Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Air Force Magazine ngày 24/9 đưa tin Mỹ đang huấn luyện máy bay không người lái cho nhiệm vụ chiến tranh trên biển được cho là nhắm đến Trung Quốc. Theo Tư lệnh Brian Davis, chương trình đào tạo cho phi công của loại máy bay không người lái MQ-9 Reapers được xây dựng lại "kết hợp thêm năng lực ngăn chặn trên biển, tăng cường năng lực trong các trường hợp tác chiến khẩn cấp và can thiệp trên không". Chương trình này được thông qua trước khi Không quân Mỹ thực hiện cuộc tập trận Exercise Agile Reaper từ ngày 3-29/9 (cuộc tập trận đầu tiên tại Thái Bình Dương tập trung vào những năng lực trên).

Trang mạng Quan sát, Trung Quốc ngày 25/9 cho biết gần đây Hải quân Chiến khu miền Nam Trung Quốc tiến hành huấn luyện liên tục nhiều ngày đêm bằng máy bay H-6 tại Biển Đông nhằm kiểm tra năng lực tác chiến quân đội.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 29/9 cho hay, Trung Quốc đã thay thế tất cả các hoa tiêu hàng hải ở Eo biển Quỳnh Châu giữa các Tỉnh Hải Nam và Quảng Đông bằng thiết bị đo và điều khiển từ xa Bắc Đẩu mới. Động thái này được cho là một bước tiến tiếp theo trong việc thúc đẩy sự phát triển cảng thương mại tự do Hải Nam và bảo vệ an ninh Trung Quốc. 

Mạng Quan sát (Trung Quốc) ngày 29/9 cho biết Trung Quốc hạ thủy tàu chấp pháp lớn nhất có tên “Hải Tuần 09”, sẽ được biên chế tại Cục Hải sự Quảng Đông. Đây là tàu tuần tra vạn tấn đạt trình độ hàng đầu thế giới, có quy mô lớn nhất, trang bị tiên tiến, năng lực tổng hợp mạnh; là tàu công vụ chấp pháp lớn và quan trọng nhất Trung Quốc hiện nay, kết hợp chức năng tuần tra và cứu hộ, có năng lực chỉ huy tổng hợp tại các vùng biển sâu và xa.

Trang Twitter của Thời báo Hoàn Cầu ngày 30/9 cho biết hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc đã được chấp thuận bởi ngành giao thông công cộng tại Thượng Hải. Cho rằng các vấn đề và lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia và đời sống của người dân trong thời gian tới đều sẽ được chuyển giao cho hệ thống Bắc Đẩu.

Cục Hải sự Bắc Hải (Quảng Tây, Trung Quốc) ngày 30/9 ra thông báo 050 về hoạt động khoan giếng của giàn khoan “Nam Hải 04” tại Vịnh Bắc Bộ. Theo đó, từ ngày 17/10 - 17/11/2020, giàn khoan Nam Hải 04 tiến hành tác nghiệp khoan giếng tại vùng biển trong phạm vi 1 hải lý tình từ giếng WZ12-4-2 (20°48′21.39″N108°50′57.54″E) thuộc cụm mỏ dầu Vi Châu.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 1/10 trích dẫn SCSPI, cho biết Hải quân Mỹ đã điều 5 máy bay đến Biển Đông trong ngày 30/9, bao gồm 4 máy bay tiếp dầu KC-135 và 1 máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8A. Dữ liệu giám sát cho thấy máy bay tuần tra P-8A đã đi vào Biển Đông qua kênh Bashi vào 9h50p, bốn máy bay tiếp dầu KC-135 bay qua eo biển Bashi tiến vào Biển Đông vào lúc 1h, 6h30, 9h, 10h sáng.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 25/9 nhất trí thượng tôn luật pháp ở Biển Đông, thúc đẩy quan hệ ASEAN - EU. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình ở Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN của Việt Nam năm 2020 và Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng cuối năm 2020 của Đức, hai nước nhất trí thúc đẩy kết nối hai khu vực, trong đó có việc hướng tới thiết lập quan hệ ASEAN - EU lên Đối tác chiến lược.

Theo Manila Standard, trong diễn đàn trực tuyến hôm 25/9, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Huang Xillian đã nhắc lại quan điểm không công nhận Phán quyết 2016 của Trung Quốc và cho rằng lãnh đạo hai bên đã nhất trí khép lại tranh chấp trên biển và giải quyết tình hình thông qua đối thoại và hợp tác. Ông Huang cho rằng các cơ chế đối thoại như cơ chế tham vấn song phương (BCM) đang hoạt động tốt để giải quyết khác biệt và khai thác hợp tác thiết thực, đồng thời Trung Quốc cam kết đẩy nhanh các cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc theo cách thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao bốn nước Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Mỹ ngày 25/9 đã tổ chức hội đàm trực tuyến để bàn về các vấn đề lợi ích chung khu vực và toàn cầu. Tại hội nghị, các Bộ trưởng khẳng định cam kết hướng tới khu vực vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, mở, thịnh vượng và bao quát dựa trên quy tắc, giá trị chung, tôn trong luật pháp quốc tế. Các Bộ trưởng cũng tái khẳng định ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc Ấn Độ-Thái Bình Dương, đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm nay.

Đại sứ Malaysia tại Trung Quốc Nushirwan Zainal Abidin ngày 25/9 trả lời phỏng vấn, cho biết Malaysia sẽ không theo Mỹ ngừng hợp tác với 24 doanh nghiệp Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt do tham gia các hoạt động xây dựng đảo đá ở Biển Đông; nhấn mạnh việc Mỹ điều chỉnh lập trường trong vấn đề Biển Đông không làm thay đổi lập trường của Malaysia là giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông thông qua kênh ngoại giao. Hiện nay căng thẳng Trung - Mỹ tại khu vực đang leo thang, nhưng Malaysia sẽ không “chọn bên” giữa Trung Quốc và Mỹ. Malaysia hy vọng các bên giữ được lý trí, thận trọng trong hành vi, điều cần thúc đẩy là hòa bình chứ không phải chiến tranh ở khu vực.

Ngày 25/9, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của nước này sẽ không thay đổi, bất kể Tổng thống tiếp theo là ai. Washington sẽ duy trì ba trụ cột chính trong định hướng chính sách sắp tới của Mỹ ở Biển Đông. Thứ nhất, Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao và pháp lý, đề cao các nguyên tắc của luật quốc tế, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở; thúc đẩy các hoạt động tương tự như gửi công thư đến Liên hợp quốc; tăng cường đối thoại với các đối tác thông qua các diễn đàn, bao gồm trong khuôn khổ ASEAN. Thứ hai, Mỹ sẽ hỗ trợ các đối tác ở Đông Nam Á tăng cường năng lực nhằm bảo đảm lợi ích trên biển của các nước này, quản lý tình hình và ngăn chặn xung đột. Thứ ba, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động thực thi tự do hàng hải nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế như đã thực hiện trong hàng thập kỷ qua.

BNG Mỹ ngày 25/9 chỉ trích Trung Quốc phá hoại môi trường (quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới và thủ phạm lớn nhất của việc đánh bắt IUU). Nền kinh tế toàn cầu bị đe dọa do Trung Quốc khai thác không bền vững tài nguyên thiên nhiên và cố ý coi thường môi trường qua sáng kiến BRI. Các tàu Trung Quốc thường xuyên vi phạm các quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển khác. Trung Quốc còn vận hành hàng loạt đập lớn, đơn phương thay đổi dòng chảy ở thượng nguồn sông Mekong, gây ra những hậu quả thảm khốc cho các nước ở hạ lưu.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 26/9 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc nhân kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ phát biểu về vấn đề đối phó dịch COVID 19, sự quản trị công bằng và trung lập của LHQ, cải tổ và điều tra cơ quan y tế, và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ do LHQ đề xướng. Trong bối cảnh tình hình bất ổn, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, và không làm phương hại tới hòa bình và an ninh quốc tế, và duy trì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và sự thượng tôn pháp luật. 

Theo người phát ngôn Hải quân Ấn Độ ngày 26/9, cuộc tập trận song phương giữa Ấn Độ và Nhật Bản bắt đầu từ 26/9 và kéo dài 3 ngày. Nội dung tập trận gồm khai hỏa, cất hạ cánh máy bay trực thăng trên tàu, phòng không, chống ngầm và tàu chiến phức hợp nhằm tăng cường khả năng phối hợp vì một “thế giới an toàn và rộng mở hơn chiểu theo luận pháp quốc tế”. New Delhi huy động trực thăng, máy bay, tàu ngầm, tàu khu trục Chennai, trục hạm lớp Teg Tarkash và cả tàu chở dầu Deepark. Phía Nhật Bản có tàu chiến Kagga, tàu sân bay lớp Izumo và Ikazuchi và tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường. Đây là cuộc tập trận diễn ra hai năm một lần.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/9 chỉ trích những lời hứa sáo rỗng của Trung Quốc ở Biển Đông. Năm 2015, Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ không quân sự hóa quần đảo Trường Sa và các tiền đồn của Trung Quốc không nhắm mục tiêu hay tác động đến bất kỳ quốc gia nào. Nhưng trên thực tế, ĐCS Trung Quốc đã làm ngược lại, sử dụng các tiền đồn được quân sự hóa này “như những nền tảng cưỡng chế để khẳng định quyền kiểm soát đối với các vùng biển mà Bắc Kinh không có yêu sách biển hợp pháp”. Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối các yêu sách phi pháp và hành vi nguy hiểm của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh với các đồng minh, đối tác Đông Nam Á trong vấn đề này.

Theo Bloomberg ngày 29/9, Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 6/10 với các Bộ trưởng Ngoại giao nhóm Quad nhằm thảo luận về tình hình khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi cho biết muốn khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa nhóm Quad và nhiều quốc gia khác để hiện thực hóa Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ngày 30/9, Công sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Mã Gia trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề Biển Đông, cho rằng: (i) Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trước thập niên 70 thế kỷ XX hoàn toàn không vấp phải thách thức từ bên ngoài. Sau thập niên 70, do sự phát hiện của dầu khí, các nước ven Biển Đông bắt đầu chiếm đóng phi pháp các đảo, đá. Từ khi UNCLOS 1982 ra đời, Trung Quốc và các nước bắt đầu nảy sinh tranh chấp quyền lợi về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; (ii) UNCLOS 1982 không điều chỉnh toàn bộ vấn đề trên biển, còn nhiều điều ước quốc tế khác quy định về hoạt động trên biển; (iii) Biển Đông nằm tại cửa ngõ và là sợi dây sinh mệnh của Trung Quốc trên biển, Trung Quốc coi trọng hòa bình ổn định ở Biển Đông hơn bất cứ quốc gia nào; (iv) Trung Quốc chủ trương giải quyết và quản lý tranh chấp thông qua đàm phán.

Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển, Bộ trưởng Thứ nhất Vương quốc Anh Dominic Raab thăm chính thức Việt Nam vào ngày 29-30/9 theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Chuyến thăm diễn ra vào dịp kỷ niệm 10 năm Đối tác Chiến lược Việt - Anh. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh, đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Kết thúc hội đàm, hai bên đã ra “Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh: Định hướng phát triển trong 10 năm tới”.

Tại cuộc điện đàm ngày 30/9 với TBT CTN Nguyễn Phú Trọng, TBT Tập Cận Bình nhấn mạnh hết sức coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống với Việt Nam; khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục tích cực ủng hộ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN năm 2020; sẵn sàng cùng nhau tăng cường trao đổi chiến lược, đẩy mạnh hợp tác thực chất, hiệu quả giữa hai nước trên các lĩnh vực, đưa quan hệ láng giềng hữu nghị Trung-Việt phát triển ngày càng sâu rộng, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. TBT CTN Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác thực chất; giải quyết các vấn đề tồn tại, đặc biệt là các vấn đề trên biển, theo tinh thần nhận thức chung của hai Đảng, hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển của mỗi Đảng, mỗi nước.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Thời báo Hoàn Cầu ngày 29/9 cho rằng Washington đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị chiến tranh chống lại Trung Quốc. Trung Quốc sẽ bắn hạ các máy bay chiến đấu của Mỹ. Nếu những máy bay đó gây ra thiệt hại thực sự cho các đảo và đá ngầm, Trung Quốc sẽ tấn công các bệ và căn cứ mà các máy bay đó cất cánh. Các Đảo “Nam Sa” chỉ có một số lượng nhỏ vũ khí phòng thủ, nếu bị tấn công, những hòn đảo đó sau này cần được biến thành căn cứ quân sự hoạt động để chống lại các mối đe dọa.

Báo SoHu (Trung Quốc) ngày 29/9 đăng bài viết của học giả Hồ Ba (SCSPI) cho rằng chính Mỹ là nước muốn khống chế Biển Đông. Cho rằng từ đầu năm, các động thái trực tiếp can dự vào tranh chấp Biển Đông của Quốc vụ viện Mỹ gia tăng rõ ràng, ngoài việc gây sức ép với Trung Quốc trong từng vụ việc xảy ra trên Biển Đông và tranh chấp ngoại giao của các nước trong tranh chấp, Mỹ còn chủ động tăng cường các hành động, vu khống Trung Quốc. Cho rằng: (i) Khái niệm “quân sự hóa” không phù hợp khi sử dụng tại Biển Đông; (ii) Mỹ hàng năm phái hàng ngàn lần máy bay và hàng trăm lần tàu chiến đến hoạt động tại Biển Đông, thường xuyên tiến gần đất liền Trung Quốc và gần bờ đảo Hải Nam; (iii) Trung Quốc là nước ven biển lớn nhất tại Biển Đông, cần có lực lượng đủ để duy trì và bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích biển, cũng cần phải có lực lượng thích hợp để duy trì hòa bình ổn dịnh tại Biển Đông. Mỹ thường lặp lại các luận điệu cáo buộc cũ, can dự vào tranh chấp Biển Đông và muốn chống lại hành động của Trung Quốc tại đây.

+ Đông Nam Á:

Báo thanh niên ngày 24/9 trích bình luận của một số học giả về việc Tổng thống Philippines Duterte đề cao Phán quyết tại Liên hợp quốc. Theo chuyên gia Jeffrey Ordaniel, Viện nghiên cứu Pacific Forum, Mỹ, đây là bước đi đúng đắn và nếu Philippines có chiến lược, nước này nên liên tục củng cố tầm quan trọng của Phán quyết bất cứ lúc nào có thể. Học giả Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và luật biển, Đại học Philippines, cho rằng cần phải xem chính quyền của Duterte sẽ hành động như thế nào sau khi ông Duterte nhấn mạnh tầm quan trọng của Phán quyết.

+ Châu Âu - Mỹ:

Chuyên gia Joshua Espena, ngày 24/9 trên Policy Forum, nhận định Nga đang có cơ hội xây dựng vị thế ở Đông Nam Á, nhưng vấn đề Biển Đông sẽ cản trở Nga tạo lập tầm ảnh hưởng tại khu vực. Về cơ hội, việc Việt Nam và Philippines quan tâm tới vaccine Sputnik V tạo điều kiện để Nga xây dựng sức mạnh mềm ở Đông Nam Á. Về vấn đề Biển Đông, Rosneft của Nga đang hợp tác với Việt Nam và để ngỏ khả năng hợp tác với Philippines; tuy nhiên, quan hệ Nga - Trung có ý nghĩa quá lớn cả về cả chiến lược và kinh tế nên không có khả năng Nga từ bỏ quan hệ với Trung Quốc để hợp tác với các nước Đông Nam Á.

Học giả Mỹ Philip Bowring, ngày 25/9, nhận định Tổng thống Philippines Duterte đã thay đổi lập trường trong vấn đề Biển Đông thông qua bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông Duterte không chỉ tập trung vào tuyên bố chủ quyền của Philippines theo UNCLOS, mà còn kêu gọi sự ủng hộ quốc tế. Đây là: (i) tín hiệu phản đối việc Trung Quốc lấn chiếm các đảo, rạn san hô và các vùng EEZ ở Biển Đông; và (ii) bác bỏ quan điểm của Trung Quốc rằng các vấn đề này phải được giải quyết song phương.

Jagannath Panda (chuyên viên nghiên cứu, điều phối viên trung tâm Đông Á, IDSA, Ấn Độ) và Akriti Vasudeva (nhà phân tích chương trình Nam Á, trung tâm Stimson, Mỹ) ngày 28/9 nhận định để đối phó với Trung Quốc, Mỹ đang tăng cường các nhóm liên minh như QUAD, thúc đẩy thành lập nhóm mới QUAD Plus. Quad Plus quan trọng với Mỹ vì đây là bước đi hướng tới chia tách kinh tế với Trung Quốc. Các nước QUAD Plus sẽ là thị trường thay thế cho Trung Quốc, nhất là Việt Nam và Ấn Độ. Khuôn khổ QUAD Plus cũng là phương thức để Mỹ và thành viên khai thác lợi ích bổ sung với các quốc gia khác, thúc đẩy đòn bẩy chiến lược của QUAD trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi. Tuy nhiên ý tưởng thành lập QUAD Plus vẫn còn khá viển vông và không rõ ràng: (i) Nếu Joe Biden thắng cử, liệu ông có tiếp tục thúc đẩy hay không; (ii) Nhiều nước có mối quan hệ kinh tế lâu đời với Trung Quốc; (iii) Khó khăn trong việc xác định mục đích và ưu tiên chung.

Jeffrey T. Vanak (cựu Tư lệnh Hải quân Mỹ) ngày 28/9 cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ sớm thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm tại Tây Thái Bình Dương vì một số lý do sau: (i) đây sẽ là thông điệp rõ ràng tới các đồng minh và đối tác của Mỹ rằng quân đội Mỹ có thể sẽ không đủ khả năng hoặc sẽ chỉ có thể phản ứng một cách muộn màng nếu xung đột xảy ra (tại Senkaku/Điếu Ngư hoặc Đài Loan). Ngoài ra, đó cũng sẽ là lời nhắc nhở các nước ở Biển Đông rằng giải pháp duy nhất để có hoà bình là đàm phán song phương với Bắc Kinh; (ii) thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tại khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ là cách để Trung Quốc khoa trương họ đủ khả năng phá vỡ các rào cản địa lý trên đại dương mà Mỹ tạo ra; (iii) đây là cách để Trung Quốc phân tán sự chú ý của Mỹ, vốn đang tập trung ở các vùng biển gần (trong đó có Biển Đông), sang cả các vùng biển xa (khu vực Tây Thái Bình Dương).

Học giả Francis P. Sempa (Đại học Wilkes, Mỹ) ngày 29/9 cho rằng lục quân Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các hoạt động triển khai lực lượng trong tương lai của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ gắn liền với "khái niệm tác chiến đa miền". Cuộc tập trận RIMPAC 2018 đã bao gồm hoạt động diễn tập tác chiến đa miền, "giúp Lục quân trong tương lai có thể đóng góp vào hoạt động tác chiến của Lực lượng Liên quân trong bối cảnh đối phương áp dụng chiến thuật chống tiếp cận/phong toả". Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khởi động sáng kiến "Pacific Pathways 2.0", trong đó các đơn vị trong Lục quân Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh để tiến hành tập trận và triển khai quân tại khu vực.

Ngày 29/9, Dov S. Zakheim (The Hill) cho rằng Mỹ cần tăng hiện diện ở Vịnh Cam Ranh và không chỉ dừng lại ở những chuyến thăm cảng thường xuyên vì: (i) chính sách của Mỹ nên tập trung vào "địa điểm" chứ không phải "căn cứ" vì các căn cứ sẽ là mục tiêu cố định để địch tấn công; (ii) Việt – Mỹ không có hiệp định đồng minh và Mỹ không cần thêm căn cứ ở Đông Nam Á, Việt Nam có thể học tập mô hình của Singapore trong việc cung cấp những đặc quyền về hỗ trợ hậu cần cơ sở vật chất cho Mỹ nhưng không phải là thoả thuận về thiết lập căn cứ cố định và (iii) chứng minh với Trung Quốc về sự hiện diện của Mỹ và khẳng định về việc Mỹ sẵn sàng trong việc hỗ trợ các nước bạn bè và đối tác.

Ngày 30/9, Jacob Stokes (Viện Hoà bình, Mỹ) và Zack Cooper (Viện Doanh nghiệp, Mỹ) đề cập các cơ chế thông tin liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời đưa ra một vài khuyến nghị để cải thiện việc quản lý khủng hoảng. Đánh giá về giá trị và nguy cơ giải quyết khủng hoảng, hai học giả cho rằng Trung Quốc chỉ thích cơ chế quản lý khủng hoảng liên quan đến xung đột quân sự trực tiếp với Mỹ, và không thích sự tồn tại của cơ chế này trong các lĩnh vực khác. Bởi vì, Trung Quốc muốn để mở khả năng hành động một cách thoải mái cho các lực lượng bán quân sự. Hai học giả chia các cơ chế quản lý khủng hoảng giữa Mỹ và Trung Quốc thành 03 nhóm: kênh ngoại giao, đường dây nóng giữa các lãnh đạo và các hiệp định quân sự. Một số khuyến nghị: (i) Mỹ cần hiểu rõ và chính xác hơn về cách thức mà lãnh đạo Trung Quốc lấy thông tin, cụ thể là đường thông tin giữa ngoại giao và quân sự Trung Quốc; (ii) Mỹ cần thúc đẩy các cơ chế có thể kiềm chế thực sự các hành vi đe dọa an ninh của Trung Quốc.

+ Các nước khác:

Yoshihide Soeya, Giáo sư danh dự Đại học Keio, ngày 23/9 nhận định rằng đã đến lúc thành lập Bộ Tứ các nước tầm trung (MPQ), hướng tới thiết lập khuôn khổ hợp tác ASEAN-MPQ. Trong khi cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, phương thức ASEAN là con dao hai lưỡi: (i) Nước nhỏ dễ bị các cường quốc kiểm soát; (ii) Thái độ khác nhau của các nước ASEAN đối với Mỹ và Trung Quốc làm suy yếu sự đoàn kết của khối. Vì vậy, cần một cách tiếp cận mới không bao gồm Mỹ và Trung Quốc: hợp tác MPQ-ASEAN. Các nước MPQ hiện có mối quan hệ hợp tác song phương với ASEAN và các nước thành viên rất phát triển, do đó, cần nâng cấp các hiệp định song phương giữa các bên thành ba bên và cuối cùng là bốn bên. Việc thiết lập hợp tác MPQ và ASEAN-MPQ phụ thuộc vào tư duy chiến lược và khả năng lãnh đạo chính trị đúng đắn của các bên.

PGS. Liu Qingbin, Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản ngày 28/9 cho biết Trung Quốc ban đầu vốn có ý định giảm hiện diện hải quân tại Senkaku, nhưng sau đó tàu cá Nhật Bản lại tiến vào vùng tranh chấp này nên dẫn tới căng thẳng Trung - Nhật tại Biển Hoa Đông gia tăng như hiện tại. Trong bối cảnh các nhà lập pháp Nhật Bản hối thúc chính quyền cho phép tập trận chung với Mỹ ở Biển Hoa Đông, GS. Sato Yoichiro (Đại học Ritsumeikan Asia Pacific) đánh giá việc này là không cần thiết và Nhật Bản chỉ cần tăng cường tuần tra và đảm bảo Mỹ thực hiện các nghĩa vụ là đủ duy trì sự răn đe. Học giả Alessio Patalano (Đại học King London Anh) cho rằng hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông nhằm bình thường hóa sự hiện diện của lực lượng chấp pháp và thách thức sự kiểm soát hữu hiệu của Chính phủ Nhật Bản. GS. Mochizuki (Đại học George Washington) nhận định Nhật Bản nên duy trì cảnh giác để bảo vệ lợi ích lãnh thổ, nhưng tránh phóng đại mối đe dọa. Lợi ích của Trung Quốc trong tranh chấp Senkaku chỉ mang tính tượng trưng, và sẽ không từ bỏ, nhưng cũng không muốn rơi vào một cuộc chiến với Nhật Bản. Nguy cơ lớn nhất là xảy ra xung đột giữa Đài Loan và Trung Quốc, và Nhật Bản sẽ bị kéo vào vì vị trí địa lý và quan hệ đồng minh với Mỹ.

GS.Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úcs, Đại Học New South Wales,  ngày 29/9 cho rằng phát biểu của ông Duterte tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về Phán quyết năm 2016 là “một quả bom bất ngờ”, lời “khẳng định táo bạo nhất” của một quan chức Philippines về vấn đề này. Ngoài ra, công hàm chung của Anh-Pháp-Đức báo hiệu rằng 3 nước quan trọng hàng đầu Châu Âu, trong đó gồm 2 Thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, có lợi ích quốc gia tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Pintu Kumnar Mahla, Trung tâm The Kootneeti Team, Ấn Độ, ngày 29/9 nhận định có 5 lý do để Ấn Độ quan tâm đến Biển Đông: (i) Sự mở rộng thương mại với Đông Á; (ii) Giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc biển đối với các mối quan tâm của Ấn Độ; (iii) Trung Quốc gia tăng hiện diện ở Ấn Độ Dương; (iv) Biển Đông là nơi Ấn Độ và đối tác tác ngăn chặn đối thủ của Ấn Độ ở khu vực; (v) Đảm bảo tuyến đường vận tải biển đi qua Biển Đông của Ấn Độ.

Don McLain Gill, Bình luận viên trên Eurasia Review, ngày 30/9 cho rằng thông qua tăng cường đáng kể hợp tác với Việt Nam, Ấn Độ có thể thu hút các quốc gia Đông Nam Á khác tăng cường quan hệ với mình, trong bối cảnh Trung Quốc đang triển khai chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán. Để củng cố vai trò chiến lược của mình, Ấn Độ cần (i) Thể hiện cam kết lớn hơn trong khu vực, (ii) Chú ý hơn tới các vấn đề an ninh mà các nước Đông Nam Á đang đối mặt và (iii) Từ bỏ chính sách thỏa hiệp với Trung Quốc.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn