Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Hải Nam xây dựng ngân hàng gien để bảo tồn sinh học ở Biển Đông. Tổng vốn đầu tư vào dự án này lên tới 22 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,4 triệu USD), dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Các chuyên gia bắt đầu nghiên cứu thu thập các mẫu ở vùng ven biển Hải Nam và các khu rừng ngập mặn trong dải thủy triều của đảo. Trong tương lai, tàu thám hiểm sẽ được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu biển sâu. 

Trang SCSPI ngày 3/4 cho biết nhóm tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt, tuần dương hạm USS Bunker Hill và khu trục hạm USS Russell đi qua eo biển Malacca vào Biển Đông sáng 4/4. Trước đó, Hạm đội 7 cho biết nhóm tàu này tập trận chung với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương từ ngày 28 - 29/3.

Malaysia - Brunei ngày 5/4 thỏa thuận khai thác chung dầu khí ở vùng biển tiếp giáp. Chính phủ hai nước đồng ý khai thác chung hai mỏ dầu ngoài khơi Gumusut-Kakap và Geronggong-Jagus East. Thỏa thuận này đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin tới Brunei. Việc khai thác sẽ do hãng Petronas thuộc sở hữu nhà nước của Malaysia và National Unitisation Secretariat (NUS) của Brunei đồng quản lý. 

Nhóm tác chiến Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt từ ngày 6-7/4 tập trận chung với không quân Malaysia ở Biển Đông. Đây là hoạt động diễn tập song phương đầu tiên giữa Mỹ và Malaysia trong năm nay. Chuẩn đô đốc Doug Verissimo chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay số 9 cho hay, “Chúng tôi rất vui khi được gặp mặt trực tiếp. Việc hai bên tiếp tục phối hợp là điều căn bản giúp duy trì hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Nhóm tàu đổ bộ Makin Island của Mỹ ngày 7/4 đi vào Biển Đông. Trang SCSPI, Đại học Bắc Kinh ngày 8/4 cho hay nhóm tàu Makin Island gồm tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island LHD-8 và tàu đổ bộ USS San Diego LPD-22 đi vào Biển Đông qua Eo biển Malacca. Trước đó ngày 5/4, nhóm tàu này vẫn còn hoạt động ở Ấn Độ Dương.

Hãng tin Reuters ngày 8/4 cho hay các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng hệ thống khoan Sea Bull II để lấy lõi trầm tích dài 231 mét, ở độ sâu 2.060 mét trên Biển Đông. Hệ thống khoan này do Trung Quốc sản xuất để khám phá các nguồn khí tự nhiên dưới đáy biển. Hiện không rõ Trung Quốc khoan ở khu vực nào trên Biển Đông.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin tại Phúc Kiến ngày 2/4, Ngoại trưởng Trung Quôc Vương Nghị bày tỏ Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN để “thực hiện đầy đủ và hiệu quả” DOC ở Biển Đông và thúc đẩy tham vấn về COC ở Biển Đông.

Theo Nikkei ngày 2/4, Philippines chính thức bày tỏ mong muốn gia nhập CP-TPP. Bộ trưởng Bộ Công Thương Philippines Ramon Lopez đã gửi một bức thư tới New Zealand, quốc gia đại diện của hiệp định. Việc đa dạng quan hệ thương mại giúp Philippines giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ngày 4/4 cho biết, đang cân nhắc trao công hàm hoặc phản đối qua các kênh ngoại giao sau khi Trung Quốc tuyên bố đá Ba Đầu là một phần lãnh thổ. Trên Twitter, ông Locsin viết: “Họ thực hiện điều này với lý do về khu vực đánh cá truyền thống. Tới và đánh bắt cá sẽ không tạo ra quyền sở hữu, chỉ khi đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố khu vực này là lãnh thổ Trung Quốc thì mới trở thành vấn đề".   

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 4/4 cáo buộc Trung Quốc đang âm mưu chiếm thêm "các thực thể" ở Biển Đông như những gì thực hiện ở Đá Vành Khăn và Bãi cạn Scarborough. Trước đó hôm 3/4, ông Lorenzana bác bỏ việc Bắc Kinh giải thích hàng chục tàu Trung Quốc hiện diện ở Đá Ba Đầu "để tránh thời tiết xấu". Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho rằng tuyên bố của ông Lorenzana là "khó hiểu".

Cố vấn pháp lý của Tổng thống Philippines ông Salvador Panelo ngày 5/4 cho hay hàng trăm tàu Trung Quốc 'xâm phạm' EEZ làm quan hệ căng thẳng và có thể dẫn đến 'đối đầu không mong muốn'. Ông Panelo khẳng định chủ quyền là vấn đề không thể đàm phán và Philippines sẽ không phớt lờ các vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 5/4 ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc rút tàu; khẳng định Đá Ba Đầu nằm trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Philippines và không phải “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc; tuyên bố Philippines sẽ đệ trình thêm công hàm phản đối nếu Trung Quốc trì hoãn rút tàu.

Người phát ngôn Tổng thống Philippines Harry Roque ngày 6/4 cho hay Tổng thống Duterte nhấn mạnh những bất đồng về Biển Đông không gây ảnh hưởng tới quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Hai bên sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề ở Đá Ba Đầu thông qua các kênh ngoại giao và các phương thức hòa bình.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 6/4 tuyên bố: (i) đá Ba Đầu là khu vực tránh gió bão và nơi hoạt động của tàu cá Trung Quốc lâu nay; (ii) Trung Quốc bác bỏ Phán quyết Biển Đông; (iii) phản đối cách gọi ngư dân Trung Quốc là “dân quân biển”. Theo ông Triệu, Trung Quốc không có kế hoạch đồn trú lâu dài tại đá Ba Đầu. 

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink ngày 7/4 khẳng định chính quyền Biden sẽ tiếp tục phản đối hành động hăm dọa, khiêu khích ở Biển Đông. Tại cuộc gặp gỡ báo chí cuối cùng trên cương vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Đại sứ Kritenbrink khẳng định quan điểm của Mỹ trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông là nhất quán. Mỹ đề cao tầm quan trọng của tự do hàng hải, tự do hàng không, và "tiếp tục sát cánh với các đối tác và đồng minh trong việc ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

Trong cuộc họp báo ngày 7/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, “Mỹ chia sẻ quan ngại với Philippines về việc dân quân biển Trung Quốc hiện diện đông đúc ở đá Ba Đầu. Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ Philippines; kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Phán quyết của Tòa năm 2016, mang tính ràng buộc pháp lý với các bên”.

Phát biểu ngày 7/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Mỹ cần đầu tư vào hạ tầng số, khoa học, công nghệ để tránh tụt hậu với Trung Quốc, "Mọi người nghĩ Trung Quốc sẽ ngồi chờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng số, nghiên cứu và phát triển hay không? Tôi đảm bảo là không. Trung Quốc và phần còn lại của thế giới đang đi trước Mỹ trong các khoản đầu tư tương lai”. Theo ông Biden, việc cải thiện các liên kết hạ tầng và đầu tư vào các công nghệ hiện đại là cần thiết để Mỹ có thể lãnh đạo thế giới như từng làm trong lịch sử.

Trang SCMP ngày 7/4 đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide dự kiến thăm Ấn Độ và Philippines vào đầu tháng 5, ngay sau cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Washington. Các nhà quan sát cho rằng ông Suga muốn tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ và Philippines để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.

Tại hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN ngày 7/4, các nước bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp thời gian qua ở Biển Đông, trong đó có các hành động đe dọa, cưỡng ép, vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982; ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh khu vực, đi ngược với DOC, gây bất lợi cho đàm phán COC. ASEAN nhấn mạnh lập trường nguyên tắc, kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, đề cao luật pháp, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nối lại đàm phán COC, xây dựng COC hiệu quả, hiệu lực.

Bloomberg ngày 8/4 đưa tin Thượng viện Mỹ đề xuất dự luật hỗ trợ 655 triệu USD cho hoạt động ngoại giao và quân sự ở Ấn Độ - Thái Bình Dương giai đoạn 2022-2026 và 450 triệu USD cho hoạt động an ninh biển. Dự luật cũng xác định Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Úc, Thái Lan là những đồng minh quan trọng trong việc thúc đẩy trật tự tự do và rộng mở tại khu vực.

Trong cuộc điện đàm ngày 8/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin bày tỏ quan ngại tàu cá Trung Quốc tập trung ở đá Ba Đầu; kêu gọi nước này tuân thủ Phán quyết năm 2016. Ngoại trưởng Blinken tái khẳng định khả năng kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 trong trường hợp Philippines bị tấn công ở Biển Đông.

Trang SCMP ngày 8/4 đưa tin Nhật Bản cân nhắc tuyên bố bảo vệ tàu và máy bay Mỹ trong trường hợp xung đột ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, nước này không tham chiến trực tiếp với PLA, chỉ tham gia vào lực lượng hậu cần hỗ trợ quân Mỹ, theo thoả thuận sửa đổi giữa hai quân đội năm 1997.

Theo Nikkei ngày 8/4, Nhật Bản dự kiến kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên Quad tổ chức thượng đỉnh trực tiếp lần đầu bên lề hội nghị G7 tại Anh vào tháng 6. Mục đích nhằm thúc đẩy hợp tác trong việc đối phó với tầm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines ngày 8/4 Arsenio Andolong cho hay, "Trước diễn biến ở Biển Đông, chúng tôi luôn để ngỏ các khả năng ứng phó, gồm tận dụng quan hệ đối tác với các quốc gia khác, như Mỹ". Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Mỹ ngày 7/4 tái khẳng định Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Mỹ - Philippines năm 1951.

Người Phát ngôn BNG Việt Nam ngày 8/4 yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tôn trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Về việc một số nhãn hàng nước ngoài sử dụng bản đồ có đường chín đoạn phi pháp trên website bản tiếng Trung, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như thực tế vấn đề Biển Đông. Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.

Góc nhìn quốc tế

Nghiên cứu viên Trần Hi, Đại học Khoa học công nghệ Quốc phòng Trung Quốc đánh giá thời gian tới, chính quyền Biden sẽ: (i) Tập trung đối phó cạnh tranh nước lớn. Mỹ sẽ chú trọng điều chỉnh bố trí quân sự, nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, phát huy vai trò của các nước đồng minh. Đặc biệt trong vấn đề eo biển Đài Loan và Biển Đông, chính quyền Biden coi trọng cách thức đối phó với cái gọi là “vùng xám”; (ii) Coi trọng việc sử dụng “con bài kiểm soát vũ khí. Nhiều khả năng, Biden sẽ gây áp lực lên Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấp nhận phương án kiểm tra và xác minh đã được quy định trong Hiệp ước kiểm soát vũ khí Mỹ-Nga; (iii) Điều chỉnh ngân sách quốc phòng một cách hợp lý. Trong chiến dịch tranh cử, Biden tuyên bố sẽ không cắt giảm ngân sách quốc phòng, các khoản đầu tư vào các lĩnh vực không quan trọng sẽ được chuyển sang nghiên cứu phát triển công nghệ mới gồm mạng, không gian, hệ thống vũ khí tự động.

Theo CSIS ngày 30/3, Luật Hải cảnh của Trung Quốc có nhiều điều khoản không phù hợp với luật quốc tế và có nguy cơ khiến xung đột trong khu vực Biển Đông tăng cao. Theo đó, Quyền sử dụng vũ lực theo Điều 22 luật Hải cảnh Trung Quốc được quy định cụ thể hơn so với các điều khoản sử dụng vũ lực trên biển của của các quốc gia khác (Điều 22, Điều 47, Điều 48). Các quy định về quyền hạn của cảnh sát biển theo Điều 20 và 21 nhắm trực tiếp vào các quốc gia tranh chấp ở khu vực Biển Đông và có thể dẫn tới xung đột với các quốc gia khác trong khu vực Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán.

Học giả Charmaine Misalucha-Willoughby (Đại học De La Salle) ngày 1/4 đề xuất ba cách thức giảm bớt việc an ninh hoá vấn đề Biển Đông: (i) tập trung vào các giá trị toàn cầu trên biển và kinh tế biển xanh để tạo sự phát triển bền vững; (ii) bảo đảm an ninh con người thông qua các cơ chế của ASEAN; (iii) tăng cường đối thoại nhân dân, nhất là đối thoại kênh 1.5 và kênh 2 trong khuôn khổ ASEAN.

Chuyên gia Greg Poling, CSIS ngày 4/4 bình luận Trung Quốc sử dụng sách lược mới ở Biển Đông thông qua tàu cá, “Bắc Kinh nhận thấy nếu duy trì sự cưỡng ép và áp lực trong một thời gian đủ dài, nước này sẽ buộc các nước tranh chấp Đông Nam Á phải rời đi. Điều này khá mưu mô”. Hình ảnh vệ tinh của Công ty Maxar Technologies, Mỹ cho thấy một số tàu Trung Quốc đã rời đi trong tuần qua, nhưng một số lượng lớn vẫn hiện diện ở Đá Ba Đầu.

Học giả Lucio Blanco Pitlo III (Tổ chức Con đường Tiến bộ Châu Á - Thái Bình Dương) ngày 6/4 gợi ý các biện pháp ngoại giao Philippines có thể áp dụng trong vụ Ba Đầu: (i) đưa vấn đề vào Cơ chế tham vấn Song phương với Trung Quốc; (ii) tận dụng sự ủng hộ của quốc tế; (iii) phối hợp với các quốc gia láng giềng và bên yêu sách khác cùng phản đối Trung Quốc. Ông Lucio cho rằng các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia ven biển như Indonesia, có lẽ đang theo dõi diễn biến trước khi đưa ra phản ứng. Brunei, với cương vị chủ tịch ASEAN 2021, có thể phải giải quyết vấn đề nếu các bên không đạt được giải pháp.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn