Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Theo Tân Hoa Xã, sáng ngày 18/6 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến đến Eo biển Malacca và rời Biển Đông. Theo kế hoạch, tàu sân bay duy nhất của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương sẽ hỗ trợ quân đội nước này rút khỏi Afghanistan trong 4 tháng. Trong khi đó, tàu USS Carl Vinson đã đến Hawaii ngày 17/6 và có thể thay nhiệm vụ của tàu USS Ronald Reagan ở khu vực.

Theo trang “Simularity” ngày 20/6, các hình ảnh vệ tinh cho thấy từ giữa tháng 5/2021 đến giữa tháng 6/2021, Trung Quốc điều động thêm hơn 100 tàu hiện diện trong vùng EEZ của Philippines. Trong đó, số lượng tàu Trung Quốc xuất hiện ở cụm Sinh Tồn tăng từ 9 tàu lên 236 tàu.

Hạm đội 7 của Mỹ cho biết tàu khu trục USS Curtis Wilbur ngày 22/6 đã di chuyển qua Eo biển Đài Loan phù hợp với luật quốc tế. Hành động này thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ ngày 23-24/6 diễn tập cùng hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, với các nội dung huấn luyện phòng không, cất hạ cánh trực thăng và tác chiến chống ngầm. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết hải quân Ấn Độ triển khai khu trục hạm INS Kochi và hộ vệ hạm INS Tej tham gia cuộc diễn tập.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc ngày 25/6 cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt hợp đồng bán tiêm kích F-16 Block 70/72 và thiết bị đi kèm cho Philippines trị giá 2,43 tỷ USD. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phê duyệt 2 thương vụ khác với Philippines là bán 12 tên lửa chống hạm phóng từ máy bay AGM-84L-1 Harpoon trị giá 120 triệu USD và 24 tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9X Block II trị giá 42,4 triệu USD.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Phát biểu trước Tiểu ban an ninh Nghị viện châu Âu ngày 18/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật bản Nobuo Kishi đánh giá cao chiến lược của EU tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; mong muốn EU cam kết mạnh mẽ hơn về an ninh; và chỉ trích các hành động đơn phương trên biển của Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Kishi, "Các quyền lợi chính đáng của tất cả quốc gia không thể bị Luật hải cảnh làm suy yếu và Nhật Bản không dung thứ hành động leo thang căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông".

Ngày 18/6, Bộ Ngoại giao Philippines cho hay Philippines - Úc đã tiến hành Đối thoại biển lần thứ nhất. Philippines đánh giá cao sự nhất quán của Úc kêu gọi các bên tuân thủ đầy đủ Phán quyết năm 2016. Hai nước trao đổi nhiều vấn đề như hợp tác giữa Mỹ và đồng minh, các quan ngại về an ninh biển, và cam kết duy trì cơ chế đối thoại này những năm tới.

Trong cuộc họp báo ngày 21/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Mỹ cam kết thúc đẩy quan hệ với Đài Loan bởi Đài Loan là đối tác an ninh và kinh tế quan trọng. Mỹ sẽ sát cánh cùng người dân Đài Loan trước mối đe doạ từ Trung Quốc. Cùng ngày 21/6, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nhấn mạnh chính sách của Mỹ với Đài Loan không có gì thay đổi.

Phát biểu tại Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN ngày 21/6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đề nghị các nước tiếp tục duy trì cách tiếp cận và nguyên tắc nhất quán về Biển Đông, tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán thực chất, sớm đạt COC hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982.

Trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 22/6, hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông; nhất trí thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc DOC, đàm phán xây dựng COC hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS năm 1982.

Trong cuộc gặp ngày 22/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thứ nhất, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không, an ninh và hòa bình ở Biển Đông; đề cao việc các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Ngày 22/6, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị Singapore tiếp tục phối hợp quan điểm trong các vấn đề khu vực và quốc tế, bao gồm Biển Đông; phát huy tinh thần đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Trước đó trong cuộc trao đổi ngày 21/6, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đề cao tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế; thực hiện nghiêm túc DOC và xây dựng COC hiệu lực phù hợp với UNCLOS năm 1982.

Phát biểu tại Hội nghị Moscow về An ninh quốc tế ngày 23/6, Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing bày tỏ, “Tranh chấp Biển Đông làm gia tăng quan ngại của khu vực. Tôi kêu gọi tất cả các nước tranh chấp tìm giải pháp tốt nhất thông qua các biện pháp hoà bình”.

Tại một Hội nghị An ninh ngày 23/6, Đô đốc Igor Kostyukov, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga, cho biết Mỹ khởi động xây dựng Hạm đội 1 và 2 lữ đoàn kiểu mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hạm đội 1 sẽ hoạt động ở phía Đông Ấn Độ Dương, dự kiến từ năm 2024. Trong khi 2 lữ đoàn mới liên quan tới chiến tranh mạng, vũ khí tầm xa sẽ hoạt động ở Tây Thái Bình Dương vào năm 2028.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 23/6, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Tướng Mark Milley cho rằng Trung Quốc tăng cường năng lực thu hồi Đài Loan trong vòng 6 năm tới, tuy nhiên khả năng tấn công Đài Loan hiện ở mức thấp. Tướng Milley phủ nhận quan điểm của Đô đốc Phil Davidson và Đô đốc John Aquilino rằng Trung Quốc sớm tấn công Đài Loan. Quan điểm của hai vị Đô đốc dựa trên việc Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu PLA đẩy nhanh các chương trình hiện đại hóa, tăng cường năng lực thu hồi Đài Loan.

Bình luận trên tờ “Manila Bulletin” ngày 23/6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. khẳng định Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 mang tính ràng buộc cuối cùng. Philippines không chấp nhận các nỗ lực phá hoại, xóa bỏ Phán quyết khỏi luật pháp quốc tế.

Trong cuộc gặp với quan chức cấp cao của các nước thành viên EAS và Phó Tổng Thư ký ASEAN ngày 24/6, quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Mỹ Kin Moy tái khẳng định Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN; phản đối các yêu sách biển phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 24/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, "Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hình thức vi phạm chủ quyền Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”.

Góc nhìn quốc tế

Tiến sỹ Pratnashree Basu, ORF - Ấn Độ, ngày 18/6 nhận định dù các nước có hoạt động tổn hại môi trường Biển Đông nhưng quy mô các hoạt động của Trung Quốc là rất lớn, gây ra những hậu quả rõ ràng. Về nghề cá, khi nguồn cá ven biển cạn kiệt và sản lượng đánh bắt giảm mạnh, ngư dân trung Quốc đi xa hơn, sử dụng kỹ thuật hiện đại và đánh bắt bằng chất nổ, gây tổn hại hệ sinh thái biển. Bên cạnh đó, hoạt động nạo vét của Trung Quốc ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nguyên nhân chính phá hủy rạn san hô và các bãi đá ngầm.

Ngày 18/6, học giả Úc Colin Chapman đánh giá Hội nghị cấp cao G7 đã hồi sinh kỷ nguyên hợp tác như cuộc họp đầu tiên của 6 nền dân chủ hàng đầu thế giới năm 1975, tiền thân của G7. Tổng thống Mỹ Biden cho rằng G7 không cạnh tranh với Trung Quốc, thay vào đó đối phó với giới lãnh đạo chuyên quyền. Một điểm đáng chú ý là G7 đã thông qua Sáng kiến “Xây dựng tương lai tốt đẹp hơn” (B3W), được cho là đối trọng với Sáng kiến BRI của Trung Quốc.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải Ngô Sĩ Tồn ngày 18/6 đề xuất 3 biện pháp gỡ thế khó trong vấn đề Biển Đông với ASEAN: (i) đột phá trong tư duy 2 kênh; (ii) các bên cần nhìn nhận nghiêm túc lập trường “không công nhận” Phán quyết của Trung Quốc; (iii) tích cực xây dựng cơ chế hợp tác tại Biển Đông. Theo ông Ngô, nỗ lực giải quyết tranh chấp hiện đối mặt nhiều thách thức: (i) sự can dự của các nước ngoài khu vực như Mỹ; (ii) một số bên tranh chấp tranh thủ sự can dự và việc Mỹ từ bỏ lập trường trung lập; (iii) tiến trình đàm phán COC bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ngày 21/6, “The Hill” có bài bình luận cho rằng Mỹ cần vừa can dự vừa cạnh tranh với Trung Quốc, trong đó chú trọng 3 điểm: (i) trong các tình huống xung đột, kênh ngoại giao, đàm phán vẫn cần thiết; (ii) cần tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu; và (iii) củng cố sự thống nhất Lưỡng Đảng trong cách tiếp cận với Trung Quốc.

Trên  tờ “Washington Post” ngày 23/6, học giả Gregory Winger cho hay khi Trung Quốc và Việt Nam tăng cường kiểm soát các thực thể ở Biển Đông cuối những năm 1970, Tổng thống Philippines lúc đó Ferdinand Marcos yêu cầu Mỹ giải thích rõ liệu Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 liệu có áp dụng ở những khu vực tranh chấp Biển Đông. Sau nhiều vòng đàm phán nội bộ, Bộ trưởng Quốc Phòng Donald H. Rumsfeld và Ngoại trưởng Cyrus Vance quyết định Mỹ sẽ bảo vệ Philippines. Theo ông Winger, nếu căng thẳng ở Biển Đông bùng phát thành xung đột, Mỹ sẽ phải lựa chọn từ bỏ một đồng minh lâu năm hoặc chấp nhận một cuộc đối đầu ngoài mong muốn với Trung Quốc.

Bình luận của Viện Biển Đông

Nội bộ Philippines chia rẽ về dự thảo Luật đường cơ sở mới? Sau khi Cựu thẩm phán Toà án tối cao Philippines Francis Jardeleza đề xuất Luật đường cơ sở mới sửa đổi Luật số 9522, Tổng thống Durterte đã yêu cầu xem xét kỹ đề xuất này. Đây có thể xem là một bước tiến đáng chú ý trong thái độ, lập trường của Philippines đối với Phán quyết của Vụ kiện Trọng tài. Nếu thành công, dự luật sẽ góp phần “áp dụng” Phán quyết vào xác định vùng biển, tái khẳng định giá trị của Phán quyết đối với vấn đề Biển Đông đặt trong quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc. Đây là một góc nhìn khá mới so với trước đây, khi chính quyền Durterte nhiều lần công khai hoặc ngầm hạ thấp vai trò của Phán quyết. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm trái ngược với đề xuất này. Cựu thẩm phán Antonio Carpio đánh giá đề xuất đưa đặc điểm của các thực thể vào một luật là không thực tế và khó có thể được thông qua bởi việc xác định bản chất của của một thực thể rất khó khăn và tốn nhiều thời gian, hơn nữa đặc điểm của các thực thể này có thể thay đổi theo thời gian.

Cuộc tập trận mới đây giữa nhóm tàu sân bay Mỹ USS Ronal Regan (CSG5) và tàu chiến Singapore là minh chứng quan hệ quốc phòng hai bên ngày càng chặt chẽ. Singapore là nước Đông Nam Á đầu tiên tham gia liên minh toàn cầu (Global Coalition). Các căn cứ do Singapore cung cấp đã góp phần giúp Mỹ thúc đẩy nỗ lực đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do rộng mở. Kể từ năm 2016, Mỹ cũng cho phép xuất khẩu thường xuyên hơn 37,6 tỷ USD mặt hàng quốc phòng sang Singapore thông qua thỏa thuận Mua bán thương mại trực tiếp (DCS). Năm 2019 hai bên gia hạn MOU năm 1990 về việc Mỹ sử dụng các cơ sở tại Singapore và MOU về Biệt đội huấn luyện Singapore tại căn cứ không quân Andersen, Guam. Hải quân hai nước cũng cộng tác trong các cuộc tập trận đa phương như CARAT, SEACAT, RIMPAC và phối hợp trong hoạt động chống cướp biển xuyên quốc gia.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn