Bản tin tuần Biển Đông (ngày 20.10-27.10.2023)

Tin tức nổi bật

  • Mỹ - Úc - Canada - New Zealand - Nhật Bản lần đầu diễn tập chung tại Biển Đông
  • Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm va, ngăn tàu tiếp tế Philippines ở Bãi Cỏ Mây
  • Mỹ quan ngại tàu Trung Quốc ngăn tàu Philippines, tái khẳng định Hiệp ước phòng thủ
  • Tuyên bố Mỹ - Úc tái khẳng định Phán quyết năm 2016 là chung thẩm và ràng buộc
  • Tuyên bố Nhật Bản - Đan Mạch phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển
  • EU, Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada quan ngại vụ việc ở Bãi Cỏ Mây

 + Thực địa:

Ngày 20/10, Hải quân Mỹ và Hàn Quốc hoàn thành cuộc tập trận chống ngầm “Silent Shark” ở gần Guam. Tham gia hoạt động này có tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles USS Topeka (SSN 754), tàu ngầm diesel lớp Sonwonil ROKS Jung Ji (SS 073), cùng các máy bay tuần tra biển. Sĩ quan chỉ huy tàu USS Topeka James Fulks cho hay, “Hoạt động huấn luyện trên nhằm duy trì khả năng sẵn sàng của chúng tôi. Khả năng tương tác giữa lực lượng hai bên góp phần thúc đẩy dân chủ và đảm bảo an ninh cho khu vực.”

Cục Hải cảnh Trung Quốc ngày 22/10 cho hay tàu Unaiza May 2 của  Philippines xâm phạm vùng biển gần Bãi Cỏ Mây. Vào lúc 6 giờ 14 phút, tàu Unaiza May 2 bất chấp những cảnh báo rõ ràng của Trung Quốc, cố tình di chuyển qua tuyến chấp pháp của tàu Hải cảnh 5203 một cách thiếu chuyên nghiệp và nguy hiểm, dẫn đến va chạm nhẹ. Vào lúc 8 giờ 13 phút, tàu Cảnh sát biển Philippines 4409 cố tình khiêu khích và có ý đồ chủ động lùi tàu; đuôi tàu Philippines va chạm với mạn phải của tàu cá Qiongsansha 00003 đang đậu của Trung Quốc, cố tình tạo ra hiện trạng va chạm. Hành động của Philippines đã vi phạm nghiêm trọng các quy tắc quốc tế về phòng tránh va chạm trên biển, đe dọa an ninh của tàu Trung Quốc. Hoạt động của chúng Trung Quốc rất chuyên nghiệp đúng quy định và chính đáng.

Ngày 23/10, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản cùng hải quân Mỹ, Úc, Canada, New Zealand tham gia cuộc diễn tập đa phương “Noble Caribou” ở Biển Đông. Sĩ quan chỉ huy tàu Nhật Bản Togawa Hisato cho biết: “Các bên tham gia là quốc gia có chung chí hướng trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ nhằm hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thông qua cuộc tập trận đa phương, chúng tôi có thể nâng cao năng lực chiến thuật, tăng cường hợp tác hải quân đồng thời thể hiện ý chí trong việc đảm bảo môi trường an ninh khu vực”. Đây là lần đầu tiên hải quân 05 nước diễn tập chung.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 22/10, Cơ quan đặc nhiệm Biển Tây Philippines (NFT-WPS) cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc CCG5203 đã đâm va tàu Unaiza May 2 do quân đội Philippines thuê để tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây. Vụ việc xảy ra cách tàu Sierra Madre 13,5 hải lý về phía Đông Bắc tuy nhiên tàu Unaiza May 2 vẫn đến được Bãi Cỏ Mây. Trong khi đó, Tàu Cảnh sát biển số 4409 của Philippines bị tàu dân binh biển 00003 của Trung Quốc đâm va ở vị trí cách Bãi Cỏ Mây 6,4 hải lý về phía Đông Bắc. NFT-WPS lên án hành động nguy hiểm, vô trách nhiệm của tàu hải cảnh và dân binh biển của Trung Quốc.

Ngày 22/10, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố “ủng hộ Philippines trong vụ hải cảnh Trung Quốc va chạm tàu tiếp tế của Philippines tại Bãi Cỏ Mây sáng ngày 22/10. Mỹ phản đối các hành động nguy hiểm, bất hợp pháp, can thiệp vào quyền tự do hàng hải của Philippines; tái khẳng Phán quyết Tòa trọng tài năm 2016 và Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines áp dụng với mọi cuộc tấn công nhằm vào tàu công vụ, máy bay, tàu cảnh sát biển của Philippines ở Biển Đông”.  

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong ngày 24/10 tuyên bố, “Chúng tôi ghi nhận những tuyên bố của Pháp, Hàn QuốcNhật Bản ủng hộ Philippines trong vụ việc mới nhất ở Bãi Cỏ Mây khi các tàu Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp, khiêu khích, tấn công các tàu Philippines.” Các nước này đã ra tuyên bố ủng hộ Philippines sau vụ va chạm ngày 22/10 liên quan đến tàu hải cảnh Trung Quốc va chạm tàu tiếp tế dân của Philippines gần Bãi Cỏ Mây. Đại sứ quán Mỹ, Canada, EU, Đức, Hà Lan ở Philippines cũng đồng loạt chỉ trích hành động của Trung Quốc.

Phát biểu trong cuộc họp báo với Thủ tướng Úc ngày 25/10, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố, “Chỉ trong tuần trước, các tàu của Trung Quốc đã hành động nguy hiểm và bất hợp pháp khi những người bạn Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế thường lệ trong vùng đặc quyền kinh tế của họ ở Biển Đông. Tôi muốn nói thật rõ: Cam kết quốc phòng của Mỹ đối với Philippines là không đổi. Thỏa thuận quốc phòng của Mỹ với Philippines là không lay chuyển. Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào máy bay, tàu thuyền hoặc lực lượng vũ trang của Philippines sẽ kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung của Mỹ với Philippines”.

Tuyên bố Thượng đỉnh Mỹ - Úc ngày 25/10 tại Washington, D.C khẳng định, “Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia thực hiện các quyền và tự do phù hợp với luật pháp quốc tế được phản ánh trong UNCLOS, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không; phản đối mạnh mẽ các hành động gây bất ổn ở Biển Đông, như các hành động không an toàn trên biển và trên không, quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp, sử dụng nguy hiểm các tàu hải cảnh và dân binh biển, bao gồm việc can thiệp vào các hoạt động hàng hải thường lệ của Philippines xung quanh Bãi Cỏ Mây; tái khẳng định Phán quyết Trọng tài Biển Đông năm 2016 là chung thẩm và ràng buộc đối với các bên liên quan.”

Tuyên bố chung của Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Đan Mạch ngày 25/10 tại Tokyo nhấn mạnh, “Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; phản đối nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép. Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông và nhấn mạnh yêu sách biển phải căn cứ vào UNCLOS.”

Trong cuộc điện đàm ngày 26/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr thảo luận về vụ việc ngày 22/10, đặc biệt là hành động nguy hiểm và bất hợp pháp của Trung Quốc gây ra va chạm với các tàu tiếp tế và tàu Cảnh sát biển của Philippines, gây nguy hiểm cho tàu và thủy thủ đoàn Philippines. Hai Bộ trưởng tái khẳng định rằng Hiệp ước phòng thủ chung áp dụng cho các tàu công, máy bay và lực lượng vũ trang của cả hai nước - bao gồm cả Lực lượng bảo vệ bờ biển - ở Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 với chủ đề “Thu hẹp vùng biển xám, Mở rộng vùng biển xanh” tại TP. Hồ Chí Minh ngày 25/10, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và phát triển Anh phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bà Anne-Marie Trevelyan nhấn mạnh, “Gần 60% thương mại biển toàn cầu đi qua khu vực này. Vì thế, việc tất cả các bên đều được hưởng quyền tự do hàng hải và qua lại ở Biển Đông là vô cùng quan trọng. Anh mong muốn duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và tin tưởng vào việc cần phải có một COC phù hợp với UNCLOS và phản ánh lợi ích cũng như đảm bảo quyền và tự do của tất cả các bên - bao gồm cả các nước thứ ba”.