Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Đài Loan cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, máy bay quân sự Trung Quốc xâm nhập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phía Tây-Nam Đài Loan tổng cộng 119 ngày. Trong tháng 5, máy bay Trung Quốc gần như ngày nào cũng xâm nhập, theo thống kê là 19 ngày tính tới ngày 22/5.

Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh ngày 22/5 bắt đầu hành trình tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dự kiến, nhóm tàu Anh sẽ cập cảng Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, tham dự khoảng 70 cuộc tập trận lớn nhỏ với các nước đồng minh, đối tác của Anh. Sứ mệnh kéo dài bảy tháng, đi qua hơn 40 quốc gia.

Quân đội Trung Quốc ngày 24/5 thông báo hoàn tất đợt diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông từ ngày 15-18/5, với mục tiêu tăng cường khả năng không kích trên biển và cải thiện năng lực tấn công chính xác.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Thông cáo Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc họp lần thứ 6 cơ chế tham vấn song phương Trung Quốc-Philippines về Biển Đông ngày 21/5 khẳng định hai nước những năm qua không ngừng tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác. Hai nước cần tiếp tục tuân thủ và thực hiện đầy đủ các thỏa thuận quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về vấn đề biển, tích cực duy trì quan hệ hữu nghị, hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Trung Quốc và các nước ASEAN đã vượt qua khó khăn của đại dịch, duy trì đà tham vấn về COC, thảo luận sâu về các vấn đề biển, dầu khí, nghề cá, môi trường, cứu hộ và nghiên cứu khoa học. Trong Tuyên bố ngày 22/5, Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh hai bên nhận thức rõ tầm quan trọng của đối thoại nhằm xoa dịu căng thẳng. Philippines nhắc lại việc tôn trọng và tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS và Phán quyết 2016.

Trong bài phát biểu trực tuyến ngày 21/5 tại hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 26 - diễn đàn đối thoại chính sách Hãng Nikkei (Nhật Bản) tổ chức, Tổng thống Philippines Duterte cho rằng Philippines “không mù quáng” trước sự đa dạng hóa và phân tách địa chính trị. Philippines nhận thấy không cần phải chọn bên trong cuộc cạnh tranh địa kinh tế đang diễn ra giữa các cường quốc.

Tờ Financial Times ngày 24/5 đưa tin Trung Quốc 3 lần từ chối yêu cầu đối thoại của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin với Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Hứa Kì Lượng. Trong khi đó, tờ Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 24/5 cho biết Lầu Năm Góc “không tuân theo nghi thức ngoại giao” (người đồng cấp của ông Austin là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, thay vì ông Hứa).

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy R Sherman dự kiến thăm Indonesia, Campuchia và Thái Lan trong chuyến công du từ ngày 25/5 tới 4/6. Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Thứ trưởng Sherman sẽ nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN và quan hệ Mỹ - ASEAN tại Jakarta, vấn đề Mekong tại Bangkok nhưng chưa tiết lộ chương trình nghị sự tại Campuchia. 

Về Tuyên bố chung của Hội nghị Thưởng đỉnh Mỹ-Hàn, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 24/5 khẳng định, “Trung Quốc quan ngại nội dung của Tuyên bố này. Đài Loan là công việc nội bộ và các nước khu vực đều hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế. Trung Quốc nhấn mạnh chỉ có một hệ thống quốc tế và một hệ thống luật lệ, với Liên Hợp Quốc là trung tâm. Trung Quốc phản đối việc hình thành các nhóm nhỏ nhằm vào nước khác như nhóm Quad hay chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.  

Trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 24/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Việt - Trung; nêu một số biện pháp trọng tâm thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian; khẳng định hai bên cần nỗ lực duy trì môi trường hòa bình, ổn định, cùng xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển theo nhận thức chung cấp cao, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS năm 1982; tiếp tục tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương.

Trong cuộc điện đàm ngày 25/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược. Hai bên thống nhất sớm xây dựng kế hoạch hành động chiến lược giai đoạn 2022-2023; khẳng định vai trò của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982; nhấn mạnh vai trò trung tâm ASEAN, thúc đẩy đối thoại hòa bình, giải quyết vấn đề Myanmar.

Về cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 25/5 nhấn mạnh, “Những năm qua hai nước đã duy trì đà phát triển tốt đẹp và cuộc điện đàm lần này chỉ rõ phương hướng phát triển cho quan hệ hai nước từ nay về sau. Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng cùng Việt Nam không ngừng bổ sung nội hàm thời đại mới cho Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung; tích cực xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh Việt - Trung, tiếp thêm sức sống mới cho quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt - Trung”.

Trong cuộc điện đàm ngày 25/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Về Biển Đông, hai nhà Lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC; tiến tới đạt được COC thực chất, hiệu quả.

Về việc Đài Loan được đề cập trong tuyên bố thượng đỉnh Mỹ - Hàn, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby ngày 25/5 khẳng định chính sách của Mỹ không thay đổi. Mỹ không muốn thấy hành động đơn phương thay đổi hiện trạng Đài Loan; tiếp tục hỗ trợ Đài Loan về quốc phòng và tuân thủ Đạo luật Quan hệ với Đài Loan, “3 tuyên bố chung và 6 đảm bảo”.

Ngày 25/5, Chánh Văn phòng Chính sách Phủ Tổng thống Lee Ho-seung bác bỏ khả năng Trung Quốc trả đũa kinh tế liên quan tới kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn, tương tự như Trung Quốc trả đũa Hàn Quốc về việc triển khai tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cao (THAAD). Ông Lee cho hay quan ngại này dựa trên phán đoán khá vội vàng và "bầu không khí quan hệ không hề như vậy."

Tuyên bố chung ngày 25/5 của Thượng đỉnh Mỹ - Hàn khẳng định hai Bên: (i) nhất trí phối hợp chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc với Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; (ii) tái khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn dắt; nhận thức tầm quan trọng của cơ chế khu vực tự do, minh bạch và bao quát, bao gồm Quad; (iii) phản đối mọi hành động làm suy yếu, mất ổn định hoặc đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; cam kết duy trì Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Hai Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan.

Phát biểu tại Đại học Stanford ngày 26/5, Điều phối viên phụ trách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Kurt Campbell khẳng định giai đoạn "can dự" với Trung Quốc đã kết thúc. Chính sách Trung Quốc của Mỹ sẽ đi theo "các tham số chiến lược mới", nhấn mạnh yếu tố "cạnh tranh". Theo ông Campbell, chính sách cứng rắn của Trung Quốc như tiến hành ngoại giao "chiến lang", đụng độ với Ấn Độ ở biên giới, gây sức ép kinh tế với Úc... là nguyên nhân chính khiến Mỹ thay đổi chính sách. Ông Campbell cho hay Mỹ dự định triệu tập cuộc họp trực tiếp các lãnh đạo Quad và hoan nghênh các nước khác tham gia, “Tôi muốn nhấn mạnh đây không phải một nhóm hình thức. Nếu các nước khác muốn phối hợp, cánh cửa sẽ mở rộng”.

Phái đoàn Trung Quốc tại EU ngày 27/5 phản đối Tuyên bố Thượng đỉnh EU-Nhật Bản vì "vượt quá" khuôn khổ quan hệ song phương, tổn hại hòa bình quốc tế và lợi ích của bên thứ ba, đi ngược lại với lời kêu gọi của EU và Nhật Bản về một thế giới dân chủ và ổn định. Phái đoàn Trung Quốc cũng khẳng định Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương là các vấn đề nội bộ; Biển Đông và Hoa Đông liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và quyền trên biển của Trung Quốc, các nước bên ngoài không được can dự. Trước đó, Thông cáo chung sau cuộc họp trực tuyến giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông; phản đối các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng; khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay Phó Thủ tướng, Trưởng đoàn đối thoại kinh tế Trung - Mỹ Lưu Hạc ngày 27/5 đã điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai trong không khí “thẳng thắn, thiết thực và mang tính xây dựng”. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, bà Tai “thảo luận về các định hướng của chính sách thương mại lấy người lao động làm trung tâm của chính quyền Biden, đánh giá quan hệ thương mại song phương, đồng thời nêu ra các vấn đề Mỹ quan tâm”. Lần gần nhất đại diện thương mại hai bên trao đổi vào tháng 8 năm 2020.

Việt Nam ngày 27/5 yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền ở Biển Đông. Về việc Philippines thông báo chuẩn bị sửa chữa cơ sở hạ tầng ở Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ DOC ở Biển Đông, UNCLOS năm 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình; có đóng góp thiết thực, tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông cũng như tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán COC ở Biển Đông.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 28/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao những đóng góp của Ngoại trưởng Blinken cho quan hệ song phương, bày tỏ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với ông Blinken để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt -Mỹ. Về phần mình, Ngoại trưởng Blinken cam kết Mỹ tiếp tục ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; mong muốn hai bên góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Góc nhìn quốc tế

Trong bình luận trên tờ “Asia Nikkei” ngày 17/5, học giả Ian Bremmer cho rằng biện pháp cạnh tranh với đầu tư nước ngoài của Trung Quốc là không bắt các nước phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc; thay vào đó, dùng thế mạnh tại thể chế đa phương như IMF để cho vay minh bạch hơn với điều kiện thuận lợi hơn; đầu tư cả vào các nước quan hệ kinh tế với Trung Quốc. 

Học giả Jenniver Hsu, Viện Lowy - Úc, ngày 21/5 đánh giá gần đây truyền thông Úc trích dẫn Thời báo Hoàn Cầu nhiều hơn là trích những phát biểu từ chính Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra. Điều này dẫn đến những nhận thức sai lệch, gây thêm căng thẳng giữa hai nước, đặc biệt tác động tiêu cực đến công chúng Úc.

Trên “National Interests” ngày 24/5, học giả Patrick Mendis và Corey Lee Bell bình luận chiến thuật "súng và bơ" của Mỹ đang mất lợi thế cạnh tranh trước chiến thuật "nước và đá" của Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Muốn cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh cần phối hợp về sức mạnh mềm, kinh tế, tri thức và thông tin, đồng thời học hỏi từ chiến thuật của Trung Quốc.

Học giả Chu Phong, Đại học Nam Kinh Trung Quốc ngày 27/5 đánh giá, “Điểm mấu chốt trong chính sách Trung Quốc của Mỹ hiện nay là không thoát khỏi "cái bóng Trump", thậm chí còn gây thêm sức nặng cho "di sản Trump" về các vấn đề như công nghệ cao, chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng. Trước những chia rẽ chính trị và xã hội trong nước Mỹ, mối liên hệ căn bản trong tư duy cầm quyền của ông Biden là nhấn mạnh chính sách ngoại giao nên phục vụ tầng lớp trung lưu Mỹ. 

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn