Bản tin tuần Biển Đông (ngày 7.10-13.10.2023)

Tin tức nổi bật

  • PLAN diễn tập tấn công ở Biển Đông, tàu khu trục tên lửa Yan'an và Hefei tham gia
  • Trung Quốc bác yêu sách Philippines ở Bãi Cỏ Mây, tuyên bố Phán quyết 2016 vô hiệu
  • Philippines - Úc thảo luận khả năng tuần tra chung ở Biển Đông
  • Philippines bác thông tin tàu Trung Quốc xua đuổi tàu chiến Philippines ở Bãi Scarborough
  • BTQP Anh thăm Philippines thể hiện sự ủng hộ và bàn thảo hợp tác an ninh biển
  • Máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ tiếp tục bay qua Eo biển Đài Loan

+ Thực địa:

Ngày 12/10, Hạm đội 7 của Mỹ cho biết máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ đã bay qua không phận quốc tế trên eo biển Đài Loan. Hành động này phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền lợi và tự do hàng hải của các quốc gia đồng thời thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Tờ “Globaltimes” ngày 9/10 cho hay Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) gần đây tổ chức tập trận trên một số khu vực ở Biển Đông, với nội dung tấn công và phòng thủ phối hợp trong điều kiện tác chiến. Tham gia tập trận có tàu khu trục tên lửa Yan'an và tàu khu trục tên lửa Hefei, một tàu ngầm thông thường và một trực thăng chống ngầm Z-9. Cuộc tập trận diễn ra trong nhiều ngày và đội tàu hoàn thành các khoa mục huấn luyện như tác chiến chống ngầm, bắn đạn thật cũng như cất cánh và hạ cánh của trực thăng trên tàu.

Từ ngày 9 - 10/10, Hàn - Mỹ - Nhật tập trận chung tại vùng biển phía Đông Nam đảo JeJu. Hàn Quốc huy động tàu khu trục ROKS Yulgok Yi, Mỹ điều tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu khu trục USS Shoup trong khi Nhật Bản triển khai tàu trực thăng JS Hyuga cùng các tàu chiến khác tham gia. Thông cáo Hải quân Hàn Quốc cho biết, “Cuộc tập trận nâng cao khả năng răn đe và phản ứng của ba nước trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang gia tăng gần đây của Triều Tiên, đồng thời tập trung cải thiện khả năng phối hợp ba bên để ứng phó với các mối đe dọa an ninh biển và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 7/10, Người phát ngôn Lực lượng Vũ trang Philippines Đại tá Medel Aguilar tuyên bố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Bãi Cỏ Mây là vô giá trị. Lực lượng AFP quyết tâm cao trong việc bảo vệ lợi ích của đất nước. Theo ông Aguilar, các nhiệm vụ tiếp tế ở khu vực này đang trở nên “thường xuyên hơn” để đáp ứng nhu cầu tiếp tế và luân phiên quân tới Bãi Cỏ Mây. Tuy nhiên tàu hải cảnh và dân binh biển tiếp tục các nỗ lực ngăn cản, quấy nhiễu những hoạt động này của Philippines.

Ngày 9/10, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết Philippines và Úc đang thảo luận khả năng tuần tra chung ở Biển Đông. Phát biểu trước Viện Quan hệ Quốc tế Úc tại Đại học Adelaide, ông Manalo cho biết tuần tra chung là bước phát triển mới trong quan hệ song phương gần đây, “hai nước củng cố cam kết bảo vệ trật tự biển dựa trên UNCLOS và đảm bảo an toàn và an ninh biển, tự do hàng hải và hàng không”. Ngoại trưởng Manalo cảm ơn Úc đã ủng hộ Phán quyết năm 2016 và nhấn mạnh Úc là đối tác lớn thứ hai trong hợp tác quốc phòng và an ninh.

Ngày 9/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố, “Gần đây Philippines đã nhiều loạt động thái tại Bãi Cỏ Mây, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Tôi muốn nhắc lại Bãi Cỏ Mây là lãnh thổ của Trung Quốc từ xa xưa, một phần không thể thiếu của Quần đảo Trường Sa về mặt địa lý, kinh tế, chính trị và lịch sử. Philippines hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để yêu sách chủ quyền đối với Bãi Cỏ Mây với lập luận do nằm gần với lãnh thổ Philippines. Phán quyết của Tòa Trọng tài là không có hiệu lực. Vụ kiện Trọng tài do Philippines khởi xướng liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ và phân định biển, không thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS”.

Chiều 9/10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp phái đoàn thượng nghị sĩ Mỹ do lãnh đạo Đảng Dân chủ Chuck Schumer dẫn đầu. Ông Tập Cận Bình đánh giá: (1) quan hệ Trung-Mỹ là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, (2) Sự hòa hợp giữa Trung Quốc và Mỹ quyết định tương lai và vận mệnh của nhân loại, (3) Trung Quốc và Mỹ có thể hưởng lợi từ sự phát triển của nhau, (4) cơ quan lập pháp hai nước sẽ cần thúc đẩy đối thoại, trao đổi hơn. Phái đoàn Mỹ cho rằng: (1) Sự phát triển và thịnh vượng của Trung Quốc có lợi cho người dân Mỹ, (2) Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, (3) Mỹ  mong muốn tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư song phương cũng như tăng cường hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, chống buôn bán ma túy và giải quyết xung đột khu vực.

Ngày 10/10, Tuyên bố chung Đối thoại Ngoại trưởng Úc - Philippines lần thứ 6 “khẳng định tầm quan trọng của an toàn và an ninh biển, tự do hàng hải, hàng không cũng như các hoạt động sử dụng hợp pháp đại dương phù hợp với UNCLOS; phản đối mạnh mẽ hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép, như các hành động áp sát không an toàn trên biển và trên không, cũng như việc sử dụng nguy hiểm lực lượng hải cảnh và dân binh biển; nhấn mạnh Phán quyết Trọng tài năm 2016 là chung thẩm và mang tính ràng buộc. Hai bên cam kết tăng cường hợp tác song phương thông qua đối thoại và hợp tác, bao gồm việc hỗ trợ xây dựng năng lực”.

Ngày 10/10, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Tướng Romeo Brawner bác bỏ thông tin tàu Trung Quốc xua đuổi tàu chiến Philippines ở Bãi cạn Scarborough, “Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã có mặt ở đó và thách thức. Nhưng tàu hải quân vẫn tiếp tục hành trình và không bị xua đuổi. Con tàu đang thực hiện nhiệm vụ: tuần tra biển. Theo quan điểm của chúng tôi, đó là hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc". Trước đó, người phát ngôn hải cảnh Trung Quốc Gan Yu cho biết đã áp dụng "các biện pháp cần thiết" để xua đuổi tàu chiến Philippines khỏi khu vực Bãi cạn Scarborough sau khi tàu này phớt lờ các cảnh báo từ phía Trung Quốc.

Ngày 12/10, Bộ trưởng Quốc phòng Anh bà Annabel Goldie cho biết Anh muốn Philippines “cảm thấy được hỗ trợ” ở thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở Bãi Cỏ Mây, “Khi một sai trái xảy ra, điều quan trọng là mọi người không cảm thấy bị cô lập. Đó là một phần trong chuyến thăm của tôi tới đây”. Bà Goldie cho biết Anh và Philippines chia sẻ "các giá trị chung và hai nước phối hợp cùng bảo vệ luật pháp quốc tế, mong muốn UNCLOS được tôn trọng và thực thi.” Hai bên đang thảo luận khả năng hợp tác giúp tăng cường năng lực cho Philippines. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Anh tới Philippines trong nhiều năm qua.

Tàu hải quân Hoàng gia Úc thăm hữu nghị Việt Nam. Sáng 12/10, tàu HMAS Toowoomba với thủy thủ đoàn gồm 200 người đã cập bến cảng quốc tế TP Hồ Chí Minh, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị Việt Nam trong 6 ngày. Chuyến thăm nằm trong khuôn khổ chương trình hoạt động hợp tác khu vực Nỗ lực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Úc, góp phần tăng cường hơn nữa hợp tác giữa lực lượng Hải quân hai nước và quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Úc. Chuẩn tướngTony Mc Cormack và thủy thủ đoàn sẽ gặp gỡ, giao lưu với các sỹ quan và chiến sỹ của Hải quân nhân dân Việt Nam; thực hiện một số hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn trong các lĩnh vực như công tác quân y trên tàu Hải quân và cứu hộ cứu nạn. 

Tại cuộc họp Ủy ban Biên giới chung Malaysia-Indonesia lần thứ 43 ở Jakarta ngày 12/10, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto và người đồng cấp Malaysia Da'to Seri Utama Haji Mohamad bin Haji Hasan cam kết giải quyết triệt để vấn đề tranh chấp biên giới giữa hai nước. Hai bên bảy tỏ lạc quan rằng các cuộc đàm phán liên quan đến tranh chấp biên giới có thể sớm được hoàn tất trêntinh thần thân thiện, láng giềng gần gũi. Đây là nội dung thống nhất trong cuộc gặp của Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tháng 6/2023.

Góc nhìn quốc tế

Ngày 09/10 trên “RSIS”, học giả Gilang Kembala bình luận ASEAN trong năm chủ tịch của Indonesia có những dấu ấn đáng chú ý như: (i) lần đầu tiên công bố Tầm nhìn Biển ASEAN (AMO) vào tháng 8/2023; (ii) tập trận hải quân đa phương ASEAN (AMNEX) lần thứ 2 vào tháng 5/2023; (iii) lần đầu tiên tổ chức Tập trận Đoàn kết ASEAN 2023 (ASEX) vào tháng 9/2023. Tuy nhiên, tiến triển chậm của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp với Trung Quốc khiến các quốc gia thành viên dường như theo đuổi cách thức riêng:  Philippines xem xét đệ đơn kiện Trung Quốc lần thứ hai với cáo buộc Trung Quốc phá hủy môi trường ở Biển Đông; Việt Nam thúc đẩy hợp tác với nhiều đối tác để cải thiện năng lực như nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ, ký MOU với Canada về hợp tác quốc phòng…Theo ông Kembala, thách thức hiện nay là cần đảm bảo những nỗ lực đơn phương của các nước ở Biển Đông phát huy hiệu quả nhưng không cản trở tiến trình gắn kết của ASEAN và không làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

Trên báo “Hoàn cầu” ngày 11/10, học giả DingDuo (Viện nghiên cứu Nam Hải) cho rằng: (i) Philippines yêu sách chủ quyền đối với Bãi cạn Scarborough vượt ngoài phạm vi lãnh thổ của quốc gia là vi phạm luật quốc tế, cụ thể Hiến chương Liên hợp quốc, nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế và trật tự quốc tế về quan hệ lãnh thổ; (ii) Trước năm 1997, Philippines không đưa ra yêu sách chủ quyền đối với Bãi cạn Scarborough; vài lần khẳng định khu vực này không thuộc phạm vi chủ quyền tài phán của Philippines. Năm 1990, Đại sứ Philippines tại Đức cho rằng “theo Bộ Bản đồ quốc gia và Tài nguyên, Bãi cạn Scarborough không thuộc phạm bi chủ quyền lãnh thổ của Philippines”. Năm 1994, Bộ Bản đồ quốc gia và Tài nguyên Philippines tái khẳng định lập trường này; (iii) Năm 1997, Philippines thay đổi lập trường và cho rằng Bãi cạn Scarborough “gần kề” Philippnes và nằm trong phạm vi 200 hải lý EEZ, vậy nên được coi là lãnh thổ của Philippines. Tuy nhiên luật pháp quốc tế không tồn tại quy tắc thụ đắc lãnh thổ dựa vào đặc điểm “gần kề”; (iv) Lập luận của Philippines thực tế thiếu tính nhất quán và tính liên tục.

Trên “ORF” ngày 9/10, GS. Harsh V. Pant bình luận về thành công của Ấn Độ trong năm chủ tịch G20 năm 2023. Chúng ta đã quen thuộc với việc Ấn Độ hoạt động phần nào kém hiệu quả, đến mức khi hoạt động tốt hơn, chính Ấn Độ phải mất một thời gian để làm quen điều này. G20 đã cho Thủ tướng Modi và Ấn Độ một thời điểm thích hợp để “thoát kén”, trở thành một cường quốc mới nổi. G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh giữa các cường quốc nổi lên, những điểm yếu của các thể chế đa phương hiện tại trở nên rõ ràng cũng như chiến tranh Ukraine… tác động vào việc xây dựng chương trình nghị sự toàn cầu. Tình trạng  rối loạn và thiếu vắng chủ thể lãnh đạo đang khá rõ ràng. Với vai trò chủ tịch G20 năm nay, Ấn Độ đã hành động mạnh mẽ để lấp đầy khoảng trống. Nhận thức được sự phân cực địa chính trị gay gắt, Ấn Độ xây dựng chương trình nghị sự phát triển toàn cầu thông qua lăng kính của các nước phương Nam (Global South). Ấn Độ tìm cách đưa ra chương trình nghị sự quản trị toàn cầu của riêng mình bằng cách: tập trung hơn vào mối liên hệ giữa xung đột và chương trình nghị sự phát triển; nhấn mạnh những trở ngại trong việc đạt được SDG (Mục tiêu phát triển bền vững); IMEC;...; nhấn mạnh gánh nặng nợ nần đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình; và đặt Global South vào trung tâm của các sáng kiến ​​quản trị toàn cầu của mình. Bản tuyên bố của New Delhi đạt được 100% đồng thuận về các vấn đề phát triển và địa chính trị, kể cả về những vấn đề như chiến tranh Ukraine. Ấn Độ đã đạt được thành tích đáng chú ý khi căng thẳng giữa các cường quốc tăng cao, nhưng chính tiến trình G20 trong vài tháng qua cũng cho phép Ấn Độ tái khám phá tiềm năng của mình với tư cách là một đối tác đối thoại toàn cầu. Với khả năng lãnh đạo kết hợp sự khéo léo, Ấn Độ đã tạo được ấn tượng riêng biệt đối với G20, khiến G20 trở thành một cơ chế năng động hơn và góp phần nâng cao uy tín của Ấn Độ.

Bình luận của Viện Biển Đông

Về hoạt động của người phát ngôn cục hải cảnh Trung Quốc thời gian gần đây. Ngày 5/10, Người Phát ngôn Cục Hải cảnh Trung Quốc Can Vũ lên tiếng cho biết: ngày 4/10 2 tàu tiếp tế và 2 tàu Cảnh sát biển Philippines “tự ý” đi vào vùng biển lân cận bãi Nhân Ái (bãi Cỏ Mây) của quần đảo “Nam Sa” (Trường Sa của Việt Nam) khi chưa được sự cho phép của Chính phủ Trung Quốc. Kể từ sự việc đầu tiên của chuỗi sự kiện gần đây khi tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Philippines ngày 5/8/2023, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã liên tục ngăn chặn tàu Philippines tiếp tế tại bãi Cỏ Mây và Người Phát ngôn của lực lượng này cũng ngay lập tức lên tiếng sau các sự việc. Đến nay, Cục Hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng 5 lần phát biểu trả lời báo chí về hoạt động của Philippines tại bãi Cỏ Mây trong các ngày 6/8; 7/8; 22/8; 8/9; 4/10 và 1 lần vào ngày 27/9 khi tàu Philippines tiến hành cắt dây chắn của Trung Quốc tại bãi cạn Scaborough. Đây là điều đáng chú ý khi Hải cảnh trực thuộc lực lượng Cảnh sát Vũ trang và hoạt động dưới sự quản lý của Quân ủy trung ương Trung Quốc. Việc lên tiếng sớm hơn Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng cũng thể hiện tính tự chủ trong phát ngôn và hành động của lực lượng này. Đồng thời cũng cho thấy sự phân cấp phân quyền rõ ràng khi lực lượng Hải cảnh là cơ quan xử lý và phát ngôn đối với các sự việc dân sự phát sinh trên biển của Trung Quốc. Trong thời gian tới, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc sẽ có các hoạt động cứng rắn hơn đối với hoạt động của các nước trong khu vực Biển Đông: (i) Lực lượng của Mỹ sẽ phải thận trọng hơn trong việc triển khai hợp tác tuần tra chung với Philippines do hoạt động cứng rắn và tính chất khó lường của Hải cảnh Trung Quốc; (ii) Hoạt động tự do hàng hải của Mỹ tại khu vực sẽ gặp nhiều cản trở hơn từ lực lượng Hải cảnh Trung Quốc; (iii) Hoạt động tập trận trung tại Biển Đông có sự tham dự của nhiều quốc gia thân Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ an ninh bảo mật khi đối mặt với sự giám sát của Hải cảnh Trung Quốc thường xuyên di chuyển trong toàn bộ khu vực./.

Bản PDF tại đây