Bản tin tuần Biển Đông (ngày 17.3-22.3.2024)

TIÊU ĐIỂM

  1. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ cam kết chắc chắn bảo vệ Philippines trong trường hợp xảy ra xung đột trên Biển Đông
  2. Trung Quốc phản ứng lại phát ngôn của Mỹ về cam kết với Philippines: “Mỹ không thuộc khu vực Biển Đông, vì thế không có quyền can thiệp vào trong các bất đồng giữa Trung Quốc và Philippines”
  3. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm New Zealand (sau 7 năm từ 2017); thảo luận về căng thẳng ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan; thúc đẩy hợp tác kinh tế
  4. Mỹ ký Biên bản ghi nhớ trị giá 500 triệu USD, tăng cường xuất khẩu xanh sang Việt Nam
  5. Thỏa thuận quốc phòng mới Australia – Anh cho phép lực lượng quốc phòng hai nước triển khai và hoạt động dễ dàng ở nước còn lại.

TIN TỨC

CHÍNH TRỊ – NGOẠI GIAO

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines đáp trả lập luận của Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Lập luận của về quyền lịch sử và yêu sách sâu rộng của TQ ở BĐ là vô căn cứ và sai lệch; PLP chưa bao giờ lợi dụng vấn đề BĐ để làm gia tăng căng thẳng và lừa dối cộng đồng quốc tế

Ngày 17/3/2024, Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra tuyên bố đáp trả lập luận của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/3/2024 về quyền lịch sử và yêu sách sâu rộng của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng đây là các lập luận vô căn cứ và sai lệch. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Philippines có chủ quyền và thực hiện quyền kiểm soát hành chính đối với Scarborough từ thời thuộc địa Tây Ban Nha, theo bản đồ Murillo Velarde năm 1734. Bên cạnh đó, Phán quyết năm 2016 đã tuyên các yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác vượt quá giới hạn của các quyền về biển theo UNCLOS đều không có hiệu lực pháp lý. Philippines chưa bao giờ lợi dụng vấn đề Biển Đông để làm gia tăng căng thẳng, đánh lừa cộng đồng quốc tế hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực. Do đó, Philippines kêu gọi Trung Quốc xem xét lại lập trường và yêu sách vô căn cứ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ cam kết chắc chắn bảo vệ Philippines trong trường hợp xảy ra xung đột trên Biển Đông

Trong chuyến thăm Philippines ngày 19/03, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ cam kết chắc chắn bảo vệ Philippines trong trường hợp xảy ra xung đột trên Biển Đông; khẳng định “những tuyến đường biển này rất quan trọng đối với Philippines, đối với an ninh, nền kinh tế của nước này, nhưng chúng cũng rất quan trọng đối với lợi ích của khu vực, của Hoa Kỳ và thế giới”.

Trung Quốc phản ứng lại phát ngôn của Mỹ về cam kết với Philippines: “Mỹ không thuộc khu vực Biển Đông, vì thế không có quyền can thiệp vào trong các bất đồng giữa Trung Quốc và Philippines”

Sau khi ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định cam kết của Mỹ đối với Philippines, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Lâm Kiếm (Lin Jiang) phát biểu: “Mỹ không thuộc khu vực Biển Đông, vì thế không có quyền can thiệp vào trong các bất đồng giữa Trung Quốc và Philippines”; “hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines không được xâm phạm chủ quyền và các lợi ích biển của Trung Quốc tại Biển Đông và càng không được sử dụng làm nền tảng cho những đòi hỏi bất hợp pháp của Philippines”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm New Zealand (sau 7 năm từ 2017); thảo luận về căng thẳng ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan; thúc đẩy hợp tác kinh tế

Ngày 18/3/2024, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm tới New Zealand, gặp Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon. Một số nội dung đáng chú ý như sau:

- Về đối ngoại, hai nước nhấn mạnh lợi ích chung của New Zealand và Trung Quốc đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an ninh và thịnh vượng; thảo luận về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan; tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại và văn hóa. New Zealand nhấn mạnh vai trò mang tính xây dựng của Trung Quốc trong việc ứng phó với các thách thức an ninh khu vực và quốc tế; khẳng định sẽ tiếp tục tuân thủ Chính sách Một Trung Quốc

- Về kinh tế, hai nước hợp tác thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc – New Zealand nâng cấp và sớm khởi động các cuộc đàm phán thương mại song phương.

- Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon cũng cho biết ông sẽ tới Trung Quốc trong vài tháng tới.

Mỹ, Nhật, Philippines tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên tại Nhà Trắng vào 11/4/2024

Nhà Trắng ra thông báo cho biết vào ngày 11/4/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Philippines tại Nhà Trắng. Ba nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy mối quan hệ ba bên và hợp tác ba bên trên nhiều lĩnh vực như công nghệ mới nổi, kinh tế, an ninh, khí hậu,... Ngoài ra, Tổng thống Biden và Tổng thống Marcos sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh vào 11/4.

AN NINH – QUỐC PHÒNG

Ủy ban Hạ viện về lực lượng vũ trang Thái Lan chấp thuận đề xuất về việc mua một tàu khu trục mới; đồng thời cho biết chiếc tàu mới sẽ được lắp ráp trong nước.

Ngày 10/03/2024, Chủ tịch Ủy ban Hạ viện về lực lượng vũ trang Thái Lan, Hạ nghị sĩ Wiroj Lakkhanaadisorn cho biết ủy ban đã chấp thuận đề xuất của Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN) về việc mua một tàu khu trục mới. Đồng thời cho biết chiếc tàu mới sẽ được lắp ráp trong nước. Theo ông Wiroj, quá trình lắp ráp trong nước sẽ tạo ra thu nhập ít nhất 1 tỷ baht (27 triệu USD) cho công nhân địa phương. Bên cạnh đó, việc chuyển giao kỹ thuật sẽ giúp tiết kiệm ngân sách dùng cho việc duy tu, bảo dưỡng về lâu dài.

 Thỏa thuận quốc phòng mới Australia – Anh cho phép lực lượng quốc phòng hai nước triển khai và hoạt động dễ dàng ở nước còn lại.

Ngày 21/03/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles và người đồng cấp Anh Grant Shapps đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng và an ninh mới cho phép hai nước đồng minh tiếp đón quân đội của nhau và chia sẻ thông tin tình báo quân sự. Thỏa thuận được ký kết thuộc khuôn khổ Hội nghị tham vấn cấp bộ trưởng Australia-Anh (AUKMIN). Với thỏa thuận mới, lực lượng quốc phòng của Anh và Austrilia có thể được triển khai và hoạt động dễ dàng hơn ở nước còn lại, tạo điều kiện cho các thủy thủ tàu ngầm của Anh đến thăm Australia, qua đó thúc đẩy AUKUS. Việc ký kết thỏa thuận này thể hiện cam kết được đưa ra tại AUKMIN 2023 nhằm làm mới hiệp ước quốc phòng song phương. Bên cạnh đó, hai bộ trưởng cũng nhất trí về một loạt sáng kiến mang lại hiệu quả ngay lập tức cho mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa hai nước, như đóng góp của Anh cho Trung tâm tình báo kết hợp (Australia) thuộc Tổ chức Tình báo quốc phòng; cam kết xây dựng kế hoạch hành động chung về khí hậu trước AUKMIN 2025; tiếp tục hợp tác phát triển năng lực, bao gồm hợp tác thông qua hiệp ước an ninh AUKUS, …

KINH TẾ

Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đắc cử vị trí Tổng thống Indonesia, tiếp tục duy trì chính sách kinh tế của Tổng thống tiền nhiệm.

Tối 20/03/2024, theo công bố của Ủy ban bầu cử quốc gia Indonesia (KPU), Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Indonesia diễn ra vào tháng 02/2024. Theo kết quả kiểm phiếu tại 38 tỉnh trong nước, ông Prabowo Subianto và người đồng hành, ứng cử viên Phó Tổng thống Gibran Rakabuming Raka, giành được 58,58% phiếu ủng hộ. Tổng thống mới đắc cử Prabowo cam kết tiếp tục duy trì các chính sách kinh tế của Tổng thống tiền nhiệm Jokowi nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, cắt giảm quan liêu, thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng cho nền kinh tế nghìn tỷ đô la của G20. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sau đó đã gửi lời chúc mừng ông Prabowo Subianto: "Chúng tôi gửi lời chúc mừng chân thành tới Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto về chiến thắng của ông ấy và một lần nữa hoan nghênh người dân Indonesia vì tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu mạnh mẽ”.

Mỹ ký Biên bản ghi nhớ trị giá 500 triệu USD, tăng cường xuất khẩu xanh sang Việt Nam

Ngày 18/3, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Mỹ (US Eximbank) Reta Jo Lewis và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Lê Văn Hoan đã ký Biên bản ghi nhớ trị giá 500 triệu USD để tạo điều kiện tài trợ cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam.

Biên bản ghi nhớ được VDB và US Eximbank thống nhất với một số nội dung: Hợp tác trong một số lĩnh vực như các dự án thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế xanh tại Việt Nam, các dự án phát triển hạ tầng, các dự án chống biến đổi khí hậu.

GÓC NHÌN QUỐC TẾ

SCMP tổng hợp ý kiến học giả về đường cơ sở mới của Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ: Trung Quốc muốn khẳng định quyền kiểm soát lớn hơn ở Vịnh Bắc Bộ; Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục vạch các ranh giới ở những khu vực khác trên Biển Đông

Ngày 20/03/2024, SCMP đăng tổng hợp bình luận của một số học giả về đường cơ sở mới mà Trung Quốc vừa công bố tại Vịnh Bắc Bộ. Nhìn chung, các học giả đều có 2 ý kiến: (1) Đường cơ sở mới của Trung Quốc cho phép nước này tuyên bố chủ quyền rộng hơn đối với nội thủy, lãnh hải và EEZ; (2) Trung Quốc sẽ tiếp tục vạch các ranh giới đối với các thực thể khác trên Biển Đông trong tương lai, cụ thể:

- GS. Kentaro Nishimoto (Đại học Tohoku, Nhật Bản):

  • Đường cơ sở mới của Trung Quốc sẽ cho phép nước này biến một phần lớn khu vực phía bắc Biển Đông thành lãnh hải hoặc nội thủy, nhằm thực thi nhiều quyền kiểm soát hơn
  • Trung Quốc có thể sẽ hạn chế hoạt động của tàu thuyền trong khu vực xung quanh đảo Hải Nam, do đó sẽ tác động đến quyền tự do hàng hải của các quốc gia khác
  • Việc Trung Quốc vạch đường cơ sở mới ở Vịnh Bắc Bộ có thể dẫn đến việc nước này sẽ tiếp tục chỉ định các thực thể ở Biển Đông trong tương lai

- TS. Jay Batongbacal (Viện Hàng hải và Luật Biển, Philippines):

  • Đường cơ sở mới của Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ “rõ ràng vượt quá mức”, với một số đoạn vượt quá 24 hải lý tính từ bờ biển
  • Trung Quốc đang tìm cách mở rộng các yêu sách lãnh thổ trên biển, đặc biệt là vùng nội thủy; lạm dụng các quyền của quốc gia ven biển
  • Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục vạch các ranh giới ở những khu vực khác trên Biển Đông trong tương lai

- Học giả Isaac Kardon (Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie):

  • Đường cơ sở mới của Trung Quốc đã biến một phần lớn phía bắc Biển Đông thành nội thủy của Trung Quốc, vượt xa khoảng 24 hải lý tính từ bờ biển
  • Động thái này là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định quyền kiểm soát lớn hơn đối với Vịnh Bắc Bộ và hướng tới hoàn thiện chế độ pháp lý hàng hải của Trung Quốc

- Học giả Nguyễn Khắc Giang (ISEAS):

  • Đường cơ sở mới của Trung Quốc cho phép nước này tuyên bố chủ quyền rộng hơn đối với lãnh hải và EEZ; do đó có thể làm phức tạp thêm tình hình ở Vịnh Bắc Bộ
  • Động thái này có thể là “đòn bẩy” cho Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với Việt Nam về các vấn đề trên Biển Đông
  • Trung Quốc có thể biến các khu vực không tranh chấp thành khu vực tranh chấp, sau đó thể hiện sẵn sàng tham gia “khai thác chung” ở những khu vực mà yêu sách của nước này rõ ràng không chính đáng.

Nhận xét: Một số ý kiến nhận xét đường cơ sở mới của Trung Quốc vượt quá quy định của UNCLOS. Điều 7(3) UNCLOS quy định “đường cơ sở thẳng không được đi chệch quá xa một cách đáng kể từ xu hướng chung của bờ biển”.

Sribala Subramanian: Khả năng Mỹ phê chuẩn UNCLOS cao hơn sau khi ông Kurt Campbell trở thành Thứ trưởng BNG Mỹ

Ngày 18/3, tác giả Sribala Subramanian đăng bình luận trên The Diplomat, cho rằng khả năng Mỹ phê chuẩn UNCLOS là cao hơn sau khi ông Kurt Campbell trở thành Thứ trưởng BNG Mỹ bởi:

  1. Campbell là một người rất ủng hộ việc Mỹ phê chuẩn UNCLOS. Ông cho rằng việc Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS đã làm phức tạp thêm những nỗ lực ngoại giao ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
  2. Campbell nhận thức được các chỉ trích và các buộc tiêu chuẩn kép từ các bên và Trung Quốc, cho rằng Mỹ liên tục kêu gọi Trung Quốc tôn trọng LPQT nhưng chính Mỹ lại không phê chuẩn UNCLOS.

Nhận xét:

  • Việc ông Kurt Campbell trở thành Thứ trưởng BNG Mỹ thể hiện sự coi trọng của chính quyền Biden tới khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. 
  • Trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện để xem xét việc đề cử ông làm Thứ trưởng Ngoại giao hồi tháng 12/2023, ông cho biết Mỹ nhận chỉ trích từ các quốc gia khác về việc thúc đẩy một thứ mà chính nước này không tham gia, đồng thời có thể gây nghi hoặc trong đồng minh.
  • Việc Mỹ phê chuẩn UNCLOS trong tương lai gần là không khả thi. Những nỗ lực tương tự đã từng diễn ra dưới thời Bush và Obama nhưng đều không đạt kết quả do nội bộ Quốc hội Mỹ còn nhiều mâu thuẫn về các vấn đề như tự do biển cả, tài nguyên khoáng sản đáy biển sâu… 
  • Gần đây nhất, ngày 15/11/2023, một nhóm Thượng nghị sĩ đã kêu gọi Thượng viện phê chuẩn UNCLOS. Tuy nhiên, tình hình không có biến chuyển gì.

Prashanth Parameswaran: 3 kịch bản về chiều hướng CSĐN Thái Lan: 1) Củng cố vị thế trong khu vực, tăng cường hợp tác tiểu vùng, thu hút đầu tư từ các cường quốc; 2) Tăng cường hợp tác quốc phòng với TQ; 3) Chủ động trong các diễn đàn khu vực và quốc tế

Ngày 11/3, học giả Prashanth Parameswaran có bài bình luận về tầm nhìn ‘Ngoại giao chủ động’ của Thái Lan, chỉ ra các nhân tố bên ngoài tác động đến CSĐN Thái Lan gồm: dịch chuyển chuỗi cung ứng, cạnh tranh Mỹ-Trung và nội chiến ở Myanmar. Nhân tố bên trong gồm: các lực lượng tiến bộ và nguy cơ bất ổn chính trị.

Bài viết nêu ra ba kịch bản có thể xảy ra với CSĐN Thái Lan: 1) Khả năng xảy ra cao nhất: củng cố vị thế của đất nước trong khu vực, hợp tác nhiều hơn về du lịch với Campuchia, Lào và Việt Nam; tăng cường hợp tác tiểu vùng trong một số vấn đề như bảo vệ người lao động nhập cư và ô nhiễm xuyên biên giới; thu hút đầu tư từ các cường quốc như Nhật Bản và Mỹ để cân bằng sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc; 2) Khả năng thấp hơn: tăng cường hợp tác quốc phòng với Trung Quốc; 3) Khả năng thấp nhất: nỗ lực đóng góp giải quyết vấn đề Myanmar, giải quyết cuộc nổi dậy ở miền nam Thái Lan, làm sắc nét sự giao thoa giữa tầm nhìn ngoại giao chủ động và các vấn đề như cạnh tranh Mỹ-Trung, đặc biệt là tại các diễn đàn quan trọng như UN, WEF và ASEAN.

Nhận xét:

  • Bài viết còn nhiều đoạn chưa logic với nhau hoặc chưa được giải thích. Tác giả đưa ra các nhân tố bên trong bên ngoài tác động khác nhau, xong chưa chỉ ra mối liên hệ giữa những nhân tố đó với tầm nhìn mới trong CSĐN Thái Lan. 
  • Theo như chính tuyên bố của ông Srettha Thavisin, Chính phủ Thái Lan sẽ thúc đẩy đàm phán FTA, thu hút đầu tư nước ngoài và đóng vai trò đi đầu trong việc thúc đẩy hòa bình thế giới và các lợi ích chung toàn cầu, đồng thời quản lý các tình hình địa chính trị một cách thích hợp.

Greg Poling: Tình hình Biển Đông năm 2024 khó đoán định nhưng đang thay đổi theo hướng có lợi cho các nước ĐNA; TQ cần giảm cưỡng chế và thúc đẩy hợp tác thực chất với các bên tranh chấp khác

Ngày 15/3/2024, East Asia Forum đăng bài bình luận của Greg Poling cho rằng Tình hình Biển Đông năm 2024 khó đoán định nhưng đang thay đổi theo hướng có lợi cho các nước ĐNA (VN, Philippines, Malaysia và Indonesia) hơn TQ. TQ cần giảm cưỡng chế và thúc đẩy hợp tác  thực chất với các bên tranh chấp khác.

Cụ thể: Các bên tranh chấp BĐ đã ngừng nhượng bộ TQ  (bước ngoặt là năm 2022):

Philippines: 

  • lần đầu tiên kể từ 2012 thiết lập lại hiện diện thường trực tại Bãi Cỏ Mây +  liên tục thực hiện sứ mệnh tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây + sử dụng chiến lược “minh bạch hóa” hoạt động TQ + có sự hiện diện của máy bay Mỹ 
  • Tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, tăng liên kết với Nhật và Úc
  • Xây dựng ủng hộ pháp lý (Năm 2022, Ấn Độ, Hàn Quốc và phần lớn EU lần đầu tiên công khai kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết) + cơ sở pháp lý để cbi kiện TQ lần 2 

Trung Quốc:

  • mỗi tháng đều cố ngăn chặn hoạt động của PH nhưng đến nay đều không thành công (sử dụng vòi rồng, tạo va chạm nhẹ,...).
  • TQ không có cách khác để đối phó với tình hình hiện tại vì: Tập Cận Bình nhấn mạnh theo đuổi chủ nghĩa tối đa ở BĐ; TQ cũng không sẵn sàng sử dụng vũ lực để giành Bãi Cỏ Mây vì hại nhiều hơn lợi

Việt Nam:

  • Kể từ 2021, tăng 3 lần quy mô cơ sở vật chất ở Trường Sa + xây dựng bến cảng mới và cơ sở hạ tầng đi kèm để triển khai tàu tuần tra tới quần đảo mà trước đây Trung Quốc độc chiếm + tiếp tục phát triển các mỏ dầu khí xung quanh Bãi Tư Chính bất chấp các cuộc tuần tra hằng ngày của CSB TQ.
  • Nâng cấp quan hệ với Mỹ, Nhật và Úc 

Indonesia:

  • Phát triển mỏ khí Tuna bất chấp sự quấy rối thường xuyên của CCG.
  • Tuy tổng thống Joko Widodo không quá quan tâm đến hoạt động quấy rối của CCG nhưng Indo sắp có TT và BTQP mới => có thể thúc đẩy vấn đề an ninh quốc phòng để chống TQ

Malaysia: 

  • Tiến hành hoạt động kinh doanh tại Kasawari và các mỏ dầu khí khác, mặc dù cũng là mục tiêu của CCG.
  • Tuy nhiên dưới thời Thủ tướng Anwar Ibrahim hầu như không nói gì về Biển Đông.

Kết luận: 

  • BĐ vẫn khó đoán định trong 2024 nhưng đang thay đổi theo hướng có những động lực có lợi cho các nước ĐNA. 
  • TQ không thể kiểm soát BĐ nếu không chuyển từ chiến thuật vùng xám sang quân đội. Con đường khả thi nhất là giảm cưỡng ép  + tăng hợp tác thực chất nhưng TQ cứng nhắc và không thiện chí ngoại giao. 

Học giả Philippines : Mở rộng “tấn công vũ trang” trong Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) gồm hành động “vùng xám” của TQ là không khả thi vì Philippines và Mỹ tránh kích hoạt MDT với các sự cố nhỏ; PLP nên tuần tra cùng Mỹ & các nước cùng quan điểm, hiện đại hoá và công khai hoá

Ngày 13/3/2024, Benar News đăng tin trích dẫn bình luận của một số học giả Philippines về việc kích hoạt MDT đối với hành động “vùng xám” của Trung Quốc, cho rằng:

  1. Việc mở rộng thuật ngữ “tấn công vũ trang” trong Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) gồm cả các hành động cưỡng ép “vùng xám” của Trung Quốc trên BĐ là không khả thi vì Philippines và Mỹ tránh kích hoạt MDT với các sự cố nhỏ;
  2. Vì vậy, Philippines nên tăng cường tuần tra cùng Mỹ và các nước cùng quan điểm; hiện đại hoá hải quân và cảnh sát biển và tăng cường chiến dịch “công khai hoá” tàu thuyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thông tin chi tiết:

  • Cựu thẩm phán Antonio Carpio: “Tấn công vũ trang” nghĩa là sử dụng vũ khí sát thương như đại bác, tên lửa hoặc súng.
  • Don McLain Gill (Nhà phân tích địa chính trị, Manila): Nếu “nổ súng” mới kích hoạt được MDT thì Philippines bị thiệt hại vì Trung Quốc sẽ tiếp tục khai thác sự mơ hồ của thuật ngữ này để tiến hành các hành động gây hấn, quấy nhiễu dưới mức tấn công vũ trang.
  • Sherwin Ona (ĐH De La Salle): Trung Quốc giới hạn xung đột trong phạm vi “vùng xám” nên Trung Quốc sẽ tránh đối đầu hải quân toàn diện với Philippines và Mỹ.
  • Antonio Carpio & Don McLain Gill: Philippines và Mỹ xem xét mở rộng định nghĩa thuật ngữ “tấn công vũ trang” bao gồm i) cả việc sử dụng chùm tia laser bị mù vĩnh viễn vì việc sử dụng đó đã bị cấm theo một công ước quốc tế; và ii) tập trung vào các “tác hại tiềm ẩn đối với sự sống của con người” từ các hành động không thân thiện của Trung Quốc.
  • Rommel Ong (cựu Phó Đô đốc Hải quân): i) Việc mở rộng MDT gồm các hoạt động vùng xám là không khả thi vì Philippines và Mỹ đang cố tránh kích hoạt MDT đối với các sự cố nhỏ; ii) MDT chỉ là công cụ răn đe, và là lựa chọn cuối cùng, giống như vũ khí hạt nhân, nếu sử dụng thì sẽ hết tác dụng; iii) Vì vậy, Philippines không còn cách nào khác là tuần tra chung với Mỹ và các nước cùng quan điểm, hiện đại hóa quân đội, cảnh sát biển và tiếp tục chiến dịch minh bạch, công khai các trường hợp đe dọa và xâm nhập của Trung Quốc ở Biển  Đông.

Nhận xét:

  • MDT ký năm 1951 trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh nên nhằm dự phòng trước các trường hợp xung đột quân sự, như là xảy ra chiến tranh.
  • MDT hiện là công cụ răn đe hơn là công cụ để hai nước kích hoạt xung đột quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông.

Jack Brook: Một số học giả lo ngại về tác động của dự án Kênh đào Phù Nam đối với môi trường dòng Mê Công và Việt Nam; học giả Campuchia cho rằng việc này là việc riêng của Campuchia và không tác động đến Việt Nam

Ngày 12/3, Jack Brook đăng bài trên Nikkei Asia về các thông tin xoay quanh dự án kênh đào Phù Nam Techo tại Cam-pu-chia, trích dẫn một số đánh giá của học giả quốc tế, VN và Campuchia về tác động của dự án đối với môi trường dòng sông Mê Công: 

  • Brian Eyler (Stimson Center): Dự án ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chính sông Mê Kông, trái với thông tin mà Cam-pu-chia gửi Uỷ hội Mê Công (MRC) rằng tác động của nó rất nhỏ. 
  • Phạm Đặng Trí Văn (ĐH Cần Thơ): Nếu không có biện pháp phòng ngừa đầy đủ, kênh có thể gây gián đoạn lũ lụt tự nhiên, làm tăng độ mặn và thay đổi dòng nước, ảnh hưởng đến Đồng bằng SCL.
  • Nguyễn Khắc Giang (Yusof Ishak): Nền kinh tế Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể do khối lượng thương mại tại khu vực này tương đối nhỏ. Nhưng việc Campuchia không khôn ngoan nếu thúc đẩy dự án vội vàng mà chưa hiểu đầy đủ các tác động tiềm tàng của dự án này. 
  • Nhà nghiên cứu người Campuchia Aun: i) Kênh đào sẽ giúp Campuchia giành lại mức độ tự chủ về kinh tế và cả chính trị từ nước láng giềng phía đông; ii) trong sáu tháng qua, phương tiện truyền thông liên kết với nhà nước Campuchia quảng cáo nhiều về kênh đào và trấn an Việt Nam.
  • Sok Touch (Royal Academy, CPC): Việt Nam đào sông vận chuyển gạo không nói gì với Campuchia nên không thể bắt Campuchia phải giải trình.

Nhận xét:

  • Kênh đào này có thể trở thành một vấn đề khác biệt trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia. 
  • Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin cụ thể về tác động của dự án kênh đào này tới các vấn đề tự nhiên của dòng sông và sinh kế của người dân trong vực. Các nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. 
  • Các nước và Việt Nam nên trao đổi với Campuchia về dự án này để tìm hiểu các động lực và tác động của dự án, thảo luận các giải pháp thay thế hoặc biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án, đặc biệt là đối với Đồng bằng SCL. Các nước liên quan cũng nên tận dụng các cơ chế đa phương như MRC để thúc đẩy minh bạch hóa các dữ liệu liên quan đến dự án kênh đào liên quan.
  • Việt Nam cũng cần xử lí khôn khéo để tránh tạo hình ảnh xấu, đặc biệt là trong mắt công chúng Campuchia; tận dụng các cơ chế đa phương như MRC  và để thúc đẩy minh bạch hóa các dữ liệu liên quan đến dự án kênh đào này và tận dụng và các nền tảng truyền thông để xóa bỏ các mối nghi và thuyết âm mưu về Việt Nam đối với Campuchia. 

BÌNH LUẬN CỦA VIỆN BIỂN ĐÔNG

Mỹ ban hành sắc lệnh về an ninh mạng cảng biển

Ngày 21/2, Tổng thống Mỹ ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm tăng cường an ninh mạng cho hệ thống cảng biển tại Mỹ. Theo đó, Mỹ sẽ đầu tư 20 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng cảng biển, chú trọng thay thế thiết bị công nghệ và cơ sở vận tải (cần cẩu) của Trung Quốc nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm phạm an ninh mạng tại các cảng biển Mỹ. 

Động cơ của Mỹ?

Phần lớn các cần cẩu từ tàu sang bờ tại cảng Mỹ có xuất xứ hoặc sử dụng phần mềm từ Trung Quốc. Theo Nhà Trắng, Cảnh sát biển Mỹ đã phát hiện phần mềm độc hại trên 92 trên khoảng 200 cần cẩu do Trung Quốc sản xuất đang vận hành tại cảng biển Mỹ.  Hiện diện áp đảo này dẫn đến quan ngại rằng cần cẩu có thể được sử dụng làm công cụ gián điệp để thu thập thông tin về giao dịch, hành trình vận chuyển hay thậm chí hoạt động quốc phòng (đối với các cảng được quân đội sử dụng). Một số ý kiến cho rằng đây có thể là một động thái “vùng xám” mới trong cả lĩnh vực an ninh mạng, an ninh biển và luật pháp quốc tế, nhất là khi luật quốc tế chưa có quy định cụ thể về quy kết nguồn gốc (attribution) trên không gian mạng nói chung và mạng liên quan đến biển nói riêng.  

Xem xét cùng các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Trung Quốc thời gian gần đây, động thái này cũng có thể nằm trong chiến lược dài hạn của Mỹ, nhằm “phân tán rủi ro” (de-risking) kinh tế trong lĩnh vực công nghệ với Trung Quốc. 

Những vấn đề tranh cãi

Tuy nhiên, cáo buộc của Mỹ đối với Trung Quốc có cơ sở hay không là điều còn tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng nội bộ Mỹ đang thổi phồng "mối đe dọa từ Trung Quốc", gắn Trung Quốc vào an ninh quốc gia, nhất là trong năm bầu cử 2024 để vận động ủng hộ. Mỹ đã cáo buộc các nhà sản xuất công nghệ Trung Quốc để lại "cửa sau" (thiết bị do thám) trong sản phẩm, coi cần cẩu Trung Quốc là "con ngựa Trojan" (mã độc) xâm phạm an ninh mạng tại cảng biển, gần đây coi xe điện Trung Quốc là thách thức an ninh với dữ liệu công dân Mỹ. Trước đó, từng có Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đề xuất coi tỏi Trung Quốc là thách thức an ninh. 

Ngoài ra, mức độ hiệu quả của các biện pháp này cũng là một vấn đề cần xem xét. Để thi hành sắc lệnh cảng biển, Mỹ cần đẩy mạnh đầu tư sản xuất nhằm thay thế cần cẩu từ Trung Quốc và xây dựng cơ sở hạ tầng mới tại các cảng biển quan trọng. Tuy nhiên, hiện khoảng 80% cần cẩu lớn được sử dụng tại các cảng trên thế giới được sản xuất bởi công ty ZPMC có trụ sở chính tại Trung Quốc. 

Việc thay thế hay cạnh tranh thị trường cần cầu với Trung Quốc không hề dễ dàng. Kế hoạch của Mỹ cũng còn phụ thuộc nhiều vào việc phối hợp với doanh nghiệp nội địa và khả năng tìm kiếm nhà sản xuất thay thế thông qua chiến lược “friendshoring” (chuyển dịch sản xuất sang nước thân Mỹ). 

Mỹ tiếp tục thắt chặt quan hệ song phương và tiểu đa phương với đồng minh và đối tác trong khu vực

Nội dung: Ngày 18/3/2024, Nhà Trắng ra thông báo cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Philippines tại Nhà Trắng vào ngày 11/4/2024. Ba nhà lãnh đạo sẽ thúc đẩy mối quan hệ ba bên và hợp tác ba bên trên nhiều lĩnh vực như công nghệ mới nổi, kinh tế, an ninh, khí ậu,... Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh song phương lần lượt với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida  (vào 10/4) và Tổng thống Philippines Marcos (vào 11/4) tại Nhà Trắng. 

Quan chức ngoại giao Mỹ cũng có các chuyến thăm tới khu vực như: Ngoại trưởng Blinken tới thăm Hàn Quốc (18/3) và Philippines (19/3); Thứ trưởng Kurt Campbell tới thăm Nhật Bản và Mông Cổ từ ngày 19 -23/3.

Tổng thống Marcos cho biết cơ chế ba bên Mỹ  - Nhật - Philippines có thể được chính thức hóa trong cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa ba nước. Đồng thời, có thông tin dẫn nguồn quan chức Mỹ cho biết Mỹ đã bắt đầu đàm phán với Anh và Úc về việc mời Nhật Bản tham gia trụ cột II trong khuôn khổ AUKUS và dự kiến sẽ thông báo  trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Nhật lần này.

Bình luận của Viện Biển Đông:

Các động thái mới của Mỹ trong tuần qua cho thấy Mỹ tiếp tục xu hướng tăng cường quan hệ với đồng minh, đối tác trong khu vực Ấn - Thái, đặc biệt là các nước theo các nhóm không chính thức (Mỹ - Nhật - Philippines, Mỹ - Nhật - Úc, Mỹ - Hàn - Mông Cổ,...). Điều này cho thấy Mỹ vẫn không “xao nhãng” khu vực vì bầu cử và các điểm nóng khác trên thế giới.  

Thái Lan, Mỹ thúc đẩy hợp tác đầu tư về chất bán dẫn và một số lĩnh vực khác

Nội dung: Ngày 14/3, bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ đa·cùng Chủ tịch Hội đồng Xuất khẩu của Tổng thống Mỹ Mark Ein đã đến Thái Lan, gặp mặt và trao đổi với Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin về các chính sách và cơ hội thương mại, đầu tư với chính phủ và khu vực tư nhân, đặc biệt là trong các ngành liên quan đến năng lượng sạch, chất bán dẫn, dữ liệu, xe điện và kinh tế kỹ thuật số.

Tầm nhìn Thái Lan 2030 là sáng kiến do chính phủ Srettha đưa ra nhằm biến đất nước này thành trung tâm công nghiệp của khu vực trong 8 lĩnh vực: du lịch, chăm sóc sức khỏe và y tế, nông nghiệp và thực phẩm, hàng không, hậu cần khu vực, sản xuất ô tô trong tương lai, kinh tế kỹ thuật số và tài chính.

Bình luận của Viện Biển Đông:

Mỹ khả năng cao sẽ thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Thái Lan nhằm cạnh tranh với Trung Quốc. Trước đó, khi phát biểu trong một sự kiện ở Bangkok do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thái Lan tổ chức, bà Raimondo đã cho biết Thái Lan sẽ được hưởng lợi từ việc Mỹ đa dạng hóa sản xuất chất bán dẫn và khẳng định các công ty Mỹ đã sẵn sàng tăng cường đầu tư vào Thái Lan.

Trong bối cảnh có sự sắp xếp lại về chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp bán dẫn, Đông Nam Á trở thành môi trường cạnh tranh lớn của ngành này, khi mà các quốc gia như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đều có những chính sách thu hút và nắm bắt cơ hội (Chính phủ Thái Lan đã mở rộng các khoản giảm thuế doanh nghiệp giúp các công ty chip hưởng lợi. Ví dụ, một công ty thượng nguồn trong chuỗi cung ứng vào Thái Lan hiện được miễn thuế doanh nghiệp lên đến 13 năm (so với 8 năm như trước đây). Thái Lan đặc biệt tập trung vào việc thu hút các công ty tham gia vào các quy trình đầu tiên, chẳng hạn như thiết kế chất bán dẫn và khắc tấm bán dẫn).

Như vậy Việt Nam cũng cần có những chính sách và động thái kịp thời (ưu đãi thuế quan, cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực…) để cạnh tranh với Thái Lan và các nước trong khu vực./.

Bản PDF tại đây