Bản tin tuần Biển Đông (ngày 18 - 24/3/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Trang “SCSPI” cho biết từ ngày 17/3, Mỹ triển khai đồng thời ba tàu giám sát đại dương tới Biển Đông, gồm tàu USNS Bowditch hoạt động phía Nam đảo Hải Nam; tàu USNS Effective hiện diện phía Bắc Bãi cạn Scarborough và tàu USNS Loyal ở vùng biển phía Đông Đài Loan. SCSPI lưu ý tàu khảo sát đại dương chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ như thăm dò địa hình dưới nước và khảo sát thủy văn, trong khi tàu giám sát đại dương chịu trách nhiệm trinh sát mục tiêu dưới nước và hỗ trợ tác chiến chống tàu ngầm. Báo “Trung ương Quân sự” của Trung Quốc ngày 22/3 cho biết tàu đổ bộ viễn chinh USS Miguel Keith của Mỹ xuất hiện ở Eo biển Bashi. Đây là lần đầu tiên “căn cứ di động” này xuất hiện ở Biển Đông từ khi được triển khai tới Tây Thái Bình Dương vào tháng 10/2021.

Ngày 19/3, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo từ 9h00 ngày 19/3 đến 18h00 ngày 9/4, Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận tại Biển Đông, cấm tàu thuyền vào khu vực liên quan. Khu vực tập trận lần này có điểm gần nhất cách biển Cửa Tùng (Quảng Trị, Việt Nam) khoảng 80 hải lý.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tình hình quốc tế có nhiều thay đổi. Trung - Mỹ cần tôn trọng nhau, chung sống hòa bình, tránh đối đầu. Là lãnh đạo nước lớn, hai bên cần xem xét giải quyết thỏa đáng các điểm nóng quốc tế, duy trì sự ổn định toàn cầu. Trong vấn đề Ukraine, Trung Quốc khẳng định lập trường độc lập, tuân thủ luật pháp quốc tế và kêu gọi Mỹ, NATO nên đối thoại với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Phát biểu tại Diễn đàn Quốc tế do Đại học Thanh Hoa tổ chức ngày 19/3, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cho biết tâm điểm tình hình quốc tế hiện nay là cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngay từ đầu, Trung Quốc khuyến khích các bên đàm phán, nỗ lực vì hòa bình. Theo ông Thành, các bên không nên theo đuổi lợi ích an ninh tuyệt đối của mình, gây phương hại các bên khác. Việc tập hợp nhóm và hình thành thế trận đối đầu, thực hiện chiến tranh ủy nhiệm với các nước nhỏ không giúp duy trì môi trường toàn cầu hòa bình, ổn định.

Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi ngày 19/3 cho hay, “Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng việc hợp tác chặt chẽ nhằm hiện thực hóa tầm nhìn “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”; phản đối mạnh mẽ hoạt động cưỡng ép kinh tế và nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kishida trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản.

Tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 21/3 khẳng định, “Các nhà Lãnh đạo nhắc lại lập trường nhất quán của ASEAN về Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. Hai bên kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và được khích lệ bởi tiến độ đàm phán COC theo hướng thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ Đô đốc John C. Aquilino ngày 20/3 cho biết Trung Quốc đã quân sự hóa ít nhất 3 thực thể nước này kiểm soát ở Trường Sa, với hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm, thiết bị áp chế laser cùng máy bay chiến đấu. Trao đổi với phóng viên AP trên máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ, Đô đốc Aquilino đánh giá, “20 năm qua, chúng ta đã chứng kiến Trung Quốc xây dựng quân đội lớn nhất kể từ Thế chiến II”. Trong khi bay gần các thực thể Trung Quốc kiểm soát, máy bay P-8A Poseidon của Mỹ liên tục bị Trung Quốc cảnh báo và yêu cầu rời đi.

Phản ứng với bình luận của Đô đốc Mỹ John C. Aquilino rằng Trung Quốc hoàn tất quân sự hóa ba thực thể tại Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 22/3 tuyên bố việc Trung Quốc bố trí các thiết bị phòng thủ là quyền lợi chính đáng, phù hợp luật pháp quốc tế. Mỹ những năm gần đây không ngừng triển khai tàu chiến và máy bay quân sự tới Biển Đông, phương hại an ninh và chủ quyền các nước ven biển. Trung Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt phô trương sức mạnh, góp phần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Ngày 22/3, người đứng đầu cơ quan Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính cho biết Đài Loan theo dõi sát động thái quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông Khâu, Ba Bình gần các thực thể Trung Quốc kiểm soát trong khi tham vọng của nước này ở Biển Đông đã rõ. Việc Cảnh sát Biển Đài Loan (CGA) đồn trú trên đảo Ba Bình cho thấy Đài Bắc không có ý định quân sự hóa thực thể này.

Góc nhìn quốc tế

Trên “SCSPI” ngày 21/3, học giả Hồ Ba, Trung Quốc đánh giá  một số cơ chế quản lý xung đột trên biển giữa Mỹ-Trung chưa thật sự hiệu quả: (i) Các cuộc gặp cấp cao chỉ mang tính chiến lược, bàn về vấn đề chung nhất. Những xung đột, va chạm trên biển ít khi là chủ đề chính trong chương trình nghị sự; (ii) Các cơ chế trao đổi, tiếp xúc chưa phát huy tốt. Ví dụ, cơ chế đàm phán về các vấn đề an ninh quốc phòng của Bộ Quốc phòng được thành lập từ 1997 đến 2014. Cơ chế này tiến hành được 15 vòng tham vấn, đàm phán nhưng hiện không còn duy trì; Điện đàm trực tiếp giữa Bộ Quốc phòng được thiết lập từ 2007 để trao đổi trong trường hợp cần thiết nhưng cũng chưa hiệu quả trong bối cảnh Mỹ-Trung ngày càng cạnh tranh quân sự; (iii) Bộ quy tắc hành xử trên biển chưa thể hiện được vai trò. Mỹ - Trung ký Bản ghi nhớ về cơ chế thông báo trước các hoạt động quân sự lớn trên biển và Bản ghi nhớ về quy tắc phòng tránh đâm va trên biển và trên không năm 2014. Tuy nhiên hai văn kiện trên dựa nhiều vào bối cảnh chính trị và tổng thể quan hệ hai nước, tính ràng buộc đến hành động không cao.

Trên “Nikkei” ngày 21/3, học giả Derek Grossman, Mỹ nhận định khủng hoảng Nga-Ukraine liên hệ nhiều hơn tới Việt Nam, thay vì Đài Loan. Việt Nam và Ukraine có nhiều điểm chung như không liên minh quân sự, từng bị nước lớn láng giềng sử dụng vũ lực (Ukraine là năm 2014 và Việt Nam là các năm 1974,1979). Trong khi đó, Trung Quốc chưa có hành động quân sự trực tiếp với Đài Loan kể từ 1949. Tranh chấp Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông cũng có khả năng dẫn đến xung đột nhiều hơn tình hình Đài Loan. Ngoài ra, khí tài và năng lực quốc phòng của Đài Loan cũng là một thách thức. Tuy Đài Loan không liên minh nhưng các đời Tổng thống Mỹ luôn nhấn mạnh cam kết bảo vệ hòn đảo này. Theo ông Grossman, Mỹ có thể bớt quan ngại về an ninh của Đài Loan và để ý nguy cơ đặt ra đối với Việt Nam.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn