Bản tin tuần Biển Đông (ngày 16.9-22.9.2023)

Tin tức nổi bật

  • Hải quân ASEAN lần đầu tiên diễn tập chung (các nội dung phi chiến đấu) ở Biển Đông.
  • Philippines dự tính khởi kiện Trung Quốc về phá hủy san hô ở Trường Sa.
  • Việt Nam ký Hiệp định về dạng sinh học ở vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ).
  • Mỹ chính thức chuyển giao máy bay do thám và trinh sát (ISR) cho Philippines.
  • Ngoại trưởng Quad tái khẳng định yêu sách Biển Đông của Trung Quốc không cơ sở pháp lý.
  • Ngoại trưởng G7 quan ngại hành động nguy hiểm các tàu hải cảnh và dân binh biển.

+ Thực địa:

Từ ngày 18-25/09, hải quân các nước ASEAN tổ chức “Diễn tập đoàn kết ASEAN” lần thứ nhất gần khu vực quần đảo Natuna và Eo biển Malacca. Hoạt động diễn tập gồm các nội dung tuần tra an ninh biển, cứu trợ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nhằm tăng cường sự đoàn kết ASEAN, nâng cao tính chuyên nghiệp và năng lực của ASEAN để đối phó với cách thách thức, duy trì hòa bình, an ninh khu vực. Tư lệnh quân đội Indonesia Đô đốc Yudo Margono cho hay ASEAN nhất trí tổ chức hoạt động diễn tập hàng năm và dự kiến mở rộng thành các cuộc tập trận toàn diện với sự tham gia của lục quân, hải quân và không quân.

Ngày 18/9, Người phát ngôn cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela cho biết cảnh sát biển Philippines tuần tra ở Biển Đông từ ngày 09/8-11/9, phát hiện 48 tàu dân binh biển của Trung Quốc hiện diện tại Đá Khúc Giác (33 tàu) và Bãi Sa Bin (15 tàu). Cảnh sát biển Philippines cũng sử dụng thiết bị lặn để khảo sát đáy biển và phát hiện hầu như không có sự sống ở các khu vực này. Đáy biển ở Bãi Sa Bin còn bị đổi màu rõ rệt và có nhiều vụn san hô chết. Ông Jay Tarriela nghi ngờ tàu cá của Trung Quốc đánh bắt huỷ diệt, tàn phá môi trường biển xung quanh các thực thể này.  

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trong cuộc gặp với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 17/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, “Vấn đề Đài Loan là làn ranh đỏ Mỹ không thể vượt qua. Mỹ cần tuân thủ nghiêm túc thông cáo chung Trung - Mỹ, thực hiện cam kết không ủng hộ Đài Loan độc lập”. Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung Bali giữa lãnh đạo hai nước; duy trì trao đổi cấp cao hai bên; tham vấn chính sách đối ngoại, tình hình Châu Á Thái Bình Dương, các vấn đề khu vực như Ukraine và Triều Tiên; thảo luận biện pháp thúc đẩy giao lưu nhân dân hai nước.

Tờ “Nhân dân Nhật Báo” cho biết Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính ngày 18/9 đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Blinken bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông Hàn Chính khẳng định quan hệ Trung-Mỹ ổn định có lợi cho cả hai nước và thế giới. Sự phát triển của Trung Quốc đối với Mỹ là cơ hội, không phải thách thức, hai nước hoàn toàn có thể đạt được thành công và thịnh vượng chung. Trung Quốc duy trì chính sách ổn định đối với Mỹ, luôn nhìn nhận và xử lý quan hệ Trung-Mỹ theo ba nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 18/9 hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đánh giá quan hệ song phương phát triển ổn định, không ngừng củng cố hợp tác thực chất. Trung Quốc và Nga đều theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, hợp tác hai nước không nhằm vào bên thứ ba, không bị can thiệp bởi bên thứ ba. Hai nước có trách nhiệm trong duy trì ổn định chiến lược toàn cầu và thúc đẩy phát triển tiến bộ của thế giới. Trung Quốc và Nga ủng hộ trào lưu tiến bộ, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, kiên trì chủ nghĩa đa phương chân chính, thúc đẩy tiến trình đa cực hóa thế giới, thúc đẩy quản trị toàn cầu theo hướng công bằng hợp lý.

Tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/9 nhấn mạnh Trung Quốc cần có trách nhiệm duy trì các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. G7 quan ngại tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông; phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc; tái khẳng định UNCLOS thiết lập khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các đại dương. Các Ngoại trưởng tái khẳng định yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý và phản đối hành động quân sự hóa cũng như các hoạt động khiêu khích khác của Trung Quốc trong khu vực.

Tại Tham vấn An ninh Chiến lược Trung Nga lần thứ 8 ngày 19/9 do Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đồng chủ trì, hai bên nhất trì duy trì đối thoại, bảo vệ lợi ích chung; kiên định ủng hộ nhau trong những vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi mỗi nước; phối hợp chặt chẽ trên diễn đàn quốc tế, cùng bảo vệ chủ nghĩa đa phương chân chính, phản đối hành vi bá quyền, thúc đẩy quản trị toàn cầu. Ông Nikolai Patrushev cho hay Nga ủng hộ lập trường chính đáng của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông và nhiều vấn đề khác; phản đối phương Tây can dự chính trị nội bộ Trung Quốc.

Ngày 21/9 tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người Phát ngôn Mao Ninh cho hay ngày 20/9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc đã thay mặt chính phủ Trung Quốc ký kết Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ). Hiệp định thể hiện sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế trong việc kiên trì chủ nghĩa đa phương nhằm ứng phó với các thách thức đại dương, mở ra một chương mới trong hợp tác quốc tế về đa dạng sinh học biển. Về thông tin Philippines có thể kiện Trung Quốc do hoạt động phá hoại san hô ở Trường Sa, bà Mao Ninh cho rằng, “Cáo buộc của Philippines không đúng sự thật và không có căn cứ. Trung Quốc đề nghị Philippines không tuyên truyền thông tin sai lệch nhằm tạo dựng một màn kịch chính trị. Nếu Philippines thật sự quan tâm đến môi trường sinh thái Biển Đông, nên sớm kéo tàu quân sự cũ khỏi Bãi Cỏ Mây, chấm dứt việc phát thải nước ô nhiễm ra biển, đề phòng việc tàu quân sự bị rỉ sét gây hại đối với đại dương”.

Phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 22/9 tại New York, Mỹ, Thủ tướng Chính phủ  Phạm Minh Chính khẳng định, “Việt Nam kiên trì, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng của các quốc gia và trên thế giới. Việt Nam cam kết cùng các nước trong và ngoài khu vực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; tuân thủ các nguyên tắc kiềm chế, tránh các hành động đơn phương, giải quyết tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý công bằng”.

Tuyên bố Ngoại trưởng Quad tại New York ngày 22/9 “tái khẳng định luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cùng việc duy trì hòa bình và an ninh ở không gian biển sẽ củng cố sự phát triển và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; nhấn mạnh các tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc UNCLOS; phản đối hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc; quan ngại sâu sắc việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp, sử dụng nguy hiểm các tàu hải cảnh và dân binh biển cũng như nỗ lực cản trở hoạt động khai thác ngoài khơi của các quốc gia khác”.

+ Quốc phòng - An ninh:

Phát biểu tại Diễn đàn lợi ích xã hội (SGS) ngày 16/9, Người Phát ngôn Cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela cho hay Philippines dựa vào công nghệ để đối phó các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Thay vì đối mặt trực tiếp, Philippines sử dụng radar, thiết bị ghi hình và máy bay không người lái trên không và ngầm dưới biển để ghi lại các vụ việc và công bố cho thế giới biết về hành vi quyết đoán, vi phạm luật pháp quốc tế và phá hoại môi trường biển của Trung Quốc. Theo ông Tarriela, Philippines sẽ lắp đặt thêm các radar và tăng cường khả năng của hệ thống nhận dạng tự động.

Ngày 19/9, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro cho biết Mỹ chính thức chuyển giao máy bay tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) Cessna C-208B Grand Caravan cho Lực lượng Không quân Philippines (PAF). Điều này giúp Philippines tăng cường năng lực quân đội trong việc quản lý, bảo đảm an ninh vùng biển của đất nước. Philippines cũng cho biết sẽ có thêm nhiều hoạt động trao đổi quốc phòng với các quốc gia có cùng quan điểm trong thời gian tới. Máy bay 208B có khả năng chở 8 đến 9 người, sử dụng để hỗ trợ các hoạt động an ninh nội địa, bảo vệ lãnh thổ, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa.

Trang “Modern Diplomacy” ngày 19/9 dẫn nguồn tin gần đây của Hải quân Mỹ cho hay năng lực đóng tàu chiến của Trung Quốc đã vượt xa Mỹ. Các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc hiện đạt năng suất trên 23,2 triệu tấn năm, gấp 232 lần so với năng suất dưới 100.000 tấn của Mỹ. Theo báo cáo của Viện Hải quân Mỹ từ năm 2021, Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với hơn 355 tàu trong hạm đội. Báo cáo thường niên năm 2022 của Lầu Năm Góc về sự phát triển quân sự của Trung Quốc dự đoán hạm đội Trung Quốc sẽ tăng lên 400 tàu vào năm 2025 và 440 tàu vào năm 2030.

Úc ngày 19/9 dự kiến chi 1,5 tỷ AUD (tương đương 966 triệu USD) để tăng cường năng lực giám sát biển ở các khu vực phía Bắc, mua thêm máy bay không người lái (UAV), cũng như nâng cấp máy bay tuần tra biển Poseidon. Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Quốc phòng Úc Pat Conroy, phi đội 14 máy bay tuần tra biển Boeing P-8A Poseidon sẽ được nâng cấp khả năng tác chiến chống ngầm, tấn công trên biển và thu thập thông tin tình báo. Trong khi đó, máy bay không người lái MQ-4C Triton thứ 4 sẽ được triển khai tại vùng lãnh thổ phía Bắc, củng cố khả năng giám sát tầm xa vùng biển của Úc.

Ngày 20/9, Trợ lý Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Philippines (NSC) Jonathan Malaya cho biết, Philippines cần tăng cường tuần tra ở Biển Đông và cộng đồng khoa học nước này cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện đại dương để xác định mức độ tổn hại của môi trường biển. NSC đang thảo luận với Viện Khoa học Biển Đông về triển khai kế hoạch nghiên cứu. Trước đó, Phát ngôn viên của Cảnh sát biển Philippines Đề đốc Jay Tarriela cho hay, “Hàng loạt hoạt động đánh bắt cá trái phép và mang tính hủy diệt của dân binh biển Trung Quốc ở Đá Khúc Giác và Bãi Sa Bin có thể trực tiếp tàn phá môi trường biển xung quanh các thực thể ở Biển Đông.” Theo ông Malaya, Tổng thống Philippines Marcos Jr chỉ đạo áp dụng cách tiếp cận dân sự đối với Bãi Cỏ Mây, “Cảnh sát biển sẽ đối đầu với cảnh sát biển. Hải quân Philippines đóng vai trò hỗ trợ. Việc này nhằm duy trì căng thẳng ở mức thấp ở Biển Đông”.

+ Pháp lý:

Ngày 21/9, Bộ trưởng Tư pháp Philippines Jesus Crispin Remulla cho biết Philippines có thể sẽ kiện Trung Quốc phá hoại môi trường ở Biển Đông lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Theo ông Remulla, việc này khả thi vì Philippines có nhiều bằng chứng. Tổng công tố Philippines Menardo Guevarra cũng xác nhận  Philippines đang nghiên cứu, đánh giá toàn diện các lựa chọn pháp lý liên quan đến Biển Đông, gồm việc đệ đơn kiện mới lên PCA. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro ông nghi ngờ các chủ thể nước ngoài có thể đã khai thác san hô để thực hiện công việc xây dựng đảo nhưng các kết luận cần phải kiểm chứng, bao gồm mối liên hệ giữa tàu Trung Quốc với vụ các vụ việc này, “Chúng tôi phải xác định việc này vì theo Phán quyết, đó là hành động vi phạm hiệp ước quốc tế, hủy hoại sinh kế biển, đặc biệt nếu việc phá hủy san hô là nguyên nhân để cải tạo đảo nhân tạo”.

Trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 ngày 20/9 tại New York, Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã ký Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký Hiệp định. Việc thông qua và ký Hiệp định là một dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển.

Góc nhìn quốc tế

Trên tờ “Nikkei” ngày 13/8, học giả Hiroyuki Akita nhận định dù Ấn Độ là thành viên của QUAD, nhưng nước này vẫn giữ thái độ trung lập với phương Tây và Nga. Việc Ấn Độ nhanh chóng mở rộng hợp tác quốc phòng với Mỹ và các đồng minh bắt nguồn từ lo ngại sức mạnh vượt trội của Trung Quốc. Nếu sức mạnh quân sự Ấn Độ suy giảm, Trung Quốc sẽ quyết đoán hơn ở các khu vực dọc biên giới chung. Tuy nhiên, sẽ là ngây thơ nếu kỳ vọng Ấn Độ sẽ trở thành một đồng minh toàn diện của phương Tây, ít nhất bởi ba lý: Trước hết, ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ là khả năng tự vệ. Ấn Độ không muốn bị kìm hãm bởi bất kỳ liên minh nào, chính vì vậy luôn đề cao khả năng tự vệ của mình. Thứ hai, Ấn Độ lo ngại các liên minh sẽ khiến không gian triển khai ngoại giao khó khăn hơn đồng thời làm tăng nguy cơ bị lôi kéo vào xung đột. Thứ ba, việc thành lập liên minh với Mỹ và các quốc gia phương Tây có thể gây ra phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh, đẩy căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ lên mức nguy hiểm hơn. Thực tế, Ấn Độ đã tăng cường sức mạnh quân sự và phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn chưa thể bắt kịp Trung Quốc về tổng thể sức mạnh. Tuy nhiên, phương Tây vẫn có thể gia tăng hợp tác với Ấn Độ, bởi nếu xung đột tại khu vực Ấn Độ Dương thực sự xảy ra, dù không trực tiếp, Ấn Độ vẫn sẽ hợp tác với phương Tây để kiềm chế những xung đột này. 

Trên “Usip” ngày 19/9, tác giả Charadine Pich và Chhengpor Aun bình luận về chính sách cân bằng của Campuchia trong bối cảnh chiến lược phức tạp hiện nay. 1) Campuchia nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc là hòa bình do nước này không có tranh chấp Biển Đông và hưởng nhiều lợi ích kinh tế từ Trung Quốc; 2) Campuchia tự chủ hành động trong các thể chế và dựa trên nguyên tắc quốc tế. Điển hình là cách ứng xử với xung đột Nga-Ukraine. Nước này thể hiện tuân thủ trật tự dựa trên luật lệ khi Thủ tướng Hun Sen tháng 3/2022 đồng bảo trợ cho một nghị quyết của Liên hợp quốc lên án việc Nga xâm lược Ukraine; 3) Campuchia đa dạng hóa quan hệ với các nước trung cường và các quốc gia ở Nam Ban Cầu. Chuyến thăm của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Prak Sokhonn tới Maroc và Ai Cập vào tháng 3/2023 cho thấy nỗ lực tìm kiếm các lựa chọn bổ sung ngoài các quan hệ hiện có, đồng thời giảm bớt sức ép từ các cường quốc. Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn, Campuchia đang bảo vệ quyền tự chủ chiến lược thông qua ‘ngoại giao khôn ngoan và linh hoạt’./.

Trên tờ “Nikkei” ngày 21/9, nhà nghiên cứu Amy Chew cho rằng bất chấp tình hình, Đông Nam Á vẫn sẽ là ưu tiên đầu tư của Trung Quốc trong khuôn khổ BRI bởi:  (i) Trung Quốc coi khu vực có tầm quan trọng địa chính trị để đối trọng ảnh hưởng của Mỹ;  (ii) Là nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng, bao gồm niken, cho tham vọng công nghệ xanh và xe điện của Trung Quốc. Theo Maybank Singapore, hợp đồng đầu tư xây dựng theo BRI với các nước ASEAN đạt trung bình 27,9 tỷ USD từ 2015 đến 2019, trước khi giảm xuống còn 10,8 tỷ USD vào năm 2021 nhưng đã tăng 72%, đạt 18,6 tỷ USD năm 2022. Quan hệ hiện tại của Trung Quốc với phương Tây không tốt nên nước này sẽ tập trung vào Đông Nam Á và Trung Đông, thể hiện qua các chuyến thăm thường xuyên của quan chức cấp cao Trung Quốc đến Đông Nam Á. Tuy các khoản đầu tư BRI sẽ chậm lại trong 5 năm tới, nhưng Đông Nam Á vẫn sẽ là khu vực ưu tiên của Trung Quốc vì các mục đích địa chính trị và đầu tư trong quá trình chuyển đổi xanh.