Có thể giải thích nhận thức này từ sự bác bỏ nhanh chóng của đảng Dân chủ đối với đề nghị cắt giảm ngân sách táo bạo cho dù chưa toàn diện của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Paul Ryan với lập luận rằng cắt giảm ngân sách như vậy đồng nghĩa với việc chấm dứt chế độ bảo hiểm y tế Medicare mà “thế giới đã biết về nó”. Sự suy giảm vị thế siêu cường của Mỹ thực sự đồng nghĩa với việc chấm dứt nhiều điều mà “thế giới đã biết về nó”. Đó chính là con đường không mong muốn mà Mỹ buộc phải đi.

Theo Thomas P.M. Barnett, cả Nga và châu Âu đều không thể giữ vai trò chi phối trong một trật tự thế giới mới công bằng hơn sẽ được định hình trong nhiều thập kỷ tới. Châu Âu đang trong quá trình già cỗi còn Nga đang suy giảm dân số rất nhanh. Tuy nhiên, số lượng người nhập cư lớn và có khả năng tăng dân số nhanh có thể làm thay đổi động lực của cả Nga và châu Âu. Châu Âu đang tiếp nhận dòng nhập cư người Hồi giáo Bắc Phi. Sự không mến mộ của châu Âu đối với dòng nhập cư này cho thấy châu Âu ngày càng lo ngại trước các thách thức đặc thù trong nhiều thập kỷ sắp tới hơn là tìm cách định hình trật tự toàn cầu dù ở bất cứ cấp độ nào. Với cách suy luận tương tự cũng cho thấy Nhật Bản sẽ chống lại, thậm chí còn mạnh mẽ hơn, dòng người nhập cư. Ý thức bài ngoại của người Nhật Bản cùng với sự già đi của dân số đã khiến Nhật Bản coi việc chấp nhận dòng người nhập cư như là sự tự sát dân tộc. Vào năm 2050, tuổi trung bình của người dân Nhật Bản khoảng trên 55 tuổi trong khi tuổi trung bình của người Nga và châu Âu khoảng 50 tuổi. Các độ tuổi trung bình này không thể là tuổi dân số của một cường quốc năng động. Còn Mỹ có thể phải mời tất cả người Mỹ Latinh đến sống chung trong đường biên giới nước Mỹ ngày nay.

Trong khi vẫn tồn tại lớp cường quốc hạng 2 như Inđônêxia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Braxin và một nước Triều Tiên thống nhất, chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ phối hợp các nhân tố như dân số đông, sức mạnh quân sự lớn và tăng trưởng kinh tế năng động có thể vươn tới vị thế siêu cường ngang tầm với vị thế mà Mỹ đã có được trong một thời gian dài. Nhưng thật khó hình dung nổi một thế giới sẽ được điều hành chung bởi Trung Quốc và Ấn Độ. Những bằng chứng lịch sử cho thấy sự trỗi dậy của cặp đôi này sẽ được ghi nhận bằng đối địch nhiều hơn là hợp tác. Các điểm nóng tiềm tàng bao gồm đường biên giới chung, Tây Tạng, Đông Nam Á, Ấn Độ Dương và đặc biệt là Pakixtan, kẻ thù của Ấn Độ nhưng là đồng minh thân thiết của Trung Quốc. Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ cạnh tranh nguồn dầu lửa ở vịnh Pécxích cũng như nguồn nguyên liệu thô và thị trường châu Phi. Trên thực tế, một vấn đề lớn được đặt ra là liệu châu Á có đủ lớn để chứa 2 người khổng lồ đang trỗi dậy? Mặc dù phát triển theo 2 con đường khác nhau, cả Trung Quốc và Ấn Độ với các vùng đô thị phát triển nối với các khu vực nông thôn rộng lớn và nghèo đói sẽ vẫn là các siêu cường đối địch nhau trong các thập kỷ sắp tới.

Thomas P.M. Barnett cảnh báo những người cho rằng Trung Quốc sẽ vượt xa cả Mỹ và Ấn Độ cần nhớ rằng theo các xu hướng dân số chung, dân số Trung Quốc sẽ già đi nhanh hơn nhiều so với dân số Mỹ và Ấn Độ. Trung Quốc sẽ nhanh chóng mất đi lực lượng lao động lớn trong tiến trình già hoá dân số này. Vào năm 2050, tuổi trung bình của dân số Trung Quốc sẽ là 49 trong khi tuổi trung bình của dân số Mỹ vào thời điểm đó vẫn chỉ ở độ tuổi 40 còn dân số Ấn Độ vẫn ở tuổi 31. Như vậy, chỉ trong 4 thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ mất 100 triệu lao động, Mỹ mất 35 triệu còn Ấn Độ được thêm 300 triệu lao động. Lực lượng lao động của Ấn Độ sẽ gấp 1,5 lần lực lượng lao động của Trung Quốc vào giữa thế kỷ 21.

Trong bối cảnh này, hai người khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ rất cần một cường quốc thứ 3 để cân bằng và cường quốc thứ 3 đó chính là Mỹ nếu Mỹ vẫn đủ giàu để được tham gia trò chơi định hình thế giới. Phối hợp lại, vào năm 2030, Nam Á, Đông Á và Bắc Mỹ sẽ chiếm ¾ tổng thu nhập quốc dân toàn cầu, tạo ra một trật tự châu Á -Thái Bình Dương chi phối thế kỷ 21 như trật tự xuyên Đại Tây Dương đã từng chi phối thế kỷ 20.

Tuy nhiên, nếu chỉ tính tổng hợp thu nhập quốc dân của 3 khu vực trên trong tổng thu nhập toàn cầu là đã bỏ qua sự khác biệt rất lớn về thu nhập bình quân theo đầu người. Với thu nhập bình quân theo đầu người ở mức từ 50-60 nghìn USD, Mỹ vẫn dẫn đầu cả 3 khu vực so với thu nhập bình quân theo đầu người của Trung Quốc chỉ là 20 nghìn USD còn Ấn Độ chỉ khoảng 10 nghìn USD. Tất nhiên, thu nhập cao theo đầu người của Mỹ có thể không còn là vấn đề lớn nếu Mỹ vẫn sa lầy vào nợ nần chồng chất và sập bẫy chi phí y tế quá cao mà Mỹ vẫn muốn duy trì để lãnh đạo toàn cầu.

Thomas P.M. Barnett cho rằng mặc dù Mỹ đang và tiếp tục sẽ phải đối mặt với những hạn chế về tài chính, điều quan trọng cần nhớ là Mỹ sẽ không còn chi phối thế giới sẽ được định hình trong tương lai như Mỹ đã từng đóng vai trò như vậy trong khoảng thời gian dài đã qua. Mỹ chỉ cần vươn tới trật tự toàn cầu mới vào giữa thế kỷ 21 với vị thế hơn hẳn cả Trung Quốc hoặc Ấn Độ đồng thời trách nhiệm quốc tế chủ yếu của Mỹ chỉ cần giới hạn trong việc duy trì tiến trình toàn cầu hoá tiếp tục mà không cần đóng vai trò chi phối các đối thủ tiềm tàng hoặc các mối đe doạ ở tất cả các khu vực trên thế giới trong mọi giai đoạn. Như vậy, vị thế siêu cường của Mỹ như người Mỹ đã từng biết cũng sẽ “kết thúc”.

Tuy nhiên, như là thách thức trong quá trình trưởng thành, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang phải đứng trước các thách thức kinh tế, trong trường hợp Trung Quốc cả về chính trị, đang tăng lên trong các thập kỷ tới. Đó là những thách thức đầy khó khăn trong quá trình phát triển mà Mỹ đã vượt qua. Vì vậy, nếu Mỹ xử lý tốt các điều chỉnh đầy khó khăn trước mắt và cần giảm bớt tham vọng đi một chút, Mỹ vẫn có thể tiếp tục giữ vị thế toàn cầu xứng đáng trong tương lai.

Tác giả cho rằng mặc dù sẽ rất khó khăn nhưng việc cải tổ các chương trình chi tiêu của Mỹ đã trở nên rất cần thiết vì thực tế của thế kỷ 21 vẫn cho thấy thời kỳ Mỹ là nhà lãnh đạo không thể thiếu được của thế giới còn lâu mới chấm dứt. Mỹ có thể không còn ở vị thế tuyên bố đảm nhận thêm những trách nhiệm dài hạn nhưng những trách nhiệm mà người Mỹ vẫn được yêu cầu gánh vác, giống như những lựa chọn tài chính khó khăn hiện nay của Mỹ, tất cả đều nhằm để lại cho trẻ em Mỹ một thế giới trong đó chúng có cơ hội chính đáng để hưởng thụ mức sống tương tự hoặc tốt hơn mức sống hiện tại, hưởng thụ mà không hề mơ hồ giữa tiêu dùng và mức sống trong khi tầng lớp trung lưu trên toàn cầu đang khao khát một tiêu chuẩn sống như vậy. Một thực thế rõ ràng là chính sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu toàn cầu này sẽ là động lực để kết thúc nhanh chóng tất cả những gì mà “thế giới đã biết về chúng ở Mỹ”. Mỹ cần thừa nhận rằng thế giới trong tương lai mà hàng tỷ người trên thế giới được phép tiếp cận tiêu chuẩn sống tốt đẹp hơn là thế giới đáng được tạo ra và duy trì. Đó là tương lai mà toàn cầu hoá hiện đại có thể đạt tới và vai trò khởi động và bảo vệ nó là món quà lớn nhất mà Mỹ tặng cho nhân loại.

Châu Âu cũng có cơ hội giới thiệu về toàn cầu hoá nhưng châu Âu bị mất giá trị vì đã từng là những đế quốc thực dân cướp phá thế giới với quy mô chưa từng thấy. Châu Âu chinh phục và nô dịch nhiều nước châu Á dưới chế độ thực dân đã chia thế giới thành người giàu và người nghèo cũng như gây ra 2 cuộc chiến tranh thế giới với số người chết nhiều chưa từng thấy. Lịch sử ghi nhận khá đầy đủ: Năm 1800, nguồn của cải của thế giới được phân chia khá tương xứng với sự phân chia dân số với Ấn Độ và Trung Quốc chiếm 50% GDP toàn cầu. Nhưng chỉ một thế kỷ rưỡi sau đó, sự phân chia của cải cho Ấn Độ và Trung Quốc theo phần trăm bị giảm xuống còn chưa đầy 20%. Nguyên nhân một phần do châu Âu và Bắc Mỹ đã thành công trong công nghiệp hoá còn châu Á vẫn chưa bước vào thời kỳ này.

Lý do cuối cùng và có ý nghĩa quyết định là Mỹ đã bước vào chính trường thế giới với trật tự thương mại thực sự tự do mà biểu tượng là Hiệp định chung về thuế quan và buôn bán (GATT), sau này đã chuyển đổi thành Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sau khi Ấn Độ và Trung Quốc từ bỏ quá khứ thực nghiệm chủ nghĩa xã hội sau thời kỳ bị thực dân hoá, họ đã nhanh chóng trở nên thịnh vượng trong khuôn khổ trật tự do Mỹ lãnh đạo. Hiện nay, tỷ lệ GDP khu vực và quốc gia của 2 nước này trong GDP toàn cầu đang dần dần trở lại tỷ lệ bình thường hơn theo tỷ lệ dân số. Thế giới vẫn còn chặng đường dài nữa để sự giàu có của phần còn lại của thế giới có thể vượt quá phương Tây theo tỷ lệ 2/1 trong thế kỷ 21 này, báo hiệu “sự hội tụ lớn” hàn gắn nhiều chia rẽ do kỷ nguyên “phân kỳ lớn” tạo ra. Trật tự toàn cầu kiểu châu Âu đã tạo ra “sự phân kỳ lớn” và trật tự toàn cầu kiểu Mỹ có thể sinh ra “sự hội tụ lớn”./.

 

Theo World Politics Review 

Trần Quang (gt)