Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Từ ngày 28/3, hải quân Ấn Độ và Mỹ tiến hành tập trận hải quân (PASSEX) trong hai ngày tại đông Ấn Độ Dương. PASSEX được thực hiện thường niên giữa hải quân Ấn Độ với hải quân các quốc gia khác, nhất là trong các chuyến thăm cảng hay cuộc gặp trên biển.

Theo tài khoản “Nhận biết tình hình chiến lược ở Biển Đông” trên Twitter ngày 30/3, tàu chiến Anzac và Calgary của Hải quân Úc và Canada gần đây đã khởi hành từ Singapore và Brunei tiến vào Biển Đông.

Hải quân Ấn Độ lần đầu tiên tham gia tập trận hải quân la Perouse của Pháp tại vịnh Bengal từ 5-7/4. Các quốc gia thành viên Quad là Mỹ, Úc, Nhật cũng tham gia cuộc tập trận này.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Phát ngôn viên Lực lượng vũ trang Philippines Edgard Arevalo ngày 25/3 cho hay Tổng tham mưu trưởng AFP Cirilito Sobejana đã ra lệnh triển khai thêm tàu hải quân thực hiện "cuộc tuần tra chủ quyền" ở Biển Đông nhằm tăng cường hiện diện hải quân nước này.

Người Phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines ông Harry Roque ngày 25/3 cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã bày tỏ lo ngại, nhắc lại phán quyết 2016, khẳng định lập trường của Philippines trong cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc Huang Xilian nhưng không đưa ra giải pháp nào. Ông Roque cũng cho biết cuộc gặp mặt thực tế đã được sắp xếp từ lâu trước khi các nhà chức trách Philippines báo cáo về sự hiện diện của tàu Trung Quốc ở Ba Đầu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 25/3 bác bỏ những cáo buộc của Mỹ về việc quân sự hóa Biển Đông và làm suy yếu hệ thống quốc tế. Theo bà Oánh, Trung Quốc không phải quốc gia đầu tiên bắt đầu xây dựng và triển khai khí tài cần thiết tại Biển Đông. Mỹ không thể sử dụng cái gọi là quân sự hóa để tước đi quyền bảo vệ lãnh thổ của Trung Quốc. Chính Mỹ mới là bên thực sự quân sự hóa khu vực và đe dọa hoạt động tự do đi lại.  

EU, New Zealand ngày 25/3 kêu gọi tuân thủ luật pháp và không leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Đại sứ EU tại Philippines Luc Véron nhấn mạnh các bên cần tuân thủ UNCLOS, đồng thời dẫn tuyên bố của Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell tại cuộc họp trực tuyến giữa EU-ASEAN ngày 23/3, “Chúng tôi không làm ngơ khi các nước đơn phương xói mòn luật pháp quốc tế và an ninh biển ở Biển Đông”. Cùng ngày, New Zealand thúc giục các bên “kiềm chế, giải quyết hòa bình tranh chấp và thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng lòng tin”.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) Ingrid Larson và Đại diện Đài Loan tại Mỹ Tiêu Mỹ Cầm ngày 25/3 đã ký “Biên bản ghi nhớ hợp tác tuần tra biển”, dự kiến thành lập “Nhóm công tác tuần tra biển” nhằm tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin giữa hai bên. Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan cho biết Bản ghi nhớ xác nhận các mục tiêu chung bao gồm bảo vệ tài nguyên biển, giảm thiểu các hoạt động đánh bắt IUU, thực hiện tìm kiếm và cứu nạn chung trên biển.

Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Sta. Romana ngày 27/3 cho biết Philippines sẽ nêu việc Trung Quốc tiếp tục hoạt động xây dựng trái phép tại đá Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trong cuộc họp tiếp theo giữa quan chức hai nước.

Theo Reuters Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 27/3 xác nhận hiện tại một tàu hải quân và tàu của lực lượng tuần duyên Philippines đang theo dõi sát nhóm tàu Trung Quốc, các chiến đấu cơ và máy bay quân sự của nước này cũng giám sát nhóm tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu hằng ngày.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken ngày 29/3 khẳng định Mỹ sẽ sát cánh với Philippines ở Biển Đông. Trên Twitter, Ngoại trưởng Blinken viết: "Mỹ sát cánh với đồng minh của chúng tôi, Philippines, khi lực lượng dân quân trên biển Trung Quốc tập trung ở Đá Ba Đầu. Mỹ sẽ luôn đứng về phía các đồng minh và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ". Trước đó trên Twitter ngày 25/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price kêu gọi Trung Quốc ngừng sử dụng lực lượng dân quân biển hăm dọa các bên khác, phương hại hòa bình và an ninh khu vực.

Theo Tân Hoa Xã ngày 30/3, Ngoại trưởng của 4 nước ASEAN là Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines dự kiến thăm Trung Quốc từ ngày 31/3 – 2/4. Việc Bắc Kinh mời ngoại trưởng 4 nước ASEAN có thể nhằm vận động hợp tác  trước việc Mỹ tăng cường sức ép ngoại giao đối với Trung Quốc.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan và người đồng cấp Philippines Hermogenes Esperon ngày 31/3 điện đàm về lực lượng dân quân biển Trung Quốc hiện diện gần đá Ba Đầu. Ông Sullivan nhấn mạnh Mỹ sát cánh cùng Philippines bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp, phối hợp chặt chẽ đối phó với các thách thức ở Biển Đông.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Học giả Hồ Ba 27/3 cho biết hai nguyên nhân của việc Philippines thổi phồng vấn đề tại đá Ba Đầu gồm: (i) thực lực hai nước chênh lệch lớn, các vấn đề với Trung Quốc đều là những vấn đề nhạy cảm, trong nhiều trường hợp sự việc đối với Trung Quốc rất bình thường nhưng sẽ nảy sinh nghi ngờ từ phía Philippines; (ii) Sau Phán quyết 2016, Philippines không ngừng tăng cường mặc cả trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, không công nhận việc tồn tại tranh chấp với Trung Quốc ở Trường Sa. Nội bộ Philippines nhận thấy không thể chỉ dựa vào một Phán quyết để đạt được mục đích nên đã nắm bắt tất cả các cơ hội nhằm gia tăng áp lực với Trung Quốc thông qua kênh dư luận và ngoại giao.

Tại Diễn đàn cấp cao về Phát triển Trung Quốc ngày 20/3, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh của Đại học Thanh Hoa, Cựu Thứ trưởng BNG/TQ Phó Doanh chia sẻ sự phát triển trong quan hệ Trung-Mỹ hiện nay cần chú ý 3 vấn đề: (i) không để bị mắc kẹt bởi sự khác biệt, tập trung vào hợp tác vượt ra khỏi sự khác biệt; (ii) so với năm trước, năm nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để cải thiện quan hệ Trung-Mỹ; (iii) hai nước cần gánh vác trách nhiệm lịch sử riêng, Trung-Mỹ không nên lôi kéo các phe phái và tham gia vào cuộc chiến thắng thua. 

+ Các nước khác:

Trên Foreign Policy ngày 29/3, Học giả Andrew Erickson và Ryan Martinson, Đại học Hải chiến Mỹ chứng minh việc Trung Quốc tuyên bố các tàu ở Ba Đầu là tàu cá, không phải dân quân biển đều không đúng sự thật. Dữ liệu cho thấy ít nhất 7 tàu thuộc PAFMM đang hoạt động trong cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, bao gồm cả khu vực quanh đá Ba Đầu trong tháng qua và nhiều lần trong năm qua.

Hội đồng Quan hệ quốc tế (CFR) ngày 30/3 công bố Báo cáo "Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc: Hàm ý đối với nước Mỹ". Theo nhóm tác giả, sáng kiến BRI đáng lo ngại ở những điểm: (i) Phương hại đến ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu, tăng khả năng khủng hoảng nợ đối với các nước tiếp nhận; (ii) biện pháp trợ cấp giúp các tập đoàn nhà nước và phi thị trường của Trung Quốc tiếp cận thị trường các nước một cách thuận lợi; (iii) Kìm giữ các nước nhận viện trợ trong một "hệ sinh thái" khoa học kỹ thuật công nghệ theo tiêu chuẩn của Trung Quốc; (iv) Tăng tính phụ thuộc của các nước tiếp nhận với công nghệ năng lượng phụ thuộc vào than đá, khiến quá trình giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu khó khăn; (v) Tạo rào cản cho Ngân hàng thế giới và các thể chế hỗ trợ tài chính khác trong việc áp dụng các tiêu chuẩn cao thông qua việc bỏ qua quy trình đánh giá chính sách và bỏ qua vấn đề tham nhũng; (vi) Xây dựng mạng lưới các nước chịu ảnh hưởng chính trị từ Trung Quốc. Báo cáo đưa ra các đề xuất chính sách trong chiến lược của Mỹ: ứng phó với nguy cơ kinh tế do sáng kiến BRI tạo ra, tạo lợi thế cho cạnh tranh cho Mỹ, hợp tác với các nước đồng minh-đối tác để cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong khu vực và bảo vệ lợi ích an ninh tại các nước thành viên của sáng kiến BRI.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn