Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Cục Hải sự Quỳnh Châu ngày 7/5 ra thông báo hàng hải số 0032 về việc Trung Quốc tập trận tại Biển Đông từ 8.00-18.00 từ ngày 8-15/5. Hoạt động quân sự diễn ra trong vùng biển giới hạn bởi các tọa độ 18-55.00N/110-31.92E, 18-55.00N/110-35.50E, 18-46.58N/110-31.92E, 18-46.55N/110-35.50E. Tàu thuyền bị nghiêm cấm đi vào khu vực này.

“Mạng Quan sát” Trung Quốc ngày 7/5 cho biết Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng một sân bay bỏ hoang tại Kiribatt, một quốc gia nhỏ nhưng có vùng EEZ rộng lớn bao trùm 3,5 triệu km2 tại Thái Bình Dương. Kiribatt đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập với Trung Quốc năm 2019.

Nhật Bản ngày 7/5 cung cấp các thiết bị cứu sinh của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) cho Lực lượng Vũ trang Philippines (PAF) thông qua chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Theo các chuyên gia, động thái trên nhằm tăng cường quan hệ Nhật-Philippines trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trung Quốc và Indonesia ngày 8/5 tổ chức tập trận chung trên biển gần Jakarta. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cuộc tập trận là một phần trong kế hoạch huấn luyện hàng năm của Hải quân PLA. 

Lực lượng đặc nhiệm của Philippines phụ trách Biển Đông (NTF) cho biết trong lần tuần tra ngày 9/5, khoảng 287 tàu Trung Quốc hiện diện ở khu vực, tăng gần 100 tàu so với hồi tháng 3/2021. Theo NTF, các sự việc này được đệ trình lên các cơ quan liên quan để có các hành động ngoại giao. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 12/5 cho biết Manila đang xem xét liệu có động thái phản đối hay không.

Ngày 11/5, Viện Hàn lâm KHVN Việt Nam và Viện hàn lâm Khoa học Nga (RAS) thực hiện chuyến khảo sát khoa học lần thứ 7, kéo dài 1 tháng tại Biển Đông. Hoạt động trên nhằm triển khai kế hoạch hợp tác nghiên cứu biển giai đoạn 2018-2025 giữa hai nước. Hoạt động khảo sát lần thứ 6 diễn ra trong 14 ngày vào tháng 7/2018.

Tờ Japan Times ngày 11/5 cho hay lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (GSDF) sẽ diễn tập chung với quân đội Mỹ và Pháp trên đảo Kyushu, một đảo lớn của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Ngoài Pháp lần đầu tham gia, Úc cũng đưa một chiến hạm tới tham dự diễn tập trên biển. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, “ARC21 diễn ra trong bối cảnh Tokyo tìm cách tăng cường hợp tác với các nước cùng chí hướng”.

Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ngày 12/5 bắt đầu sản xuất tại mỏ khí nước sâu Liuhua 29 2 nằm ở phía Đông của Biển Đông. Đây là mỏ khí đốt nằm cách Hồng Kông 300km về phía Đông Nam ở độ sâu khoảng 750m. CNOOC đặt nhiều kỳ vọng mỏ khí đốt Liuhua 29-2 sẽ đạt sản lượng cao nhất khoảng 41 triệu feet khối khí tự nhiên mỗi ngày ngay trong năm nay. 

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 7/5, phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến của Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định hợp tác đa phương có ý nghĩa then chốt trong bối cảnh hiện nay; cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tuân thủ Hiến chương LHQ, xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp; phản đối chính trị cường quyền, cưỡng ép, sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết vấn đề khu vực và quốc tế.

Ngày 8/5, Thủ tướng Ấn Độ Shri Narendra Modi tham dự Hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên EU cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu. Đây là lần đầu tiên EU tổ chức cuộc họp với Ấn Độ theo thể thức EU + 27. Các nhà lãnh đạo nhất trí lợi ích tương đồng ngày càng tăng giữa hai bên trong các vấn đề khu vực và toàn cầu ; nhấn mạnh tầm quan trọng của một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, bao trùm và dựa trên luật lệ; cam kết tham gia chặt chẽ vào khu vực, trong bối cảnh EU đưa ra chiến lược mới về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo ngày 9/5 phản đối tuyên bố của Tổng thống Duterte rằng Phán quyết Biển Đông chỉ là "giấy lộn". Bà Robredo cho biết không muốn thảo luận các vấn đề chính trị để đảm bảo tính đoàn kết trong việc ứng phó đại dịch Covid-19. Tuy nhiên sau phát ngôn đêm 5/5 của ông Duterte, Phó Tổng thống Robredo cho biết phải lên tiếng phản ứng vì tuyên bố này là sai trái. Bà không thể bỏ qua những hành động “thân Trung Quốc” của Tổng thống.

Ngày 10/5, Đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh Li Jiming cho hay Bangladesh không nên tham gia QUAD do Mỹ dẫn đầu bởi điều này “tổn hại rất nhiều” tới quan hệ hai nước. Theo ông Li, QUAD là một liên minh quân sự chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc và là một nhóm địa chính trị “có mục đích hẹp”. Ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã gặp Tổng thông Abdul Hamid nhất trí thúc đẩy hợp tác quân sự song phương, thiết lập một liên minh quân sự ở Nam Á.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 10/5 cho hay Biển Đông chỉ là một vấn đề trong tổng thể quan hệ Philippines và Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông chỉ xuất hiện vài chục năm, nhưng quan hệ hữu nghị Trung Quốc và Philippines đã kéo dài hàng nghìn năm. Giữa Trung Quốc và Philippines có nhận thức chung rằng cần phải thông qua đối thoại và đàm phán giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông. Trung Quốc và các nước ASEAN cũng có những nhận thức chung như vậy để cùng duy trì hòa bình ổn định tại Biển Đông.

Ngày 10/5, các Thượng nghị sĩ Philippines chỉ trích Tổng thống Duterte có phát ngôn gây bối rối về chính sách và chủ quyền quốc gia. Ông Duterte ngày 10/5 thừa nhận tuyên bố lái mô tô nước gắn quốc kỳ Philippines tới Bãi cạn Scarborough và cắm cờ Philippines năm 2016 là "câu đùa đơn thuần khi vận động tranh cử", những người tin vào điều đó là "ngu ngốc". Phát biểu này của Duterte bị các thượng nghị sĩ Philippines kịch liệt chỉ trích. Trước đó, Tờ South China Morning Post ngày 7/5 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận với Trung Quốc ở Biển Đông là một vấn đề lớn trong cuộc bầu cử ở Philippines vào tháng 5/2022.

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Cirilito Sobejana ngày 10/5 cho biết quân đội nước này sẽ đề nghị Tổng thống Rodrigo Duterte xây dựng thêm cơ sở hậu cần trên đảo Thị Tứ. Quân đội Philippines cũng có kế hoạch lắp camera độ phân giải cao, có khả năng ghi hình vào ban đêm để quan sát hoạt động trong khu vực. Theo ông Sobejana, mục tiêu của quân đội Philippines là xua đuổi lực lượng dân quân biển của Trung Quốc khỏi vùng EEZ của Philippines.

Trong cuộc họp báo ngày 11/5, Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines ông Harry Roque tuyên bố đá Ba Đầu nằm ngoài EEZ nhưng vẫn được Philippines yêu sách chủ quyền thông qua một sắc lệnh của Tổng thống Marcos. Theo ông Roque, những người chỉ trích đã làm lớn vụ việc tàu Trung Quốc hiện diện ở Ba Đầu. Mặc dù tuyên bố không nhất quán với Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, ông Roque phủ nhận việc làm suy yếu yêu sách của Philippines với Đá Ba Đầu.  

Ngày 13/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phản đối Trung Quốc tiếp tục điều tàu đến Đá Ba Đầu (tổng cộng 300 chiếc). Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 13/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phản đối việc việc Nhật Bản, Mỹ, Pháp và Úc thường hành động nhằm vào Trung Quốc; khẳng định cuộc tập trận gần đây giữa bốn nước sẽ không ảnh hưởng tới Trung Quốc. Theo bà Hoa, bốn nước trên từng có hành động gây hấn trong lịch sử, cần dùng sức mạnh đóng góp cho hòa bình và phát triển thế giới và khu vực, thay vì có hành động quân sự nhằm vào Trung Quốc.

Góc nhìn quốc tế

Ngày 3/5, Học giả Derek Grossman (RAND) đánh giá Philippines đang thắt chặt hợp tác an ninh với Mỹ nhằm đối phó hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Duterte dù tuyên bố là người bạn tốt của Trung Quốc nhưng không thể làm ngơ trước những yêu sách ngang ngược của Trung Quốc. Tuyên bố của Ngoại trưởng Locsin ngày 11/11/2020, cùng việc hai bên tiếp tục đàm phán về Thỏa thuận VFA cho thấy Phiippines đang xích lại gần với đồng minh lâu năm. Điều này rất quan trọng với Mỹ trong triển khai chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trên tờ SCMP ngày 9/5, học giả Trần Mẫn Lê cho rằng tàu tấn công đổ bộ Hải Nam Type 075 mới biên chế của Trung Quốc có thế hoạt động như một tàu sân bay cỡ nhỏ. Tàu Hải Nam số hiệu có hai chữ số (31) là ngang với tàu sân bay của nước này. Con tàu này sẽ đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển hải quân biển xa của Trung Quốc. 

Ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải, ngày 9/5 đánh giá về hợp tác Biển Đông: (i) các nước trong tranh chấp có thể thông qua song phương hoặc đa phương đàm phán xây dựng cơ chế quản lý nguy cơ, ngăn ngừa xung đột trên biển do những nguyên nhân như kiểm soát đảo và vùng biển tài phán, khai thác tài nguyên, (ii) tất cả quốc gia xung quanh Biển Đông có thể triển khai quản trị biển cấp khu vực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, duy trì tài nguyên biển, cứu hộ trên biển. Hợp tác tại Biển Đông hiện có đặc điểm như “song phương nhiều hơn đa phương, lĩnh vực truyền thống nhiều hơn phi truyền thống, nhiều sáng kiến nhưng ít thực chất”. Theo ông Ngô, ba lĩnh vực có thể tiếp cận và thúc đẩy gồm: (i) xây dựng cơ chế hợp tác kinh tế biển với nội dung chính gồm kết nối hàng hải và chia sẻ tài nguyên du lịch, (ii) xây dựng Công ước bảo vệ môi trường tại Biển Đông, (iii) ưu tiên chương trình nghị sự về thành lập cơ chế cứu hộ nhân đạo để duy trì an ninh tại Biển Đông 

Học giả Trung Quốc Trịnh Vĩnh Niên ngày 11/5 đánh giá quan hệ Trung - Mỹ hiện nay đã bước vào thời kỳ cạnh tranh toàn diện. Trung Quốc cần có đánh giá và dự báo chính xác về quan hệ cạnh tranh và hợp tác giữa hai nước, cũng như những thách thức sẽ phải đối mặt, thông qua kiên trì mở cửa và tập trung xây dựng luật chơi để ứng phó hiệu quả với những thách thức này. Bên cạnh đó, Mỹ đang bước vào thời kỳ “tư duy hậu Kissinger” với mục tiêu ngăn Trung Quốc trở thành cường quốc biển.

Ngày 12/5, nghiên cứu sinh Nguyễn Khắc Giang (ĐH Victoria, Wellington) đánh giá Việt Nam có quan hệ truyền thống với Lào, tuy nhiên đối mặt với nhiều cạnh tranh từ Trung Quốc, đặc biệt về đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam nhiều thuận lợi để củng cố quan hệ với Lào: (i) quan hệ truyền thống giữa hai bên hơn 40 năm, mối liên hệ về an ninh, kinh tế, văn hóa; (ii) Lào có lợi ích chiến lược trong duy trì quan hệ với Việt Nam, thông qua Việt Nam để kết nối thông thương biển. Trong khi đó, ảnh hưởng từ Trung Quốc đưa đến gánh nặng tài chính, dễ bị Bắc Kinh thao túng, Điều quan trọng là Lào cần cân bằng quan hệ với hai nước láng giềng.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn