt động tự do hàng hải cùng các tàu chiến Mỹ, Úc, Nhật Bản ở Biển Đông cuối tháng trước. Thuyền trưởng tàu Winnipeg Jeff Hutchison cho biết các tàu bị theo đuôi khoảng 36 giờ. Phía Canada trao đổi với tàu Trung Quốc qua radio khoảng hai, ba lần. Vài ngày sau cuộc chạm trán ở Biển Đông, một tàu thu thập thông tinh tình báo của Trung Quốc đã giám sát động thái của tàu Winnipeg khi nó vào biển Hoa Đông, tập trận với một tàu chiến Hàn Quốc. 

Quan hệ các nước

Việt Nam  - Hà Lan kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển. Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Vương quốc Hà Lan từ ngày 8-11/7/2017, hai nước đã ra tuyên bố chung. Theo đó, “Thủ tướng Mark Rutte và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng chiến lược của hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Hai Thủ tướng khẳng định hoàn toàn ủng hộ giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật quốc tế. Hai Thủ tướng nhất trí tìm biện pháp tăng cường đối thoại song phương về luật quốc tế và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp.”

Indonesia - Singapore cam kết thúc đẩy hòa bình, an ninh của ASEAN. Tuyên bố trên được Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, Tướng Gatot Nurmantyo đưa ra ngày 12/7 nhân chuyến thăm Jakarta của Tư lệnh các lực lượng vũ trang Singapore, Trung tướng Perry Lim. Lực lượng vũ trang hai nước sẽ tiến hành cuộc họp thường niên lần thứ 20 của Ủy ban Cấp cao Indonesia-Singapore về các vấn đề an ninh và quốc phòng. Năm 2012, hai nước đã nhất trí thiết lập một cơ quan có nhiệm vụ giám sát các cuộc họp song phương giữa các lực lượng vũ trang.

Thái Lan - Mỹ kêu gọi duy trì hòa bình ở Biển Đông. Ngày 14/7, Bí Thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan H.E. Mrs. Busaya Mathelin và Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á - Thái Bình Dương Susan Thornton đã đồng chủ trì Đối thoại chiến lược lần thứ 6 tại Washington DC. Tuyên bố chung sau cuộc gặp cho hay hai bên “tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định ở Biển Đông, tự do hàng hải và hàng không của các bên. Hai nước hoan nghênh hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Hai bên thảo luận về việc thúc đẩy Biển Đông trở thành một Vùng Biển của Hòa bình, Ổn định và Hợp tác.

Phân tích và đánh giá

Ý nghĩa địa chính trị của Phán quyết PCA đối với tranh chấp trên Biển Đông.” Của Renato Cruz De Castro

Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) là sự khẳng định mạnh mẽ của tính công bằng và hiệu quả của UNCLOS trong việc đề ra cơ chế giải quyết tranh chấp. Đồng thời, đây có thể coi là chiến thắng của cách tiếp cận tự do của Philippines so với cách tiếp cận thực dụng của Trung Quốc. Phán quyết này là một nhân tố làm thay đổi luật chơi, biến đổi môi trường chiến lược của các tranh chấp, tái định hình đặc điểm và chiến lược của các nước có liên quan, và thúc đẩy mạnh mẽ các nước thay đổi hành động của mình.

Thay đổi quan trọng nhất có thể kể đến là việc tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc là không có cơ sở lịch sử và cơ sở pháp lý. Phán quyết khẳng định không một quốc gia nào có quyền khẳng định các “quyền lịch sử” của mình ở các vùng biển quốc tế. Phán quyết đã bóc trần ý đồ các tuyên bố yêu sách của Trung Quốc, đó là một bước trong chiến  lược biển dài hạn nhằm làm suy yếu vị thế của Mỹ trong khu vực, suy giảm lòng tin đối với các cam kết của Mỹ, chia cắt ASEAN và các cơ chế khu vực khác, buộc các nước trong khu vực nghe theo các tuyên bố về “lợi ích cốt lõi” của mình.

Trong những năm 1990, Trung Quốc phát triển một kho vũ khí tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình hướng tới các mục tiêu là các căn cứ quân sự và cảng biển ở phía Tây Thái Bình Dương. Những vũ khí này được thiết kế để đánh chìm các tàu hoạt động cách xa bờ biển Trung Quốc cả trăm dặm. Kiểm soát được Biển Đông sẽ giúp nâng cao năng lực chống tiếp cận (A2/AD) của Quân đội nước này, nhờ khả năng triển khai tàu ngầm, lực lượng trên mặt đất, và cả máy bay để đáp lại các động thái của Mỹ trong khu vực.

Trong khi ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán về khuôn khổ của một Bộ quy tắc COC, tiến trình quân sự hóa các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng vẫn tiếp tục diễn ra. Rõ ràng, Trung Quốc vẫn giữ vững lập trường phát triển năng lực quân sự của mình.

Giữ nguyên hiện trạng hay chủ nghĩa xét lại

Dưới tác động của Phán quyết PCA, các nước trong khu vực buộc phải lựa chọn tuân thủ luật pháp quốc tế (giữ nguyên hiện trạng) hay không. Trước đó, các nước này có lập trường riêng và mong muốn giữ thái độ trung lập.

Phán quyết PCA đồng thời cũng tạo ra cơ sở và động lực hợp tác giữa các nước bị đe dọa bởi sự bành trướng của Trung Quốc và ủng hộ Luật pháp quốc tế. Trước đây, lợi ích riêng biệt của mỗi nước gây cản trở đến tiến trình hợp tác giữa các nước nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Ngược lại, giờ đây các quốc gia ven biển như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam có thể hợp tác với nhau, ủng hộ các cường quốc Hải quân như Mỹ, Nhật Bản, Úc, và Ấn Độ để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình khỏi sự bành trướng của Trung Quốc và duy trì luật pháp quốc tế. Với sự ra đời của phán quyết PCA, những sự hợp tác này có thể coi là nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để bảo vệ trật tự, chống lại nước lớn bành trướng.

Trung Quốc trong cuộc đấu lâu dài  của Graham Allison

Đối với Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc là nhằm làm suy yếu trật tự quốc tế đã được xác lập trước đó. Ngược lại, Trung Quốc lại nhận thấy tương lai lớn mạnh của mình. Do đó, Trung Quốc yêu cầu các nước khác, đặc biệt là Mỹ, chấp nhận sự vượt trội của mình giống như cách các nước chấp nhận vai trò quan trọng của Mỹ ở vùng Caribe.

Giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức về vai trò của Mỹ từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai là đảm bảo sự ổn định khu vực, và coi vai trò này là quan trọng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cũng tin rằng nước Mỹ không nên can thiệp quá nhiều vào Châu Á.

Cạnh tranh hai nước ở khu vực diễn ra mạnh mẽ nhất trên vùng Biển Đông. Để đánh giá được chiều hướng của cuộc cạnh tranh này, cần xem xét đến các yếu tố văn minh, văn hóa và truyền thống chiến lược của Trung Quốc.

Đầu tiên, về lâu dài, có vẻ Trung Quốc có lợi thế hơn so với Mỹ trong cuộc đua ở Biển Đông. Trong khi đôi khi Mỹ sẽ chú ý hơn đến các diễn biến xảy ra ở Châu Á, giới lãnh đạo Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ chuyển hướng trở lại khi vực Trung Đông, Châu Âu, hay tình hình nội bộ nước Mỹ. Trung Quốc cũng sẽ đánh giá thực tế mối tương quan quân sự với Mỹ. Sẽ phải mất ít nhất một thập kỷ nữa để năng lực quân sự Trung Quốc có thể đuổi kịp Mỹ. Do đó, Bắc Kinh sẽ rất thận trọng với quyết định sử dụng quân sự để chống lại Mỹ. Ngược lại, bằng việc dần dần thay đổi thực trạng trên các vùng tranh chấp, Trung Quốc có thể tích lũy để tạo thành lợi thế sau này.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ theo đuổi chiến lược mang đặc trưng Trung Hoa, coi lực lượng quân sự chỉ là công cụ cấp thấp trong các công cụ của chính sách đối ngoại. Trung Quốc không tìm kiếm chiến thắng trên chiến trường, nhưng vẫn có thể đạt được các mục tiêu quốc gia. Lợi dụng các mối liên kết về ngoại giao và kinh tế để lằm sâu sắc hơn sự lệ thuộc vào Trung Quốc, từ đó, Bắc Kinh có thể thúc đẩy (hoặc ép buộc) các nước khác hợp tác trong một số vấn đề. Nhờ vậy, Trung Quốc có thể gia tăng ảnh hưởng của bản thân, đồng thời làm giảm mối liên kết của Mỹ với các nước láng giềng của Trung Quốc.

Mặc dù theo truyền thống, Trung Quốc thường coi xung đột quân sự là phương án cuối cùng, nhưng không gì có thể đảm bảo nước này không sử dụng quân sự nhằm đảo ngược tình thế khi cảm thấy bản thân đang mất dần ưu thế trên bàn đàm phán. Nhà chính trị học Taylor Fravel cho rằng Trung Quốc ưu tiên sử dụng lực lượng quân sự để chống lại các đối thủ ngang tầm hoặc mạnh hơn mình, trong khi lại thường đàm phán với các nước yếu hơn.

Tóm lại, miễn là những diễn biến ở Biển Đông đang thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc, thì dường như không có nguy cơ sử dụng quân sự. Tuy nhiên, nếu tình hình thay đổi theo hướng ngược lại, đặc biệt trong thời điểm tình hình chính trị nội bộ đang tồn tại nhiều bất ổn, thì Trung Quốc rất có khả năng khởi xướng một cuộc xung đột quân sự, kể cả là chống lại cường quốc như Mỹ. Còn hiện tại, Trung Quốc sẽ tránh đối đầu trực tiếp và không bận tâm đến những hành động “mang tính tượng trưng” của Mỹ ở Biển Đông, đồng thời tiếp tục xây dựng lực lượng và các thực thể mới.

“Ba quan chức PLAN có thể đã tiết lộ điều Trung Quốc muốn ở Biển Đông” của Ryan Martinson, Katsuya Yamamoto

Kyodo News tóm lược một bài báo cung cấp hiểu biết về ý định của Bắc Kinh ở Biển Đông. Bản gốc được in trong Nghiên cứu Hải quân giữa năm 2016, là ấn phẩm “lưu hành nội bộ” của quân đội Trung Quốc.

Bài “Các cuộc khủng hoảng quân sự ở Biển Đông: Phân tích, Đánh giá và Phản ứng”, của Thiếu tá Hải quân Jin Jing, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân, hai Trung tá Hải quân Xu Hui và Wang Ning, sĩ quan chính trị của Hạm đội Nam Hải thuộc PLA, gồm ba phần: (i) phân tích tình hình Biển Đông, cung cấp bối cảnh cho thảo luận về khủng hoảng quân sự trong tương lai; (ii) xem xét đặc điểm có thể có của một cuộc khủng hoảng; (iii) khuyến nghị chính sách.

Tác giả bắt đầu với bối cảnh chiến lược, đổ lỗi cho Mỹ về căng thẳng ở Biển Đông. Trong tương lai, Trung Quốc có thể có những va chạm căng thẳng với Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á. Tuy có thể xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng ở Biển Đông, quy mô và cường độ của khủng hoảng trong tương lai có thể được kiểm soát, và “khả năng khủng hoảng dẫn đến xung đột quân sự hay chiến tranh không hề lớn.”

Phần hai xem xét các kịch bản cụ thể mà Trung Quốc phải đối mặt. Khủng hoảng có thể liên quan đến các bên yêu sách và các nước ngoài khu vực. Ngoài Mỹ và Nhật Bản, Ấn Độ và Úc cũng có thể can dự vào khủng hoảng.

Phần cuối phác thảo các bước Trung Quốc nên thực hiện để tăng cường khả năng giải quyết khủng hoảng. Thứ nhất, cần cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á, theo dó làm “chia rẽ và loại bỏ” liên minh tiềm năng chống lại Trung Quốc, tạo môi trường chiến lược thuận lợi và giảm bớt động lực của khủng hoảng. Đồng thời, Trung Quốc nên làm nổi bật giới hạn đỏ, thể hiện sức mạnh, và thông qua các biện pháp cưỡng chế để ngăn chặn khủng hoảng quân sự. Trung Quốc nên sử dụng tất cả các biện pháp khả thi.

Bài viết tán thành cách tiếp cận “nguyên tắc và linh hoạt” hiện tại của Trung Quốc. Trung Quốc cần duy trì “nỗ lực dài hạn, kiên nhẫn và toàn diện để nắm bắt thế chủ động ​​chiến lược”.

Bài viết kết luận khủng hoảng trong tương lai, nếu được giải quyết đúng, có thể tạo ra những cơ hội mới. Khủng hoảng ở Senkaku và Scarborough “cho thấy tích cực sử dụng, khai thác triệt để, làm chủ và thậm chí chủ động tạo ra khủng hoảng giúp Trung Quốc bảo vệ lợi ích của mình.”  Khủng hoảng tạo ra cái cớ để trừng phạt các quốc gia khác, dạy cho các nước một bài học.

Cuối cùng, Trung Quốc nên tích cực trong các vấn đề an ninh phi truyền thống và nỗ lực cứu trợ thiên tai ở khu vực.

Bài báo khẳng định chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông đang mở rộng về mục đích, gia tăng có chủ đich và thực tế trong định hướng; tính toán chiến lược của Bắc Kinh chủ yếu tập trung vào Mỹ. Bài viết ít thảo luận về các bên yêu sách khác, có lẽ vì sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc cho họ ít lựa chọn.

Bài báo cho biết lý do chiến lược của quyết định xây dựng các căn cứ mới ở quần đảo Trường Sa của Trung Quốc là nhằm thay đổi cân bằng quân sự ở Biển Đông. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng cân bằng hiện nay nghiêng về Trung Quốc, và điều này không thay đổi cho đến khi và nếu Mỹ hoàn thành “xoay trục” sang châu Á.

Dù muốn tránh xung đột vũ trang, thái độ của ba tác giả cho thấy quân đội Trung Quốc có thể quá tự tin về khả năng quản lý khủng hoảng quân sự trên biển. Mỹ là đối thủ giả định, nhưng chưa bao giờ các tác giả đề cập đến vai trò của vũ khí hạt nhân trong khủng hoảng.

Tuy chỉ đại diện cho một nguồn thông tin, bài viết đưa ra cái nhìn hiếm hoi về cách hải quân Trung Quốc nhận thức về mục tiêu quốc gia ở Biển Đông, xây dựng chiến lược riêng và đánh giá các lựa chọn trong tương lai.

Ngoại giao nghề cá và Biển Đông của Anthony Bergin

Mới đây, trên Forum Policy, Marina Tsubas có bài viết nhấn mạnh sự thất bại của cách tiếp cận dựa trên chủ quyền để bảo tồn nguồn cá. Bài viết cho rằng Úc cần khuyến khích các nước Đông Nam Á chủ chốt và Trung Quốc xem xét thành lập một Tổ chức quản lý nghề cá khu vực (RFMO). Marina đưa ra ví dụ về một RFMO giống với Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC), nhưng phạm vi của WCPFC không bao gồm Biển Đông.

Ủy ban Nghề cá Châu Á – Thái Bình Dương (APFIC) do FAO thành lập năm 1948 nhưng hoạt động với vai trò tư vấn và chia sẻ thông tin nghề cá và không phải là cách để quản lý một vùng biển quốc tế lớn với những tranh chấp về thủy sản.

RFMO chỉ có hiệu quả nếu được dẫn dắt bởi những cá nhân khôn ngoan trong quản lý nghề cá quốc tế, những người được các bên liên quan chính tôn trọng vì sự công bằng và liêm chính của họ. Có ít người như vậy.

Úc có thể là người trung gian trung thực và can dự xây dựng RFMO cho Biển Đông, nhưng sự can dự này chỉ thành công nếu được các bên liên quan chính ủng hộ.

Một vấn đề nữa với bất cứ RFMO nào là tư cách thành viên của Đài Loan. RFMO phải nằm ngoài khuôn khổ Liên Hiệp Quốc và FAO. Đài Loan là thành viên nhưng không phải bên kí kết của WCPFC. Nước này có tư cách thành viên trong Tổ chức Quản Lý khu vực Nam Thái Bình Dương, Ủy ban Cá ngừ nhiệt đới Liên Mỹ, và có vai trò hạn chế tại Ủy ban quốc tế về Bảo tồn tê giác Đại Tây Dương nhưng tất cả những tổ chức này đều nằm ngoài Liên Hợp Quốc và FAO.

Mariana gợi ý rằng các hội nghị thượng đỉnh sắp tới của ASEAN sẽ là diễn đàn thích hợp để nêu vấn đề RFMO, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đặc biệt mà Úc sẽ tổ chức vào tháng 3 tới. Anthony Bergin bổ sung rằng vấn đề này có thể được đưa ra tại hội nghị APEC ở Port Moresby.

Bài báo kêu gọi các nhóm xã hội dân sự cần nêu bật sự tàn phá môi trường biển và suy thoái nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông. Anthony Bergin đồng ý với quan điểm này nhưng ông lưu ý về sự im lặng của các phong trào môi trường về các hoạt động thủy hải sản mang tính phá hoại và việc cải tạo các rạn san hô trong khu vực.

Ngạc nhiên là những nhóm bảo vệ môi trường chưa biểu tình phản đối vấn đề Biển Đông, có thể vì họ lo ngại can dự quá nhiều vào Biển Đông và nghề cá có thể khiến họ bị cáo buộc là đại diện cho Mỹ và các đồng minh. Hoặc cũng có thể vì ở Biển Đông chưa có những bức ảnh như gấu trắng mắc kẹt trên tảng băng tan, chim bị bao phủ trong dầu hay rùa mắc trong lưới đánh cá.

Cuối cùng, Anthony Bergin đồng ý rằng Úc nên tham gia nhiều hơn vào các vấn đề thủy sản của Biển Đông.

