Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Lực lượng Phòng vệ biển của Nhật Bản (JMSDF) thông báo từ ngày 26-29/5, tàu hộ vệ "Ise" sẽ huấn luyện chiến thuật với tàu sân bay hạt nhân "Ronald Reagan" của Mỹ tại vùng biển phía đông Okinawa. Trong tháng này, tàu Ise đã tham gia diễn tập bảo vệ đảo xa với tàu của Mỹ, Pháp và Úc ở Biển Hoa Đông.

Ngày 27/5, tàu sân bay LHD Tonnerre của Pháp cập cảng Changi, diễn tập quân sự với hải quân và không quân Singapore. Đại sứ Pháp tại Singapore Marc Abensour cho biết hoạt động triển khai tàu của Pháp là một phần cam kết với tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực.

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ ngày 28/5 áp dụng lệnh cấm nhập khẩu hải sản của đội 32 tàu cá Trung Quốc thuộc Công ty TNHH đánh cá Đại Liên. Mỹ cáo buộc công ty trên sử dụng lao động cưỡng bức. Đây là lần đầu Mỹ cấm nhập sản phẩm của toàn bộ đội tàu thay vì phạt từng tàu riêng lẻ như trước đây.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong cuộc điện đàm ngày 28/5, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Thủ tướng Anh Boris Johnson tái khẳng định hợp tác chặt chẽ nhằm hiện thực hóa tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh sẽ có hành trình dài ngày tới khu vực và ghé thăm Nhật Bản.

Ngày 29/5, quan chức phụ trách truyền thông chiến lược của Bộ Ngoại giao Philippines Ivy Banzon-Abalos cho biết nước này đã gửi 100 công hàm phản đối Trung Quốc, tính đến ngày 29/5/2021. Philippines gửi công hàm thứ 100 để phản đối tàu Trung Quốc “hiện diện kéo dài và bất hợp pháp” ở Biển Đông. Bên cạnh việc gửi công hàm, Philippines cũng tuyên bố triển khai thêm tàu, máy bay để đối phó.

Trong cuộc điện đàm ngày 29/5, Thủ tướng Nhật Bản Suga và Thủ tướng Anh Johnson nhất trí tăng cường hợp tác để hiện thực hoá tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình dương tự do và rộng mở. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc tàu Queen Elizabeth đến thăm 40 nước khu vực, bao gồm Nhật Bản và kế hoạch diễn tập chung với lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo  Hạ viện Philippines Johnny Pimentel ngày 30/5 đệ trình dự luật xây dựng 12 căn cứ tiền phương (FOB) để bảo vệ vùng biển của Philippines. Bốn FOB sẽ được xây dựng trên đảo Lubang, vịnh Subic và hai thị trấn Busuanga và Balabac (Palawan). Ước tính  Philippines phải chi 5 tỉ PHP (hơn 2.400 tỉ đồng) cho dự án 12 FOB này.

Trong cuộc gặp Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Mahendra Siregar ngày 31/5, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman khẳng định Mỹ đánh giá cao vai trò của Indonesia là lãnh đạo ASEAN và "mỏ neo" của trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Theo bà  Sherman, hai nước chia sẻ tầm nhìn chung về khu vực. 

Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm ngày 31/5 giữa Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định “Hai Thủ tướng bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông, bao gồm hoạt động quân sự hóa và các hành vi gây bất ổn trên biển; nhấn mạnh tầm quan trọng tự do hàng hải và hàng không, yêu sách biển phù hợp với UNCLOS; tái khẳng định tầm quan trọng của COC phù hợp với luật pháp quốc tế và không phương hại đến quyền và lợi ích của bên thứ ba”.

Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trug Quốc (CNOOC) ngày 31/5 cho biết hoàn tất việc lắp đặt giàn khoan "Biển sâu số 1". Giàn khoan nửa chìm nửa nổi lớn nhất thế giới này sẽ bắt đầu khai thác ở khu vực Lăng Thủy, ngoài khơi Hải Nam vào đầu tháng 6. Ước tính mỗi năm giàn "Biển sâu số 1" có thể khai thác 3 tỉ m3 khí tự nhiên. 

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 1/6 cho biết Malaysia sẽ gửi công hàm phản đối và triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Kuala Lumpur về vụ 16 máy bay vận tải của Trung Quốc xâm nhập vào không phận của Malaysia. Ông  Hussein cho biết sẽ bày tỏ quan ngại với người đồng cấp Trung Quốc.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1/6 cho hay Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc hiện diện và xây dựng các cơ sở quân sự tại căn cứ Hải quân Ream của Campuchia; kêu gọi giới lãnh đạo Campuchia duy trì chính sách đối ngoại độc lập. Theo bà Sherman, Mỹ sẵn sàng hợp tác với Campuchia trong năm Chủ tịch ASEAN 2022; khẳng định Campuchia có thể đóng vai trò tích cực trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm Biển Đông.

Trong buổi tiếp Đại Sứ Hàn Quốc tại Việt Nam ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định hợp tác quốc phòng hai nước có bước phát triển mới sau ký Tuyên bố Tầm nhìn chung đến năm 2030. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trongcác lĩnh vực như công nghiệp quốc phòng, an ninh biển, tác chiến không gian mạng. Trong buổi tiếp Đại Sứ Ấn Độ tại Việt Nam cũng trong ngày 1/6, Bộ trưởng Phan Văn Giang khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ toàn diện với Ấn Độ. Hai bên cần sớm ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng giai đoạn 2021-2025.

Trước việc Malaysia phản đối 16 máy bay vận tải Trung Quốc xâm nhập không phận, Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia ngày 1/6 cho hay hoạt động của Không quân Trung Quốc là hoạt động huấn luyện thường lệ và không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Máy bay quân sự của Trung Quốc không xâm phạm không phận của bất kỳ quốc gia nào trong thời gian huấn luyện và tuân thủ nghiêm ngặt các luật liên quan.

Trong cuộc điện đàm ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen và người đồng cấp Malaysia Ismail Sabri Yaakob khẳng định hai bên tăng cường hợp tác, duy trì đối thoại, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực. Những năm qua, hai bên tiến hành nhiều hoạt động như diễn tập, trao đổi đoàn, đào tạo nhằm tăng cường hiểu biết và năng lực cho lực lượng hai nước.

Phát biểu tại Thái Lan ngày 2/6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhấn mạnh Mỹ sẽ thách thức Trung Quốc trong các vấn đề nhân quyền và Biển Đông; khẳng định cam kết thúc đẩy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bà Sherma cho biết cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN-Mỹ bị hủy do ông Blinken gặp sự cố kỹ thuật. Mỹ coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN và Thứ trưởng Sherma đã gặp đại diện ASEAN tại Jakarta để giải thích.

Trong cuộc hội đàm trực tuyến ngày 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang và Bộ Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo nhất trí bai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng: (i) duy trì hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn hải quân, lục quân và không quân; (ii) tổ chức diễn tập hải quân, không quân, cảnh sát biển; (iii) triển khai chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, sớm ký thỏa thuận chuyển giao trang bị và công nghệ quốc phòng.

Ngày 3/6, Tổng thống Biden ký sắc lệnh trừng phạt 59 công ty Trung Quốc vì hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ giám sát, có thể dùng để đàn áp và xâm phạm nhân quyền, đe dọa an ninh và lợi ích quốc gia Mỹ. Danh sách đen trừng phạt có những công ty nổi tiếng của Trung Quốc như Huawei hay công ty sản xuất chíp điện tử lớn nhất SMIC.

Phát biểu ngày 3/6 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Indonesia về cách tiếp cận của EU đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đại diện cấp cao EU về an ninh và đối ngoại Josep Borrell khẳng định: (i) Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực năng động, đang trở thành trung tâm của thế giới về địa kinh tế và địa chính trị; (ii) Ổn định và trật tự của khu vực bị thách thức bởi những tranh chấp trên biển và đất liền, cũng như cạnh tranh địa-chính trị Mỹ-Trung Quốc ngày càng gay gắt; (iii) EU sẽ phối hợp với các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để ứng phó với những tác nhân mới nổi ảnh hưởng đến ổn định khu vực.

Góc Phân tích, Bình luận

Trên “Nikkei” ngày 30/5, Nguyên Đô đốc Mỹ James Stavridism bình luận Mỹ đang có lợi thế hơn Trung Quốc về quân sự nhưng nếu không hành động kịp thời, Trung Quốc dần thu hẹp khoảng cách này. Ông James Stavridis đánh giá: (i) Mỹ có ngân sách quốc phòng cao hơn Trung Quốc nhưng lực lượng dàn trải toàn cầu; (ii) Trung Quốc sở hữu nhiều tàu chiến hơn Mỹ nhưng hệ thống tấn công và nhân sự trên tàu của Mỹ tốt hơn; (iii) Trung Quốc có lợi thế hơn về địa lý với chuỗi các đảo nhân tạo nếu chiến tranh xảy ra ở Biển Đông hoặc Hoa Đông; (iv) Mỹ có lợi thế hơn về hệ thống đồng minh nhưng Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh mạng lưới kết nối toàn cầu thông qua sáng kiến BRI; (v) Mỹ đang dẫn đầu các công nghệ tiến tiến như tàu ngầm, vệ tinh quân sự  nhưng Trung Quốc cũng đang thu hẹp khoảng cách này.

Trên “Straits Times” ngày 31/5, học giả Hoàng Thị Hà cho rằng Mỹ đang tụt lại phía sau so với Trung Quốc trong cạnh tranh ảnh hưởng tại Đông Nam Á dù khu vực được coi là vũ đài quan trọng trong cạnh tranh Mỹ-Trung. Chính quyền Biden  tới nay chỉ thể hiện một chút tính cấp bách trong việc để Đông Nam Á cảm thấy rằng “Mỹ đang trở lại”. Các vị trí Đại sứ Mỹ tại Singapore và ASEAN vẫn bị bỏ trống kể từ tháng 1/2017. Các nhân sự Đại sứ mới cho Thái Lan và Indonesia vẫn chưa được công bố. Tổng thống Joe Biden đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ trực tuyến, tiếp Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại Nhà Trắng và hội đàm qua điện thoại với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Nhưng ông Biden tới nay chưa có bất kỳ cuộc điện thoại nào với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. Không phải siêu cường toàn cầu thỉnh thoảng bị phân tâm, đây như một lời nhắc nhở về trật tự thứ cấp lâu đời của Đông Nam Á trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Mỹ.

Trên “Asia Times” ngày 31/5, học giả Alex Neill đánh giá Anh không có đủ năng lực quân sự để "ngả" về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này xuất phát từ lý do: (i) Anh có hiện diện quân sự khiêm tốn ở Đông Á, gồm một tiểu đoàn bộ binh và trường quân đội tại Brunei, một đội hải quân 50 người tại lãnh thổ Diego Garcia (được Mỹ thuê lại) và 1 đội hỗ trợ Singapore...; (ii) Ngân sách hạn hẹp bị ảnh hưởng COVID; (iii) Anh có nhiều cam kết với NATO tại các vùng biển gần kề như Bắc Đại Tây Dương, Địa Trung hải và vùng Vịnh. Hải quân Hoàng gia Anh đang thiếu nhân sự và chỉ có 19 tàu khu trục. Theo lịch sử, các sứ mệnh quân sự nước ngoài của Anh đều không thành công nếu có Mỹ.

Ngày 1/6, học giả Krzysztof Iwanek, Trung Tâm nghiên cứu Châu Á, Ba Lan đánh giá Ấn Độ không thể thế chỗ Trung Quốc trong hệ thống quan hệ thương mại của EU. Về quy mô thương mại và đầu tư, Trung Quốc vượt xa Ấn Độ. Năm 2019, FDI của EU vào Trung Quốc lớn gấp 2,6 lần Ấn Độ (198,7 tỉ so với 75,8 tỉ Euro) và trong năm 2020, Ấn Độ chiếm 1,8% kim ngạch thương mại của EU so với Trung Quốc là 16,1%. Ông K.Iwanek cho rằng việc EU thỏa thuận FTA với Ấn Độ và hoãn phê chuẫn hiệp định đầu tư với Trung Quốc không phải nhằm đối trọng với Trung Quốc.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn