Bản tin tuần Biển Đông (ngày 8 - 14/4/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Từ ngày 12 - 14/4, tàu khu trục Mỹ USS Momsen diễn tập với tàu hộ tống KRI Bung Tomo của Hải quân Indonesia tại Biển Đông. Chỉ huy tàu Momsen Erik Roberts cho hay đây là cơ hội lớn để hai bên tăng cường hiểu biết và khả năng phối hợp trên biển. Trước đó ngày 17/3, tàu USS Momsen có một số hoạt động diễn tập với hải quân Nhật Bản, Úc ở Biển Đông.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong điện đàm ngày 9/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh hai bên cần nỗ lực kiềm chế, giảm căng thẳng, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định mục tiêu an ninh và ổn định trong khu vực không thể đạt được nếu Philippines củng cố các liên minh quân sự. Hai bên cần tiếp tục mở rộng các hợp tác song phương khác dù vẫn tồn tại các tranh chấp trên biển.

Tuyên bố chung Đối thoại “2+2” Nhật - Phillippines ngày 9/4 cho hay “các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự dựa trên luật lệ, hướng tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và Hoa Đông, phản đối mạnh mẽ các hành động làm gia tăng căng thẳng; kêu gọi các bên sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông phù hợp với UNCLOS.” Đây là đối thoại cấp Bộ trưởng “2+2” đầu tiên giữa hai nước.

Tuyên bố chung Đối thoại “2+2” Mỹ - Ấn ngày 11/4 tại Washington, D.C. nhấn mạnh, “các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở trong đó chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia được tôn trọng, không cưỡng ép về quân sự, kinh tế, chính trị, tự do hàng hải và hàng không được đảm bảo, giải quyết hòa bình tranh chấp và tôn trọng luật pháp. Mỹ - Ấn hoan nghênh những kết quả trong nghị trình của Quad những năm qua; cam kết thúc đẩy Quad trở thành lực lượng duy trì ổn định khu vực”.

Tại cuộc họp của Ủy ban Liên kết Philippines - Indonesia về Hợp tác song phương (JCBC) ngày 11-12/4, hai bên thảo luận kế hoạch hành động với các ưu tiên và lĩnh vực hợp tác trong 5 năm tới. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết hai bên coi thỏa thuận phân định biên giới biển năm 2014 là một điểm nhấn cho quan hệ hữu nghị tốt đẹp và đang chuẩn bị các cuộc hội đàm về phân định thềm lục địa hai nước.

Trong cuộc gặp ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly khẳng định quan hệ hai nước phát triển thực chất. Về Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết tranh chấp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới xây dựng COC hiệu quả; đảm bảo tự do, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc bà Joly chọn Việt Nam là một trong hai nước châu Á đầu tiên thăm trên cương vị Ngoại trưởng.

Trong cuộc hội đàm ngày 13/4 tại Hawaii, Tư lệnh INDOPACOM Đô đốc Aquilino và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thảo luận kế hoạch thúc đẩy quan hệ quốc phòng phù hợp với những mục tiêu đưa ra tại Đối thoại “2+2” ngày 11/4. Hai bên nhất trí chia sẻ thông tin, thúc đẩy hợp tác biển; tái khẳng định tầm quan trọng của hoạt động diễn tập song phương và đa phương.

Trong cuộc điện đàm ngày 14/4, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị khẳng định cần tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao để củng cố sự tin cậy, đẩy mạnh hợp tác thực chất trên các lĩnh vực. Về vấn đề biển, hai nước nhất trí kiểm soát và xử lý bất đồng trên tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt - Trung và luật pháp quốc tế, cùng ASEAN đạt tiến triển về COC ở Biển Đông.

Ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Indonesia thông báo Quy định của Tổng thống số 41 về Kế hoạch phân vùng cho Biển Natuna. Quy định mới gồm 2 chính sách: (i) quản lý khu vực phòng thủ hiệu quả, thân thiện môi trường; (ii) cải thiện cơ sở hạ tầng, vật chất phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, với 4 chiến lược: (i) tăng cường hiệu quả hoạt động trong khu vực phòng thủ tính đến việc sử dụng không gian; (ii) kiểm soát tác động môi trường trong các khu vực huấn luyện quân sự; (iii) đẩy mạnh tính năng động quốc phòng và an ninh; (iv) nâng cao năng lực và tầm quản lý quốc phòng, an ninh trên các vùng biển. Quy định mới là một phần trong nỗ lực duy trì chủ quyền của Indonesia trên Biển Đông.

Từ ngày 14-15/4, phái đoàn Thượng viện Mỹ, gồm 5 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa và 1 Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, đến thăm và trao đổi với “chính quyền Đài Loan”. Các Nghị sĩ Mỹ nhấn mạnh chuyến thăm của phái đoàn cấp cao lưỡng đảng là minh chứng cho tầm quan trọng của Đài Loan với Mỹ. Mỹ "không muốn xảy ra xung đột nhưng sẵn sàng chiến đấu vì các giá trị của mình. Trung Quốc cần có lựa chọn khôn ngoan trong vấn đề Đài Loan”.

Trong cuộc gặp ngày 17/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III và người đồng cấp Lorenzana khẳng định quan hệ đồng minh bền chặt và tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Bộ trưởng Austin nhấn mạnh cam kết của Mỹ với an ninh Philippines là không lay chuyển. Hiệp ước Phòng thủ tương hỗ áp dụng cho lực lượng vũ trang, tàu công và máy bay của Philippines ở Biển Đông.

Góc nhìn quốc tế

Nhân kỷ niệm 40 năm ra đời UNCLOS năm 1982, GS. Carl Thayer, Úc ngày 7/4 bình luận: (i) UNCLOS cung cấp một cơ chế hiệu quả để giải quyết hòa bình các tranh chấp biển giữa các nước thành viên; (ii) sau khi UNCLOS có hiệu lực, một số quốc gia ven biển áp dụng cách diễn giải khác nhau về tự do hàng hải trong EEZ. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu đối với các bên ký kết UNCLOS là đạt được các tiêu chuẩn thống nhất; (iii) Mỹ tiến hành FONOP để thách thức những yêu sách quá mức và những biện pháp hạn chế qua lại các quốc gia ven biển. Nhưng do chưa phê chuẩn UNCLOS, Mỹ không thể tham gia các thủ tục pháp lý liên quan. Ví dụ, yêu cầu của Mỹ được tham gia với tư cách quan sát viên trong vụ kiện Philippines bị khước từ; (iv) Việc Trung Quốc đệ trình bản đồ "Đường 9 đoạn" lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa năm 2009 là nguyên nhân chính gây căng thẳng trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang phá hoại nghiêm trọng UNCLOS với tư cách là "Hiến pháp của đại dương".

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn