Thông cáo báo chí lần 1 về Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần ba: “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển ở Khu vực” do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức ngày 4-5/11/2011 tại Hà Nội.
Thông cáo báo chí
Hội thảo Khoa học quốc tế lần thứ III:
“BIỂN ĐÔNG: HỢP TÁC VÌ AN NINH VÀ PHÁT TRIỂN
TRONG KHU VỰC”
Hà Nội, ngày 4/11/2011
---
Sáng 4/11/2011, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ ba về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức. Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu là những học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia, trong đó có hơn 70 đại biểu quốc tế (từ Trung Quốc, các nước ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Anh, Pháp, Thụy Điển, Na Uy), hơn 50 đại biểu ngoại giao đoàn tại Hà Nội và hơn 100 đại biểu Việt Nam.
Mục đích của Hội thảo lần này là nhìn lại những diễn biến mới liên quan tới biển Đông thời gian gần đây và đề xuất các biện pháp nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Sau phiên khai mạc, trong buổi sáng 4/11/2011, đã diễn ra hai phiên thảo luận đầu tiên với 8 tham luận về hai chủ đề là “tầm quan trọng của Biển Đông trên thế giới và trong khu vực” và “lợi ích của các bên trong và ngoài khu vực Biển Đông”.
Các đại biểu đến từ Mỹ, Ấn Độ, Nga, ASEAN... đều khẳng định tầm quan trọng của vấn đề biển Đông đối với môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Do tính chất phức tạp của vấn đề biển Đông liên quan tới các khía cạnh luật pháp, kỹ thuật, chính trị nội bộ, chính trị quốc tế, chiến lược, kinh tế..., vấn đề biển Đông ngày càng thu hút được quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực. Có đại biểu còn cho rằng biển Đông thực sự mang ý nghĩa toàn cầu bởi trong bối cảnh toàn cầu hóa, an ninh quốc tế là không thể chia cắt, lợi ích của các nước ở khu vực và trên thế giới đan xen lẫn nhau, sự phát triển của khu vực này có ảnh hưởng tới sự phát triển của các khu vực khác, do vậy bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải là vấn đề mang tính sống còn không chỉ đối với các nước trong khu vực, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới. Các nước lớn như Mỹ, Nga, Ấn Độ... đều có lợi ích, ở những mức độ khác nhau, trong vấn đề biển Đông. Trong bối cảnh Mỹ đang chuyển dần trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đang và sẽ dành ưu tiên ngày càng cao hơn cho các vấn đề như tự do, an toàn hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông./.
Bản tin tổng hợp Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần 3 sẽ công bố vào 17h ngày 5/11/2011.
- TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc và an ninh hàng hải tại khu vực Biển Đông[05/12/2011 18:34]
- TS. S.D. Pradhan, Căng thẳng gia tăng tại Biển Đông: Nguyên nhân và giải pháp[05/12/2011 14:35]
- GS. Koichi Sato, Biển Đông: Sự trỗi dậy của Trung Quốc và tác động đối với hợp tác an ninh[01/12/2011 18:16]
- GS. Evgeny A.Kanaev, Nga và vấn đề Biển Đông: Tìm hiểu một cách tiếp cận thực tiễn[01/12/2011 17:30]
- TS. Bronson Percival, Mỹ "Quay trở lại" châu Á và vấn đề Biển Đông[29/11/2011 16:27]
- GS. Geoffrey Till, Ý nghĩa toàn cầu của tranh chấp Biển Đông[28/11/2011 16:25]
- ĐS. Rodolfo C. Severino, Những vấn đề và lợi ích tại khu vực Biển Đông[28/11/2011 10:21]
- Phát biểu khai mạc Hội thảo của Đại sứ Đặng Đình Quý[25/11/2011 16:51]
- Thông cáo báo chí bế mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần ba[05/11/2011 14:37]
- Các Nội dung chính Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 3 tại Hà Nội, ngày 4-5/11/2011[02/11/2011 00:00]