Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 10/3 công bố báo cáo hàng năm về Tự do Hàng hải, trong đó liệt kê Trung Quốc là quốc gia với nhiều thách thức về tự do hàng hải với Mỹ nhất tại Biển Đông và Hoa Đông (bao gồm đường cơ sở thẳng, hạn chế máy bay nước ngoài bay qua ADIZ...). Mỹ cũng nêu ra các thách thức từ các bên tranh chấp Biển Đông khác là Malaysia, Việt Nam và Đài Loan. 

+ Chính trị - Ngoại giao:

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và UAE ngày 11/3 có cuộc trao đổi trực tuyến dài 30 phút. Bộ trưởng Kishi Nobuo bày tỏ quan ngại sâu sắc của Nhật Bản về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, nhấn mạnh luật này có vấn đề về mặt luật pháp quốc tế. Hai Bộ trưởng nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì trật tự hàng hải trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

NPN BNGVN ngày 11/03 phản đối Trung Quốc diễn tập trái phép ở Tri Tôn, Hoàng Sa. Bà Lê Thu Hằng nhấn mạnh, “Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quan hệ hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông”.

Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) Mỹ ngày 12/3 liệt kê 5 công ty Trung Quốc đe dọa an ninh quốc gia, trong đó có Huawei và ZTE. Trước đó một ngày, chính quyền Biden cũng tăng giới hạn giấy phép 5G đối với một số doanh nghiệp bán hàng cho Huawei. Năm 2019, chính quyền của tổng thống Donald Trump đã đưa các công ty Huawei, Hikvision và một số công ty khác vào danh sách "đen".

Tuyên bố chung cuộc họp thượng đỉnh Quad ngày 12/3 khẳng định mục tiêu xây dựng Ấn-Thái tự do, rộng mở, bao hàm, nền móng là các giá trị dân chủ và không bị giới hạn bởi ép buộc/cưỡng bức. Quad sẽ tiếp tục ưu tiên luật pháp quốc tế trong an ninh biển, đặc biệt là UNCLOS và thúc đẩy hợp tác để giải quyết các thách thức đối với trật tự trên biển dựa trên luật lệ tại Hoa Đông và Biển Đông. Quad ủng hộ đoàn kết và vai trò trọng tâp của ASEAN và tầm nhìn Ấn-Thái của ASEAN. Lãnh đạo Quad sẽ họp trực tiếp trước cuối năm 2021.

Cố vấn NSC Jake Sullivan ngày 12/3 trả lời họp báo rằng lãnh đạo Quad không có "ảo tưởng" về Trung Quốc nhưng cuộc họp thượng đỉnh không chỉ căn bản về Trung Quốc. Sullivan cũng khẳng định chính quyền Biden ở vị thế tốt hơn chính quyền trước trong việc giải quyết thách thức từ Trung Quốc, Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ đi đến "cạnh tranh khốc liệt" và Mỹ sẽ vươn lên.

Thông cáo báo chí của Nhật Bản về thượng đỉnh Quad 12/3 khẳng định Tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở, đã phát triển trong cộng đồng quốc tế, bao gồm cả ASEAN và châu Âu; kêu gọi các quốc gia cần hợp tác nhiều hơn để hiện thực hóa tầm nhìn này. Về vấn đề Biển Đông và Hoa Đông, Nhật Bản phản đối nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng; quan ngại về Luật hải cảnh của Trung Quốc.

Lưỡng Hội ngày 15/3 thảo luận về việc thúc đẩy xây dựng Bộ luật hàng hải Trung Quốc. Nội dung này không được truyền thông Trung Quốc nhắc nhiều, mà chỉ được tiết lộ thông qua bài phỏng vấn của báo chí với ủy viên Chính hiệp, chánh án tòa án hàng hải Hạ Môn. Mục tiêu chính của bộ luật này là xác nhận trách nhiệm pháp lý về tai nạn giao thông đường biển. Khi tình huống xảy ra, ai là người xử lý, mức độ xử lý và trách nhiệm các bên như thế nào.

Tuyên bố chung sau đối thoại “2+2” Nhật - Mỹ ngày 16/3 khẳng định, hai nước phản đối hành vi ép buộc và gây bất ổn đối với các nước khác trong khu vực của Trung Quốc; ủng hộ giao thương hợp pháp và tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động trên biển hợp pháp khác; quan ngại về những diễn biến gần đây trong khu vực, trong đó có luật Hải cảnh của Trung Quốc; nhắc lại phán quyết tháng 7/2016 của Tòa Trọng tài mang tính ràng buộc pháp lý.

Thủ tướng Nhật Bản và Thụy Điển ngày 16/3 đã có cuộc điện đàm kéo dài 15 phút. Thủ tướng Nhật hoan nghênh các nước châu Âu ngày càng quan tâm đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhấn mạnh mong muốn hợp tác với Thụy Điển hiện thực hóa “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở”, bày tỏ quan ngại sâu sắc về những nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Hoa Đông, bao gồm Luật Hải cảnh của Trung Quốc.

Lãnh đạo cấp cao Trung-Mỹ ngày 18-19/3 gặp mặt trực tiếp tại Alaska. Đại diện phái đoàn Trung Quốc gồm Dương Khiết Trì vàNgoại trưởng Vương Nghị sẽ trong khi đoàn Mỹ gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng họ vẫn đang thảo luận về các chủ đề của cuộc gặp và Trung Quốc hy vọng rằng sẽ có một cuộc đối thoại thẳng thắn về các mối quan ngại chung.

Góc nhìn quốc tế

Báo cáo SCSPI ngày 12/3 đánh giá hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông năm 2020, gia tăng về quy mô, thời gian, cường độ so với mọi năm. Mỹ ngày một tăng tần suất và cường độ tại Biển Đông: các hoạt động đều mang hướng chiến đấu; Mỹ dùng các phương thức do thám mới như dùng mã nhận diện giả để cải trang máy bay do thám thành máy bay dân dụng hay dùng máy bay của tư nhân. Báo cáo gọi đây là chiến thuật vùng xám của Mỹ. 

Ông Xin Qiang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, trường Đại học Phục Đán ngày 14/3 cho rằng có những bình luận phóng đại tầm ảnh hưởng của Bộ Tứ (Quad). Bộ Tứ chỉ có 4 quốc gia, trong khi châu Á là một châu lục rất rộng lớn với nhiều quốc gia, vì vậy 4 quốc gia không thể tác động đến xu hướng phát triển của châu Á trong tương lai. Ngoài ra, Bộ Tứ không phải luôn chung quan điểm: mỗi nước có lợi ích riêng và các ưu đãi chính sách khác nhau.

Học giả Mark Valenci ngày 12/3 đánh giá Pháp cần thận trọng trước “cơn thịnh nộ” của Trung Quốc với kế hoạch triển khai quân sự tại Biển Đông. Doanh nghiệp Pháp đầu tư tại Trung Quốc cũng nên chú ý./.

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn