Bản tin tuần Biển Đông (ngày 31/12-6/1/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 5/1, lực lượng 6 nước (Mỹ, Úc, Canada, Nhật, Hàn, Ấn) bắt đầu cuộc tập trận “Sea Dragon 2022” tại căn cứ không quân Andersen, Guam. Các khoa mục diễn tập xoay quanh chống ngầm nhằm tăng cường khả năng tác chiến của các nước.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 5/1 dẫn nguồn SCSPI cho biết một tàu khu trục lớp Arleigh Burke xuất hiện tại vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Theo thông tin công khai, có thể đây là tàu khu trục USS Chafee. Việc tàu chiến Mỹ có di chuyển qua vùng biển 12 hải lý của Hoàng Sa cần xác minh thêm.

Khinh hạm Bayern của Hải quân Đức ngày 6/1 cập cảng Nhà Rồng, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam 3 ngày. Tàu Bayern là tàu chiến Đức lần đầu tiên quay lại Biển Đông sau gần 2 thập niên. Trước khi đến Việt Nam, tàu Bayern lần lượt đến Sừng Châu Phi, Pakistan, Úc, Guam (Mỹ), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Các chặng dừng trên hành trình trở về Đức dự kiến là Sri Lanka và Ấn Độ.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Phát biểu trước báo giới ngày 1/1, Người đứng đầu lực lượng Bakamla (cơ quan thực thi pháp luật biển Indonesia) Phó Đô Đốc Aan Kurnia cho hay các nước ASEAN-6 cần “chia sẻ kinh nghiệm và thể hiện tinh thần anh em, phối hợp lập trường trước sức ép của bên ngoài”. Đề xuất này đã được Viện trưởng Viện Biển Malaysia ủng hộ, cho đây là một sáng kiến táo bạo và đáng khích lệ.

Trong chuyến thăm Singapore ngày 2-4/1, Tham mưu trưởng Không quân Indonesia Fadjar tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ và lâu đời giữa hai nước. Không quân hai bên thường xuyên đối thoại và hợp tác thông qua các cuộc diễn tập, chuyến thăm cấp cao, trao đổi chuyên môn và các khóa huấn luyện. Indonesia - Singapore kỷ niệm 40 năm quan hệ quốc phòng vào năm 2021.

Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Eritrea ngày 5/1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc đã thăm Châu Phi lần đầu tiên trong năm mới. Điều này thể hiện hợp tác đoàn kết giữa Trung Quốc – Châu Phi. Trong chuyến thăm lần này Trung Quốc nâng cấp quân hệ với Eritrea thành đối tác chiến lược. Ngoại trưởng Eritrea cho biết nước này kiên trì chính sách một Trung Quốc, ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương, Biển Đông.

Ngày 6/1, Nhật - Úc ký thỏa thuận về Tiếp cận Qua lại (Reciprocal Access Agreement - RAA). Theo RAA, hai nước có thể triển khai lực lượng nhanh hơn đến  căn cứ của nhau; nới lỏng các hạn chế vận chuyển vũ khí và vật tư cho hoạt động huấn luyện chung và cứu trợ thảm họa; tổ chức thêm nhiều cuộc tập trận. Thủ tướng Úc Morrison gọi thỏa thuận này "mang tính bước ngoặt và đóng góp cho an ninh và ổn định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".  

Tuyên bố chung sau Đối thoại “2+2” Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ - Nhật ngày 6/1 khẳng định, “Hai nước quan ngại về các nỗ lực của Trung Quốc phương hại tới trật tự dựa trên luật lệ, gây những thách thức chính trị, kinh tế, quân sự đối với khu vực và thế giới”. Hai bên phản đối yêu sách phi pháp, hành động cưỡng ép và quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông. Mỹ nhấn mạnh sẽ áp dụng Điều 5 của Hiệp ước với Nhật Bản trong trường hợp xung đột ở Senkaku.

Trên Twitter ngày 6/1, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định các bên cần tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982. Indonesia sẽ tiếp tục bác bỏ mọi yêu sách biển thiếu cơ sở pháp lý.  

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến của Viện Carnegie ngày 6/1, Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ông Kurt Campbell cho hay, “Chính quyền Biden năm 2022 sẽ can dự toàn diện vào khu vực. Chúng tôi không chỉ can dự ngoại giao, quân sự, một cách toàn diện mà có tiếp cận cởi mở và lạc quan về những hợp tác thương mại, đầu tư ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây là khu vực Mỹ thực sự cần đẩy mạnh cuộc chơi. Mỹ cần vượt ra khỏi thương mại truyền thống để bao gồm cả hợp tác về kỹ thuật số và thiết lập tiêu chuẩn công nghệ.”

Góc nhìn quốc tế

Trên “Orfonline” ngày 3/1, nhà phân tích Pratnashree Basu đánh giá Trung củng cố yêu sách, phát huy ảnh hưởng không chỉ thông qua ngoại giao, chính trị mà còn bằng phương thức: (i) Tuyên truyền thông qua đưa bản đồ đường chín đoạn vào các sản phẩm văn hoá và thời trang đại chúng; (ii) Tăng cường hoạt động gián điệp điện tử và gián điệp mạng (Electronic and cyber episonage) nhắm vào chính phủ và các tổ chức tư nhân trên khắp Đông Nam Á; (iii) Tăng cường các phương tiện theo dõi và đối phó với tàu nước ngoài, cùng các nền tảng theo dõi và liên lạc vệ tinh (SATCOM) và thông tin liên lạc (COMINT).

Trên “War on the Rocks” ngày 4/1, học giả Pierre Morcos nhận định AUKUS làm rõ thêm những khác biệt trong cách tiếp cận của Mỹ và Pháp với Trung Quốc. Pháp nhìn nhận AUKUS thể hiện sự đối đầu quân sự của Mỹ trong khi EU muốn hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, Pháp có điểm đồng với Mỹ khi nhìn nhận Trung Quốc ngày càng đe doạ an ninh biển và có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc những năm qua.

Theo học giả Peter Jennings - Úc, việc Nhật - Úc ký Thỏa thuận Tiếp cận qua lại (RAA) thúc đẩy hợp tác quốc phòng thực chất, chặt chẽ giữa hai nước. Qua đó, Nhật - Úc đang lựa chọn phương án tự lực, định hình cách tiếp cận ngoại giao và an ninh phù hợp để có thể thúc đẩy Mỹ can dự khu vực. Trong trường hợp chủ nghĩa cô lập của Mỹ diễn ra, quan hệ hai nước sẽ trở thành nền tảng an ninh đối phó chủ nghĩa độc tài.

Ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nam Hải Trung Quốc ngày 6/1 đánh giá, “Tình hình Biển Đông vẫn bất ổn khi chính sách Biển Đông của Mỹ dần hình thành và tập trung vào Trung Quốc”. Trong thời gian tới, Trung Quốc cần: (i) không để quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – ASEAN bị ảnh hưởng bởi vấn đề Biển Đông, (ii) tránh xung đột Trung Quốc và Mỹ tại các vùng biển; (iii) xây dựng chiến lược Biển Đông thiết thực, khả thi; (iv) thúc đẩy xây dựng Cộng đồng vận mệnh chung trên biển.

Cuộc gặp lần thứ 9 của Nhóm công tác Việt Nam – Philippines về các vấn đề biển và đại dương (JPWG-MOC) tháng 11/2021 thống nhất tái triển khai Chương trình khảo sát nghiên cứu khoa học biển và hải dương học chung ở Biển Đông (JOMSRE-SCS) bị tạm dừng từ 2007. Tác giả Vũ Hải đưa ra ba đề xuất đối với JOMSRE-SCS 2.0 gồm: (i) về vị trí hợp tác: vùng biển quốc tế phía nam Biển Đông nhưng tránh đi vào khu vực 12 hải lý quanh các thực thể ở Trường Sa; (ii) về các bên tham gia khảo sát: Nếu Brunei và Malaysia tham gia, có thể mở rộng khảo sát ra EEZ của hai nước. Các quốc gia ngoài khu vực có thể được mời tham gia khảo sát chung, đặc biệt khảo sát vùng biển quốc tế. (iii) về nội dung khảo sát: đưa vào chương trình hoạt động nghiên cứu, đánh giá biến đổi khí hậu và ô nhiễm rác thải nhựa.

Bình luận của Viện Biển Đông

Ngày 6/1, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ - Nhật tổ chức Đối thoại an ninh cơ chế "2+2" với một số điểm nổi bật: (i) Chỉ trích Trung Quốc trực diện hơn. Tuyên bố khẳng định hai nước quan ngại các nỗ lực phương hại trật tự dựa trên luật lệ của Trung Quốc, gây những thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ đối với khu vực và thế giới; (ii) Thỏa thuận "đi kèm" đáng chú ý. Sau Đối thoại, Bộ trưởng Ngoại giao Hayashi và Đại biện lâm thời của Mỹ tại Nhật Bản Raymond Greene đã ký thỏa thuận về việc Nhật hỗ trợ chi phí cho hoạt động đồn trú của các lực lượng quân sự Mỹ. Theo đó, Nhật sẽ chi tổng cộng 1.050 tỷ Yên (khoảng 9,2 tỷ USD) trong vòng 5 năm tăng khoảng 5%, so với giai đoạn 2016-2020. Những điểm này phản ánh bước chuyển trong chính sách an ninh của Nhật theo hướng linh hoạt hơn, mở rộng hoạt động của Lực lượng Phòng vệ. Tháng 10/2021, Thủ tướng Nhật tuyên bố sẽ sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia để cân nhắc “tất cả các lựa chọn, trong đó có sở hữu năng lực tấn công kẻ thù”.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn