Bản tin tuần Biển Đông (ngày 4/3 - 10/3/2023)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 4/3, Philippines cho biết hơn 40 tàu Trung Quốc xuất hiện ở khu vực Thị Tứ, Trường Sa, bao gồm 1 tàu hải quân, 1 tàu hải cảnh 5201 và 42 tàu dân binh biển. Theo tuần duyên Philippines, các tàu này thả neo ở khoảng cách Thị Tứ khoảng 4,5 tới 8 hải lý. Philippines hiện đang kiểm soát Thị Tứ với khoảng 400 cư dân, binh sĩ đồn trú.

Máy bay của lực lượng tuần duyên Philippines ngày 9/3 chở các phóng viên quốc tế bay ở Trường Sa bị tàu hải giám Trung Quốc phát cảnh báo qua sóng radio, yêu cầu rời khỏi ‘lãnh thổ Trung Quốc’ ngay lập tức. Phi công Philippines đáp lại đang lưu thông ở khu vực của Philippines. Trong chuyến bay kéo dài 4 giờ, tuần duyên Philippines cũng nhận diện gần 20 tàu Trung Quốc, bao gồm tàu dân binh, hiện diện gần các thực thể nước này kiểm soát.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Phát biểu tại Diễn đàn vì tự do kinh tế tại Manila ngày 6/3, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique Manalo Philippines cho biết, “Philippines rất quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines. Bất chấp các cam kết về nguyên tắc luật pháp theo UNCLOS và quy định của DOC, các bên tiếp tục vi phạm quyền tài phán được công nhận của Philippines” Theo ông Manalo, Philippines sẽ bảo vệ các quyền hợp pháp bằng biện pháp ngoại giao, chấp pháp, và các thỏa thuận an ninh.

Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN-Ấn Độ (AISOM) ngày 7/3 tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực cùng quan tâm, như hàng hải, chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng…; khẳng định cam kết trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực; ghi nhận tầm quan trọng Tuyên bố chung ASEAN-Ấn Độ về hợp tác triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương tuyên bố, “Nếu Mỹ không dừng lại và tiếp tục đi sai đường, điều đó nhất định sẽ dẫn đến đối đầu và xung đột. Hãy tưởng tượng hai vận động viên thi đấu trong một cuộc đua Olympic, nhưng có một người thay vì tập trung thi đấu lại luôn cố gắng ngáng chân người kia. Đó không phải là sự cạnh tranh lành mạnh, mà là đối đầu và phạm luật. Sự cạnh tranh như vậy là hành động phiêu lưu, trong khi lợi ích cơ bản của hai dân tộc và thậm chí tương lai của toàn nhân loại bị đặt vào thế nguy hiểm. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó”. Theo ông Tần, chiến lược Ấn - Thái Dương của Mỹ thực chất là nỗ lực định hình một phiên bản NATO ở khu vực.

Phát biểu bên lề diễn đàn Stratbase ADRI ở Makati ngày 8/3, Đại sứ Đức ở Philippines Anke Reiffenstuel đánh giá cao những điều chỉnh trong chính sách của Philippines về Biển Đông, “Điều này sẽ gửi đi thông điệp về việc Philippines thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ để bảo vệ chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của mình. Đức ủng hộ những nỗ lực này”. Theo Đại sứ Anke, “các nước chung quan điểm ở khu vực cần tăng cường hợp tác như chia sẻ thông tin, diễn tập chung và phối hợp trên mặt trận ngoại giao. Các bên cũng cần tăng cường năng lực MDA thông qua công nghệ hiện đại”.

Phát biểu tại Đối thoại ASEAN-Mỹ lần thứ 35 ngày 8/3, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương ông Daniel J. Kritenbrink tái khẳng định những cam kết của Washington đối với khu vực Ấn - Thái Dương. Mỹ coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN cũng như ủng hộ Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong Đối thoại ASEAN-Mỹ, ông Kritenbrink và đại diện các nước ASEAN đã thảo luận một số vấn đề hợp tác bao gồm an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia và an ninh hàng hải.

Quan chức Mỹ giấu tên ngày 8/3 cho biết tới năm 2030 Úc dự kiến mua tối đa 5 tàu ngầm lớp Virginia hiện đại nhất của Mỹ, ước tính 2,8-3,5 tỷ USD/ tàu ngầm, trước khi sử dụng thiết kế của Anh và công nghệ Mỹ tạo được một lớp tàu ngầm mới. Theo thỏa thuận AUKUS, Mỹ sẽ cử tàu ngầm hạt nhân thăm Úc hàng năm, trước khi triển khai một số tàu ngầm đến đồn trú lâu dài ở miền tây Úc kể từ năm 2027.

Một quan chức giấu tên Hàn Quốc ngày 8/3 cho biết Hàn Quốc chủ động đẩy mạnh việc tham gia vào nhóm công tác Quad, “Mặc dù chúng tôi chưa tham gia Quad, nhưng chính phủ Yoon Suk Yeol đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhóm đối với chiến lược Ấn - Thái Dương”. Hàn Quốc sẽ triển khai “cách tiếp cận tiệm tiến" thông qua hợp tác thực tế với các nhóm công tác về vắc xin, biến đổi khí hậu và công nghệ mới của Quad.

Ngày 10/3, Nhà Trắng công bố đề xuất ngân sách năm 2024, với việc tăng ngân sách quốc phòng lên 842 tỉ USD (tăng 3,2% so với năm 2023). Ngân sách năm 2024 dự kiến sẽ phân bổ 400 triệu USD cho Quỹ đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc. Ở khu vực Ấn - Thái Dương, Mỹ sẽ chi 2 tỷ USD hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng và 2 tỷ USD tăng cường năng lực cho các nền kinh tế khu vực. Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương cũng được phân bổ 9,1 tỷ USD cho các hoạt động ở Ấn - Thái Dương. Ngoài ra, Lầu Năm Góc sẽ đệ trình một kế hoạch 15,3 tỷ USD để tài trợ cho lực lượng Thái Bình Dương, lớn gấp đôi con số 6,1 tỷ USD yêu cầu vào năm 2022. Quyền Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Quản lý và Các nguồn lực ông John Bass nhấn mạnh, “Trước thách thức kéo dài đến từ Trung Quốc, cách tiếp cận của chúng tôi là tập trung xây dựng năng lực trong nước, phối hợp với đồng minh và đối tác, để cạnh tranh với Trung Quốc ở những điểm mà hai bên có lợi ích và giá trị khác biệt”.

Tuyên bố chung Ấn-Úc trong chuyến thăm của Thủ tướng Úc Anthony Albanese ngày 11/3 khẳng định, “Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do trên các vùng biển và đại dương phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không; tái khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực hoặc đơn phương thay đổi hiện trạng; kêu gọi việc hình thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế”. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Úc tới Ấn Độ từ năm 2017.

Bình luận của Viện Biển Đông

Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Philippines vào đầu năm nay, Philippines và Mỹ đã đồng ý nối lại tuần tra chung trên Biển Đông (vốn bị tạm dừng dưới thời Tổng thống Duterte). Ngày 27/2, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Romualdez cho biết Nhật Bản và Úc có thể cùng tuần tra với Philippines và Mỹ ở Biển Đông. Liệu các ý tưởng tuần tra đa phương ở Biển Đông của Philippines có khả thi?

Những điều kiện thuận lợi: (i) Các quốc gia mà Philippines hiện để ngỏ khả năng tuần tra chung có nhiều điểm chung về tầm nhìn khu vực. Các nước đều là đồng minh hoặc thuộc nhóm “đối tác đồng quan điểm” của Mỹ, đều có Chiến lược Ấn - Thái riêng; (ii) Các quốc gia này đều đang thúc đẩy hợp tác với Philippines về nhiều mặt, đặc biệt là an ninh - quốc phòng. Philippines ký thỏa thuận về cứu trợ thảm họa với Nhật Bản ngày 9/2; để ngỏ khả năng ký kết Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng…; (iii) Quan chức các nước cũng “đánh tiếng” về khả năng này. BTQP Úc cho biết hai nước đang thảo luận về việc triển khai các cuộc tuần tra chung và thực hiện nhiều cuộc tập trận hơn. Ngày 28/2, Đại sứ quán Nhật Bản tại Manila cho biết hiện chưa có kế hoạch tuần tra chung cụ thể nhưng sẽ “xem xét” các khả năng hợp tác để tăng cường nhận thức biển (MDA) và thực thi pháp luật trên biển, không loại trừ tuần tra chung; (iv) Từng nước trong nhóm cũng có nhiều hoạt động phối hợp tương tự trên thực địa. Mỹ, Nhật Bản và Úc thường xuyên phối hợp tập trận trên biển, trong đó có Biển Đông. Trong quá khứ, bốn nước đã từng tham gia vào một mô hình tuần tra chung tên là Lực lượng Biển hỗn hợp tại ngoài khơi Somalia và Tây Ấn Độ Dương.

Những trở ngại cho hợp tác: Học giả Ling Yunzhi (Đại học Nam Kinh) nhận định liên minh 4 nước Mỹ - Nhật Bản - Úc - Philippines khó hình thành do: (i) tình hình hợp tác quân sự và quan hệ ngoại giao Mỹ - Philippines luôn biến động; (ii) tuần tra bốn bên tại Biển Đông sẽ phá vỡ hiện trạng vấn đề Biển Đông, leo thang tranh chấp và điều này không phải mong muốn của các quốc gia khu vực; (iii) tuy Philippines hy vọng có thể đạt được cam kết đảm bảo an ninh và chính trị của Mỹ thông qua tăng cường hợp tác quân sự, điều này không có nghĩa rằng Philippines sẵn sàng làm “con tốt” trong cạnh tranh Mỹ - Trung. Tuy nhiên, Philippines dưới chính quyền Marcos có thể sẽ theo đuổi chính sách mạnh mẽ hơn tại Biển Đông, tập trung vào năng lực răn đe và theo đuổi khả năng này.