Bản tin tuần Biển Đông (ngày 12.8-18.8.2023)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Từ ngày 14-31/8, hải quân Philippines và Úc tổ chức cuộc tập trận “Alon 2023” ở nhiều địa điểm khác nhau của Philippines, gồm diễn tập trên bộ, trên không, trên biển. Cuộc tập trận “Alon 2023” là một phần trong “ Indo-Pacific Endeavour” của Úc nhằm “thúc đẩy an ninh khu vực, quan hệ đối tác thông qua các hoạt động song phương, đa phương, xây dựng năng lực và hỗ trợ nhân đạo”. Từ ngày 14 - 18/8, không quân Philippines đăng cai cuộc tập trận đa phương “Pacific Airlift Rally 2023” tại các căn cứ Clark ở Pampanga. Nội dung tập trận gồm các bài huấn luyện trên không, không vận và hậu cần cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Trung Quốc xây dựng trái phép đường băng mới trên đảo Tri Tôn, Hoàng Sa. Hình ảnh vệ tịnh tinh của Planet Labs PBC ngày 15/8 cho thấy Trung Quốc dường như đang xây dựng một đường băng trên đảo Tri Tôn, Hoàng Sa (của Việt Nam). Đường băng có chiều dài hơn 600m, rộng khoảng 14m có khả năng tiếp nhận máy bay cánh quạt và máy bay không người lái, nhưng không phải chiến đấu cơ hoặc máy bay ném bom. Xung quanh khu vực có thể thấy dấu vết xe cộ, vật dụng như container và thiết bị xây dựng.

Nga - Trung phối hợp tuần tra chung ở Thái Bình Dương. Các tàu chiến của Hải quân hai bên đã di chuyển hơn 6.400 hải lý trong ba tuần tuần tra chung ở Thái Bình Dương và hiện đang hoạt động ở Biển Hoa Đông. Ở Biển Hoa Đông, tàu chống ngầm cỡ lớn của Hạm đội Thái Bình Dương "Admiral Tributs" đã diễn tập với tàu tiếp liệu Taihu" của PLAN về bổ sung nguồn cung cấp nước và nhiên liệu, đồng thời thực hành bài tập về chuyển hàng hóa khi tàu đang di chuyển theo đường ngang.

Mỹ, Nhật Bản và Úc dự kiến tiến hành tập trận chung ở Biển Đông vào ngày 23/8. Mỹ có kế hoạch triển khai tàu sân bay USS America, Nhật Bản sẽ điều động tàu sân bay trực thăng JS Izumo, trong khi Úc cử tàu HMAS Canberra chở theo máy bay trực thăng. Philippines có thể không tham gia cuộc tập trận này do những hạn chế về hậu cần nhưng sẵn sàng trong tương lai.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Trao đổi với các quan chức Singapore và Malaysia về tình hình hiện tại ở Biển Đông trong chuyến thăm  hai nước này vào các ngày 10 và 11/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Bắc Kinh đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng giải quyết những bất đồng với Philippines thông qua đối thoại song phương, hy vọng phía Philippines sẽ tuân thủ sự đồng thuận đã đạt được trước đây và trân trọng sự tin tưởng lẫn nhau thông qua việc cải thiện quan hệ song phương. Theo ông Vương, những năm qua, nhờ nỗ lực chung của Trung Quốc và ASEAN, tình hình ở Biển Đông đã đạt được sự ổn định tổng thể và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các nước trong khu vực. Mỹ và một số thế lực khác đang khuấy động khu vực, khai thác những rắc rối giữa Trung Quốc và Philippines...nhằm phục vụ chiến lược địa chính trị riêng của mình.

Người phát ngôn của Cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela ngày 12/8 cho hay, “Đường dây nóng” của lực lượng này với Trung Quốc không còn hoạt động, chỉ có kênh liên lạc trực tiếp của Bộ Ngoại giao. Theo ông, “trong tất cả các vụ việc trên biển [với Trung Quốc] trong sáu năm qua [ngay cả với chính quyền trước đây], đường dây nóng này cố gắng sử dụng. Thật không may, chưa bao giờ mang lại kết quả tích cực.” Trong chuyến thăm của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte tới Bắc Kinh năm 2016, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về việc thiết lập đường dây nóng của lực lượng chấp pháp biển.

Về việc hải cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào các tàu Philippines tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi ngày 12/8 cho biết, “Quan điểm nhất quán của Ấn Độ là cần tuân thủ luật pháp quốc tế trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng như trật tự dựa trên luật lệ. Cần thiết phải giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Ấn Độ kêu gọi các bên tuân điều này để đảm bảo không xảy ra các sự cố như trên”.

Phát biểu với báo giới tại Tokyo ngày 14/8, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Camille Dawson nhấn mạnh, “Không có kế hoạch trong thời gian tới mở rộng số lượng thành viên chính thức của Bộ Tứ. Đây là nhận thức chung của 4 quốc gia thành viên”. Theo bà Dawson, Nhóm Bộ Tứ sẽ không phải là “chủ đề thảo luận chính” tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn tại Trại David vào ngày 18/8 tới.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ ngày 15/8  ở Nga, Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định, Việt Nam kiên định nguyên tắc giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS năm 1982; cam kết thực thi nghiêm túc DOC và mong muốn hướng tới xây dựng một COC ở Biển Đông hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý rõ ràng hơn.

Tuyên bố Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn  ngày 18/8 tại Trại David khẳng định, “Về hành động nguy hiểm thúc đẩy yêu sách biển bất hợp pháp của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông, lãnh đạo ba nước phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng; kiên quyết phản đối việc quân sự hóa các thực thể được cải tạo; việc sử dụng nguy hiểm hải cảnh và dân binh biển; nhấn mạnh cam kết vững chắc đối với luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, như được phản ánh trong UNCLOS); Phán quyết năm 2016 thiết lập cơ sở pháp lý để giải quyết hòa bình các tranh chấp biển”.

Bình luận của Viện Biển Đông

Ngày 6/8, Philippines cho biết Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu làm nhiệm vụ tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở tàu chiến mắc cạn BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây. Trước đây, Trung Quốc cũng từng ngăn tàu Philippines tiếp tế các thực thể ở Trường Sa và bị Philippines cùng một số quốc gia khác phản ứng. Tuy nhiên, phản ứng của các bên trong vụ việc lần này có phần mạnh mẽ hơn.

- Philippines đã có những phản ứng tương đối mạnh mẽ, thể hiện sự chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng trên mặt trận dư luận. Về thời gian, thông tin của Philippines được đưa ra nhanh chóng, cho thấy dường như các cơ quan của Philippines đạt đồng thuận lớn hơn và phối hợp nhanh hơn để phục vụ chiến lược chung. Về công cụ, Philippines vận dụng đồng loạt nhiều biện pháp khác nhau: (i) phản đối qua các kênh chính thức (gồm cả quân đội, CSB lẫn Bộ Ngoại giao); (ii) công bố các hình ảnh và video từ thực địa; (iii) tổ chức họp báo, điều không thường xảy ra trước đó. Cách làm của Philippines có phần tương đồng với Việt Nam trong vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014.

- Trung Quốc cũng đã đáp trả cũng tương đối nhanh, đồng thời cũng công bố video thực địa để phản bác (chiến thuật từng được Trung Quốc áp dụng trong vụ chạm trán với máy bay Mỹ tháng 12/2022). Đáng chú ý, trong vụ việc lần này, Trung Quốc phản ứng trên kênh hải cảnh trước kênh Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng. Điều này cho thấy tuyên truyền của hải cảnh Trung Quốc đang ngày càng được chú trọng, song song với hiện diện ngày càng tăng của lực lượng này tại Biển Đông.

- Về phía các nước còn lại, phản ứng đều rất nhanh nhưng có phần khác nhau về cấp độ. Một số tỏ ra quan ngại mà không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc, trong khi một số khác phản đối trực diện Trung Quốc và chính thức ủng hộ Philippines. Mỹ đưa ra tuyên bố ở cấp Bộ Ngoại giao trong khi các nước còn lại đưa ra tuyên bố ở cấp đại sứ quán/đại sứ. Danh sách quốc gia có phản ứng chính thức cũng nhiều hơn vụ việc hồi tháng 4/2023 khi có thêm Hàn Quốc, New Zealand và trưởng phái đoàn EU. Có thể thấy các nước có phản ứng đều nằm trong mạng lưới đồng minh - đối tác của Mỹ trong khu vực, trong khi một số nước khác như các thành viên ASEAN hay Ấn Độ tỏ ra dè dặt hơn./.