Bản tin tuần Biển Đông (ngày 19.8-25.8.2023)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Nhật - Mỹ - Úc - Philippines ngày 24/8 tập trận hải quân chung ở Biển Đông với sự tham gia của tàu trực thăng Izumo và tàu khu trục Samidare của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản; tàu chiến đấu ven biển Mobile của Hải quân Mỹ; tàu tấn công đổ bộ Canberra, tàu khu trục Anzac của Úc và tàu đổ bộ Dabao Del Sur của Hải quân Philippines. Cuộc tập trận chung ban đầu được lên kế hoạch là ba bên vì Philippines dự định không tham gia. Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố mục đích của cuộc tập trận "tăng cường hợp tác, hướng tới hiện thực hóa một Ấn - Thái tự do và rộng mở".

Philippines - Úc - Mỹ ngày 25/8 diễn tập tái chiếm đảo ở Biển Đông. Lực lượng gồm 1.200 binh sĩ Úc, 560 binh sĩ Philippines và 120 Thủy quân lục chiến Mỹ đã tham gia hoạt động mô phỏng đổ bộ và tái chiếm đảo bị lực lượng thù địch chiếm giữ ở căn cứ hải quân phía bắc Philippines. Tuyên bố trước báo giới sau cuộc tập trận, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos cho hay: “Đây là một khía cạnh quan trọng trong cách chúng tôi chuẩn bị cho mọi tình huống, khi nhiều vụ việc cho thấy sự bất ổn trong khu vực”. Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines - Úc sau đó nhấn mạnh, “hai nước nhất trí về tầm quan trọng của việc các quốc gia hoạt động an toàn và chuyên nghiệp, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; tái khẳng định sự ủng hộ đối với Phán quyết của Tòa năm 2016. Hai dự kiến lập kế hoạch tuần tra chung ở Biển Đông và các khu vực khác”.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Ngày 19/8, người phát ngôn quân đội Philippines Medel Aguilar khẳng định Philippines sẽ tiếp tục tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây, “Việc thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán tại đây là minh chứng cho niềm tin vững chắc của chúng tôi vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nền tảng cho hòa bình và ổn định khu vực.” Ngày 22/8, Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) và Cảnh sát biển Philippines (PCG) đã hộ tống 02 thuyền tiếp tế thành công nhu yếu phẩm cho lực lượng đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre, bất chấp nỗ lực ngăn cản tàu hải cảnh, dân binh Trung Quốc.   

Bình luận về Tuyên bố thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn tại Trại David, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân ngày 21/8 tuyên bố, “Thượng đỉnh trên đã công kích Trung Quốc trong các vấn đề Đài Loan và vấn đề biển, can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng và kiên quyết phản đối. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là vùng đất hứa cho hòa bình và phát triển, không nên bị biến thành võ đài cạnh tranh giữa các cường quốc, càng không nên trở thành chiến trường của chiến tranh lạnh hoặc chiến tranh nóng. Những ai tìm cách thiết lập và duy trì quyền bá chủ trong khu vực chắc chắn sẽ thất bại”.

Trả lời phỏng vấn hãng Yonhap News ngày 21/8, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cho hay, “Vào đầu tháng 8 ở Biển Đông, một tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào một tàu Philippines. Vụ việc này là một ví dụ về hành vi quyết đoán trên biển”, Tuy nhiên về quan hệ với Bắc Kinh, Ngoại trưởng Park khẳng định Seoul muốn "thúc đẩy mối quan hệ phát triển và lành mạnh với Trung Quốc. Vì quan hệ như vậy cần được xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi, chúng tôi dự định duy trì mối quan hệ ổn định thông qua trao đổi trong tương lai”.

Ngày 22/8, Hải quân Việt Nam và Hải quân Thái Lan tổ chức Hội nghị tham vấn Hải quân song phương lần thứ 3 tại Hải Phòng. Hai bên nhất trí đánh giá kết quả đã đạt được trong hợp tác 1 năm qua, thống nhất các nội dung hợp tác từ tháng 8 đến tháng 12-2023 và năm 2024. Hai bên hài lòng với kết quả chuyến tuần tra chung 46 và 47, hoạt động luyện tập tìm kiếm cứu nạn và huấn luyện hải quân cơ bản, nhất trí tiếp tục tổ chức việc tàu thăm cảng của nhau sau khi kết thúc tuần tra chung.

Phát biểu tại Viện Lowy ngày 22/8, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh, “Liên Hợp Quốc, với các quy tắc và thể chế của mình được thành lập để ngăn chặn các hành động cưỡng ép hoặc sử dụng quân sự. Đó là lý do tại sao Đức ủng hộ những quy tắc này - vì sự tôn trọng UNCLOS, cũng như Phán quyết của Trọng tài về Biển Đông. Đó là lý do tại sao chúng tôi hợp tác với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand ở Biển Hoa Đông để tuân thủ các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Triều Tiên. Đức cũng trở thành nước tham gia thường xuyên các cuộc tập trận chung quan trọng nhất được tổ chức tại Úc”.

Cảnh sát Biển Ấn Độ và Philippines lần đầu họp song phương về an ninh biển, ký kết MOU về hợp tác ngày 22/8 tại New Delhi. MOU nhằm tăng cường kết nối giữa hai lực lượng trong Chấp pháp Biển (MLE), Tìm kiếm & Cứu nạn Hàng hải (M-SAR) và Ứng phó Ô nhiễm Biển (MPR). Việc thực hiện Biên bản ghi nhớ này sẽ tăng cường hợp tác song phương, giúp đảm bảo các vùng biển an toàn, an ninh và xanh sạch trong khu vực, đồng thời mở ra cơ hội diễn tập chung và hợp tác đào tạo.

Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Indonesia ngày 24/8 khẳng định, “Tầm nhìn của ASEAN về Ấn -Thái và Chiến lược Ấn - Thái Bình của Mỹ chia sẻ tầm nhìn và cam kết duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực thông qua vai trò trung tâm của ASEAN; cam kết thúc đẩy một trật tự cởi mở, toàn diện dựa trên nguyên tắc; nhấn mạnh yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế; cam kết thúc đẩy hợp tác quốc phòng như nâng cấp máy bay chiến đấu, máy bay đa năng mới.” Trước đó ngày 23/8, Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết đã ký thỏa thuận mua 24 máy bay trực thăng vận tải loại Sikorsky S-70M Black Hawk GFA từ Tập đoàn Lockheed Martin (LMT.N) của Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh không quân Indonesia.