Bản tin tuần Biển Đông (ngày 11 - 17/3/2022)

Tin tức nổi bật

+ Thực địa:

Trung Quốc ngày 10/3 hạ thủy tàu nghiên cứu “Hướng Dương Hồng 31”. Đây là tàu khảo sát thế hệ mới do Trung Quốc tự nghiên cứu và chế tạo, dài 89m và rộng 18m, với phạm vi hoạt động 10.000 hải lý. Tàu được bàn giao cho Cục Nam Hải và tổ chức thành đội tàu tác nghiệp khảo sát khoa học, góp phần xây dựng, vận hành mạng lưới quan trắc biển Trung Quốc.

Theo “Duan Dang” (Đặng Sơn Duân) ngày 11/3, Trung Quốc triển khai tàu hải cảnh 10.000 tấn lớn nhất tới Trường Sa. Cụ thể ngày 11/3, tàu hải cảnh 5901 đi chuyển gần đảo Trường Sa và Đá Lát do Việt Nam kiểm soát. Ngày 12/3, tàu 5901 và 5305 tiếp cận Bãi Tư Chính, sau đó đi vào thềm lục địa của Indonesia, khu vực Haiyang Dizhi 10 của Trung Quốc đã tiến hành khảo sát nhiều tháng vào năm 2021, trước khi quay sang Khu vực khai thác chung Việt Nam - Malaysia. Sau đó, tàu 5305 đi vào Lô SK 308 của Malaysia trong khi tàu 5901 tiếp cận các mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh của Việt Nam.

Ngày 15/3, các tàu chiến Mỹ - Úc - Nhật, gồm USS Momsen (DDG 92), JS Yuudachi (DD 103), HMAS Arunta (FFH 151) hoàn tất diễn tập chung tại Biển Đông. Sĩ quan chỉ huy tàu khu trục USS Momsen ông Erik Roberts cho biết: “Cuộc tập trận chung tái khẳng định quan hệ bền chặt giữa lực lượng hải quân 3 nước, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh”. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, ba nước đã 2 lần tập trận chung, riêng Mỹ và Nhật có 4 lần tập trận song phương.

+ Chính trị - Ngoại giao:

Từ ngày 7-8/3, Điều phối viên khu vực Ấn-Thái tại Hội đồng ANQG Mỹ Kurt Campbell và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Anh David Quarrey tiến hành Tham vấn Mỹ - Anh lần đầu tiên về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuyên bố chung ngày 11/3 khẳng định: “Mỹ - Anh cam kết phối hợp chặt chẽ trong triển khai chiến lược Ấn - Thái của mỗi nước. AUKUS đạt được tiến triển và hai bên cam kết chuyển giao tàu ngầm hạt nhân và các năng lực tiên tiến khác cho Úc để duy trì an ninh khu vực. Thời gian tới, hai nước tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, củng cố quan hệ đối tác với Ấn Độ, Quốc đảo Thái Bình Dương...và duy trì kênh đối thoại về Ấn - Thái”.  

Phản ứng việc Đài Loan tập trận bắn đạn thật ở Ba Bình, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 11/3 nêu rõ: “Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan hủy bỏ hoạt động diễn tập trái phép và không tái diễn trong tương lai”.

Ngày 12/3, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành xác nhận bộ phim “Thợ săn cổ vật” của hãng Sony Pictures, dự kiến ra mắt ngày 18/3, bị cấm chiếu ở Việt Nam. Hội đồng thẩm định và phân loại phim quốc gia đưa ra quyết định trên bởi bộ phim có hình ảnh "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.

Trả lời báo chí về việc tàu Hải quân Trung Quốc hiện diện tại vùng biển Sulu của Philippines, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 15/3 cho biết, “Việc tàu hải quân Trung Quốc đi qua vùng biển Philippines là thực thi quyền qua lại vô hại theo UNCLOS. Hành động này đảm bảo an toàn, phù hợp luật quốc tế và tập quán quốc tế. Trung Quốc mong các bên liên quan nhìn nhận đúng đắn và khách quan”. Trước đó ngày 14/3, Philippines triệu tập Đại sứ Trung Quốc để giải thích việc tàu hải quân Trung Quốc hiện diện tại nhóm quần đảo Cuyo và đảo Apo từ ngày 29/1-1/2. Philippines gọi đây là “hành động xâm nhập bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền Philippines”.

Phát biểu trước báo chí ngày 17/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay Tổng thống Mỹ Biden sẽ điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 18/3. Mỹ hiện quan ngại khả năng Trung Quốc hỗ trợ Nga về quân sự tại Ukraine. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh Trung Quốc cần hành động trách nhiệm, dùng ảnh hưởng với Nga để bảo vệ luật lệ quốc tế.  

Tham dự Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 19 (ACDFM-19) tại Campuchia ngày 17/3, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Thượng tướng Nguyễn Tân Cương kêu gọi các nước tiếp tục duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, đồng thời tăng cường xây dựng lòng tin, thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC ở Biển Đông, sớm hoàn tất COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đề nghị các nước ASEAN ủng hộ các sáng kiến và hoạt động do Việt Nam chủ trì trong kênh hợp tác quân sự - quốc phòng ASEAN năm 2022.

Góc nhìn Quốc tế

Trên “Asia Times” ngày 7/3, TS. Lakhvinder Singh nhận định đã đến lúc Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn ở Biển Đông, cả khía cạnh ngoại giao và quân sự. Là một nền kinh tế lớn và nền dân chủ hàng đầu ở châu Á, Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng từ hành động quyết đoán trên biển của Trung Quốc. Về ngoại giao, Ấn Độ đã áp dụng chính sách Láng giềng mở rộng và Hành động hướng Đông để củng cố ảnh hưởng trong khu vực. Ấn Độ cần tiếp tục thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ, bao gồm việc bảo vệ UNCLOS. Về quân sự, không một quốc gia nào trong khu vực có đủ năng lực đối phó với Trung Quốc. Ấn Độ cần xây dựng và thông qua một cơ chế an ninh tập thể với các nước trong khu vực. Việc New Delhi hợp tác hải quân với khu vực là đáng khích lệ, song chưa đủ. Ấn Độ cần tập trung hơn vào việc liên kết chính sách quốc phòng và an ninh với các nước. Ngoài ra, Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng trong khi sự hỗ trợ của Ấn Độ còn thấp. New Delhi cần bắt đầu chuẩn bị các gói ưu đãi đặc biệt cho các công ty Ấn Độ để khuyến khích họ đầu tư nhiều hơn vào các nước trong khu vực.

Bản PDF tại đây

Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao

“Bản tin tuần Nghiên cứu Biển Đông” được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn