Bản PDF tại đây

Động thái của các quốc gia

+ Trung Quốc:

Trung Quốc đẩy nhanh hoạt động khai thác khí đốt ở Biển Đông. Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc hôm 1/12 thông báo 3 mỏ khí đốt của nước này ở Biển Đông đã đi vào hoạt động. Các mỏ khí đốt trên nằm ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông và tỉnh Hải Nam. Ba mỏ với tổng cộng 13 giếng, trong đó 2 giếng hiện đang sản xuất 21 triệu feet khối/ngày. Dự kiến, sản lượng khai thác khí đốt tại cả 3 mỏ sẽ đạt công suất đỉnh là 150 triệu feet khối/ngày vào năm 2015.

Trung Quốc khẳng định không chấp nhận vụ kiện của Philippines. Hôm 7/12, Trung Quốc đưa ra tuyên bố lập trường về việc Philippines khởi kiện yêu sách biển của nước này ra Toà trọng tài. Tuyên bố lập trường gồm 6 mục và 93 nội dung cụ thể, trong đó phân tích cơ sở pháp lý về vụ kiện của Philippines, giải thích về lập trường của Trung Quốc đối với vụ kiện, nêu lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như chủ trương của nước này trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc tiếp tục khẳng định lập trường phản đối, không tham gia vụ kiện, đồng thời cho rằng Toà trọng tài không có thẩm quyền thụ lý vụ kiện trên. Vì theo phía Trung Quốc, Toà trọng tài không có quyền thụ lý và đưa ra phán quyết về vấn đề tranh chấp chủ quyền, trong khi những nội dung phía Philippines đưa ra trong vụ kiện “thực chất đều liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng “mục tiêu cơ bản của Philippines không phải là tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông, mà thay vào đó là dùng hình thức trọng tài để gây áp lực chính trị đối với Trung Quốc". Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng Xinhua, Vụ trưởng Vụ Điều ước và Luật pháp, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Xu Hong tuyên bố: “Bất chấp sự phản đối mạnh của Trung Quốc, Philippines vẫn ngoan cố thúc đẩy vụ kiện. Thông qua hàng loạt cơ chế song phương và đa phương, Trung Quốc và Philippines đã thống nhất giải quyết tranh chấp củahai bên ở Biển Đông theo phương thức tham vấn và đàm phán. Đây là giao ước chung ràng buộc hai nước theo luật pháp quốc tế. Bằng việc đơn phương đưa tranh chấp ra Tòa, Philippines đã phá vỡ thỏa thuận giữa hai nước và vi phạm luật pháp quốc tế.”

+ Việt Nam:

Việt Nam hoan nghênh Hạ viện Hoa Kỳ thông qua nghị quyết về Biển Đông. Ngày 5/12, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết H.Res 714 liên quan đến Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Hạ viện Hoa Kỳ lần đầu tiên thông qua một nghị quyết ủng hộ những nỗ lực giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, và việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực đóng góp tích cực, hiệu quả, xây dựng nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở khu vực.”

+ Philippines:

Philippines nhắc Trung Quốc ‘nói nên đi đôi với làm’. Sau tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng nước này theo đuổi con đường phát triển hòa bình và phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines hôm 1/12 cho hay, “Chúng tôi muốn nhắc lại rằng những tuyên bố với mục tiêu hòa bình như vậy, nếu đi cùng những hành động trên thực tế, sẽ giúp ích cho việc đảm bảo ổn định và an ninh trên Biển Đông.” Theo ông Jose, Trung Quốc nên ngừng hoạt động cải tạo đất và giảm bớt sự hiện diện quá mức của nước này ở các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

+ Mỹ:

Mỹ cảnh báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tại một buổi điều trần ở Quốc hội Mỹ hôm 2/12, Đô đốc Hải quân Mỹ Harry Harris, người được đề cử làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương đã cảnh báo về sự trỗi dậy “đầy ấn tượng” của quân đội Trung Quốc tại Châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông Harris, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và những hành động gây hấn của nước này “là thách thức lớn nhất đối với Mỹ về lâu dài.” Đô đốc Harris khẳng định ông sẽ nỗ lực củng cố liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, cũng như mở rộng hợp tác với Ấn Độ nếu được trở thành người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương thay Đô đốc Samuel Locklear.

Tổng thống Mỹ: ‘Chính sách của Trung Quốc khiến nhiều nước lo ngại.’ Phát biểu tại hội nghị bàn tròn các Giám đốc điều hành các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ hôm 4/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định: “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực nhanh chóng và toàn diện hơn bất kỳ lãnh đạo nào từ thời Đặng Tiểu Bình. Tất cả đều ấn tượng trước tầm ảnh hưởng của ông Tập ở Trung Quốc chỉ sau khoảng hai năm qua. Tuy nhiên, cũng tiềm ẩn những nguy hiểm. Đường lối dân tộc chủ nghĩa mà ông Tập đang thúc đẩy ở Trung Quốc khiến các nước láng giềng lo ngại và chúng ta có thể thấy rõ điều này trong các tranh chấp biển.” Theo ông Obama, Trung Quốc có lợi ích rất lớn trong việc duy trì mối quan hệ tốt với Mỹ.

Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết về Biển Đông và Hoa Đông. Sáng ngày 4/12 (theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết H.Res 714 dưới hình thức bỏ phiếu bằng miệng nay sau phiên thảo luận kéo dài 40 phút. Nghị quyết do Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega giới thiệu tái khẳng định sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông, dựa trên các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được thế giới công nhận. Nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp vùng trời và vùng biển ở Châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời lên án các hành động cưỡng ép, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực bằng tàu quân sự hoặc dân sự ở các vùng biển. Đây là lần đầu tiên một nghị quyết về Biển Đông được toàn thể Hạ viện Mỹ phê chuẩn.

Mỹ đánh giá yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 5/12 công bố báo cáo phản bác đường 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương yêu sách ở Biển Đông. Báo cáo, do Cục Đại dương và Các vấn đề Môi trường, Khoa học Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện, nêu rõ đường 9 đoạn nằm khá gần với đường bờ biển của các quốc gia tiếp giáp với Biển Đông, trong đó đoạn số 1 chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 hải lý và cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 36 hải lý. Bản đồ “đường lưỡi bò” năm 2009 của Trung Quốc có nhiều điểm không thống nhất với các bản đồ của Trung Quốc khác, như bản đồ năm 1947. Chẳng hạn đoạn đứt đoạn thứ 2 trong bản đồ năm 2009 gần bờ biển Việt Nam  45 hải lý hơn so với đoạn gần nhất trên bản đồ năm 1947, và đoạn 1 gần hơn 15 hải lý. Báo cáo nhấn mạnh, cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa làm rõ những đòi hỏi về biển liên quan đến đường 9 đoạn theo cách thức phù hợp với luật pháp quốc tế. Các luật, tuyên bố và hành động chính thức của Trung Quốc đều thể hiện những bằng chứng mâu thuẫn nhau đối với bản chất và phạm vi của các yêu sách mà nước này đưa ra, cho thấy ít nhất 3 cách diễn giải khác nhau mà Bắc Kinh muốn thể hiện. Thứ nhất, đường 9 đoạn là đường quy thuộc các đảo và vùng biển mà các đảo có thể tạo ra theo UNCLOS 1982 mà Trung Quốc yêu sách. Thứ 2, đường 9 đoạn là các đường ranh giới quốc gia của Trung Quốc. Thứ 3, đường 9 đoạn là ranh giới của cái gọi là “các yêu sách lịch sử” của Trung Quốc. Báo cáo kết luận, yêu sách đường 9 đoạn hiện nay của Trung Quốc là không phù hợp với luật biển quốc tế. 

Quan hệ các nước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Chủ tịch Duma Quốc gia Nga. Chiều 2/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi tiếp Chủ tịch Duma Quốc gia Sergegy Yevgenyevich Naryshkin đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt coi trọng, mong muốn cùng với Nga tiếp tục đưa quan hệ 2 nước phát triển ngày càng hiệu quả, thiết thực, bền vững. Chủ tịch Duma Quốc gia khẳng định Liên Bang Nga đánh giá cao Việt Nam và hết sức coi trọng phát triển quan hệ 2 nước trên tất cả các mặt và lĩnh vực. Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga khẳng định, “Lập trường của Nga về Biển Đông trước sau như một, không thay đổi. Đó là sử dụng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, không sử dụng vũ lực dưới bất cứ hình thức nào.”

Tướng Ấn Độ: ‘Trung Quốc sẽ chiếm Quần đảo Trường Sa vào năm 2050’. Phát biểu tại một buổi thuyết trình gần đây, Tư lệnh Không quân của Ấn Độ ông Arup Raha nhận định, “Trọng tâm chiến lược thế giới đã chuyển dịch từ tây sang đông, đặc biệt ở Châu Á và Châu Á - Thái Bình Dương. Ấn Độ đang phải đối mặt với những thách thức an ninh bắt nguồn từ một Trung Quốc quyết đoán. Tình hình không thuận lợi cho khu vực và tuyên bố trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc chỉ là một giấc mơ xa vời. Một Trung Quốc quyết đoán đang đầu tư mạnh mẽ vào phát triển sức mạnh quân sự, và đưa ra yêu sách đối với các vùng biển quốc tế, đảo và không phận ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.” Theo ông Raha, “Đến năm 2050, Bắc Kinh sẽ thu hồi Đài Loan, xâm chiếm bang Arunachal Pradesh, chiếm Quần đảo Trường Sa, giành lại quyền kiểm soát đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.”

Phân tích và đánh giá

“Triển vọng gì cho vụ kiện của Philippines?” của Li Jing. Trung Quốc tuần trước đã bác bỏ nỗ lực của Philippines đưa yêu sách biển của Bắc Kinh ra Tòa trọng tài, một tuần trước hạn chót Bắc Kinh phải phản hồi yêu cầu trả lời của Tòa. Trong bản tuyên bố lập trường của mình, Trung Quốc đã đưa ra những lập luận phản bác thẩm quyền phân xử của Tòa trọng tài Thường trực tại La-hay đã tiếp nhận vụ kiện mà Philippines hồi năm ngoái. Tuyên bố lập trường này nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ “không chấp nhận cũng như không tham gia vào quá trình phân xử”, bởi theo Trung Quốc, cơ quan trọng tài của Liên Hợp Quốc không có thẩm quyền phân xử tranh chấp lãnh thổ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Tân Hoa Xã, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng bản tuyên bố này không phải là câu trả lời của Trung Quốc đối với tòa án và thời điểm đưa ra bản tuyên bố này không liên quan gì đến hạn chót ngày 15/12. Mặc dù bản tuyên bố này không có gì mới ngoài việc đề cập một cách chi tiết lập trường hiện nay của Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích vẫn có quan điểm trái chiều về sự xuất hiện của bản tuyên bố này. Một số chuyên gia gọi việc Trung Quốc đưa ra bản tuyên bố là một động thái “chủ động” trong khi những người khác lại nói rằng đây là động thái “phòng ngừa” những tác động xấu trong trường hợp tòa đưa ra phán quyết không có lợi cho Trung Quốc – cho dù Bắc Kinh không cần phải tham dự quá trình phân xử hay tuân thủ phán quyết của tòa. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Hạ Môn Zhang Guotu cho rằng việc đưa ra bản tuyên bố lập trường này là động thái “chủ động” so với việc không đưa ra phản ứng nào đối với vụ kiện, “Bằng việc đưa ra bản tuyên bố lập trường, Trung Quốc muốn cho thấy họ có sự tôn trọng đối với luật pháp, nhưng cũng vẫn kiên trì quan điểm rằng tranh chấp giữa hai quốc gia chỉ nên giải quyết thông qua đàm phán song phương.” Ông Du Jifeng, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, thì lại gọi đây là động thái “phòng ngừa” bởi Trung Quốc cho rằng một phán quyết từ vụ kiện quốc tế sẽ khiến họ phải chịu nhiều “sức ép đạo đức” từ cộng đồng quốc tế. Theo ông Du, “Bắc Kinh có thể lựa chọn bỏ qua vụ kiện, và bản thân phán quyết cũng không có ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, ngay cả khi không tham gia vụ kiện, Trung Quốc vẫn có thể khiến nước này ngày càng bị quốc tế cô lập bởi UNCLOS vẫn được rất nhiều quốc gia ủng hộ.” Còn ông Peter Dutton, giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc tại Học viện Hải chiến Hoa Kỳ thì đánh giá rằng bản tuyên bố lập trường này rõ ràng đã được căn ke vào thời điểm thích hợp để tác động lên phán quyết sắp tới của tòa về thẩm quyền, “Ngay cả khi Trung Quốc không chọn cách tham gia một cách trực tiếp, tôi vẫn cho rằng đây là một diễn biến tích cực bởi có vẻ như so với quá khứ, người Trung Quốc đã nhìn nhận tòa án và sức mạnh giải quyết tranh chấp của tòa án một cách nghiêm túc hơn.”

“Yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông” Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ có đưa ra một báo cáo có tên “Các giới hạn trên biển: Yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông”. Sau đây là một phần nội dung trong bản báo cáo này. Trung Quốc vẫn chưa làm rõ yêu sách vùng biển bên trong đường lưỡi bò theo cách phù hợp với luật quốc tế. Nội luật, tuyên bố, hành động và phát ngôn chính thức của Trung Quốc là các bằng chứng mâu thuẫn nhau về tính chất và phạm vi của yêu sách đường lưỡi bò. Những bằng chứng hiện có cho thấy có ít nhất ba cách giải thích cho đường lưỡi bò mà Trung Quốc có thể sử dụng, bao gồm (1) đường quy thuộc các đảo mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền và các vùng biển mà các đảo này tạo ra dựa trên UNCLOS; (2) đường ranh giới quốc gia trên biển và (3) ranh giới của cái-gọi-là yêu sách lịch sử với rất nhiều cấp độ khác nhau. Với cách diễn giải thứ nhất, nếu các đường đứt đoạn trong các tấm bản đồ của Trung Quốc chỉ nhằm mô tả các đảo mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền, khi đó, để phù hợp với luật biển, các yêu sách vùng biển bên trong đường lưỡi bò phải được thiết lập dựa trên UNCLOS, bao gồm lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng EEZ và thềm lục địa được xác định từ lục địa Trung Quốc và các đảo thỏa mãn định nghĩa về "đảo " trong Điều 121 UNCLOS. Bởi vì chủ quyền của các đảo ở Biển Đông đang bị tranh chấp, các vùng biển liên quan đến những đảo này cũng bị tranh chấp. Hơn nữa, ngay cả khi Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo này, các vùng biển được tạo ra từ các đảo đấy (theo Điều 121) sẽ là đối tượng phân định ranh giới biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Đối với cách diễn giải thứ hai, nếu các đoạn đứt khúc trong bản đồ của Trung Quốc có mục đích diễn tả đường ranh giới giữa các quốc gia thì các đường đấy không có căn cứ pháp lý thích đáng trong luật biển. Theo luật quốc tế, ranh giới trên biển phải được hoạch định thông qua một thỏa thuận giữa các quốc gia láng giềng; một quốc gia không thể đơn phương thiết lập một đường ranh giới trên biển với một quốc gia khác. Hơn nữa, một đường ranh giới như vậy cũng không phù hợp với thực tiễn quốc gia và án lệ quốc tế, vốn chưa bao giờ trao cho các đảo nhỏ, hẻo lánh như các đảo ở Biển Đông nhiều giá trị hơn đường bờ biển đối diện kéo dài và liên tục trong việc xác định vị trí của đường ranh giới biển. Hơn nữa, đoạn số 2, 3 và 8 trong tấm bản đồ năm 2009 của Trung Quốc không chỉ nằm gần các bờ biển đất liềncủa các quốc gia khác mà tất cả hay một số phần của đoạn đứt khúc còn vượt quá phạm vi 200 hải lý tính từ các thực thể mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Cuối cùng, nếu các đoạn đứt khúc trong bản đồ của Trung Quốc dùng để chỉ các khu vực mà Trung Quốc yêu sách cái-gọi-là "vùng nước lịch sử" hay "quyền lịch sử" đối với vùng nước thuộc đặc quyền của Trung Quốc, những yêu sách này không thuộc vào nhóm nhỏ các yêu sách lịch sử được ghi nhận trong Điều 10 và Điều 15 UNCLOS. Biển Đông là một biển nửa kín lớn với rất nhiều quốc gia ven biển có vùng EEZ và thềm lục địa phù hợp với các quy định của UNCLOS; luật biển không cho phép những vùng biển được hưởng một cách chính đáng này bị xâm phạm bởi các yêu sách vùng biển dựa trên căn cứ "lịch sử" của một quốc gia khác. Ngược lại, mục tiêu và thành quả lớn nhất của UNCLOS đó là đem lại sự minh bạch và thống nhất đối với các vùng biển mà quốc gia ven biển được hưởng. Thêm vào đó, nếu áp dụng các yêu cầu của bài kiểm tra pháp lý về vùng nước lịch sử, đường lưỡi bò không thỏa mãn được bất kỳ một yếu tố nào. Vì những lý do nói trên, trừ khi Trung Quốc tuyên bố rằng đường lưỡi bò chỉ phản ánh yêu sách chủ quyền đối với các đảo nằm bên trong đường lưỡi bò và các vùng biển tính từ các đảo đấy được thiết lập dựa trên luật biển quốc tế - như đã được ghi nhận trong UNCLOS, nếu không đường lười bò sẽ không phù hợp với luật biển quốc tế.

“Tam giác quyền lực - Một tập hợp lực lượng mới ở Châu Á” của Chen Xiangyang. Viễn cảnh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã xuất hiện các chiều hướng mới thể hiện trong 4 khía cạnh. Một là, chính sách “tái cân bằng” của Mỹ ở Châu Á đã không đạt được mục tiêu. Khởi động chiến lược này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đánh cược toàn bộ vốn chiến lược quốc tế của mình. Tuy nhiên, sự bất ổn gia tăng trên thế giới buộc Mỹ phải chạy từ điểm nóng này đến điểm nóng khác. Ông Obama và những đồng sự của ông không ít lần khẳng định quyết tâm thực thi chính sách này, cố gắng đưa ra cam kết đối với các đồng minh ở Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời ngăn chặn một Trung Quốc quyết đoán nhưng đã không đạt được bất cứ kết quả thực tế nào. Thứ hai, trong chính sách “sức mạnh thông minh” của mình, Mỹ đã tự làm khó cho họ. Tất cả ba sách lược đang sử dụng đều đã không thành công. Một là sách lược lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước. Mỹ đã ủng hộ Nhật Bản, Philippines và Việt Nam trong các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng việc làm này chỉ tạo ra nguy cơ đe dọa cho mình. Việc cho phép Tokyo tự do nghiêng về cánh hữu tất yếu sẽ đưa đến việc quân phiệt hóa Nhật Bản và việc nước này thoát khỏi sự kiểm soát của quốc tế. Sự bao che của Mỹ cho Nhật Bản và Philippines thách thức Trung Quốc đang dẫn đến việc là chính Mỹ bị thiệt hại từ các cuộc xung đột mà Mỹ bị cuốn hút vào. Sách lược thứ hai được gọi là “đi trên dây”. Mỹ đã cố gắng cân bằng cán cân sức mạnh của Trung Quốc với các đồng minh của mình ở Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng về cơ bản sự lớn mạnh của Trung Quốc đã không cho phép Mỹ đạt được mục tiêu đề ra. Bị kẹt giữa các lợi ích xung đột, Mỹ đã rơi vào tình trang khó khăn. Thậm chí Washington cũng không đơn giản cần bằng được giữa các đồng mình của chính mình, đó là Nhật Bản và Hàn Quốc. Sách lược thứ ba là “phát huy lợi thế và che giấu nhược điểm”. Mỹ đã cố gắng giành lợi thế càng nhiều càng tốt từ sức mạnh quân sự của mình, đồng thời tìm cách che giấu sự yếu kém của nền kinh tế. Ví dụ về điều này là ý tưởng thành lập TPP. Nhưng sức mạnh quân sự của Mỹ lại bị hạn chế bởi một ngân sách bị cắt giảm và bị phân tâm bởi các điểm nóng bùng phát ở các khu vực khác. Ngoài ra Washington cũng phải cảnh giác với “tác dụng phụ” của trò chơi phô diễn sức mạnh quân sự của mình. Và giấc mơ TTP vẫn chưa trở thành sự thật. Thứ ba, các diễn viên lớn khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng đang điều chỉnh chính sách của mình. Tại Nhật Bản chính quyền Abe đang không ngừng ngả về phía hữu và cố gắng trở thành ngọn cờ đầu trong những vấn đề chính trị và quân sự của Châu Á. Tại Ấn Độ, chính phủ mới của Thủ tướng Narendra Modi đã tỏ ra tích cực trên vũ đài quốc tế và thực tế về cải cách trong nước. Tại Indonesia, việc ông Joko Widodo được bầu làm Tổng thống vừa qua đã mang lại một bầu không khí mới cho Đông Nam Á. Nga đang ngày càng chú ý nhiều hơn đến khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong một nỗ lực nhằm bù đắp lại những mất mát do cuộc khủng hoảng Ucraina và căng thẳng quan hệ với phương Tây gây ra. Thứ tư, trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã hình thành một sự cân bằng tam giác quyền lực. Các lực lượng có ảnh hưởng chính trong khu vực, xếp theo thứ tự khả năng là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN và Nga. Mặc dù giữ vị trí số một, nhưng Mỹ chưa bao giờ giành sự quan tâm chính của mình cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Ngược lại, đối với Trung Quốc đây là khu vực trung tâm. Các nước trong khu vực hiện nay được phân chia làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất là liên minh Mỹ-Nhật. Nhóm thứ hai là hợp tác giữa Trung Quốc và Nga, đồng thời là đối tác và đối thủ của nhau. Nhóm nước thứ ba là Ấn Độ và ASEAN, đang giao động, lựa chiều giữa hai nhóm nước trên. Xét về xu hướng phát triển, “sức mạnh thống trị” của Mỹ và “sức mạnh sáng kiến” của Trung Quốc sẽ cùng tồn tại, nhưng với sự suy giảm của Mỹ và sự vươn lên của Trung Quốc.

“Cách thức Trung Quốc tìm cách chiếm Biển Đông làm của riêng” của Llewellyn King. Trong lịch sử, các nước đã tìm cách mở rộng lãnh thổ bằng cách hối lộ, lừa gạt, cưỡng ép và dùng vũ lực. Từ Hy Lạp cổ đại hùng mạnh đến Đế quốc Anh chỉ tìm cách thống trị các vùng biển, chẳng nước nào cố chiếm hữu biển hay đại dương làm của riêng. Nhưng nay Trung Quốc đang tích cực làm điều đó khi từng bước biến Biển Đông thành của riêng. Cụ thể Trung Quốc đang từng bước thiết lập quyền bá chủ trên Biển Đông, vùng biển quan trọng thuộc loại lớn nhất trên thế giới, mà một số quốc gia ven biển trong khu vực cũng yêu sách chủ quyền. Cơ chế chiếm hữu một trong những vùng biển lớn nhất thế giới này của Trung Quốc là việc kiểm soát ba quần đảo: Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa và Quần đảo Paratas (Đông Sa) cùng một số bãi ngầm nhỏ như Macclesfield và Scarborough. Giữa ba quần đảo này là khoảng 250 đảo nhỏ, đảo san hô, bãi ngầm, bãi cạn. Một số bị ngập vĩnh viễn, trong khi số khác là nửa nổi nửa chìm. Nếu Trung Quốc thành công trong việc yêu sách chủ quyền các thực thể này, họ có thể sử dụng nó làm bàn đạp mở rộng yêu sách ra các khu vực xung quanh. Đầu tiên, họ có thể yêu sách phạm vi lãnh hải 12 hải lý xung quanh mỗi hòn đảo/bãi san hô này và cũng có thể yêu sách tiếp một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ những cái gọi là đảo này. Trung Quốc có thể kết nối các điểm đó lại để chiếm lấy một khu vực rộng lớn của Biển Đông. Trung Quốc đang tiến hành cải tạo đất, mà thật ra là xây dựng đảo nhân tạo tại Quần đảo Trường Sa. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hoạt động cải tạo đất phục vụ mục đích hàng không và hàng hải. Các bên có tranh chấp khác trên Biển Đông chắc chắn không tin vào lời giải thích này, đặc biệt là Việt Nam. Còn Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc ngừng xây dựng đảo. Trung Quốc vừa âm thầm, vừa công khai về chiến lược của mình. Một mặt, nước này gia tăng hoạt động thương mại với các bên tranh chấp; và trong một số trường hợp họ tỏ ra hết sức hào phòng đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng của những nước tranh chấp, nhưng không phải trên Biển Đông. Mặt khác, trong những hành động khiêu khích trên biển, Trung Quốc rất cẩn trọng sử dụng lực lượng cảnh sát biển, chứ không phải lực lượng hải quân, để củng cố khả năng kiểm soát các quần đảo, và dần từng bước để thống trị toàn bộ những gì nhìn-có-vẻ-như-đất-liền trên Biển Đông. Chúng ta đang chứng kiến một kiểu chủ nghĩa đế quốc mới của Trung Quốc với hành động sáp nhập dần dần bất cứ điều gì nước này muốn; một cuộc xâm lược âm thầm, không hẳn đã là một cuộc chiến tranh nhưng là một cuộc chiến không ngừng nghỉ. Đây là cách làm của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á, Châu Phi và những nơi khác. Siết nhẹ nhàng và sau đó với sức mạnh lớn hơn, giống như kiểu quấn chết người của một con trăn. Các nước Đông Nam Á đang đẩy mạnh vũ trang, nhưng lực lượng hải quân của Trung Quốc lại phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, nước này có thừa nguồn tài chính và nhân lực để làm những gì họ muốn. Chính sách xoay trục Châu Á của Mỹ lại không thể trấn an các nước láng giềng của Trung Quốc. Liệu điều gì có thể ngăn cản được Bắc Kinh chiếm một số hòn đảo vô giá trị, và sau đó độc chiếm toàn bộ Biển Đông? Những quan niệm cổ xưa cho rằng đại dương là tài sản chung đang bị đe dọa khi con rồng Trung Quốc lầm lũi tiến đến.

“Trung Quốc cần quên khái niệm 'Châu Á của người châu Á” của Mixin Pei. Khẩu hiệu “Châu Á của người Châu Á” lần đầu tiên được nhắc đến trong phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị quốc tế hồi tháng 5. Trong đó, ông Tập phác họa tầm nhìn của nước này về một trật tự khu vực mới do người Châu Á tự chịu trách nhiệm. Theo ông Tập, về cơ bản, “người Châu Á sẽ tự điều hành, giải quyết các vấn đề và duy trì an ninh của khu vực Châu Á”. Thoạt nhìn, tầm nhìn này có vẻ hoàn toàn hợp lý. Mọi quốc gia đều muốn điều hành các vấn đề trong nước và khu vực mà không có sự can thiệp của bên ngoài. Nhưng tuyên bố của ông Tập cũng đánh dấu một sự chuyển hướng quan trọng trong suy nghĩ lâu nay của Trung Quốc về sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Kể từ khi hai nước tái thiết lập quan hệ cách đây 4 thập niên, Trung Quốc vẫn duy trì thái độ nhập nhằng có tính toán về vai trò của Mỹ trong khu vực. Giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng sự hiện diện của Mỹ sẽ giúp đối kháng Liên Xô (sau này là Nga), ngăn cản Nhật Bản tái vũ trang và bảo vệ các tuyến đường biển. Họ cũng công nhận rằng chưa đủ sức mạnh để thách thức trật tự hiện nay hoặc đề ra một cơ chế an ninh khác khả thi hơn. Tuy nhiên, điều này có thể đang thay đổi. Bằng chứng thuyết phục nhất cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng thay đổi trật tự hiện tại nằm ở lĩnh vực kinh tế. Đáng chú ý nhất, Trung Quốc đã bỏ ra hàng chục tỉ USD cho các thiết chế phát triển mới như Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á và Quỹ Con đường Tơ lụa mới. Đây quả là thách thức đối với các thể chế do phương Tây chi phối hiện nay. Về khía cạnh kinh tế là vậy nhưng về khía cạnh an ninh, mục tiêu đưa tầm nhìn “Châu Á của người Châu Á” đi vào hiện thực của Trung Quốc lại chưa có nhiều tiến triển, bắt nguồn từ thái độ cứng rắn của họ trong tranh chấp chủ quyền với các nước trong khu vực. Thật vậy, sau một thời gian dài với các động thái quân sự ngày càng mang tính cơ bắp ở các khu vực tranh chấp, quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản đã xuống mức thấp nhất từ trước tới nay trong khi các nước Đông Nam Á tỏ thái độ chào đón sự trở lại của Mỹ. Đằng sau khẩu hiệu “Châu Á của người Châu Á” có thể là niềm tin của một số nhà chiến lược ở Bắc Kinh rằng chính Mỹ, chứ không phải là cách hành xử của người Trung Quốc, đã khiến các quốc gia láng giềng của Trung Quốc bất tuân phục nước này. Nếu quan điểm này thắng thế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đi đến một kết luận tiềm ẩn nhiều rủi ro đó là sự hiện diện về an ninh của Mỹ ở Châu Á đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Trung Quốc và cần phải loại bỏ. Đây có thể sẽ là sai lầm chiến lược nghiêm trọng, dựa trên sự nhầm lẫn cơ bản về các nhân tố trong an ninh của Châu Á. Hầu hết các nước láng giềng của Trung Quốc, thậm chí cả Triều Tiên, đều e ngại một thế lực bá quyền trong khu vực và nguy cơ “Châu Á của người Châu Á” trở thành “Châu Á của người Trung Quốc”. Một lý do khác xuất phát từ lịch sử khiến “Châu Á của người Châu Á”, dù có là khẩu hiệu suông đi nữa, gây quan ngại. Trong những năm 1930, giới quân phiệt Nhật Bản đã dùng ý tưởng về “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á” để làm vỏ bọc cho tham vọng của họ. Khi đó, khẩu hiệu này đã bị nhạo báng ở khắp nơi, đặc biệt là ở Trung Quốc bởi sự lố bịch lộ liễu của nó. Vì thế, có thể hiểu tại sao khái niệm “Châu Á của người Châu Á” đã chịu đón nhận một thái độ lạnh nhạt của các bên trong thời gian qua. Có lẽ, các lãnh đạo Trung Quốc cần quên khái niệm này đi, một lần và mãi mãi.