Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Trung Quốc dự kiến tháng 6/2021 triển khai giàn khoan lớn nhất Trung Quốc, giàn khoan đầu tiên trên thế giới khai thác ở độ sâu 1.500 m, đến lô dầu khí Lingshui 17-2.

Trung Quốc ngày 18/1 triển khai phao tiêu khổng lồ ở Biển Hoa Đông. Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) cho hay phao mới của Trung Quốc, rộng 15 mét, sẽ giúp đối phó hiệu quả với các thách thức như môi trường, thời tiết khắc nghiệt và tranh chấp lãnh thổ. Theo Cục hải dương Trung Quốc (SOA), một chức năng quan trọng của mạng lưới phao thu thập dữ liệu là đánh dấu khu vực Bắc Kinh đang có tranh chấp với Tokyo và Seoul. Số phao giám sát của Trung Quốc ở biển Hoa Đông đã tăng gấp ba lần, lên 27 chiếc từ năm 2014 đến năm 2019.

Đài Loan ngày 19/1 tập trận mô phỏng tình huống Trung Quốc tấn công. Cuộc diễn tập với sự tham gia của xe tăng, binh lính, súng cối diễn ra tại căn cứ Hukou phía nam Đài Bắc. Thiếu tướng Chen Chong-ji, cơ quan tác chiến chính trị Đài Loan tuyên bố, “Bất kể điều gì xảy ra quanh eo biển Đài Loan, quyết tâm bảo vệ quê hương của chúng ta không thay đổi”. Cuộc diễn tập trong bối cảnh Bắc Kinh vừa ban hành lệnh trừng phạt các quan chức Mỹ vì có “hành vi ngang ngược” đối với Đài Loan. Trước đó trên Twitter, Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc “Trung Quốc phạm tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người đối với dân tộc thiểu số ở Tân Cương”.

Hội nghị toàn thể Ủy ban thường vụ Nhân đại Trung Quốc ngày 20/1 nghe báo cáo về kết quả kiểm định dự thảo một số luật, trong đó có luật Cảnh sát biển. Ủy ban Pháp luật Hiến pháp cho rằng dự thảo của các luật trên tương đối đầy đủ, kiến nghị xem xét thông qua trong Hội nghị lần này. 

Báo Sina ngày 20/1 cho biết Trung Quốc tăng cường tiếng Anh trên chiến trường cho quân đội Chiến khu miền Nam, nâng cao khả năng ứng phó và hạn chế hiểu lầm trong những sự vụ căng thẳng trên Biển Đông. Báo cho rằng trong khu vực có Việt Nam, Philippines và Malaysia có mâu thuẫn với Trung Quốc, trong trường hợp có tranh chấp thì tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ quan trọng để giao tiếp. 

Trung Quốc ngày 21/1 chính thức đưa vào sử dụng tàu tuần tra tải trọng lớn nhất, trang bị hiện đại nhất của lực lượng Hải tuần, có khả năng hoạt động liên tục hơn 90 ngày trên biển.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi ngày 15/1 điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly. Về tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông, hai bên bày tỏ qua ngại và phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương sử dụng cưỡng ép, hành động làm thay đổi hiện trạng hoặc leo thang căng thẳng trong khu vực đồng thời khẳng định tầm quan trọng của trật tự biển tự do và rộng mở dựa trên luật pháp quốc tế. Hai bên cũng tài khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác, trao đổi quốc phòng song phương, bao gồm cuộc họp “2+2” nhằm duy trì Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở.

Ấn-Nhật ngày 16/1 ký thỏa thuận hợp tác về hạ tầng mạng 5G, AI và cáp quang biển. Tại lễ ký, phía Nhật Bản tin tưởng hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ giúp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau vì cả hai nước đều chia sẻ các giá trị và tầm nhìn ngoại giao lớn hơn cho một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

BTNG Vương Nghị ngày 16/1 nêu 3 thông điệp trong chuyến thăm Philippines, nhấn mạnh việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mỗi nước, mong muốn đẩy nhanh COC.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị ngày 17/1 khẳng định Biển Đông là vấn đề không thể tránh khỏi trong quan hệ Trung - Philippines nhưng không phải không thể giải quyết. Theo ông Vương, sau khi tổng thống Duteter nhậm chức, quan hệ Trung – Philippines được thay đổi và củng cố, các lĩnh vực hợp tác ngày càng đạt được bước tiến và thành quả phong phú như: triển khai hợp tác chống dịch, kiên định giải quyết ổn thỏa tranh chấp, thúc đẩy hợp tác dầu khí trên biển.

Ngoại trưởng Nhật Bản ngày 18/1 phản đối hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông. Phát biểu tại quốc hội Nhật Bản, Ngoại trưởng Motegi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình tranh chấp theo luật quốc tế. Ngoại trưởng Motegi vạch ra chính sách nhằm mở rộng phạm vi địa lý hợp tác nhằm hiện thực hóa “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở”. Nhật Bản mong muốn châu Âu, Trung Đông và châu Phi cùng tham gia vào sáng kiến.

Tân Tổng thống Palau ngày 18/1 chỉ trích hành vi bắt nạt của Trung Quốc, khẳng định hợp tác với Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, Tổng thố Palau Surangel Whipps cho hay Mỹ đã chứng minh là đồng minh đáng tin cậy của Palau trong những năm qua và gần đây nhất đã cung cấp 6.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 cho đảo quốc. Tân lãnh đạo Palau chỉ trích việc tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ hồi tháng 12.2020 vì đánh bắt hải sâm trái phép trong lãnh hải Palau là điều không thể chấp nhận.

Phái đoàn Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc, ngày 19/1/2021, lưu hành công hàm phản đối công hàm CML/63/2020 của Trung Quốc tại Liên Hợp quốc, với nội dung: (i) phản đối lập trường của Trung Quốc về việc vẽ đường cơ sở thẳng quanh các đảo và đá ở Biển Đông theo quy định UNCLOS và luật quốc tế chung; (ii) phản đối quan điểm của Trung Quốc về quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Nhật cho rằng quyền tự do hàng hải và hàng không phải được tuân thủ ở vùng biển và vùng trời xung quanh và trên các thực thể là bãi lúc chìm lúc nổi. Nhật Bản ung hộ kết luận của Toà trọng tài năm 2016 ở khía cạnh này.

Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (SOM ASEAN) ngày 19/1 đề cập Biển Đông. Đây là hoạt động ASEAN đầu tiên trong năm 2021 do Brunei chủ trì. Nhìn lại những diễn biến trong năm 2020, các nước cho rằng tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi ASEAN duy trì đoàn kết, nhất trí. Các đại biểu cho rằng các bên cần tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc DOC và thúc đẩy nối lại thương lượng xây dựng COC hiệu quả và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982.

Việt Nam - Brunei cam kết phối hợp nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN. Trong cuộc điện đàm ngày 19/1 với Phó Thủ Tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, BTNG II Brunei chia sẻ các định hướng ưu tiên trong năm ASEAN 2021, trong đó có triển khai các sáng kiến ứng phó với dịch bệnh, xây dựng tầm nhìn 2025, thúc đẩy hợp tác đa phương, xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật lệ. PTT Phạm Bình Minh khẳng định sẽ ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Brunei thực hiện các sáng kiến 2021, củng cố và nâng cao năng lực thích ứng, vai trò trung tâm của ASEAN.

Mỹ dự kiến bổ nhiệm chuyên gia Trung Quốc Ely Ratner làm cố vấn cho Bộ Quốc phòng. Theo chuyên gia Eric Sayers, Viện Doanh nghiệp Mỹ, “Ông Ely là người am hiểu sâu sắc về chính sách Châu Á và quan hệ Mỹ-Trung. Điều này là tín hiệu tốt về việc chính quyền Biden có cách tiếp cận cạnh tranh hơn với Bắc Kinh”. Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách vấn đề Ấn  Độ Dương - Thái Bình Dương Randy Schriver đánh giá, “Ông Ely rất quan tâm đến các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực. Với am hiểu về khu vực, ông đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách với Trung Quốc”.

PTT Mike Pence ngày 17/1 thúc giục Tổng thống Biden đối phó Trung Quốc quyết đoán. Trên Twitter, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định, “Trong nhiều thế hệ, Mỹ và các đồng minh  bảo vệ quyền tự do hàng hải và lợi ích của các quốc gia yêu tự do trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay Trung Quốc quyết tâm mở rộng ảnh hưởng ra khắp khu vực này thông qua những hành vi khiêu khích quân sự và ngoại giao bẫy nợ. Tôi thúc giục chính quyền kế tiếp tiếp tục những gì chúng ta đã làm, chống lại sự quyết đoán và hành vi lạm dụng trong thương mại của Trung Quốc".

Ứng cử viên Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 19/1 đánh giá cách tiếp cận của chính quyền Trump với Trung Quốc là đúng nhưng sai về chiến thuật. Trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông Blinken nhận xét Trung Quốc từ bỏ chính sách “dấu mình chờ thời”, muốn giành vị thế chi phối thế giới, phương hại lợi ích của Mỹ. Ông Blinken cho rằng Tổng thống Trump đã đúng khi có cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc nhưng không đồng tình với chiến thuật của chính quyền Trump ở nhiều lĩnh vực.

Ấn - Pháp - Nhật Bản ngày 19/1 tái khẳng định tầm quan trọng và cam kết hợp tác ở Ấn  Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong thông điệp gửi “Hội thảo Ấn-Nhật-Pháp về Ấn  Độ Dương - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Harsh V. Shringla khẳng định, “ba nước có lợi ích thiết thân ở khu vực và cam kết duy trì khu vực hòa bình, rộng mở”; Đại sứ Pháp Emmanuel Lenain tuyên bố Pháp là cường quốc ở Ấn  Độ Dương - Thái Bình Dương, kêu gọi các nước tăng cường hợp tác về nhận thức không gian biển và giám sát vùng EEZ; Đại sứ Nhật Bản Satoshi Suzuki nhấn mạnh tầm nhìn ÂĐD-TBD tự do, rộng mở chỉ đạt được khi các nước chung tay xây dựng.

Trung Quốc ngày 20/1 ban hành lệnh trừng phạt 28 quan chức Mỹ trong chính quyền Tổng thống Trump. Tại thời điểm diễn ra lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ Joe Biden, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tải Danh sách những cựu quan chức trên gồm cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, cựu Cố vấn thương mại Peter Navarro, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Robert C. O’Brien, cựu Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Châu Á - Thái Bình Dương David R. Stilwell, cựu Phó cố vấn an ninh quốc gia Matthew Pottinger, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft, cựu cố vấn an ninh quốc gia John Robert Bolton… Tuyên bố nhấn mạnh, cấm những cá nhân này và người thân của họ nhập cảnh vào Trung Quốc, Hồng Công, Ma Cao; các doanh nghiệp, tổ chức liên quan đến các cá nhân trên cũng bị hạn chế giao lưu và làm ăn với Trung Quốc.

Mỹ ngày 20/1 tuyên bố việc Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt các cựu quan chức chính quyền Trump là thiếu hiệu quả và không phù hợp. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ bà Emily Horne khẳng định, “Việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt vào ngày nhậm chức dường như nỗ lực nhằm gây chia rẽ đảng phái. Người Mỹ của cả hai đảng nên chỉ trích động thái thiếu hiệu quả và không phù hợp này. Tổng thống Joe Biden mong muốn hợp tác với lãnh đạo cả đảng để đối phó hiệu quả vớiTrung Quốc”.

Góc nhìn quốc tế

+ Trung Quốc:

Học giả Shi Jiangtao trên SCMP ngày 16/1 cho rằng, việc Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị không thăm Việt Nam trong chuyến công du Đông Nam Á là do tranh chấp ngày càng tăng giữa hai nước. Mỹ đang lôi kéo Việt Nam, thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao gần đây. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong các nước đầu tiên của ASEAN từ chối tập đoàn Huawei, không quá hào hứng với vắc-xin từ Trung Quốc. Việt Nam không nên quá dựa vào các cường quốc bên ngoài để kiềm chế Trung Quốc trong tranh chấp. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc) Ngô Sĩ Tồn ngày 18/1 kêu gọi Chính phủ Trung Quốc khôi phục việc nghiên cứu xây dựng tuyến đường hầm nối Đại lục với đảo Hải Nam nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế và tăng cường kiểm soát Biển Đông.

+ Đông Nam Á:

Bình luận trên tờ SCMP ngày 17/1, Nhà phân tích Eduardo Baptista cho rằng, Hàn Quốc đang tìm cách tồn tại trong thế giới biến động lớn, với một bên là Trung Quốc ngày càng tự tin và bên kia là chính phủ mới của Mỹ. Hiện nay, Hàn Quốc không muốn đi theo vết xe đổ như năm 2016 khi cho phép Mỹ triển khai THAAD. Hàn Quốc cần cảnh giác khi gia nhập các tổ chức như “Bộ tứ” vì điều này sẽ đẩy xung đột tới khu vực sân sau của Hàn Quốc. Một số quan chức ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, nhân tố quyết định quan hệ giữa Seoul và Washington là lợi ích quốc gia, 70 năm trước Hàn Quốc đã chọn Mỹ, không có nghĩa là 70 năm sau vẫn sẽ chọn Mỹ. Tuy nhiên, quan hệ Trung - Hàn không thể trở về như trước sự kiện THAAD. Sau sự việc này, nhiều quan chức chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc đã xét lại các cam kết, thỏa thuận với Trung Quốc, muốn tách rời Trung Quốc.

PGS. James Crabtree, Đại học Quốc gia Singapore, ngày 20/1 đánh giá chính quyền Biden cần tăng cường kiểm soát Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc hiện thiết lập các căn cứ rộng khắp từ Đông Phi (Djibouti) tới các cảng biển lưỡng dụng có thể dùng cho mục đích quân sự ở Myanmar, Pakistan; mở rộng ảnh hưởng ở các quốc gia ven biển ở Ấn Độ Dương, Châu Phi. Để đối phó, Mỹ cần tăng cường hợp tác an ninh, thông tin tình báo với các đồng minh, đối tác như Nhật Bản, Ấn Độ, đặc biệt các nước ở Ấn Độ Dương. Bên cạnh việc tăng cường hiện diện quân sự, Mỹ cần xây dựng năng lực cho các đối tác. Trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ, chính quyền Mỹ cần hình thành “lốp xe” để vận hành hệ thống “trục và nan hoa” ở khu vực. Nếu không giống như Biển Đông, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ nhanh chóng rơi vào vòng kiềm tỏa của Trung Quốc.

+ Các nước khác:

Giới chuyên gia quốc tế đánh giá Biển Đông tiếp tục “dậy sóng” trong năm 2021. GS. Carl Thayer, Úc ngày 16/11 cho rằng ngư dân Trung Quốc tiếp tục xâm phạm EEZ của các nước và Trung Quốc tăng cường "cuộc chiến công hàm" xét phản ứng nhanh chóng của nước này trước công hàm của các nước; Phó Đô đốc Yoji Koda, Nhật Bản đánh giá Trung Quốc không có ý định thay đổi chiến lược ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc nhận thấy Mỹ có lập trường yếu, Bắc Kinh sẽ triển khai hoạt động quân sự quyết liệt và tạo ra 'hiệu ứng Domino', với nỗ lực kiểm soát Đông Sa là màn mở đầu; ông Gregory Poling, CSIS, nhận định chính sách cứng rắn của Mỹ sẽ không thay đổi trừ khi Bắc Kinh điều chỉnh thái độ.

Báo RFI, ngày 17/1, bình luận về sự kiện Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm một số nước ĐNA, trừ Singapore và Việt nam, cho rằng đây không phải ngẫu nhiên. Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam thế chỗ Đức, trở thành đối tác đứng hàng thứ sáu của Trung Quốc, nhưng là quốc gia ASEAN đầu tiên không cho Huawei trang bị mạng lưới viễn thông 5G và Việt Nam là nước đầu tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc khi đại dịch Covid-19 vừa lan ra. Tiếp theo, khác với nhiều nước ASEAN chào đón vắc-xin Trung Quốc, Việt Nam theo một chiến lược độc lập, nghiên cứu riêng và thương lượng mua sản phẩm của Anh, Mỹ và Nga.

Giới phân tích ngày 20/1 đánh giá Chính quyền Biden sẽ mạnh tay với Trung Quốc. Nhà cựu ngoại giao Singapore Kishore Mahbubani nhận định, "Chính quyền Biden sẽ cứng rắn với Trung Quốc. Điều đó là rõ ràng vì lưỡng đảng ở Mỹ đang có sự đồng lòng mạnh mẽ rằng đã đến lúc Mỹ đứng lên chống Trung Quốc"; nhà phân tích chiến lược cấp cao Jack Keane bình luận chính sách đối ngoại của ông Biden liên quan đến Trung Quốc sẽ tương đồng với người tiền nhiệm Donald Trump; GS. Celeste Arrington đánh giá tân tổng thống Mỹ đề cập đến việc "sửa chữa" quan hệ đồng minh và vị thế dẫn đầu của Mỹ trên toàn cầu. Điều đó đồng nghĩa với việc quan hệ giữa Washington và các đồng minh như Hàn Quốc sẽ cải thiện; biên tập viên tờ Free Malaysia Today bình luận ông Biden sẽ tập trung hơn vào châu Âu và phiên bản Xoay trục 2.0 tiếp tục ở châu Á nhưng thiên về kinh tế.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn