Bản tin tuần Biển Đông (29/11-05/12/2024)
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tiêu điểm
Thực địa
Trung Quốc chặn bốn tàu Philippines “xâm nhập” Scarborough/Hoàng Nham
Ngày 4/12, người phát ngôn Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) Lưu Đức Quân cho biết bốn tàu Cảnh sát biển Philippines (PCG) cố gắng xâm nhập vào vùng lãnh hải của bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, tiếp cận tàu CCG. Phía Trung Quốc đã kiểm soát các tàu này theo đúng pháp luật.
Thông báo của PCG cho biết bốn tàu Philippines thực hiện “tuần tra hàng hải định kỳ” dưới chỉ đạo của Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản nhằm hỗ trợ ngư dân Philippines trong khu vực và gặp phải “hành động hung hăng” từ một số tàu CCG và Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLA). Một tàu CCG bắn vòi rồng hai lần và đâm vào một tàu của Philippines.
Chính trị-Ngoại giao
Trung Quốc và Philippines trao đổi cáo buộc liên quan đến các hoạt động gần Đá Khúc Giác
Ngày 2/12, Trung Quốc và Philippines trao đổi cáo buộc liên quan đến các hoạt động gần Đá Khúc Giác.
Người phát ngôn Lưu Đức Quân cho biết một số tàu Philippines “dưới vỏ bọc” tàu đánh cá đã “tụ tập bất hợp pháp” tại vùng biển gần rạn san hô Đá Khúc Giác ở Trường Sa; CCG đã thực hiện các biện pháp cần thiết với các tàu Philippines theo pháp luật. Ông cũng cảnh báo phía Philippines chấm dứt ngay lập tức các hành động khiêu khích, ngừng bóp méo sự thật và không kích động hoặc thổi phồng vấn đề.
Người phát ngôn PCG Jay Tarriela cho biết hai tàu PCG được triển khai tới rạn Rozul để đảm bảo an toàn và an ninh cho ngư dân Philippines sau khi PCG nhận được đoạn video từ một tàu cá ghi lại cảnh trực thăng PLA “quấy rối” tàu cá Philippines tại đây.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm phản hồi cáo buộc của Philippines không đúng sự thật và tiếp tục khẳng định việc thực thi pháp luật của Trung Quốc tại các vùng biển liên quan là “hợp lý và hợp pháp”.
An ninh-Quốc phòng
Mỹ duyệt bán gói thiết bị quân sự 385 triệu USD cho Đài Loan
Ngày 29/11 Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo Bộ Ngoại giao phê duyệt gói bán phụ tùng và hỗ trợ chiến đấu cơ F-16, các ra-đa điện tử chủ động và trang thiết bị quân sự liên quan cho Đài Loan trị giá 385 triệu USD. Quyết định này được phê duyệt ngay trước khi lãnh đạo Đài Loan sang thăm Mỹ.
Pháp lý
Ngày 2/12, Phó đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên hợp Quốc Cảnh Sảng đệ trình Tuyên bố về Đường cơ sở lãnh hải giáp với Scarborough/Hoàng Nham và biểu đồ hàng hải liên quan lên Liên Hợp Quốc nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi hàng hải tại khu vực này.
Trước đó vào ngày 10/11, Trung Quốc ra Tuyên bố về Đường cơ sở lãnh hải giáp với Scarborough/Hoàng Nham và khẳng định đường này phù hợp với “Luật pháp của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp” ngày 25/2/1992.
Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan, tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả
Ngày 1/12, Trung Quốc phê phán việc Mỹ phê duyệt bán gói vũ khí trị giá 385 triệu USD cho Đài Loan, cho rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan vi phạm nguyên tắc “Một Trung Quốc”, ba thông cáo chung Trung-Mỹ, đặc biệt là Thông cáo ngày 17/8/1982 và chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Nước này cũng cho rằng việc này vi phạm luật quốc tế, gửi tín hiệu sai lầm đến các lực lượng ly khai và gây bất lợi cho quan hệ Trung-Mỹ cũng như hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan; Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả hành động này.
Kinh tế-Công nghệ
Ngày 2/12, Cục Công nghiệp và An ninh, Bộ Thương mại Mỹ công bố gói quy định kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế Trung Quốc sản xuất các vi mạch bán dẫn tiên tiến, có thể được sử dụng trong các hệ thống vũ khí thế hệ mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tính toán cao cấp, có ảnh hưởng lớn đến quốc phòng.
Các quy định mới gồm việc kiểm soát 24 loại thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn, ba loại phần mềm phát triển hoặc sản xuất vi mạch và bộ nhớ băng tần cao, thêm 140 công ty vào danh sách thực thể có hoạt động hoặc mối liên hệ với các hành vi đe dọa an ninh Mỹ.
Trung Quốc cấm xuất khẩu một số nguyên liệu sản xuất chip bán dẫn sang Mỹ
Ngày 3/12, Bộ Thương mại Trung Quốc ban hành lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng nguyên liệu quan trọng sản xuất chip bán dẫn tiên tiến sang Mỹ. Đây được cho là một động thái đáp trả của Trung Quốc đối với lệnh cấm xuất khẩu một số công nghệ, công cụ và thiết bị sử dụng để phát triển chip AI của Mỹ nhắm tới Trung Quốc ngày 2/12.
Góc nhìn quốc tế
Ngày 29/11, Don McLain Gill cho rằng Philippines cần nhiều biện pháp để đối phó với sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Một số bài học thành công rút ra từ Thoả thuận biên giới Ấn-Trung nếu Philippines muốn đối thoại thành công với Trung Quốc gồm:
(i) Tiếp tục duy trì các kênh đối thoại mở giữa hai nước nhưng cần thận trọng, dựa vào bằng chứng cụ thể thay vì những cam kết bằng lời.
(ii) Xây dựng thế trận phòng thủ có hiệu quả và chính sách nhất quán để gây áp lực lên Trung Quốc;
Tuy nhiên, học giả cũng đưa ra lưu ý khác biệt so với Thoả thuận biên giới Ấn-Trung:
(i) Trong tranh chấp trên Biển Đông, Philippines có quyền chủ quyền dựa trên UNCLOS và Phán quyết Toà trọng tài 2016;
(ii) Khác với Ấn Độ, Philippines chênh lệch tương quan kinh tế và lực lượng với Trung Quốc (dù có thể cân bằng lại bằng các công cụ đối ngoại như tăng hợp tác quốc tế về năng lực an ninh biển);
(iii) Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại, Philippines cần tăng cường hiện diện, răn đe và duy trì chính sách nhất quán, Mỹ cần tăng triển khai các hệ thống phòng thủ tầm trung và tầm xa.
Rigoberto D. Tiglao: Trung Quốc có thể sẽ phát triển Scarborough/Hoàng Nham thành một căn cứ quân sự
Ngày 2/12, Rigoberto D. Tiglao nhận xét Trung Quốc “rất có thể” sẽ biến Scarborough/Hoàng Nham thành đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở quân sự gồm căn cứ tên lửa và chống tên lửa. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là căn cứ quân sự gần Philippines nhất, cách vịnh Subic chỉ 240km. Trung Quốc cũng có thể tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quanh Bãi cạn, tạo vùng chồng lấn chiếm hơn một nửa yêu sách EEZ của Philippines trên Biển Đông.
Học giả cũng cho rằng việc Trung Quốc kiên cố hóa Bãi cạn là phản ứng trước hệ thống tên lửa Typhon của Mỹ, được lắp đặt cố định tại sân bay Laoag, do hệ thống này cũng có thể sử dụng tên lửa Tomahawk, với tầm bắn 1.000 km có thể vươn tới Trung Quốc.
Ngày 2/12, Elliott Abrams, Ezra Hess và Joshua Kurlantzick cho rằng Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật cưỡng ép kinh tế trong ít nhất mười năm với tần suất ngày càng tăng. Các đồng minh Mỹ (như Úc/Hàn) đang ứng phó một mình. Chính quyền Trump và Biden đã có hành động đối phó nhưng không đồng bộ và thiếu phối hợp quốc tế.
Các học giả đề xuất:
(i) Mỹ cần ưu tiên thông qua các dự luật nhằm đối phó với cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc, bao gồm tăng răn đe và hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng; thành lập nhóm liên ngành để giảm hiệu quả của cưỡng ép kinh tế và tăng phối hợp giữa các đồng minh;
(ii) Các đối tác Mỹ cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc; công khai chỉ trích hành vi cưỡng ép của Trung Quốc và cảnh báo sẽ có phản ứng mạnh mẽ nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng biện pháp này. Các đồng minh như EU, Nhật Bản hay Úc cần ký các thỏa thuận hỗ trợ nhau nếu bị Trung Quốc cưỡng ép, chẳng hạn như mở rộng thị trường cho các mặt hàng bị ảnh hưởng hoặc hỗ trợ tài chính trực tiếp.
Ngày 5/12, Bao Yinan (Trung tâm Hoa Dương) bình luận về hoạt động “tự do hàng hải” (FONOP) của Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Trump, cho rằng chính quyền Trump triển khai vấn đề này quyết liệt hơn (so với Biden).
Chính quyền Trump 2.0 sẽ tái sử dụng FONOP với tần suất cao để làm “vũ khí” trong cuộc chiến thương mại sắp tới với Trung Quốc và điều chỉnh trọng tâm trong FONOP (thách thức các yêu sách mới của Trung Quốc hoặc phản ứng trước các động thái của Philippines).
Bản PDF tại đây
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.
Tổng hợp tin tức nổi bật và đánh giá đa chiều về tình hình Biển Đông trong tuần.