Trong lịch sử, chủ nghĩa dân tộc bị coi là một động lực để phát triển, bởi có nhiều người có tư tưởng dân tộc đã đứng lên chống lại các cường quốc thực dân để lập ra nhà nước của riêng họ. Những “cuộc chiến giải phóng dân tộc” này trước tiên đã sản sinh ra các nước châu Mỹ Latinh và tiếp đến là chia cắt Đế chế Áo-Hungary, dẫn đến sự thành lập của một nửa số quốc gia tại khu vực Balkan. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chúng còn lan sang những khu vực rộng lớn của châu Á và châu Phi. Và như vậy, chủ nghĩa dân tộc đã giết chết chủ nghĩa đế quốc và được các thi sĩ, giới tri thứ và các thủ lĩnh cấp tiến đề cao.

Tuy nhiên, mảng tối của chủ nghĩa dân tộc cũng nhanh chóng bị phát hiện. Một khi người dân trở nên quá đồng cảm với đất nước mình, lòng trung thành của họ có thể bị lợi dụng bởi những kẻ mị dân, những kẻ vận động những hy sinh lớn lao để có thể "lên mặt" với các nước khác. Đảng Quốc xã Đức là một bản tóm tắt rõ ràng về Chủ nghĩa Xã hội Dân tộc có thể minh họa cho quan điểm này. Tiếp đó tại Nhật Bản trong giai đoạn trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, vị Nhật hoàng đã trở thành biểu tượng của một chủ nghĩa dân tộc hung tợn. Gần đây hơn, chủ nghĩa dân tộc bị cho là đã gây ra Brexit và sự trỗi dậy của các đáng cánh hữu tại Pháp, Italy và thậm chí cả Đức, cùng nhiều nơi khác.

Đáp trả nhận định này, một số nhà trí thức và các lãnh đạo cấp tiến đã hình dung ra một thế giới hậu chủ nghĩa dân tộc mà trong đó tất cả chúng ta đều là công dân của một thế giới, được hưởng các quyền con người, một thế giới mà ở đó người dân và hàng hóa được tự do di chuyển qua cái từng được gọi là các đường biên giới quốc gia. EU đã nỗ lực thực thi một vài trong số các ý tưởng này. Kết quả là đổ thêm dầu vào ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa cánh hữu vốn đã đang dâng cao vì hàng loạt lý do khác nhau. Kể từ đó, xu hướng gần đây là kêu gọi chủ nghĩa dân tộc tích cực hoặc có tính nhân dân. Ý tưởng là xây dựng nó dựa trên thực tế là dù người dân chưa sẵn sàng từ bỏ những bổn phận dân tộc chủ nghĩa của họ, thì chúng ta vẫn có thể đưa lòng trung thành của mình vào trong những biểu hiện hòa bình và nhân dân. Những diễn biến gần đây tại Đông và Nam Á, đặc biệt là tại Ấn Độ, Nhật Bản và Hong Kong đã cho thấy mức độ của xu hướng này.

Ấn Độ đã cung cấp câu chuyện mang tính cảnh bảo. Chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ đang dâng cao, và đó là một mặt tối. Thủ tướng Narendra Modi và Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Hindu và nỗ lực thúc đẩy Ấn Độ thành một đất nước Hindu, vốn tương phản với nhiều ý tưởng đa nguyên và thế tục hơn mà những những nhà sáng lập Ấn Độ từng theo đuổi. Nói ngắn gọn, chủ nghĩa dân tộc của nền dân chủ lớn nhất thế giới này đang ngày càng tiêu cực.

Tại Nhật Bản, có hai hình thức chủ nghĩa dân tộc cạnh tranh nhau, song cho đến nay, bất chấp một số tuyên bố cảnh báo, chủ nghĩa dân tộc mang tính dân chủ và hòa bình mà Nhật Bản áp dụng sau Chiến tranh Thế giới thứ hai vẫn tồn tại. Một trong các vấn đề phản ảnh sự cạnh tranh này là cuộc tranh cãi về việc thay đổi Hiến pháp Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông đã tìm cách thay đổi Điều 9 của Hiến pháp để trao một vai trò rõ ràng hơn cho quân đội Nhật Bản. Trong cuộc bầu cử tháng 7, Abe đã không đảm bảo được thế đa số 2/3 trong cả hai viện của Quốc hội cần thiết để thay đổi Hiến pháp. Nhật hoàng, một thời từng là biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc “xấu”, đã trở nên “thế tục hóa”, và hiện được coi là một nhân vật thống nhất ôn hòa, và có ít quyền lực.

LDP đã nắm quyền tại Nhật Bản gần như liên tục trong suốt 65 năm qua, và điều này khiến một số người thắc mắc về hiệu quả của tiến trình dân chủ của Nhật Bản. Tuy nhiên, những chiến thắng liên tiếp của LDP là kết quả của những cuộc bầu cử tự do và công bằng. Và có một điều cần công nhận là bất chấp một số thách thức thì chủ nghĩa dân tộc mang tính nhân dân của Nhật Bản vẫn đang được duy trì.

Thú vị hơn cả là những diễn biến tại Hong Kong. Không ai gọi Hong Kong là một quốc gia, nhưng trên thực tế người dân ở đây đang hành động như thể họ có một tinh thần dân tộc rõ rệt: Họ tự coi mình là một cộng đồng tách biệt khỏi Trung Quốc, nước đang nỗ lực sáp nhập họ thành một nhà nước duy nhất. Và người dân Hong Kong đã khơi gợi tinh thần và trách nhiệm dân tộc rõ rệt trong cộng đồng của mình để đứng lên bảo vệ các quyền cá nhân và dân chủ mà họ từng được hưởng khi là thuộc địa của Anh.

Nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng biểu tình hiện nay là một dự thảo luật cho phép Trung Quốc dẫn độ các cá nhân từ Hong Kong sang đại lục xét xử, song làn sóng này vẫn tiếp diễn dù chính phủ đã tuyên bố sẽ dỡ bỏ luật này. Hai lý do chính khiến người dân dồn dập tham gia biểu tình là “nỗi sợ bị đại lục hóa” và “sự củng cố bản sắc địa phương của Hong Kong” – có nghĩa là nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc Hong Kong, song trên hết vẫn là một niềm mong mỏi lớn lao về việc bảo vệ dân chủ tại Hong Kong.

Mặc dù đến nay chỉ có một bộ phận nhỏ muốn độc lập với Trung Quốc, song có thể nhìn thấy trong dài hạn một sự Đài Loan hóa Hong Kong. Ai đó có thể phát triển cách đánh giá này bằng việc so sánh chủ nghĩa dân tộc thái quá của Triều Tiên với chủ nghĩa dân tộc nhân dân của Hàn Quốc. Tuy nhiên, có một điểm quan trọng vẫn tương đối rõ ràng: Chúng ta chưa sẵn sàng cho một cộng đồng toàn cầu hậu dân tộc chủ nghĩa, và hiện nay, chúng ta cần phải hợp tác để chủ nghĩa dân tộc mang tính nhân dân hơn là mang tính độc tài và hiếu chiến.

Tác giả Amitai Etzioni là Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học  George Washington. Bài viết đăng trên “The Diplomat”.

Anh Thư (gt)