Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc phản ứng cựu quan chức Philippines kiện chủ tịch Tập Cận Bình ra ICC. Phát biểu với các phóng viên ở Malacañang hôm 1/4, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines ông Triệu Giám Hoa tuyên bố, "Chúng tôi cho rằng đó là một hành động chính trị nhằm bôi nhọ lãnh đạo Trung Quốc. Chúng tôi không cho rằng đó là hành động đúng đắn dựa trên sự thật. Đó là sự bịa đặt và cũng là lạm dụng quyền hạn của ICC". Theo ông Triệu, đơn kiện của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario và cựu Tổng Thanh tra Conchita Carpio-Morales là không phù hợp và sẽ không thành công.

Trung Quốc bao biện về số lượng lớn tàu hiện diện gần Thị Tứ. Tại cuộc họp báo thường kỳ 4/4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết: “Trung Quốc và Philippines đã tổ chức Phiên họp lần thứ 4 Cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông, hai bên đã trao đổi ý kiến chân thành, hữu nghị và xây dựng về tình hình Biển Đông, các hoạt động trên biển và những vấn đề cùng quan tâm. Với thái độ hợp tác, hai bên cùng tìm kiếm biện pháp giải quyết vấn đề, tái khẳng định tiếp tục triển khai hợp tác và trao đổi về các biện pháp tăng cường lòng tin. Việc hai nước tiến hành thảo luận, hình thành nhận thức chung tại hội nghị lần này là câu trả lời tốt nhất cho vấn đề Thị Tứ gần đây.”

Trung Quốc dự kiến đưa giàn khoan lớn thứ 2 vào Biển Đông. Tân Hoa Xã ngày 7/4 đưa tin giàn khoan lớn thứ 2 của Trung Quốc sẽ được kéo vào lưu vực Oanh Ca Hải (Yinggehai) ở Biển Đông ngày 10/4. Giàn Dongfang 13-2 CEPB được Công ty Kỹ thuật Dầu khí Ngoài khơi Trung Quốc đóng xong đầu tháng này tại cảng Cao Lan của thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Giàn nổi này nặng 17.247 tấn, tương đương với 10.000 chiếc xe ôtô thông thường và rộng bằng một sân bóng đá. Giàn khoan khai thác và xử lý này, được coi là giàn sản xuất trung tâm của mỏ khí Dongfang 13-2, dự kiến đi vào hoạt động vào tháng 6/2019. Giàn nổi này sẽ cải thiện đáng kể công suất sản xuất khí tự nhiên của mỏ khí Dongfang 13-2, với sản lượng khí tự nhiên hàng năm ước tính lên tới 2,6 tỷ m3.

+ Philippines:

Philippines gửi công hàm phản đối tàu Trung Quốc ở gần Thị Tứ. Hôm 1/4, Người Phát ngôn của Tổng thống Philippines ông Salvador Panelo cho biết khoảng 275 tàu Trung Quốc hiện diện gần đảo Thị Tứ trong khoảng thời gian từ tháng 1 tới tháng 3 năm 2019. Số liệu này được Bộ Tư Lệnh Miền Tây ở Palawan cung cấp. Theo ông Panelo, Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi công hàm cho Trung Quốc phản đối việc này. Hôm 2/4, ông Panelo cho hay Tổng thống Duterte có khả năng đề cập về Phán quyết năm 2016 tại Đại Hội Đồng của Liên Hợp Quốc nếu vấn đề giữa hai bên không được giải quyết thông qua đàm phán. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Philippines hôm 2/4 ra tuyên bố, “Philippines mong các nước khác và tàu bè của họ tuân thủ các nghĩa vụ và quy định quốc tế, đặc biệt khi lưu thông ở vùng biển quốc tế. Philippines khuyến khích ngư dân tiếp tục đánh bắt ở các vùng nước và EEZ của chúng ta”.

Tổng thống Philippines khuyến cáo Trung Quốc không xâm lấn Thị Tứ. Phát biểu trước báo giới ở Palawan hôm 4/4, Tổng thống Rodrigo Duterte nhấn mạnh, “Tôi đang nói với Trung Quốc rằng Thị Tứ là của chúng ta, vì vậy hai bên hãy duy trì tình bạn, nhưng đừng đụng đến đảo Thị Tứ. Nếu không, mọi thứ sẽ khác đi. Đây không phải là một lời cảnh báo mà lời khuyên dành cho bạn bè. Tôi không nài nỉ hay van xin, nhưng tôi xin nói với các bạn rằng, đừng có xâm chiếm Thị Tứ bởi Philippines có quân đội ở đó. Tôi sẽ ra lệnh cho các binh sĩ của chúng tôi ‘sẵn sàng thực hiện các sứ mạng cảm tử.” Philippines hiện duy trì quân đồn trú và khoảng 100 dân thường ở Thị Tứ.

Philippines khẳng định việc tàu Trung Quốc hiện diện gần Thị Tứ là bất hợp pháp. Tuyên bố ngày 4/4 của Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định: “Việc tàu Trung Quốc hiện diện gần Thị Tứ và các thực thể khác thuộc Trường Sa là bất hợp pháp. Hành động như vậy rõ ràng xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Philippines, được quy định theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. Việc tàu Trung Quốc hiện diện với số lượng lớn và thời gian dài đặt ra câu hỏi về mục đích và vai trò của những tàu này nhằm hỗ trợ mục tiêu cưỡng ép. Hành động này dù chính phủ Trung Quốc không thừa nhận nhưng đã được thông qua. Philippines kêu gọi xây dựng và thúc đẩy lòng tin, kiềm chế hành động, và tránh làm phức tạp tình hình, phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.”

Tổng thống Duterte ký ban hành luật chia Palawan thành 3 tỉnh. Ngày 5/4, Tổng thống Duterte đã ký Luật Cộng hòa số 11.259 chia Palawan thành 3 tỉnh độc lập, gồm Palawan del Norte, Palawan Oriental và Palawan del Sur. Tỉnh Palawan del Sur gồm khu vực hành chính Kalayaan, gồm các đảo mà Philippines đang chiếm giữ ở Biển Đông. Ba tỉnh này sẽ được thành lập khi được phê chuẩn trong một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2020. Theo Thượng Nghị sỹ Sonny Angara, Chủ tịch Ủy ban chính quyền địa phương của Thượng viện, việc phân chia Palawan, một quần đảo gồm 1.800 đảo với dân số khoảng 1,1 triệu người, sẽ tuân thủ yêu cầu của Luật Chính quyền địa phương.

Philippines - Mỹ thảo luận khả năng triển khai tên lửa Biển Đông. Theo một số chuyên gia an ninh khu vực, Washington và Manila đang thảo luận về việc triển khai một hệ thống tên lửa tiên tiến Lockheed Martin (HIMARS) của Mỹ nhằm đối phó việc Bắc Kinh quân sự hóa trên các đảo nhân tạo trong vùng Biển Đông. HIMARS gồm nhiều tên lửa nhỏ hạng nhẹ, đặt trên xe tải quân sự, có thể phóng 6 loạt tên lửa, hoặc một tên lửa chiến thuật đất đối đất tầm bắn 300 km chính xác. Mỗi hệ thống có giá khoảng 12 triệu USD. Hệ thống tên lửa này đã được thử nghiệm lần đầu tiên trong cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Philippines (Balikatan) vào năm 2016. Tuy nhiên hai bên khó đạt được thỏa thuận vì Hệ thống HIMARS có thể quá đắt đối với ngân sách của Manila.

+ Indonesia:

Indonesia bắt giữ hai tàu cá Việt Nam với cáo buộc xâm phạm vùng biển. Ngày 2/4, tàu tuần tra KP 011 của Bộ Biển và Nghề cá Indonesia đã bắt giữ hai tàu cá Việt Nam với số hiệu BV 92467 TS và BV 92468 TS trong vùng biển Bắc Natuna. Theo quyền Tổng Vụ trưởng Giám sát nguồn lợi thủy hải sản ông Agus Suherman, hai tàu cá bị bắt do không có giấy phép của Chính phủ Indonesia và sử dụng lưới cào để đánh bắt. Hiện hai tàu cá cùng các ngư dân được đưa về Cơ quan giám sát Natuna, tỉnh Riau để phục vụ quá trình điều tra theo Luật số 31/2004 và Luật sửa đổi số 45/2009. Kể từ tháng 1/2019 đến nay, Indonesia đã bắt giữ 23 tàu cá, bao gồm 18 tàu cá nước ngoài và 5 tàu cá Indonesia, trong đó có 11 tàu mang cờ Việt Nam và 7 tàu mang cờ Malaysia.

+ Mỹ:

Mỹ bàn giao 6 xuồng tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam. Thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngày 1/4  cho hay Mỹ giao 6 xuồng tuần tra Metal Shark trị giá 12 triệu USD cho Cảnh sát biển Việt Nam, “Việc bàn giao chính thức các xuồng tuần tra thể hiện quan hệ hợp tác Mỹ - Việt trong việc chấp pháp biển, tìm kiếm cứu nạn hàng hải, các hoạt động hỗ trợ nhân đạo trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam". Xuồng tuần tra Metal Shark "45 Defiant" do Hãng Aluminium Boats sản xuất, với vận tốc 93 km/h phù hợp để sử dụng tại vùng biển ven bờ và ngoài khơi.

Quan chức Quốc phòng Mỹ lo ngại hành động trên biển của Trung Quốc. Bình luận về số lượng lớn tàu Trung Quốc hiện diện ở Thị Tứ, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Joseph Felter hôm 5/4 cho hay, hành động của Trung Quốc “có phần hiếu chiến, khiêu khích và Chúng tôi cảm thấy không cần thiết. Theo ông Felter, Mỹ không đưa ra quan điểm về tranh chấp Biển Đông nhưng sẽ hợp tác cùng các nước đồng minh và đối tác trong việc duy trì vùng biển mở và tự do, “Các quốc gia có thể tự do lưu thông ở bất kỳ nơi nào luật pháp cho phép.” Phát biểu được đưa ra nhân dịp ông Felter tới Thái Lan tham dự cuộc họp của các giới chức quốc phòng ASEAN.

+ Nga:

Ba tàu chiến Nga thăm Philippines. Hải quân Philippines hôm 4/4 cho hay Hai tàu khu trục Admiral Tributs và Vinogradov, thuộc lớp tàu chống ngầm cỡ lớn, cùng với tàu chở nhiên liệu Admiral Irkut sẽ thăm Philippines từ ngày 8-12.4. Đây là lần thứ hai trong năm nay các tàu của Nga đến thăm Philippines. Đầu tháng 1, ba tàu của hải quân Nga đã đến thủ đô của Philippines để thực hiện chuyến thăm nhằm “thúc đẩy hơn nữa hòa bình, ổn định và hợp tác trên biển”.

+ Ấn Độ:

Tàu Ấn Độ thăm cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Sáng 1/4, tàu ViJit cùng gần 140 cán bộ, sĩ quan và thủy thủ thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ cập cảng Tiên Sa, thăm hữu nghị TP Đà Nẵng. Trong thời gian 4 ngày, các sĩ quan và thủy thủ tàu sẽ thăm xã giao lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và giao lưu thể thao với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ và Cảnh sát biển Việt Nam cũng thực hiện cuộc diễn tập trên biển về công tác tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ đến Việt Nam trong năm 2019. Đại tá Varandan Kumar, Tùy viên Quốc phòng Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, “Mối quan hệ giữa cảnh sát biển Việt Nam và Ấn Độ trong những năm qua rất tốt và ngày càng được thắt chặt.”

Hoạt động song phương, đa phương

Philippines - Mỹ tổ chức tập trận Balikatan năm 2019. Cuộc tập trận Balikatan 2019 (Vai kề vai) lần thứ 35 diễn ra từ ngày 1 - 12/4, với sự tham gia của 4.000 lính Philippines, 3.500 lính Mỹ và 50 thành viên Lực lượng Quốc phòng Úc. Các hoạt động chính của cuộc diễn tập gồm: (1) Huấn luyện chống khủng bố; (2) Hoạt động đổ bộ; (3) Huấn luyện bắn đạn thật; (4) Huấn luyện tác chiến đô thị; (5) Hoạt động không quân; (6) Lập kế hoạch song phương. Tất cả các hoạt động sẽ diễn ra ở Luzon, Palawan và Mindoro, Philipines. Mỹ dự kiến lần đầu tiên sẽ đưa tàu tấn công đổ bộ đa chức năng của Hải quân Mỹ USS Wasp và máy bay F-35B của Hải quân đánh bộ tham gia tập trận. Phát biểu tại lễ khai mạc ngày 1/4, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim tuyên bố việc trao trả các quả chuông Balangiga và tuyên bố rõ ràng về Hiệp ước phòng thủ chung của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo chứng tỏ cam kết sâu sắc của hai nước đối với quan hệ đồng minh.

Hội nghị lần thứ 4 Cơ chế tham vấn song phương Trung Quốc - Philippines về Biển Đông. Hội nghị ngày 3/4 được Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương Philippines ông Monte Gerey đồng chủ trì. Hai bên nhấn mạnh, bất đồng giữa hai nước trong vấn đề Biển Đông không phải là toàn bộ quan hệ Trung Quốc - Philippines, không nên để bất đồng làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi khác giữa hai nước. Hai bên khẳng định cùng nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình, thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị giữa các nước có chủ quyền liên quan trực tiếp, dựa trên những nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS năm 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Thông qua các nhóm công tác kỹ thuật, hai bên đã tiến hành trao đổi hiệu quả về vấn đề tăng cường hợp tác trên biển, các lĩnh vực hợp tác liên quan bao gồm tình hình an ninh chính trị tại Biển Đông, tìm kiếm cứu nạn trên biển, an ninh hàng hải, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường biển, nghề cá…

Hội nghị Ngoại trưởng G7 phản đối hành động đơn phương ở Biển Đông. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) đã kết thúc sau hai ngày 5/4 và 6/4 tại khu nghỉ dưỡng Dinard của Pháp. Tuyên bố chung sau hội nghị khẳng định: “Các  Ngoại trưởng vẫn hết sức quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Chúng tôi cho rằng phán quyết của Tòa án Trọng tài ngày 12/7/2016 dựa trên UNCLOS là một bước tiến quan trọng và là một cơ sở cần thiết để giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông. Chúng tôi tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc tế trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải cũng như bảo vệ và quản lý môi trường biển.”

Hải quân Mỹ - Thái lan tập trận chung trên biển. Hải quân Hoàng gia Thái Lan và Hải quân Mỹ hôm 7/4 bắt đầu cuộc tập trận Sea Guardian lần thứ 8 tại khu vực ngoài khơi biển Andaman với sự tham gia của một tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles cùng với hai tàu khu trục của Hải quân Thái Lan, tàu hộ tống và máy bay trực thăng Sea Hawk. Cuộc tập trận lần này đánh dấu lần đầu tiên Hải quân Thái Lan triển khai một hệ thống thiết bị trên tàu khu trục Bhumibol Adulyadej, được sử dụng để tăng cường khả năng phát hiện tàu ​​ngầm. Cuộc tập trận được tổ chức thành hai giai đoạn với một giai đoạn trên bờ để các chuyên gia trao đổi trên mọi khía cạnh của chủ đề chiến tranh chống tàu ngầm và một giai đoạn trên biển với bài diễn tập theo dõi một tàu ngầm đang bảo vệ một tàu mặt nước. Sĩ quan Matt Jerbi thuộc Hạm đội 7 của Mỹ cho biết, Sea Guardian 2019 là một cuộc tập trận quan trọng thể hiện cam kết giữa Mỹ và Thái Lan đảm bảo rằng hai nước sẵn sàng phối hợp chống lại mọi mối đe dọa cả trên không và dưới biển./.