Xây dựng trên các thế mạnh về quản lý nghề cá của Úc sẽ nâng cao hiệu quả của bất kỳ RFMO nào có thể được thiết lập cho Biển Đông. Vấn đề về thủy sản nên được đưa vào chương trình nghị sự đối thoại cấp cao Úc-Trung Quốc.

Mặc dù không được công nhận rộng rãi nhưng sự tham gia của ngành thủy sản Úc ở khu vực Thái Bình Dương nên là một phần quan trọng trong đầu tư kinh tế, ngoại giao và an ninh.

Một năm sau phán quyết của tòa trọng tài về Biển Đông: Vì sao trung Quốc thắng và Mỹ đang thua của Julian Ku

Ngày nay năm ngoái, tòa trọng tài được thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc đã đưa ra một phán quyết quan trọng khẳng định hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông là trái luật pháp quốc tế. Nhưng trong một năm qua, Trung Quốc vẫn duy trì các hoạt động hung hăng trên Biển Đông trong khi vẫn lẩn tránh luật pháp trước những hành vi sai phạm của mình. Dù chính quyền thân Trung Quốc mới của Philippines là nhân tố chính,  nhiều chỉ trích cũng hướng vào chính quyền Obama.

Trung Quốc chỉ có một hành động duy nhất có chút tuân thủ quyết định của tòa trọng tài là vào tháng 11, Trung Quốc cho phép ngư dân Philippines đánh cá quanh bãi cạn Scarborough. Nhưng trên mọi phương diện khác, Trung Quốc thách thức phán quyết, đặc biết là duy trì các đảo nhân tạo trên các rạn san hô mà tòa phán Trung Quốc không có quyền tài phán ở đó.

Cả Philippines và Mỹ đều có thể lựa chọn chính sách làm tăng cái giá phải trả cho việc không tuân thủ phán quyết của Trung Quốc, nhưng cả hai nước đều không tạo áp lực với Trung Quốc về phán quyết.

Nhưng ngay cả khi không có sự hỗ trợ đầy đủ từ Philippines, chính phủ Mỹ có thể đã làm nhiều hơn thế. Mỹ có thể và đã thử “bêu xấu ngoại giao” bằng cách yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết trọng tài. Nhưng ngoại giao nửa vời của Mỹ đã lúng túng so với chiến dịch quan hệ công khai toàn cầu và ngoại giao năng động của Trung Quốc. Trong khi Mỹ đã tổ chức một số cuộc gọi hội nghị sau khi phán quyết được ban hành, Trung Quốc đã bỏ ra hàng tháng trước phán quyết để khẳng định quan điểm của Trung Quốc, đồng thời phủ nhận phán quyết trên tất cả các phương tiện truyền thông báo in, trực tuyến và truyền thông xã hội trên toàn thế giới. Khi video bảo vệ quan điểm của Trung Quốc được chiếu ở màn hình lớn của Quảng trường Thời Đại ở New York, Bộ Ngoại giao Mỹ đã không cắt bỏ.

Vào tháng 9, trong cuộc phỏng vấn trước hội nghị G20 ở Hàng Châu, Tổng thống Obama kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết. Ông nhiều lần nhắc vấn đề này với Chủ tịch Tập. Với sự giúp đỡ của Nhật, G7 ra vài tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ luật quốc tế và coi phán quyết của tòa trọng tài là cơ sở hữu ích để giải quyết tranh chấp trong khu vực. Tuy nhiên, không có tuyên bố nào ảnh hưởng dù nhỏ nhất đến hành vi của Trung Quốc.

Chính quyền của Trump đã bắt đầu các hoạt động hải quân gần đảo nhân tạo của Trung Quốc vào mùa xuân này, và có một số ủng hộ trong Quốc hội về các lệnh trừng phạt trên Biển Đông. Nhưng cả hai hành động này sẽ đáng tin cậy hơn nếu chúng được thực hiện vào mùa hè năm ngoái khi phán quyết của trọng tài vừa mới được đưa ra. Tổng thống Obama có quyền làm như vậy mà không cần Quốc hội phê chuẩn.

Hành động mạnh mẽ, quyết đoán của Mỹ có thể làm tăng đáng kể cái giá phải trả cho các hoạt động tiếp theo của Trung Quốc trong khu vực và các nơi khác. Nó thể hiện cho các đồng minh Mỹ như Philippines cũng như các đồng minh trong tương lai rằng Mỹ sẵn sàng đẩy lùi Trung Quốc.

Chính quyền Obama đã bỏ lỡ một cơ hội lớn để thay đổi động lực trong khu vực theo hướng có lợi cho Mỹ và thật khó để biết liệu còn cơ hội nào như thế trong tương lai hay không./.