Bản tin tuần Biển Đông (ngày 18/2 - 24/2/2023)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Ngày 24/2, tàu ngầm Ấn Độ INS Sindhukesari ghé thăm Indonesia sau khi đi qua Eo biển Sudan. Tàu chiến Ấn Độ thường thăm các quốc gia ASEAN nhưng đây là lần đâu tiên có chuyến thăm của tàu ngầm. Đối với Indonesia, Ấn Độ phối hợp tuần tra chung 2 lần một năm và hai nước có hợp tác chiến lược và quốc phòng trong nhiều lĩnh vực sau khi ký hiệp định hợp tác quốc phòng năm 2018.[1]

+ Chính trị - Ngoại giao:

Tổng thống Philippines tuyên bố kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển. Phát biểu trong một sự kiện ngày 18/2, Tổng thống Marcos Jr. nhấn mạnh, “Đất nước đã chứng kiến những căng thẳng địa chính trị gia tăng, đe dọa an ninh và ổn định của đất nước, khu vực và thế giới. Philippines sẽ không để mất một tấc đất nào. Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ theo hiến pháp và luật pháp quốc tế. Philippines sẽ hợp tác với các nước láng giềng để đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân”.[2]

Phát biểu tại phiên thảo luận về “Bảo vệ Hiến chương LHQ và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich ngày 18/2, Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho hay, “hiện nhiều sự việc xảy ra ở Biển Đông trên cơ sở hàng ngày, như hoạt động quấy nhiễu hoặc cải tạo đất làm ảnh hưởng tới hoạt động Philippines ở EEZ. Philippines cam kết tuân thủ Phán quyết năm 2016 và theo đuổi cách thức hòa bình để giải quyết các tranh chấp”. Từ đầu năm 2023, DFA đã gửi 09 công hàm phản đối hành động của Trung Quốc đối với tàu thuyền Philippines ở Biển Đông.[3]

Trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Enrique Manalo ở Munich ngày 20/2, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tuyên bố các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông, “Đất nước xinh đẹp của các bạn nằm ở khu vực hiện tồn tại căng thẳng chính trị nguy hiểm có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Điều đó đã được minh chứng khi gần đây xảy ra sự cố liên quan đến tia laser cấp độ quân sự". Theo bà Baerbock, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ quyết định trật tự quốc tế trong thế kỷ 21.[4]

Người phát ngôn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines ông Jay Tarriela ngày 20/2 cho biết Mỹ và Philippines đã hoàn tất các trao đổi ban đầu và nhiều khả năng lực lượng tuần duyên hai nước sẽ tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông, "Đã có một lộ trình rõ ràng về khả năng tuần tra chung vì Bộ Quốc phòng Mỹ ủng hộ. Hoạt động này có thể được tiến hành ở Biển Đông để ủng hộ quyền tự do hàng hải của chính phủ Mỹ”.[5]

Trong cuộc điện đàm với BTQP Philippines Carlito Galvez ngày 21/2, BTQP Mỹ Lloyd J. Austin III nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với các quyền và hoạt động hợp pháp của Philippines ở Biển Đông, bao gồm Bãi Cỏ Mây. Một cuộc tấn công vào các tàu, thuyền, lực lượng ở Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951. Hai lãnh đạo quốc phòng cũng thảo luận về tăng cường phối hợp đối phó các thách thức an ninh chung ở Biển Đông.[6]

Phát biểu trong cuộc họp báo chung ngày 22/2 tại Manila, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez và người đồng cấp Úc Richards Marles khẳng định, “hai bên cam kết với trật tự dựa trên luật lệ, có lợi ích đối với các “luật đi đường” áp dụng ở các vùng biển như Biển Đông, bao gồm UNCLOS, tự do hàng hải, hàng không”. Hai bên đang thảo luận về khả năng tham gia các cuộc tập trận chung và khả năng tuần tra chung ở Biển Đông.[7]

Tuyên bố các Ngoại trưởng G7 bên lề Hội nghị An ninh Munich ngày 21/2 khẳng định, “Các thành viên nhấn mạnh cam kết trong việc duy trì khu vực Ấn-Thái tự do, rộng mở, mang tính bao trùm, dựa trên luật lệ, toàn vẹn lãnh thổ, minh bạch cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp; phản đối mạnh mẽ nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc; thúc đẩy hợp tác với các đối tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới”.[8]

Thượng nghị sĩ Pháp đánh giá Trung Quốc đang thử phản ứng các bên. Trong chuyến thăm 5 ngày tới Philippines, Phó Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại, quốc phòng và lực lượng vũ trang của Thượng viện Pháp ông Olivier Cadic ngày 22/2 cho rằng, “Trung Quốc đang thử các bên vì cho rằng chúng ta yếu hơn. Chúng ta cần xem lại cách thức phản ứng khi xảy ra các hành động khiêu khích. Sau khủng hoảng Ukraine, có khả năng leo thang các hành động hăm dọa của Trung Quốc ở khu vực. Phán quyết của Tòa đã quyết định phần nào thuộc Philippines và Trung Quốc cần dừng hành động xâm phạm chủ quyền”.[9]

Bình luận của Viện Biển Đông

Sau khi Philippines cáo buộc tàu cảnh sát biển Trung Quốc chiếu laser quân sự vào tàu tuần tra của Philippines gần bãi Cỏ Mây, một số Đại sứ và sứ quán nước ngoài tại Philipines bày tỏ quan ngại về vụ việc và ủng hộ Philippines, gồm Đại sứ Canada David Hartman; Đại sứ Nhật Bản Koshikawa Kazuhiko; Đại sứ Đức Anke Reiffenstuel; Đại sứ Australia HK Yu; Đại sứ quán Mỹ tại Philippines…Đây không phải là lần đầu tiên một số Đại sứ và sứ quán nước ngoài ủng hộ Philippines. Một loạt các Đại sứ và sứ quán tại Philippines cũng bày tỏ ủng hộ Philippines và lên án Trung Quốc trong vụ đá Ba Đầu tháng 3/2021. Rõ ràng, đây là một trong các thành tựu về tập hợp tực lượng trong vấn đề Biển Đông của Philippines. Các nước không chỉ ủng hộ Philippines từ hậu trường hoặc thông qua các hình thức hợp tác khác nhau mà còn ra mặt, lên tiếng ủng hộ thông qua các Đại sứ và sứ quán tại Philippines.

 

[1]https://timesofindia.indiatimes.com/india/in-a-1st-indian-submarine-docks-in-indonesia-amid-south-china-sea-conflict/articleshow/98192650.cms

[2]https://www.reuters.com/world/asia-pacific/president-marcos-says-philippines-will-not-lose-an-inch-territory-2023-02-18/

[3]https://www.pna.gov.ph/articles/1195558

[4]https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/861599/german-foreign-minister-says-international-law-should-prevail-in-south-china-sea-row/story/

[5]https://www.reuters.com/world/philippines-us-discuss-joint-coast-guard-patrols-south-china-sea-2023-02-20/

[6]https://www.defense.gov/News/Releases/Release/Article/3304564/readout-of-secretary-of-defense-lloyd-j-austin-iiis-call-with-philippine-senior/

[7]https://www.minister.defence.gov.au/transcripts/2023-02-22/joint-press-conference-manila-philippines

[8]https://www.state.gov/g7-foreign-ministers-statement-at-the-munich-security-conference/

[9]https://www.cnnphilippines.com/news/2023/2/22/French-senator-West-Philippine-Sea-China-test.html