Bản tin tuần Biển Đông (ngày 26.3-31.3.2023)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 26/3, trang “SCSPI” của Trung Quốc cho hay trong năm 2022, Mỹ triển khai 3 nhóm tàu sân bay, 2 nhóm đổ bộ, 20 máy bay ném bom, 12 tàu ngầm hạt nhân tới Biển Đông và vùng biển lân cận. Ít nhất 5 phi đội máy bay ném bom tới Biển Đông với khoảng 1.000 lần xuất kích do thám. Số ngày hoạt động ở Biển Đông của tàu do thám đại dương là 134 và tàu khảo sát là 205. Số FONOP giảm (9 cuộc 2020, 8 cuộc 2021 và 4 cuộc 2022) nhưng việc chính trị hóa FONOP ngày càng tăng. Mỹ cũng tiến hành 102 tập trận quy mô lớn ở khu vực.

Ngày 26/3, tàu HMCS Montréal và tàu tiếp tế MV Asterix của Canada rời cảng Halifax, đi qua Địa Trung Hải tới Ấn Độ Dương. Đô đốc Brian Santarpia, Hạm đội Đại Tây Dương khẳng định đây là đợt triển khai quan trọng vì lần đầu tiên sau một thời gian dài Canada cử tàu từ phía Bờ Đông đến khu vực Ấn - Thái, “Chúng tôi cam kết tăng cường hiện diện ở khu vực, đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng và an ninh của Canada cũng như các đồng minh”. Tàu sẽ tiến hành nhiều hoạt động diễn tập chung trước khi quay trở lại Halifax vào tháng 10/2023.

Ngày 30/3, cảnh sát biển Philippines cho biết trong đợt tuần tra từ ngày 16 đến 21/3, lực lượng này phát hiện một tàu hải quân Trung Quốc số hiệu 649 ở khu vực 12 hải lý của Thị Tứ. Trong thời gian trên, cảnh sát biển Philippines cũng ghi nhận sự hiện diện của tàu hải cảnh số 5304 và 5305 gần bãi Sa Bin; tàu Trung Quốc số 5201 gần bãi Cỏ Mây.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 27/3, Trả lời phỏng vấn trang “CNN Philippines”, Đại sứ Indonesia tại Philippines Agus Widjojo cho biết tiến trình đàm phán COC đang diễn ra nhưng còn nhiều việc cần làm, “Điều quan trọng nhất là các bên sẵn sàng tiếp xúc và đối thoại. Dù có những quan điểm khác biệt nhưng cần xây dựng cách tiếp cận cùng có lợi, cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan”. Theo ĐS. Widjojo, Indonesia kỳ vọng COC sẽ phản ánh các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Andrew Little ngày 28/3 cho biết nước này đang đánh giá khả năng hợp tác với AUKUS ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và phát triển công nghệ quân sự, “Chúng tôi có cơ hội thảo luận liệu New Zealand có thể tham gia vào khía cạnh phi hạt nhân của AUKUS hay không”. Bộ trưởng Quốc phòng Little tái khẳng định nghĩa vụ pháp lý và cam kết đạo đức của New Zealand đối với mục tiêu phi hạt nhân. Bình luận trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa BTQP Little với Điều phối viên Khu vực Ấn - Thái của Mỹ Kurt Campbel hôm 19/3.

Ấn - Pháp - Úc thảo luận khả năng nâng cấp đối tác ba bên, tập trung vào khía cạnh an ninh biển, kinh tế biển xanh và hỗ trợ nhân đạo tại khu vực Ấn - Thái. Đối thoại cấp làm việc của ba nước đã nâng lên đối thoại cấp Ngoại trưởng vào tháng 5 năm 2021. Nguồn tin của “The Mint” ngày 28/3 đề cập khả năng hình thành cơ chế cấp Lãnh đạo trong cuộc gặp của ba Lãnh đạo bên lề G20 tại Ấn Độ vào tháng 9 năm 2023. Nghị trình hợp tác bao gồm phối hợp nỗ lực các bên trong việc chống IUU, phát triển kinh tế xanh và bảo vệ đa dạng sinh học biển.

Tối 29/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm cấp cao với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tổng thống Mỹ Biden khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng. Mỹ cam kết thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn -Thái; mong muốn sự hợp tác của Việt Nam và các nước trong đàm phán Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không, không sử dụng hoặc đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế, thực hiện DOC ở Biển Đông, sớm ký kết COC hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Ngày 30/3, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị - quốc phòng Jessica Lewis đã đồng chủ trì Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng lần thứ 12. Hai bên chia sẻ tầm quan trọng của việc bảo đảm thượng tôn pháp luật, tự do, an toàn hàng hải - hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Mỹ tái khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực về hàng hải, thực thi pháp luật.

Trả lời phỏng vấn truyền thông Philippines ngày 30/3, Quốc vụ khanh phụ trách Ấn -Thái của Bộ Ngoại giao Anh Anne-Marie Trevelyan cho hay dù Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhưng Anh vẫn bảo lưu quan điểm rằng hành động xâm phạm và hăm dọa của Trung Quốc trong vùng biển của Philippines gần đây là không thể chấp nhận. Việc tuân thủ luật lệ, bao gồm tự do lưu thông và tôn trọng các tàu thuyền khác là rất quan trọng. Theo bà Trevelyan, Anh sẽ "cứng rắn" trước việc Trung Quốc hành xử cưỡng ép và phương hại các giá trị Anh tin tưởng như tự do thương mại, tự do lưu thông hàng hóa và dịch vụ.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 30/3, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết Philippines và Trung Quốc dự kiến nối lại các trao đổi về khả năng hợp tác thăm dò dầu khí trên Biển Đông, “hai bên sẽ trao đổi ở khía cạnh kỹ thuật trong khoảng 6 tuần và sẽ bắt đầu hết sức cơ bản từ các điều khoản tham chiếu”. Theo ông Manalo, Philippines sẽ tuân thủ quy định của Hiếp pháp trong quá trình đàm phám và ở giai đoạn này, hai bên sẽ không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào.

Ngày 30/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von Der Leyen cho biết EU có kế hoạch đánh giá lại quan hệ với Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro, “Cách thức Trung Quốc phản ứng với cuộc chiến của Nga ở Ukraine là nhân tố quyết định triển vọng quan hệ EU-Trung Quốc. EU cần ứng rắn hơn với một Trung Quốc hà khắc trong nước và quyết đoán với bên ngoài”. Theo bà Der Leyen, EU cần tránh phân tách trong quan hệ với Trung Quốc bởi điều này không khả thi và không có lợi cho EU.

Bình luận của Viện Biển Đông

Ngày 13/3/2023, Chính phủ Anh công bố tài liệu Rà soát Chiến lược tổng hợp mới 2023 (IRR23) - bản cập nhật của Rà soát Chiến lược năm 2021 (IRR21). So với bản năm 2021, bản năm 2023 có nhiều điểm mới.

1/ Về khu vực trọng tâm

- Châu Âu vẫn là khu vực Anh quan tâm hàng đầu nhưng IRR23 nhấn mạnh vị trí của khu vực này hơn trong bối cảnh chiến sự Ukraine, coi đây là “ưu tiên cốt lõi”. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là khu vực ưu tiên thứ hai nhưng Anh đã điều chỉnh mục tiêu theo hướng khiêm tốn hơn. Năm 2021, Anh mong muốn trở thành “đối tác châu Âu tham gia sâu rộng và tích cực nhất” tại Ấn – Thái. Bản năm 2023 đã bỏ mục tiêu này, đồng thời lần đầu đề cập vai trò hỗ trợ của Anh trong việc thúc đẩy khu vực Ấn – Thái tự do và rộng mở cùng các đối tác khác. Tuy nhiên, bản IRR23 nhấn mạnh liên thông giữa hai khu vực trên hơn: công nhận liên kết ngày càng tăng giữa các đồng minh và đối tác cùng chí hướng ở cả hai khu vực; đưa ra khái niệm mạng lưới quan hệ đối tác Đại Tây Dương - Thái Bình Dương.

2/ Về cách tiếp cận TQ

- IRR23 cho thấy cách tiếp cận TQ mạnh mẽ hơn: Anh vẫn coi TQ là “thách thức mang tính hệ thống” như IRR21 nhưng bổ sung thêm cụm “thách thức mang tính thời đại” (epoch-defining); IRR23 lần đầu khẳng định các thách thức là xuất phát từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, lần đầu nhắc đến Đài Loan và tầm quan trọng của Đài Loan với Anh; lần đầu phản đối các hoạt động thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Hoa Đông (IRR21 chỉ nhắc đến Biển Đông trong phần quản trị đại dương bền vững, bản 2023 xác định Biển Đông là một trọng tâm thay đổi địa chính trị, gắn liền với những hoạt động gia tăng quân sự của Trung Quốc).

3/ Về các vấn đề khác

- Về ngân sách quốc phòng, nguồn lực có vẻ “khiêm tốn” hơn. Tháng 2/2023, BTQP Ben Wallace đã yêu cầu mức tăng 11 tỷ bảng dành cho chi tiêu quốc phòng. Một tháng sau, IRR23 thông báo chỉ chi 5 tỷ bảng Anh cho tới 2025, trong đó có 3 tỷ dành cho hạt nhân (bao gồm AUKUS) và 2 tỷ cho phát triển kho dự trữ vũ khí. Trong khi đó, IRR21 dự kiến đầu tư 6,6 tỷ bảng trong giai đoạn 2021-2025, chủ yếu vào lĩnh vực phát triển công nghệ.

- Về biến đổi khí hậu, Anh nhấn mạnh tầm quan trọng trong IRR21: từ khoá “climate change” xuất hiện 56 lần; Anh cam kết đầu tư 11,6 tỷ bảng trong giai đoạn 2021-2026. Tuy nhiên, vấn đề này trong IRR23 không nổi bật bằng: Anh giảm số lượng từ khóa này (18 lần) và không đưa ra bất kỳ cam kết mới nào. Có thể lý do là IRR21 được đưa ra trong bối cảnh Anh chủ trì COP26.