Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Thời báo Hoàn Cầu dẫn thông báo Cục Hải sự Thanh Lan cho hay từ 08.00AM-18.00PM từ ngày 25-30/4, Trung Quốc sẽ tập trận ở Biển Đông trong bán kính 3 hải lý tính từ tọa độ 18-49.45N/110-33.78E. Nghiêm cấm tàu thuyền đi vào. 

Từ đầu tháng 4/2021 đến nay, máy bay quân sự Trung Quốc đã xâm nhập Vùng ADIZ của Đài Loan trong 19 ngày. Nếu tính từ đầu năm 2021, Trung Quốc điều máy bay quân sự bay vào ADIZ của Đài Loan tổng cộng 94 ngày.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23/4 tham dự lễ bàn giao ba tàu chiến, gồm Trường Chinh 18 (số hiệu 421), tàu Đại Liên (số hiệu 105) và tàu Hải Nam (số hiệu 31) cho Hải quân Trung Quốc tại Tam Á. Đáng chú ý nhất là tàu đổ bộ tấn công Hải Nam Type 075 có khả năng chở 30 trực thăng và hàng trăm binh sĩ, với lượng giãn nước 40.000 tấn. Đây là tàu đổ bộ tấn công lớn nhất của Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại.

Ngày 23/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobue Kishi thông báo Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) sẽ tập trận chung với Thủy quân lục chiến Mỹ và quân đội Pháp từ ngày 11 đến 17/5 ở tây nam Nhật Bản. Đây là cuộc tập trận quy mô lớn đầu tiên trên lãnh thổ Nhật Bản với sự tham gia của 3 nước Nhật Bản, Mỹ và Pháp.

Cảnh sát biển Philippines ngày 25/4 đang diễn tập ở Biển Đông, gần khu vực Thị Tứ và Bãi cạn Scarborough. Nội dung diễn tập bao huấn luyện tàu nhỏ, hoạt động bảo trì và hậu cần. Theo phát ngôn viên cảnh sát biển Philippines Armando Balilo, hoạt động lần này nhằm đảm bảo "quyền tài phán trên biển của Philippines".

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc ngày 25/4 cho biết một đại tàu hậu cần của Chiến khu Nam huấn luyện tiếp tế lương thực và nhiên liệu trên Biển Đông, kiểm tra năng lực cung ứng của tàu y tế Type 903.

Theo Inquirer ngày 26/4, không quân Mỹ triển khai cường kích AC-130J tham gia cuộc tập trận chung Balikatan với Philippines. Đây là lần đầu tiên AC-130J được triển khai đến Philippines, xuất phát từ căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản. Cuộc tập trận Balikatan chính thức kết thúc vào ngày 23/4, nhưng sau đó vẫn diễn ra một số hoạt động diễn tập khác như huấn luyện trên không.

Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc tuần tra liên hợp trên Vịnh Bắc Bộ. Hoạt động diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày 26/4. Biên đội tàu tuần tra hai nước đã hành trình trên 13 điểm ở đường phân định Vịnh Bắc Bộ; kiểm tra, giám sát tàu thuyền của ngư dân khai thác thủy hải sản, tuyên truyền các nội dung liên quan đến quy định đánh bắt thủy hải sản, quy chế hoạt động, ứng xử trên biển.

Ngày 26/4, Đại sứ quán Anh tại Tokyo cho biết nhóm tàu gồm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, 2 tàu khu trục lớn, và 2 tàu hộ vệ và 2 tàu hỗ trợ của hải quân Hoàng gia sẽ có hành trình tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dự kiến nhóm tàu ghé thăm Ấn Độ và Singapore, diễn tập với các lực lượng của Nhật Bản, Úc, Canada, New Zealand, Pháp, UAE, Đan Mạch, Hy lạp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ấn Độ, Oman và Hàn Quốc.

Ngày 28/4, đơn vị Thủy quân Lục chiến Mỹ (VMFA-211) - Mỹ triển khai phi đội 10 máy bay chiến đấu F-35B đến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh, để phối hợp huấn luyện trước khi tiến hành tác chiến chung tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào tháng 5/2021. Đây là lần đầu tiên phi đội của Mỹ thực hiện kế hoạch phối hợp tác chiến đầy đủ với nhóm tàu sân bay của Anh và 1 tàu khu trục của Hà Lan.

Ngày 28/4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Indonesia đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ nhóm kỹ sư nước này tiếp tục Dự án phát triển chiến đấu cơ trị giá 7,9 tỷ USD. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của KF-21 dự kiến vào năm 2022 và toàn bộ quá trình phát triển sẽ được hoàn tất vào năm 2026. Lần đàm phán gần nhất giữa hai bên diễn ra vào tháng 9/2020.

Tân Hoa xã ngày 30/4 cho hay Luật sửa đổi An ninh Hàng hải của Trung Quốc mới được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9. Luật sửa đổi có 10 Chương và 122 Điều với nội dung gồm: (i) tăng cường điều kiện giao thông trên biển, nâng cao nâng lực bảo đảm an ninh hàng hải; (ii) tăng cường quy định về hành vi trên biển, quản lý tàu thuyền; (iii) quy định các hành động quản lý hành chính, các loại giấy phép; (iv) hoàn thiện cơ chế ứng cứu trên biển.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 23/4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Mỹ và Philippines tiếp tục thảo luận các điều khoản trong Thỏa thuận các lực lượng viếng thăm (VFA) nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng và tăng cường năng lực ứng phó với thảm họa và chống khủng bố.

Ngày 24/4, EU ra Tuyên bố khẳng định “các căng thẳng ở Biển Đông, bao gồm việc tàu Trung Quốc hiện diện ở Đá Ba Đầu phương hại đến hoà bình và ổn định ở khu vực. EU phản đối mạnh mẽ các hành vi đơn phương gây bất ổn khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Indonesia. Hai nhà lãnh đạo khẳng định đặc biệt coi trọng việc sớm hoàn tất đàm phán ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước; nhất trí duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, trong đó duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, thực hiện hiệu quả DOC và sớm hoàn tất đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Phát biểu tại lễ tốt nghiệp của sinh viên Đại học Adelaide ngày 26/4, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Úc Frances Adamson cho rằng Úc mong có mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, tuy nhiên Trung Quốc đòi hỏi Úc thỏa hiệp lợi ích quốc gia để đổi lấy đối thoại và hợp tác. Thứ trưởng Adamson nhấn mạnh cần đánh giá kỹ rủi ro và định hướng chiến lược, cũng như tầm quan trọng của an ninh và thịnh vượng toàn cầu theo các quy tắc phổ phát.

Ngày 26/4, 11 nghị sĩ Philippines đệ trình Nghị quyết số 708 chỉ trích "các hoạt động bất hợp pháp" của Trung Quốc ở Biển Đông. Nghị quyết lên án Bắc Kinh triển khai tàu quân sự vào vùng biển của Philippines; coi thường luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và Phán quyết của Tòa năm 2016; gây ô nhiễm môi trường biển và phá hoại các rạn san hô. Động thái trên diễn ra sau khi tàu Trung Quốc từ chối rời đi bất chấp các phản đối ngoại giao liên tục của Philippines.

Trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ Trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ngày 26/4 đã hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Trong các cuộc gặp, ông Hòa khẳng định hai nước là một cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược; cần triển khai thực chất nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, tăng cường giao lưu chiến lược, tăng cường lòng tin chính trị. Trong vấn đề Biển Đông, hai nước cần quản lý tốt các bất đồng, hoạch định tốt hợp tác trên biển, và duy trì hòa bình ổn định tại Biển Đông.

Ngày 26/4, tại buổi phỏng vấn với đài ANC, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho hay Mỹ có trách nhiệm giúp đỡ Philippines tiến hành các cuộc diễn tập trong Vùng EEZ của nước này để tạo sức ép buộc Bắc Kinh rút tàu.

Ngày 27/4, trong khuôn khổ đối thoại ADMM và FPDA, Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Datuk Seri Ismail Sabri Yaakob và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen đưa ra ba giải pháp để củng cố môi trường an ninh trong khu vực: (i) Thúc đẩy việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế ở Biển Đông; (ii) Tăng cường hợp tác trong an ninh mạng và chia sẻ thông tin; (iii) Tích cực tham gia diễn tập trên biển.

Ngày 27/4, Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố Sách Xanh Ngoại giao 2021, nhấn mạnh “việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân đội thiếu minh bạch, đơn phương mở rộng, tăng cường hoạt động quân sự, thay đổi hiện trạng ở khu vực Biển Đông và Hoa Đông gây quan ngại đối với an ninh quốc tế và khu vực”.

Ngày 27/4, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản có cuộc điện đàm, trao đổi về quan hệ song phương và tình hình khu vực. Bộ trưởng Motegi đề cao vai trò đối tác của Việt Nam trong việc hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hai bên bày tỏ quan ngại về những nỗ lực nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực vẫn tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng ở Biển Đông.

Ngày 28/4, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố nước này sẽ chi 580 triệu USD để nâng cấp bốn căn cứ quân sự ở phía Bắc, đồng thời mở rộng phạm vi các cuộc tập trận với Mỹ. Úc dự kiến tổ chức tập trận chung với Mỹ hai năm một lần và sẽ bắt đầu vào tháng 8/2021. Tuy tránh nhắc tới Trung Quốc, tuyên bố nêu bật trọng tâm quân sự của Úc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai nước tại khu vực.

Ngày 28/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từ chối yêu cầu của Trung Quốc về việc rút các tàu Philippine khỏi khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, ông Duterte không chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc, nhắc lại mong muốn duy trì quan hệ hữu nghị với “người bạn tốt” Trung Quốc. Tiếp đó ngày 29/4, ông Duterte nhấn mạnh dù Philippines trân trọng viện trợ của Trung Quốc nhưng vì lợi ích quốc gia, ông vẫn duy trì tàu hải quân Philippines ở Vùng EEZ của nước này.

Ngày 28/4, Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố Trung Quốc không có quyền hay cơ sở pháp lý để ngăn cản Philippines thực hiện các cuộc diễn tập trong vùng biển của nước này. Ông Lorenzana khẳng định yêu sách quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở.  

Ngày 28/4, Hạ nghị sĩ Philippines Zarate kêu gọi Tổng thống Duterte điều tàu tuần duyên đến bảo vệ ngư dân Philippines ở Bãi cạn Scarborough và những khu vực nước này yêu sách chủ quyền. Theo ông Zarate, Trung Quốc đang hành thoải mái hành động mà không gặp bất kỳ phản đối nào từ Tổng thống Duterte.

Góc nhìn quốc tế

Ngày 24/4, nhà nghiên cứu Javin Aryan, Chương trình Nghiên cứu Chiến lược - ORF, đánh giá quan hệ quốc phòng Anh-Ấn được tăng cường sau khi Anh tuyên bố “can dự rộng hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và coi Ấn Độ là “trụ cột”. Một số triển vọng hợp tác như thỏa thuận hậu cần sớm được ký kết cho phép Ấn Độ và Anh tiếp cận các căn cứ của nhau. Quan hệ hai bên cũng không giới hạn ở việc mua bán vũ khí và hợp tác sản xuất quốc phòng. Thông qua cách tiếp cận chung nhằm duy trì an ninh và ổn định ở Ấn Độ -Thái Bình Dương, hai nước có tiềm năng xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Ngày 26/4, GS. Phùng Ngọc Quân, Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế - Đại học Phúc Đán, đánh giá chính sách “nước Mỹ trên hết” Tổng thống Trump đã ảnh hưởng đến hệ thống đồng minh của Mỹ, khiến quan hệ xa cách ở các mức độ khác nhau. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden coi trọng vai trò đồng minh trong việc duy trì vị thế toàn cầu của Mỹ. Nhằm củng cố giá trị phương Tây và kiềm chế các đối thủ chiến lược, chính quyền Biden hiện tăng cường tái định hình mạng lưới đồng minh, đối tác.

Ngày 27/4, học giả Grant Newsham, Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản đánh giá Mỹ đối mặt 3 vấn đề lớn khi cạnh tranh với Trung Quốc ở Ấn Độ Dương: (i) ít kinh phí; (ii) thiếu địa điểm triển khai phù hợp; (iii) các doanh nghiệp lớn của Mỹ không đồng hành cùng chính phủ.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn