Tình hình nổi bật

Thứ trưởng Ngoại giao La Chiếu Huy ngày 27/10 họp trực tuyến với Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, cho rằng trong năm nay lãnh đạo hai nước đã duy trì liên lạc chặt chẽ với và thúc đẩy phát triển quan hệ song phương và hợp tác khu vực, nhấn mạnh: (i) Tập trung vào hợp tác và phát triển, thúc đẩy hợp tác chống dịch và tái sản xuất; (ii) Nắm bắt phương hướng hợp tác của khu vực Đông Á; (iii) Giải quyết ổn thỏa những vấn đề nhạy cảm, mong muốn cùng ASEAN loại trừ những thế lực can dự bên ngoài, tiếp tục giải quyết vấn đề Biển Đông song phương, thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”, duy trì tham vấn về “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”, hòa bình và ổn định khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 28/10 phản ứng về việc Philippines thành lập đội tàu đánh bắt cá tại Biển Đông, cho rằng lập trường của Trung Quốc là nhất quán và rõ ràng. “Chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc tại Biển Đông được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài và có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử”. Việc duy trì ổn định tại Biển Đông là trách nhiệm chung của Trung Quốc và các nước ASEAN. Trung Quốc mong muốn nỗ lực cùng các nước ASEAN, trong đó có Phillippines hướng về phía trước, cùng duy trì hòa bình ổn định tại Biển Đông.

Ngày 28/10, ba tập đoàn Mỹ Bechtel, General Electric, McDermott ký thỏa thuận cùng triển khai thiết bị trị giá 3 tỷ USD cho dự án Nhà máy điện khí hoá lỏng Bạc Liêu. Theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Lễ ký thỏa thuận hợp tác tổng thể giữa ba tập đoàn Mỹ nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPBF) diễn ra tại Hà Nội. "Mục đích thỏa thuận là cho phép sử dụng thiết bị, dịch vụ kỹ thuật từ Bechtel, General Electric và McDermott, ứng dụng những công nghệ và kỹ thuật tốt nhất của Mỹ".

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 22/10 trong buổi họp báo chung trực tuyến với người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi, nói rằng Washington sẽ tìm những cách mới để hợp tác với Indonesia ở Biển Đông, Mỹ tôn trọng những nỗ lực của Jakarta trong việc bảo vệ vùng biển của riêng mình và phản đối các yêu sách phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Bà Retno cho biết Indonesia và Mỹ sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng thông qua tăng cường trao đổi quân sự, huấn luyện, diễn tập, chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác an ninh biển trong khu vực.

Theo Bộ Quốc phòng Úc, tàu hộ vệ lớp Anzac HMAS Ballarat của Hải quân Hoàng gia Úc và tàu khu trục USS John S. McCain của Hải quân Mỹ đã tập trận chung tại Biển Đông ngày 27/10. Thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết tàu chiến của Mỹ và Úc đã tiến hành huấn luyện chiến thuật và tác chiến giả định khi di chuyển cùng nhau.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 29/10 ra tuyên bố về chuyến thăm của Ngoại trưởng Michael R. Pompeo đến Việt Nam, khẳng định ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó có Biển Đông. Mỹ tôn trọng quyền và lợi ích của Việt Nam trong việc duy trì hoà bình và các quyền tự do trên biển phù hợp với luật quốc tế. Mỹ phản đối yêu sách biển của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính nằm ngoài khơi bờ biển của Việt Nam. Mỹ phản đối các hành vi nhằm phá hoại trật tự trên biển dựa trên luật lệ tại Biển Đông cũng như tại các vùng biển khác của thế giới.

Góc nhìn quốc tế

+Châu Âu-Mỹ:

Báo Thanh niên ngày 30/10 dẫn ý kiến học giả đánh giá chuyến thăm của Ngoại trưởng Micheal R. Pompeo đến Việt Nam là minh chứng cho sự hội tụ lợi ích của hai bên. TS John Hamre (Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ) nhận định chuyến thăm là một diễn biến rất tốt, phản ánh mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Mỹ. "Báo chí phổ thông ở Mỹ không bàn nhiều về Việt Nam. Nhưng giới chuyên gia chính sách đối ngoại nhận thấy rất rõ hai nước đang xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn và quan trọng hơn". TS Raji Rajagopalan (Chuyên gia tại Quỹ nghiên cứu quan sát (ORF, Ấn Độ) phân tích: “Chuyến thăm của ông Pompeo đến Việt Nam mang ý nghĩa quan trọng vì: (i) Phản ánh rõ mối quan hệ Việt - Mỹ ngày càng tăng trước các thách thức chung trong khu vực; (ii) Là dấu hiệu cho thấy Ấn Độ và Mỹ muốn cùng hội tụ các đối tác chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bởi cả Ấn Độ lẫn Mỹ đều coi trọng quan hệ đối tác với Việt Nam; (iii) Việt Nam đang là Chủ tịch ASEAN, Mỹ coi trọng vai trò tiên phong của Việt Nam ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. 

Bản PDF tại đây

@Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao

"Bản tin ngày Nghiên cứu Biển Đông" được soạn thảo từ các tài liệu công khai nhằm tổng hợp thông tin giúp bạn đọc. Các thông tin trong Bản tin không phản ánh quan điểm của Viện Biển Đông. Ban biên tập không chịu trách nhiệm đối với sự thay đổi về nội dung của tin gốc cũng như đường dẫn kèm theo đến các tin gốc.

Mọi đóng góp ý xin gửi vào email: scsi@dav.edu.vn