Bản tin tuần Biển Đông (ngày 20.4-3.5.2024)

TIÊU ĐIỂM

  • Mỹ và Philippines khởi động tập trận thường niên Balikatan, Pháp và Úc tham gia, lần đầu tiên xuất hiện tên lửa đất đối hải, Trung Quốc phản đối
  • CSIS-AMTI: Hai tàu hải quân Trung Quốc hiện diện thường trực tại căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trong vòng bốn tháng
  • Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao G7: phản đối Trung Quốc sử dụng lực lượng Cảnh sát biển (CSB) và Dân quân biển (DQB) một cách nguy hiểm ở Biển Đông, cản trở quyền tự do hàng hải của các quốc gia trong vùng biển quốc tế và sử dụng vòi rồng chống lại tàu Philippines
  • Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell khẳng định Mỹ và đồng minh sẽ không mở rộng NATO tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phê phán Trung Quốc tạo ra cái nhìn tiêu cực về hợp tác của Mỹ với khu vực
  • Microsoft công bố cam kết nâng cao kĩ năng trí tuệ nhân tạo (AI) cho 2,5 triệu người dân ASEAN, công bố sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD cho Malaysia; 1,7 tỉ cho Indonesia nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi AI và đám mây; đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu tại Thái Lan

 

TIN TỨC

THỰC ĐỊA

Mỹ và Philippines khởi động tập trận thường niên Balikatan, Pháp và Úc tham gia, lần đầu tiên xuất hiện tên lửa đất đối hải, Trung Quốc phản đối

Ngày 22/04, Mỹ và Philippines vừa khai mạc cuộc tập trận thường niên Balikantan với sự tham gia của 16000 binh sĩ hai bên, cùng 250 binh sĩ Pháp và Úc. Các hoạt động tập trận bao gồm: tuần tra chung, bắn chìm tàu chiến địch giả định và tái chiếm đảo. Đặc biệt, trước cuộc tập trận, Mỹ đã cho vận chuyển tới phía Bắc Philipines một hệ thống tên lửa đất đối hải. Trung Quốc lên tiếng phản đối, cho rằng việc cho tên lửa tới khu vực lân cận  của mình sẽ làm gia tăng căng thẳng. Dự kiến cuộc tập trận sẽ kéo dài tới ngày 10/05.

Hải quân Philippines: 124 tàu Trung Quốc (3 tàu hải quân, 11 tàu hải giám, và 120 tàu cá dân binh) xuất hiện bất thường trên Biển Đông đúng thời điểm tập trận Balikatan nhằm thể hiện sự kiểm soát của Trung Quốc

Ngày 24/04, Hải quân Philippines cho biết đã phát hiện một sự gia tăng đột xuất số lượng tàu Trung Quốc trên Biển Đông khi cuộc tập trận Balikatan bắt đầu diễn ra. Có tổng cộng 124 tàu Trung Quốc xuất hiện ở vùng Biển Đông gần Philippines, gồm có 3 tàu hải quân, 11 tàu hải giảm, và 120 tàu cá dân binh. Số lượng tàu cá dân binh Trung Quốc bình thường xuất hiện chỉ vào khoảng 50 tàu. Tàu cá dân binh Trung Quốc xuất hiện đặc biệt đông ở bãi cạn Scarborough và đảo Thị Tứ. Theo các chuyên gia, đây là hành vi khẳng định sự kiểm soát thực địa trên Biển Đông của Trung Quốc.

Đoàn quan chức Nhật Bản có chuyến giám sát Senkaku/Điếu Ngư, chạm mặt với tàu Hải Giám Trung Quốc

Ngày 27/04, một đoàn quan chức Nhật Bản, gồm nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, đã có chuyến giám sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do thành phố Ishigaki thuộc Okinawa tổ chức. Đoàn quan chức đã ở quần đảo ba tiếng đồng hồ và dùng máy bay không người lái (drone) quan sát khu vực này. Theo phía Trung Quốc, tàu hải giám Trung Quốc đã chạm mặt đoàn quan chức này và có biện pháp thực thi pháp luật, song không nói rõ biện pháp gì. Tàu tuần duyên Nhật Bản cũng đã ngăn chặn tàu Trung Quốc tiếp cận đoàn quan chức này. Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản đã lên tiếng phản đối động thái của phía Nhật Bản.

Lực lượng vũ trang Philippines (AFP): Tàu nghiên cứu Thẩm Quát (Shen Kou) của Trung Quốc xuất hiện tại bãi Cỏ Mây, thả "thiết bị lạ" nhằm tiến hành nghiên cứu hàng hải tại Catanduanes, Philippines

Ngày 28/04, tài khoản "X" của Lực lượng vũ trang Philippines cho biết đã phát hiện tàu nghiên cứu biển sâu Thẩm Quát (Shen Kuo) của Trung Quốc ở vùng lân cận phía Đông Bắc tỉnh Catanduanes, Philippines. Hình ảnh AFP cung cấp cho thấy tàu đã thả "thiết bị lạ" có thể nhằm tiến hành nghiên cứu hàng hải ở khu vực Catanduanes. Tàu này sau đó đã tắt tín hiệu AIS. Hoạt động trên diễn ra trong thời gian tập trận Balikatan kéo dài đến ngày 10/05.

Ngày 30/04, Philippines tiếp tục đưa tin lần đầu tiên có ba tàu nghiên cứu của Trung Quốc được phát hiện gần Bãi Cỏ Mây. Ba tàu này được cho là chưa thực hiện hoạt động cụ thể tại đây. Bên cạnh các tàu nghiên cứu, hai tàu chiến của Trung Quốc cũng được phát hiện bám sát các tàu chiến của Philippines, Mỹ và Pháp khi đang tham gia “Cuộc tập trận hàng hải đa phương (MME) thuộc Balikatan” từ ngày 25/04 đến ngày 29/04.

Một số học giả đã đưa ra bình luận về vấn đề tàu nghiên cứu biển sâu Thẩm Quát của Trung Quốc, cụ thể:

  • Nhận xét của Collin Koh (Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam): Các dấu hiệu AIS và hình ảnh tàu Thẩm Quát thả thiết bị thăm dò là bằng chứng không thể chối cãi về hoạt động nghiên cứu khoa học dưới biển trái phép của Trung Quốc tại khu vực EEZ của Philippines theo UNCLOS.
  • Nhận xét của Ray Powell (Đại học Stanford): Hoạt động trên có thể xem xét vi phạm Phần V, Điều 56 UNCLOS, theo đó các cuộc khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia khác phải được chính phủ nước đó chấp thuận.

Philippines sẽ cho 100 tàu cá tới bãi cạn Scarborough ngày 15 tháng 5 tới để chạy đua và thả bia chủ quyền

Ngày 15/05, liên minh Atin Ito sẽ tổ chức 100 tàu cá Philippines xuất hành từ Tỉnh Zambales đi tới khu vực bãi cạn Scarborough để chạy đua và thả bia chủ quyền có dòng chữ "Biển Tây Philippines là của chúng ta". Ngoài ra, sẽ có hai tàu lớn chở lương thực và các quan sát viên nước ngoài đi cùng đoàn tàu cá này. Năm ngoái, liên minh Atin Ito cũng đã tổ chức thành công một chuyến đi tiếp tế tới chín điểm đóng quân của Philippines trên Biển Đông bất chấp sự ngăn cản từ các tàu Hải giám Trung Quốc.

AN NINH - QUỐC PHÒNG

CSIS-AMTI: Hai tàu hải quân Trung Quốc hiện diện thường trực tại căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trong vòng bốn tháng

Ngày 18/04/2024, CSIS-AMTI đưa tin các hình ảnh vệ tinh cho thấy hai tàu chiến Trung Quốc có mặt tại căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trong suốt hơn bốn tháng kể từ khi cập cảng ngày 03/12/2023 đến nay.

Mặc dù vào tháng 01/2024, một số phương tiện truyền thông đưa tin các tàu Trung Quốc đã rời căn cứ Hải quân Ream, nhưng trên thực tế, hình ảnh vệ tinh của CSIS-AMTI chỉ ra bến tàu chỉ trống trong hai khoảng thời gian ngắn là từ ngày 15 - 18/01 và ngày 29 - 30/03.

CSIS-AMTI cũng lưu ý, ngoài hai tàu Trung Quốc, không có bất kỳ tàu nào khác hiện diện ở khu vực này, kể cả tàu Campuchia. Chuyến thăm gần đây của hai tàu khu trục Nhật Bản đã được chuyển đến cảng tự trị Sihanoukville thay vì Ream. Theo CSIS-AMTI, các tàu của PLAN đang được quyền tiếp cận "mở rộng và độc quyền" tại căn cứ Ream. Sự hiện diện quân sự thường trực của Trung Quốc tại đây đặt ra nhiều quan ngại cho Mỹ và các quốc gia khu vực rằng Ream sẽ được sử dụng như một căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Campuchia. CSIS đánh giá đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang có đặc quyền tiếp cận tại căn cứ Ream, các hoạt động của Trung Quốc tại Ream có thể là triển khai luân phiên hoặc triển khai lâu dài.

Mỹ, Philippines tổ chức Đối thoại chiến lược song phương lần thứ 11: Thúc đẩy hợp tác an ninh biển song phương toàn diện; kêu gọi Trung Quốc tuân thủ UNCLOS, Luật quốc tế, Phán quyết 2016 và chấm dứt các hành động “gây hấn” “nguy hiểm” ở Biển Đông

Ngày 22 - 23/04, Mỹ và Philippines tổ chức Đối thoại chiến lược song phương lần thứ 11, trong đó hai nước: (1) kêu gọi Trung Quốc tuân thủ UNCLOS, luật quốc tế, Phán quyết 2016, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines ở Biển Đông và chấm dứt các hành động “gây hấn” “nguy hiểm”, bao gồm việc can thiệp “bất hợp pháp” vào quyền tự do hàng hải của Philippines ở Biển Đông; (2) Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ngày càng toàn diện trên mọi lĩnh vực thông qua đối thoại, hợp tác thực địa, ký kết các thỏa thuận mới. Cụ thể, hai nước:

  • Cam kết tổ chức đối thoại 2+2 lần thứ 4; Đối thoại biển (Maritime Dialogue) lần thứ 3 vào tháng 9 hoặc tháng 10; Thiết lập đối thoại song phương đầu tiên về không gian mạng, kỹ thuật số và dân chủ;
  • Thành lập nhóm làm việc chung Roles, Missions, and Capabilities (RMC) để thay thế Nhóm làm việc an ninh - quốc phòng hiện có;
  • Trên thực địa: Khẳng định sẽ tiến hành tập trận với Úc và Nhật ở Biển Đông; tiến hành Hoạt động Hợp tác Hàng hải (MCA) song phương hàng tháng;
  • Hai nước sẽ ký kết Hiệp ước Bảo mật chung về Thông tin quân sự (GSOMIA) và Lộ trình hỗ trợ an ninh Philippines (P-SSAR);
  • Tăng cường hợp tác về HA/DR, IUU, chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực chấp pháp,...

Mỹ, Nhật, Hàn tổ chức Đối thoại Quốc phòng ba bên: Nhấn mạnh luật quốc tế, UNCLOS, phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng hoặc cưỡng ép bên khác ở khu vực

Ngày 24/04, Mỹ, Nhật, Hàn tổ chức Đối thoại Quốc phòng ba bên (Defense Trilateral Talks) trực tuyến, trao đổi, đánh giá về môi trường an ninh trên Bán đảo Triều Tiên, khu vực Ấn - Thái và toàn cầu, đồng thời tham vấn về những cách thức cụ thể để tăng cường hợp tác an ninh ba bên. Ba nước nhấn mạnh luật quốc tế, UNCLOS, phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng hoặc cưỡng ép bên khác ở khu vực.

Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam của Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và các vùng biển Polynesia thuộc Pháp thiết lập cơ chế hợp tác và đối thoại liên vùng

Từ ngày 24 - 26/04, Tổng Tư lệnh Thái Bình Dương và các vùng biển Polynesia thuộc Pháp, Phó Đô đốc Geoffroy d’Andigne đã có chuyến thăm và trao đổi Tổng Tư lệnh Quân khu miền Nam Trung Quốc, Tướng Wang Xiubin về tình hình an ninh thế giới và khu vực. Trong chuyến thăm, Tổng Tư lệnh hai nước đã ký thỏa thuận thiết lập cơ chế hợp tác và đối thoại liên vùng giữa Pháp và Trung Quốc. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, sự hợp tác giữa hải quân và không quân hai nước sẽ giúp tăng cường lòng tin, đảm bảo ổn định và an ninh khu vực. Quân khu miền Nam Trung Quốc được giao phụ trách tác chiến tại khu vực Biển Đông.

CHÍNH TRỊ - NGOẠI GIAO

Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao G7: phản đối Trung Quốc sử dụng lực lượng Cảnh sát biển (CSB) và Dân quân biển (DQB) một cách nguy hiểm ở Biển Đông, cản trở quyền tự do hàng hải của các quốc gia trong vùng biển quốc tế và sử dụng vòi rồng chống lại tàu Philippines

Ngày 19/04, trong cuộc họp về các vấn đề toàn cầu tại Ý, Bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 ra Tuyên bố chung, trong đó đề cập đến vấn đề Biển Đông, gồm có:

  1. Phản đối mạnh mẽ đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực;
  2. Phản đối việc Trung Quốc sử dụng lực lượng CSB và DQB một cách nguy hiểm ở Biển Đông, liên tục cản trở quyền tự do hàng hải của các quốc gia trên vùng biển quốc tế, ngày càng sử dụng các hoạt động nguy hiểm và vòi rồng chống lại các tàu của Philippines;
  3. Các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý;
  4. Phản đối các hoạt động quân sự hóa, cưỡng bức và đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông;
  5. Nhấn mạnh tính phổ quát và thống nhất của UNCLOS 1982, tái khẳng định vai trò quan trọng của UNCLOS trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương;
  6. Nhắc lại Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 là một cột mốc quan trọng, mang tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên trong vụ kiện và là cơ sở hữu ích để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình giữa các bên.

Bộ Ngoại giao Philippines sau đó đã đăng tuyên bố cảm ơn G7 đã khẳng định trật tự trên biển dựa trên luật lệ theo UNCLOS 1982 và đã nhắc tới phán quyết Biển Đông 2016 là một cơ sở để giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông.

Trong khi đó. Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã ngay lập tức đăng bài cho rằng G7 lại một lần nữa gây sự, không chịu công nhận các quyền hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông và đang tìm cách can thiệp vào công việc của khu vực khác.

Vương Nghị thăm Campuchia, trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Chenda Sophea Sok và Phó Thủ tướng Sun Chanthol, hai bên thống nhất tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong các diễn đàn ASEAN, Mekong-Lan Thương

Từ ngày 21/04, trong chuyến thăm tới Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp và trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Chenda Sophea Sok và Phó Thủ tướng Sun Chanthol. Về nội dung trao đổi, hai bên thống nhất sẽ tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực và tạo ra môi trường thuận lợi cho các hợp tác này. Ông Vương Nghị nhấn mạnh sáu lĩnh vực hợp tác: chính trị, năng lực sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, an ninh, cuộc sống con người, đồng thời khẳng định thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - ASEAN có chất lượng. Ông Chenda Sophea Sok mong sẽ có nhiều dự án hợp tác kinh tế trong khuôn khổ BRI và khẳng định phản đối sự gây rối từ các thế lực bên ngoài khu vực. Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Sun Chanthol, ông Vương Nghị khẳng định hai bên thống nhất sẽ cùng bảo vệ hòa bình khu vực trong nhiều khuôn khổ như ASEAN, Mekong-Lan Thương.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell khẳng định Mỹ và đồng minh sẽ không mở rộng NATO tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phê phán Trung Quốc tạo ra cái nhìn tiêu cực về hợp tác của Mỹ với khu vực

Tại Viện Hòa Bình Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell nói Mỹ và các quốc gia Châu Âu không có ý định mở rộng NATO tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không có đề xuất xây dựng một cơ chế quân sự chính thức với các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây chỉ là một phần của chiến dịch tin giả của Trung Quốc và Nga. Ông Cambell khẳng định các bên tham gia các cuộc đối thoại với NATO (Nhật Bản, Hàn Quốc) hiểu rõ bản chất của các cuộc đối thoại và giới hạn các vấn đề được đối thoại. Ông đặc biệt phê phán Trung Quốc vì việc rêu rao bất cứ mối quan hệ hợp tác nào của Mỹ với khu vực là "xuất khẩu mô hình NATO".

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ thăm Trung Quốc, bàn về xung đột vũ trang Nga-Ukraine, căng thẳng ở Trung Đông, Đài Loan, Biển Đông và thuốc phiện tổng hợp

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken đã bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc ba ngày và sẽ thảo luận với các quan chức cấp cao Trung Quốc ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Các vấn đề được thảo luận chính bao gồm:

  1. Chiến tranh Nga - Ukraine: Mỹ muốn Trung Quốc không hỗ trợ quân sự cho Nga trong khi Trung Quốc cho rằng mình có quyền trao đổi thương mại với Nga và chỉ trích Mỹ gây gia tăng căng thẳng khi viện trợ quân sự Ukraine;
  2. Căng thẳng ở Trung Đông: Mỹ muốn Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình với Iran để thuyết phục nước này kiềm chế các hành vi làm gia tăng căng thẳng của các nhóm Hamas, Hezbollah, Houthis, các nhóm dân quân thân Iran ở Iraq và Syria. Trung Quốc cũng có lợi ích trong việc giảm căng thẳng ở Trung Đông để bảo vệ các tuyến nhập khẩu dầu mỏ của mình ở đây;
  3. Vấn đề Đài Loan: Mỹ muốn duy trì nguyên trạng tại Eo biển Đài Loan;
  4. Vấn đề Biển Đông: Mỹ đang ngày càng quan ngại trước các hành vi gây hấn của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp;
  5. Thuốc phiện tổng hợp: Hai nước đã thiết lập nhóm làm việc chung để đối phó với tình trạng gia tăng sản xuất và xuất khẩu chất cấm tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại các tiến bộ Trung Quốc đạt được là không đáng kể và nhiều đối tượng vẫn có cách thoát khỏi các lệnh cấm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam: Việt Nam phản đối việc Trung Quốc công bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông

Ngày 25/04, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam về việc Trung Quốc công bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, NPN BNG Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:

  • Lập trường của Việt Nam đối với lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán, đã được khẳng định rõ trong những năm qua. Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, mà còn vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng EEZ được xác định theo UNCLOS 1982;
  • Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở Biển Đông.

Trước đó, ngày 24/04, giới chức Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 01/05 – 16/09 đối với bốn vùng biển xung quanh nước này gồm Biển Đông, biển Hoa Đông, Bột Hải và Hoàng Hải. Ngày 01/05, giới chức Trung Quốc thông báo lệnh cấm đánh bắt cá chính thức được áp dụng. Trung Quốc hàng năm đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro: Bộ Quốc phòng Philippines không biết và không tham gia bất kỳ thỏa thuận nội bộ nào với Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Marcos nhậm chức vào năm 2022

Ngày 27/04, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro cho biết BQP Philippines “không biết và không tham gia bất kỳ thỏa thuận nội bộ nào với Trung Quốc”, các quan chức của Bộ Quốc phòng đã không trao đổi với bất kỳ quan chức Trung Quốc nào kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nhậm chức vào năm 2022.

Tuyên bố này đáp trả cho tuyên bố của Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila ngày 18/04 cho biết rằng hai bên đã đồng ý vào đầu năm nay về một "mô hình mới" trong việc quản lý căng thẳng tại Bãi Cỏ Mây mà không nêu chi tiết.

Bộ Ngoại giao Philippines triệu tập Đại sứ Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Philippines khi đang tuần tra tại bãi Scarborough, áp lực của vòi rồng lần này mạnh hơn nhiều. Đây là lần thứ 20 trong năm 2024, lần thứ 153 dưới thời Marcos, Philippines lên tiếng phản đối Trung Quốc

Ngày 02/05, Bộ Ngoại giao Philippines triệu tập Đại sứ Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh “quấy rối” và “có hành động nguy hiểm”  khi dùng vòi rồng chống lại hai tàu Philippines khi đang tuần tra ở bãi cạn Scarborough.

BNG Philippines cho biết đây là lần thứ 20 Philippines phản đối cách hành xử của lực lượng tuần duyên và tàu đánh cá Trung Quốc trong năm nay. Kể từ khi Tổng thống Marcos lên nắm quyền, BNG Philippines đã đưa ra tổng cộng 153 phản đối trong hai năm qua.

BNG Philippines còn cho biết áp lực vòi rồng lần này mạnh hơn nhiều so với những lần trước khiến các tàu và thiết bị trên tàu của Philippines bị hư hỏng.

KINH TẾ - KẾT NỐI

Campuchia-Trung Quốc xây dựng quy hoạch tổng thể cho 'Hành lang Công nghiệp và Công nghệ' (ITC) và 'Hành lang Lúa gạo và Cá' (FRC), thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Campuchia sang Trung Quốc

Ngày 23/04, kế hoạch tổng thể cho 'Hành lang Công nghiệp và Công nghệ' (ITC) và 'Hành lang Lúa gạo và Cá ' (FRC) đã được đề cập trong một thông cáo báo chí chung sau cuộc họp lần thứ bảy của Ủy ban điều phối liên chính phủ Campuchia - Trung Quốc do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và ông Sun Chanthol, Phó Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) đồng chủ trì. Ông Lor Vichet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Trung Quốc - Campuchia cho biết kế hoạch trên sẽ giúp nâng cấp chuỗi cung ứng, đưa Campuchia trở thành trung tâm công nghiệp và nông nghiệp trong khu vực.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Hun Manet, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc cam kết phát triển và hiện đại hóa ngành công - nông nghiệp ở Campuchia. Phía Campuchia đề nghị Trung Quốc xem xét khả năng thành lập Khu thương mại tự do Campuchia-Trung Quốc song song với các đặc khu kinh tế.

Bộ Ngoại giao Mỹ lập Nhóm "The firm" trợ giúp các nước chống lại các biện pháp cưỡng ép thương mại từ Trung Quốc: đã giúp nhiều nước nhưng vẫn chịu thách thức từ bất đồng nội bộ của Mỹ

Ngày 29/04, Trang tin Yahoo đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ thiết lập một Nhóm tên là "Công ty" (The Firm)  nhằm hỗ trợ các quốc gia chống lại sức ép từ các biện pháp cưỡng ép thương mại của Trung Quốc. The Firm hoạt động như một công ty tư vấn, cung cấp các dịch vụ phân tích các rủi ro thương mại, chiến lược đa dạng hóa thị trường và sự ủng hộ từ công chúng. Rất nhiều quốc gia đã được The Firm giúp đỡ, trong đó có Philippines khi bị Trung Quốc tẩy chay chuối. Tuy nhiên, đã có một số trường hợp không thành công như Hàn Quốc và Úc do bất đồng nội bộ và sự thiếu tin tưởng vào các cam kết thương mại của Mỹ. Nhóm này được thành lập sau khi Mỹ hỗ trợ Lithuania chống lại sự cưỡng ép thương mại của Trung Quốc do thiết lập Văn phòng liên lạc với Đài Loan năm 2021.

Microsoft công bố cam kết nâng cao kĩ năng AI cho 2,5 triệu người dân ASEAN, công bố sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD cho Malaysia; 1,7 tỉ cho Indonesia nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi AI và đám mây; đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu tại Thái Lan

Ngày 30/04, Microsoft công bố cam kết nâng cao kỹ năng AI cho 2,5 triệu người tại các quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2025. Các sáng kiến ​​nâng cao kỹ năng sẽ được thực hiện với sự hợp tác của các chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận và các tổ chức doanh nghiệp và cộng đồng trên khắp Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Cụ thể, Microsoft sẽ đầu tư 1,7 tỷ USD trong 4 năm tới vào cơ sở hạ tầng đám mây và AI mới ở Indonesia, cũng như các nâng cao năng lực AI cho 840.000 người và hỗ trợ cho cộng đồng nhà phát triển đang phát triển của quốc gia.

Ngày 01/05, Microsoft công bố cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng AI và đám mây ở Thái Lan, nâng cao kỹ năng về AI cho hơn 100.000 người và hỗ trợ cộng đồng nhà phát triển đang phát triển của quốc gia.

Ngày 02/05, Microsoft công bố sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD trong 4 năm tới hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của Malaysia. Khoản đầu tư bao gồm: (i) xây dựng cơ sở hạ tầng đám mây và AI ở Malaysia, (ii) nâng cao kỹ năng AI cho thêm 200.000 người ở Malaysia; (iii) thành lập Trung tâm AI quốc gia và nâng cao năng lực an ninh mạng của quốc gia; (iv) hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng nhà phát triển Malaysia.

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

Thomas Lim và Eric Ang: Chiến thuật vùng xám ở Biển Đỏ và Biển Đông có điểm tương đồng; Các quốc gia cần có phản ứng thống nhất, tuân thủ và củng cố luật pháp quốc tế, đầu tư vào an ninh hàng hải

Ngày 20/04, trang The Diplomat đã đăng tải bài viết có tựa đề “So sánh chiến thuật vùng xám ở Biển Đỏ và Biển Đông” của hai học giả Thomas Lim (NTU Singapore) và Eric Ang (Nghiên cứu châu Á-TBD, Hội đồng Yokosuka). Bài viết nhận định các hành động của Houthi ở Biển Đỏ và Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây có nhiều điểm tương đồng trong chiến thuật vùng xám như sự mơ hồ của chủ thể tham gia, cách thức và không gian tiến hành. Qua đó, tác giả đưa ra các khuyến nghị đối với các quốc gia để đối phó với các “chiến thuật vùng xám”. Cụ thể

Về điểm tương đồng trong “chiến thuật vùng xám” giữa Houthi ở Biển Đỏ và Trung Quốc ở Biển Đông:

- Sự mơ hồ về chủ thể tham gia – khi chủ thể tham gia không có tư cách rõ ràng hoặc chưa được quy định trong luật pháp quốc tế:

  • Houthi là chủ thể phi nhà nước. Luật quốc tế về sử dụng vũ lực chưa có quy định áp dụng cho tấn công vũ trang giữa các quốc gia và các chủ thể phi nhà nước; theo đó, các quốc gia chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để kích hoạt “quyền tự vệ” (theo Điều 51 Hiến chương LHQ);
  • Lực lượng dân binh biển Trung Quốc được coi là lực lượng bán quân sự và phục vụ mục đích dân sự, làm mờ đi ranh giới giữa hoạt động thực thi pháp luật và hành vi quân sự;

- Về sử dụng các công cụ tuyên truyền và pháp lý (lawfare) để biện minh cho các hành động sai trái:

  • Houthi tiếp tục truyền bá thông tin sai lệch, miêu tả phản ứng của phương Tây là “các cuộc thập tự chinh thời hiện đại”;
  • Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh vào năm 2021 nhằm biện minh cho các hành động ngăn chặn việc Philippiness tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây. Truyền thông Trung Quốc mô tả Philippines là “kẻ xâm lược” xâm phạm lãnh hải Trung Quốc và cáo buộc Philippines vi phạm DOC;
  • Đều diễn ra trên biển, đặc biệt là các tuyến hàng hải “huyết mạch”.

-  Về phản ứng của các quốc gia đối với các “chiến thuật vùng xám” trên: quốc gia có mối quan ngại an ninh tương tự hợp tác để bảo vệ lợi ích quốc gia

  • Đối phó với Houthi: Mỹ đã thành lập liên minh đa quốc gia “Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng” để bảo vệ giao thông thương mại ở Biển Đỏ. Với sự tham gia của 41 quốc gia, cách tiếp cận này nhằm tạo ra một khung phản ứng để đối phó với Houthi;
  • Đối phó với việc Trung Quốc phong tỏa Bãi Cỏ Mây lần thứ hai: Philippines chỉ trích trực tiếp các hành động của Trung Quốc, kêu gọi các quốc gia khác cùng đảm bảo an ninh ở Biển Đông và chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc.

- Kiến nghị của học giả:

  • Các quốc gia cần tăng cường hợp tác để đối phó với “chiến thuật vùng xám”. Cách thức phản ứng cần thống nhất, đảm bảo tính hợp pháp và tránh leo thang căng thẳng;
  • Cần có sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn về an ninh hàng hải nhằm vạch trần các chiến thuật vùng xám, như tăng cường các khuôn khổ an ninh hàng hải, củng cố các khuôn khổ pháp lý hiện có (ví dụ, bản sửa đổi của Cẩm nang Newport về Luật Chiến tranh Hải quân bổ sung việc sử dụng tàu tự hành);
  • Các bên liên quan cần nắm được rõ gốc rễ của các mâu thuẫn, hướng đến đảm bảo sự ổn định lâu dài.

Các chuyên gia chỉ trích gói viện trợ 500 triệu USD của Mỹ dành cho Philippines quá nhỏ so với 95 tỉ USD dành cho Ukraine, Israel và Đài Loan

Ngày 24/04, Tờ Business World tổng hợp các ý kiến của chuyên gia cho rằng gói viện trợ của Mỹ dành cho Philippines trong lĩnh vực quốc phòng quá ít so với viện trợ cho  Ukraine, Israel và Đài Loan. Trong đó, Mỹ chi 500 triệu USD viện trợ cho Philippines theo dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua, 61 tỷ USD cho Ukraine chống lại Nga, 26 tỷ USD cho Israel. Ngoài ra Mỹ cũng viện trợ nhân đạo cho dân thường ở các khu vực xung đột trên khắp thế giới. Cụ thể, các chuyên gia có ý kiến:

  1. Joshua Bernard B. Espeña, phó chủ tịch Cơ quan Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế tại Philippines: “Vì một cuộc xung đột có thể bùng phát bất cứ lúc nào do tính toán sai lầm hoặc leo thang mang tính quyết định, viện trợ vẫn tốt hơn là không có viện trợ. Tuy nhiên, Philippines phải đàm phán để có được miếng bánh lớn hơn nếu cả hai bên đều nghiêm túc trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ của Philippines. Tôi kỳ vọng rằng với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội, Manila có lý do để lạc quan khi yêu cầu những gói hợp lý này trước những lo ngại về an ninh chung do Trung Quốc đặt ra. Mỹ nên đưa ra một gói hợp lý hơn cho kế hoạch mua máy bay chiến đấu của Philippines theo chương trình Máy bay chiến đấu đa chức năng của nước này."
  2. Richard J. Heydarian, giảng viên cao cấp tại Trung tâm Châu Á thuộc Đại học Philippines: "Philippines nhận được ít hơn 1% gói viện trợ trong khi đang “bị cường quốc hải quân lớn nhất thế giới bắt nạt. Ngay cả Jordan và Pakistan cũng được hưởng nhiều viện trợ quốc phòng và chuyển giao vũ khí hiện đại hơn nhiều so với Philippines”.
  3. Tổng thư ký Bagong Alyansang Makabayan Raymond Palatino: “Gói viện trợ đi kèm những điều kiện ràng buộc liên quan đến việc bán đi chủ quyền của chúng tôi. Mỹ không trả tiền cho các căn cứ quân sự theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) năm 2014 với Philippines. Một cái giá quá đắt cho việc cho phép Mỹ biến đất nước này thành một phần mở rộng mạng lưới quân sự của mình. Chỉ những quan chức tham nhũng của chính phủ Marcos mới được hưởng lợi từ khoản viện trợ đến từ kẻ gây ra nạn diệt chủng và trục lợi chiến tranh lớn nhất thế giới.”
  4. Don Mclain Gill, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học De ​​La Salle: Lợi ích tốt nhất của Mỹ là đầu tư nhiều hơn vào các đồng minh chủ chốt của mình trong khu vực. Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã kiểm soát đáng kể Biển Đông mà không cần tuyên chiến với Mỹ. Philippines đang ở tuyến đầu của một quá trình chuyển đổi địa chính trị đang nổi lên trên thế giới, đặc biệt là trước sự quyết đoán ngày càng tăng và tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ nên nhớ rằng mối bận tâm của Washington đối với khu vực vào đầu thế kỷ 21 đã tạo tiền đề cho chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, điều này có thể làm chệch hướng nghiêm trọng không chỉ an ninh khu vực mà còn cả an ninh quốc tế”.

Chansambath Bong (PhD, ANU): Mối lo lắng của Việt Nam về Kênh đào Techo Phù Nam bắt nguồn từ lý do địa chính trị, sợ mất ảnh hưởng đối với Campuchia

Ngày 25/04, học giả Chansambath Bong đăng bài trên ThinkChina, bình luận và đưa ra giải thích về lý do Việt Nam lo lắng về dự án kênh đào Techo Phù Nam ở Campuchia với sự hỗ trợ của Trung Quốc:

  • Lý do Campuchia có xu hướng nghiêng về Trung Quốc hơn Việt Nam là i) Campuchia và Việt Nam có lịch sử quan hệ phức tạp, để lại nhiều kí ức không tốt từ góc nhìn của Campuchia như việc mở rộng lãnh thổ trong lịch sử; ii) Campuchia muốn độc lập về vận tải, giảm chi phí và tăng cường khả năng logistics;
  • Các lo ngại về môi trường của Việt Nam là hợp lí, tuy nhiên nguyên nhân chính mà Việt Nam lo lắng là việc Việt Nam sẽ mất đi ảnh hưởng đối với Campuchia, để Campuchia ngả về Trung Quốc.

Jeoffrey Maitem: một số học giả cho rằng Mỹ cần bảo vệ lợi ích ở Biển Đông nên sẽ duy trì quan hệ khăng khít với Philippines, số khác cho rằng Mỹ có thể thay đổi cam kết bảo vệ Philippines, cắt giảm hỗ trợ quân sự

Ngày 02/05, Jeoffrey Maitem đăng bài trên Nhật báo Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), đưa ra cuộc tranh luận về sự thay đổi chính sách đối ngoại nếu Donald Trump đắc cử; một số cho rằng Mỹ cũng cần bảo vệ lợi ích ở Biển Đông nên sẽ duy trì quan hệ khăng khít với Philippines, số khác cho rằng Mỹ có thể thay đổi cam kết bảo vệ Philippines, cắt giảm hỗ trợ quân sự. Cụ thể:

  • Manuel Romualdez (Đại sứ Philippines tại Mỹ): sẽ không có sự thay đổi lớn nào trong quan hệ song phương Mỹ-Philippines;
  • Edmund Tayao (Đại học San Beda Graduate School of Law): Trung Quốc đã hành động cứng rắn hơn so với trước, ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế-thương mại của Mỹ trên Biển Đông nên chính quyền Donald Trump sẽ tiếp tục ủng hộ Philippines;
  • Ramon Beleno III (Đại học Ateneo de Davao): Đối với Donald Trump, lợi ích quốc gia là trên hết nên ông có thể giảm cam kết với Philippines nếu điều này ảnh hưởng đến Mỹ. Phe Cộng hòa bảo thủ hơn và muốn bảo vệ lợi ích Mỹ hơn là can thiệp tại nước ngoài;
  • Jose Antonio Custodio (chuyên gia lịch sử, quân sự): Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Philippines mạnh mẽ và chỉ dừng các hoạt động bảo trợ Philippines trong trường hợp nước này yêu cầu, đồng thời có thể kêu gọi Philippines tăng cường thực hiện trách nhiệm của mình theo Hiệp ước phòng thủ chung;
  • Ray Powell: Mặc dù Chính quyền Donald Trump trước kia chỉ trích NATO nhưng sẽ không dùng các diễn ngôn và giọng điệu tương tự với Philippines. Chính quyền Marcos nên tăng cường quan hệ với Donald Trump từ sớm nếu ông tái đắc cử.

Ray Powell: chính sách minh bạch của Philippines mang lại thành công cả trong nước và quốc tế; Philippines không coi các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là thách thức "vùng xám" mà là vi phạm pháp luật rõ ràng

Ngày 02/05, chia sẻ trong Podcast "Why Should We Care if China is Harassing Philippine Ships?", Ray Powell đưa ra một số đánh giá về chính sách minh bạch của Philippines:

  • Philippines không coi các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là thách thức "vùng xám" mà là vi phạm pháp luật rõ ràng;
  • Hai trọng tâm của chính sách minh bạch Philippines nhằm vào (i) hoạt động cưỡng chế của cảnh sát biển Trung Quốc và (ii) vấn đề môi trường;
  • Lợi ích trong nước: Thời gian đầu khi Tổng thống Marcos nhậm chức, phần lớn người dân Philippines cho rằng Trung Quốc đã hòa hoãn hơn và cho phép Philippines viện trợ tàu BRP Sierra Madre. Theo Ray Powell, đây là kết quả của vấn đề nhiễu thông tin và tuyên truyền sai sự thật (một phần do chính sách ngả về Trung Quốc của Tổng thống Duterte). Sau khi chính quyền Marcos áp dụng chính sách minh bạch, người dân đã có nhận thức đúng đắn hơn về những gì xảy ra ở Biển Đông;
  • Lợi ích từ quốc tế: Philippines đang chuẩn bị cho khả năng Trung Quốc dùng các biện pháp thương mại, kinh tế để gây áp lực cho Philippines trong thời gian tới. Thông qua chính sách minh bạch, Philippines kỳ vọng nhận được nhiều đầu tư và sự quan tâm từ Mỹ và các đồng minh để giảm thiểu rủi ro này.

Theo đó, Ray Powell đưa ra gợi ý cho các nước khác: Các học giả quốc tế thường dùng thuật ngữ "vùng xám" để chỉ hoạt động/thách thức của Trung Quốc tại Biển Đông do không thể xác định chính xác các hoạt động này. Thành tựu của Philippines góp phần khẳng định thách thức "vùng xám" của Trung Quốc là các hành động thực sự vi phạm pháp luật quốc tế.

BÌNH LUẬN VBĐ

BỘ BA MỸ - NHẬT – PHILIPPINES: MÔ HÌNH MỚI CHO HỢP TÁC NHÓM KHU VỰC?

Trong nửa đầu tháng 4/2024, Mỹ và các đồng minh – đối tác khu vực đã tiến hành một loạt hợp tác có liên quan đến Biển Đông theo các nhóm (có thể gọi là “mạng lưới”) linh hoạt. Trong đó, Mỹ - Nhật – Philippines là nhóm có nhiều điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, ba nước đã tổ chức Thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên (11/4). Đáng chú ý, Tuyên bố  ba bên khẳng định “quan ngại sâu sắc” với các hành vi “nguy hiểm” và “khiêu khích” của Trung Quốc (TQ) ở Biển Đông (BĐ), bao gồm hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo hay cản trở Philippines ở Bãi Cỏ Mây. Ba bên cũng công bố kế hoạch tiếp tục tập trận/tuần tra Hải quân/Cảnh sát biển chung tại khu vực, thiết lập cơ chế đối thoại ba bên mới để tăng khả năng phản ứng chung trên thực địa, đồng thời khởi xướng cuộc tập trận hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai Philippines – Nhật – Mỹ (có thể được lồng ghép vào cuộc tập trận Balikatan 2025).

Thứ hai, từng cặp đôi trong bộ ba này cũng có nhiều hợp tác mới: Mỹ và Nhật họp Thượng đỉnh (10/4)  và nhấn mạnh UNCLOS, Phán quyết Biển Đông 2016 và tự do hàng hải – hàng không; Mỹ và Philippines họp Thượng đỉnh ngay sau đó (11/4) , khẳng định đạt được sức mạnh “chưa từng có”, tổ chức Đối thoại 3+3 đầu tiên (12/4)  (thêm cấp Cố vấn An ninh, ngoài BTQP và BTNG như các cuộc 2+2 thông thường); Philippines và Nhật tuyên bố sớm ký kết Hiệp định Tiếp cận Đối ứng (RAA) lần đầu nhằm tăng trao đổi và thăm viếng quân sự (15/4) .

Nhìn rộng ra, mạng lưới các nhóm hai – ba – bốn bên với đồng minh – đối tác đang được Chính quyền Biden thúc đẩy mạnh mẽ tại khu vực. Ngoài bộ ba nêu trên, Mỹ đã lên kế hoạch thúc đẩy các nhóm khác trong năm nay như: Mỹ - Nhật – Úc (xây dựng tầm nhìn hợp tác Mỹ - Nhật – Úc về kiến trúc phòng không, máy bay không người lái và xem xét mời Nhật tham gia trụ cột II của AUKUS); Mỹ - Nhật – Hàn (tiếp tục quá trình thiếp lập cuộc tập trận đa miền ba bên ở khu vực); Mỹ - Nhật – Anh (thường xuyên tập trận chung ở Ấn – Thái)... Mỹ cũng khuyến khích các đối tác tự hợp tác với nhau nhiều hơn, không cần thông qua “trục” Mỹ nữa.

Xu hướng này có thể một phần do các nước có chung nhận thức về thách thức, do Mỹ muốn giảm bớt gánh nặng an ninh của mình và do các bản thân các nước muốn đa dạng hóa đối tác an ninh để bớt bị coi là “chọn bên”.

BÁO CÁO CỦA AMTI VỀ HIỆN DIỆN CỦA TÀU NƯỚC NGOÀI TẠI CĂN CỨ REAM CỦA CAMPUCHIA

Ngày 18/04, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) đăng báo cáo kèm hình ảnh vệ tinh về căn cứ Ream, cho rằng hai tàu hải quân Trung Quốc đã lưu trú tại bến cảng của căn cứ này hơn bốn tháng (từ 03/12/2023 đến 07/04/2024). Trước đó, Đài Á Châu Tự do (RFA) đã đưa tin các tàu Trung Quốc đã rời căn cứ Ream vào tháng 01/2024. Tuy nhiên, Ream chỉ trống trong hai khoảng thời gian là 15-18/01 và 29-30/03. Không có tàu nào khác (kể cả tàu Campuchia) cập cảng tại căn cứ Ream, ngoại trừ tàu Trung Quốc. Từ đây, AMTI đánh giá hải quân Trung Quốc đang có quyền tiếp cận "mở rộng và độc quyền" (extended and exclusive) tại căn cứ Ream.

Thông tin Trung Quốc và Campuchia ký thỏa thuận “bí mật” cho phép hải quân Trung Quốc tiếp cận căn cứ Hải quân Ream được báo chí Mỹ đăng từ năm 2019. Cho đến nay, các nguồn tin khác nhau trên truyền thông đưa ra nhiều thông tin về khả năng này. Các trang truyền thông của Campuchia đã nhiều lần đưa tin Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định nước này chỉ hiện đại hóa căn cứ Ream với hỗ trợ từ Trung Quốc. Thủ tướng hiện thời Hun Manet cũng phủ nhận các cáo buộc của báo chí phương Tây, nhấn mạnh Điều 53 Hiến pháp (cấm thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Campuchia).

Một số nhà quan sát chỉ ra rằng, Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về năng lực quân đội Trung Quốc năm 2022 dự đoán Ream sẽ là căn cứ nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Báo cáo năm 2023 rút lại kết luận trên, chỉ nêu quan ngại về khả năng Trung Quốc tiếp cận một phần căn cứ.

Một số trang tin của Nhật Bản (năm 2022 và 2023) và Anh (năm 2023) cũng đăng tin về việc hải quân hai nước thăm viếng căn cứ Ream (Nhật còn tuyên bố kế hoạch thăm Ream thường xuyên). Trung Quốc không phải nước duy nhất điều tàu đến Ream.

Bản PDF tại đây