Bản PDF tại đây
Động thái của các quốc gia
+ Trung Quốc:
Giàn khoan HD-981 khoan giếng dầu áp suất cao đầu tiên ở Biển Đông. Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) hôm 24/8 tuyên bố giàn khoan HD-981 đã hoàn tất khoan thăm dò giếng dầu Lăng Thủy 25-1S-1 cách thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam khoảng 140 hải lý. Giếng này có độ sâu từ mặt nước tới đáy biển gần 1.000 mét và nhiệt độ cao hơn 150 độ. Cục trưởng Cục quản lý dầu khí của CNOOC Tạ Ngọc Hồng cho rằng việc khoan thành công giếng dầu khí có nhiệt độ, áp suất cao như vậy giúp Trung Quốc đẩy mạnh thăm hoạt động dò khai thác các mỏ dầu khác ở Biển Đông. Hơn một nửa mỏ dầu khí ở Biển Đông ở trong những điều kiện như vậy.
Giàn khoan Trung Quốc tiếp tục hoạt động ở Biển Đông. Ngày 24/8, Tân Hoa Xã đưa tin giàn khoan HD-981 đã hoàn tất việc khoan thăm dò ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo một thông báo mới trên trang web của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm 25/8 thì giàn khoan HD-981 sẽ tiếp tục khoan thăm dò cho đến ngày 20/10 ở tại một địa điểm lui lên phía bắc một chút so với địa điểm trước đó. Toạ độ của vị trí đặt giàn khoan hiện nay cách phía đông bờ biển Việt Nam 110 hải lý và cách phía nam thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam 75 hải lý.
+ Philippines:
Philippines từ chối lời mời dự lễ duyệt binh ở Trung Quốc. Bắc Kinh đã mời 51 nguyên thủ quốc gia tới tham dự cuộc diễu hành quân sự kỷ niệm 70 năm chiến thắng Nhật Bản trong Thế Chiến thứ hai. Dự kiến sẽ có khoảng 12.000 binh sĩ Trung Quốc và 200 máy bay tham gia cuộc diễu hành vào ngày 3/9. Tuy nhiên, chỉ có Nhật Bản và Philippines từ chối lời mời này. Động thái trên của Manila không gây bất ngờ trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông đang trở nên căng thẳng.
Philippines nhờ Mỹ giúp giám sát tình hình Biển Đông. Ngày 27/8, Người phát ngôn của quân đội Philippines Đại tá Restituto Padilla cho biết Manila đang muốn Mỹ hỗ trợ giám sát những diễn biến “theo thời gian thực” trên Biển Đông. Theo ông Padilla, Bộ Quốc phòng Philippines đã đề nghị Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Đô đốc Harry Harris hỗ trợ bằng không quân đối với một tàu dân sự của nước này chuyển đồ tiếp tế tới Bãi Cỏ Mây, “Chúng tôi muốn quân đội Mỹ canh chừng cho các tàu của chúng tôi bởi Trung Quốc nhiều lần tìm cách cản trở khi chúng tôi luân chuyển quân và mang đồ tiếp tế cho chiếc tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây.”
+ Thái Lan:
Thái Lan cam kết thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Trong chuyến thăm Philippines hai ngày, hôm 28/8 Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III. Hai nhà lãnh đạo trao đổi về một số vấn đề khu vực và tình hình ở Biển Đông. Phát biểu sau cuộc gặp, Thủ tướng Thái Lan nêu rõ: “Tôi rất cảm kích việc Philippines đã luôn ủng hộ Thái Lan trong vai trò quốc gia điều phối quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN. Thái Lan cam kết hợp tác với Philippines và các nước ASEAN trong việc thực thi đầy đủ DOC và thúc đẩy các cuộc tham vấn về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông.” Thái Lan đảm nhiệm vai trò điều phối quan hệ Trung Quốc - ASEAN nhiệm kỳ 2012-2015 và sẽ trao cho Singapore vai trò này trong năm nay.
+ Ấn Độ:
Ấn Độ muốn tiếp tục hoạt động dầu khí ở Biển Đông. Một quan chức của Tập đoàn dầu khí ONGC Videsh của Ấn Độ cho biết tập đoàn đã nộp đơn lên giới chức Việt Nam xin gia hạn thêm một năm hoạt động tại Lô 128 ở Biển Đông. Năm 2006, ONGC đã ký với Việt Nam hợp đồng phân chia sản phẩm tại Lô 128 trên một khu vực rộng 7.058 km2 thuộc Bồn Phú Khánh của Việt Nam. Năm 2011, Bắc Kinh từng vô lý cảnh báo ONGC rằng các hoạt động thăm dò của tập đoàn tại lô này vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Đến nay, ONGC đã đầu tư 50,88 triệu USD vào Lô 128 và đang nắm 100% cổ phần.
+ Mỹ:
Mỹ tăng cường hoạt động diễn tập ở Biển Đông. Trong chuyến thăm Philippines, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Đô đốc Harry Harris đã có cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Philippines Tướng Hernando Iriberri tại trại Aguinaldo hôm 26/8. Hai bên đã thảo luận về vấn đề an ninh, trong đó có vấn đề Biển Đông. Người phát ngôn của quân đội Philippines Đại tá Restituto Padilla cho biết, hai bên đã bàn bạc một số nội dung quan trọng trong báo cáo “Chiến lược An ninh Biển Châu Á - Thái Bình Dương” mới đây của Mỹ, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ tự do hàng hải, ngăn chặn xung đột, cưỡng ép và thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Theo ông Restituto Padilla, Mỹ có kế hoạch tăng cường số lượng các cuộc tập trận và diễn tập cứu trợ nhân đạo ở khu vực. Còn Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez thì cho biết, “Hai bên nhất trí rằng việc phát triển năng lực của Lực lượng Vũ trang Philippines là rất quan trọng, cụ thể trong các lĩnh vực tình báo, giám sát, do thám, trinh sát, chỉ huy. Ngoài ra, Washington và Manila còn nhất trí hợp tác trong việc chia sẻ thông tin.”
+ Úc:
Úc lo ngại về bất ổn ở Biển Đông. Phát biểu tại một hội nghị tổ chức ở Canberra ngày 27/8, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews nhận định, “Tăng trưởng ở khu vực không đồng đều và việc cạnh tranh ảnh hưởng có thể tạo ra những bất ổn. Các yêu sách lãnh thổ và tài nguyên ở Biển Đông tiếp tục là nguyên nhân gây căng thẳng trong khu vực. Cùng với việc các bên hiện đại hóa quân đội, tranh chấp Biển Đông có nguy cơ gây bất ổn đối với khu vực và đe dọa các lợi ích của Úc.” Theo ông Kevin Andrews, mối quan hệ đồng minh với Mỹ “là nền tảng trong chiến lược an ninh và quốc phòng của Úc đồng thời là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác quốc tế của Úc.”
Quan hệ các nước
Hải quân các nước tập trận ngoài khơi Singapore. Từ ngày 25-31/8, Hải quân Singapore và Hải quân Indonesia đồng chủ trì cuộc diễn tập chống ngư lôi vùng biển Tây Thái Bình Dương (WP MCMEX) lần thứ 6, với sự tham gia của hải quân 16 nước. Bộ Quốc phòng Singpore cho biết, hơn 800 quân nhân, 13 tàu và 5 nhóm thiết bị lặn sẽ tham gia cuộc diễn tập năm nay. Phát biểu tại lễ khai mạc, Tư lệnh Hải quân Singapore, Chuẩn Đô đốc Lai Chung Han đã nêu bật tầm quan trọng của việc hợp tác song phương nhằm duy trì tự do hàng hải trên các tuyến vận tải biển, và sự cần thiết phải cảnh giác và sẵn sàng ứng phó trước các mối đe dọa.
Đàm phán nhóm công tác về hợp tác cùng phát triển trên biển Việt - Trung. Từ ngày 25-27/8, tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc, đã diễn ra đàm phán vòng năm Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển. Trưởng Nhóm công tác phía Việt Nam là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Nguyễn Anh Dũng. Trưởng Nhóm công tác phía Trung Quốc là Đại diện về vấn đề biên giới và biển, Bộ Ngoại giao Chu Kiện. Hai bên trình bày và trao đổi lập trường, quan điểm và nhất trí tiếp tục căn cứ theo nhận thức chung có liên quan của lãnh đạo cấp cao hai nước, tuân thủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung” ký năm 2011 để thảo luận về vấn đề hợp tác cùng phát triển trên biển, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Trung Quốc, Úc và Mỹ tiến hành tập trận chung. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết ba nước hôm 27/8 đã bắt đầu cuộc tập trận chung mang tên “Kowari” tại Darwin. Sự kiện này sẽ kéo dài đến ngày 14/9. Đây là cuộc tập trận thứ hai giữa quân đội ba nước kể từ lần đầu tiên diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái. Theo ông Dương, các binh sỹ Trung Quốc và Úc còn tiến hành cả cuộc diễn tập phòng thủ song phương mang tên “Panda-Kangaroo” ở Canberra và Sydney từ 20-28/9. Hai cuộc tập trận này nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác quốc phòng cũng như nâng cao năng lực tác chiến của quân đội các nước.
Trung - Mỹ cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác quân sự. Ngày 28/8 tại thủ đô Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đã có buổi tiếp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đang ở thăm nước này. Tại cuộc gặp, ông Phạm Trường Long đánh giá cao những bước phát triển giữa quân đội hai nước. Ông Phạm lưu ý hai bên cần nỗ lực để giải quyết bất đồng và kiểm soát các nguy cơ, xúc tiến xây dựng mô hình quan hệ quân sự kiểu mới giữa các cường quốc. Về phần mình, Cố vấn Rice cho biết Mỹ đánh giá cao tầm quan trọng của chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch nước Trung Quốc và bày tỏ hy vọng hai nước có thể tăng cường đối thoại, liên lạc và mở rộng hợp tác.
Phân tích và đánh giá
“Tương quan sức mạnh ở Biển Đông đang bị đe dọa” của Elbridge Colby và Evan Braden Montgomery
Hoạt động gấp rút xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông gây ra những ảnh hưởng vượt xa những thách thức về mặt ngoại giao. Đối với Mỹ và các quốc gia láng giềng, điều này có thể sớm tạo ra những vấn đề về mặt quân sự thực sự nghiêm trọng.
Một số nhà phân tích Mỹ lại cho rằng, điều đó sẽ không thực sự ảnh hưởng nhiều đến lợi thế quân sự của Mỹ ở khu vực. Họ cho rằng, chúng không có nhiều giá trị chiến lược, và nếu xảy ra xung đột, không quân và hải quân Mỹ sẽ dễ dàng phá hủy các đảo nhân tạo này.
Tuy nhiên, cách nhìn nhận như vậy thực sự quá lạc quan. Có thể Trung Quốc sẽ không sử dụng các hòn đảo nhỏ, vị trí xa xôi và dễ bị tổn thương mà Trung Quốc cải tạo để duy trì liên tục các hoạt động chiến đấu, thậm chí là chống lại các quốc gia láng giềng yếu hơn. Nhưng chỉ với một số lượng nhỏ năng lực phù hợp có thể làm thay đổi cán quân sự khu vực.
Với việc mở rộng cảng, đường băng, các đảo nhân tạo có thể trở thành trung tâm hậu cần cho lực lượng trên biển và căn cứ tiền tiêu cho máy bay chiến đấu. Điều đó sẽ tăng cường khả năng hoạt động của hải quân Trung Quốc trong khu vực; tăng cường năng lực trinh sát và tình báo trên không, thực hiện các hoạt động tuần tra tại khu vực yêu sách, và có lẽ sẽ hỗ trợ việc hình thành vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Cho dù không có những năng lực này, các đảo nhân tạo vẫn có thể trở thành nơi triển khai hệ thống phòng không và tên lửa chống tàu. Điều đó có thể tạo ra các vùng “cấm”, đó chính là các khu vực mà cơ sở dân sự và quân sự của các quốc gia khác sẽ nằm trong vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, mạng lưới radar giám sát trên đất liền hỗ trợ rất lớn cho Trung Quốc thu thập thông tin và mục tiêu của đối thủ cả trong thời bình và thời chiến. Từ đây, chúng có thể thu thập những thông tin giá trị các căn cứ quân sự của Mỹ, làm đảo lộn phương thức tác chiến và thậm chí là thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng, gây tổn thất lớn cho Mỹ.
Với việc gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, các tiền đồn quân sự sẽ hỗ trợ cho chiến lược “tằm ăn rỗi” của Bắc Kinh. Năng lực quân sự của các quốc gia láng giềng không đủ khả năng vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ, do đó mọi đơn vị đồn trú trên các đảo nhân tạo sẽ có tác động rất lớn đến cán cân quân sự khu vực. Điều đó có thể khiến cho các quốc gia này “chấp nhận” Trung Quốc thay vì đương đầu.
Mỹ và các quốc gia liên quan cần kiểm soát hoạt động bành trướng của Trung Quốc. Trên thực địa, có thể không thể ngăn chặn được Trung Quốc triển khai xây dựng, vì vậy cần phải gia tăng áp lực ngoại giao, tăng cường hợp tác, xây dựng lực lượng quân sự, bán quân sự để duy trì nguyên trạng và thể hiện tinh thần sẵn sàng sử dụng các lực lượng này.
“Cần phải làm gì khi vấn đề Biển Đông đã quốc tế hóa và quân sự hóa ?” của Piin-Fen Kok
Tại các hội nghị của ASEAN tại Malaysia vừa qua, dù Trung Quốc đã phản đối nhưng vấn đề Biển Đông vẫn trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận, đặc biệt là về các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc. Giờ đây, hơn bao giờ hết, Biển Đông vừa là vấn đề quốc tế, đồng thời cũng là vấn đề mang tính quân sự.
Mặc dù Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định với ASEAN rằng Trung Quốc đã ngưng hoạt động cải tạo nhưng trên thực địa, Trung Quốc vẫn tiến hành xây dựng các công trình quân sự trên các hòn đảo được cải tạo.
Quy mô cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông là chưa từng có tiền lệ, gây ra mối quan ngại lớn cho các quốc gia khu vực , Mỹ và các quốc gia có lợi ích tại đây. Điều đó đã thúc đẩy các quốc gia tăng cường năng lực trên biển; hàng loạt cuộc tập trận và tuần tra chung cũng được thực hiện. Thậm chí Trung Quốc cũng tiến hành các cuộc tập trận không quân và hải quân trên quy mô lớn.
Một tác nhân tiềm tàng gây xung đột chính là việc tất cả các quốc gia đều tăng cường khả năng răn đe quân sự để bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông. Xu hướng này sẽ ngày càng tăng và rất khó đảo ngược nếu như các bên vẫn nghi ngờ đối thủ gia tăng phòng thủ nghĩa là đe dọa lợi ích của mình.
Như vậy, điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin trên biển (CBM), trong đó quan trọng nhất là Bộ Quy tắc Ứng xử (COC). Theo thông tin, Trung Quốc và ASEAN đang thảo luận thiết lập đường dây nóng nhằm giải quyết các trường hợp khẩn cấp ở Biển Đông. Mỹ và Trung Quốc cũng đang tuân thủ thực hiện loạt thỏa thuận 2014 về xây dựng long tin quân sự, thông báo những hoạt động quân sự lớn và các quy tắc ứng xử trong trường hợp xảy ra xung đột trên biển và trên không. Ở phạm vi toàn khu vực, hải quân Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác cũng đã bắt đầu thực hiện Quy tắc Ứng xử trong trường hợp Đụng độ Bất ngờ xảy ra trên Biển (CUES) trong các cuộc tập trận chung hay hoạt động trên biển thường kỳ.
Tuy nhiên, CBM sẽ không thành công khi vẫn tồn tại khả năng xuất hiện những hành vi gây nguy hiểm. Các hành vi đó có thể tồn tại dưới hình thức là các hành động hung hăng hay thiếu thận trọng xuât phát từ các thủy thủ. Những hành động như vậy sẽ dẫn đến những xung đột ngoài ý muốn. Căng thẳng cũng có thể gia tăng khi các bên hành động do nghi ngờ đối phương đang đe dọa đến lợi ích hoặc do không hiểu rõ ý đồ chiến lược của nhau.
Như vậy, việc thực hiện CBM cần phải kết hợp với nỗ lực thúc đẩy xây dựng một môi trường kiềm chế xu hướng xung đột. Các nỗ lực như vậy có thể là: hạn chế giọng điệu khiêu khích; khuyến khích các hành vi mang tính xây dựng; duy trì các kênh đối thoại công khai để thông qua đó, các bên có thể sẵn sảng giải thích về quan điểm của mình.
“Kinh tế suy yếu có khiến Trung Quốc bớt hung hăng ở Biển Đông?” của Minxin Pei
Trong quá khứ, bất chấp tốc độ tăng trưởng không đồng đều, Bắc Kinh vẫn tiếp tục trụ vững nhờ vào nguồn đầu tư dồi dào và giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Chính điều này đã khuyến khích Trung Quốc liên tiếp thực hiện hàng loạt chính sách ngoại giao đầy tham vọng song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro trong thời gian qua.
Trên mặt trận kinh tế, Trung Quốc cam kết rót vốn 100 tỷ USD để thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển (NDB) cùng Quỹ Con đường tơ lụa mới. Đây là những công cụ giúp Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng, đồng thời cũng là đối trọng của Trung Quốc với các thể chế tài chính lớn như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB). Tại các nước đang phát triển, Trung Quốc tăng cường đầu tư vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn. Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư và cho các quốc gia Châu Phi vay gần 100 tỷ USD và Mỹ La tinh là 120 tỷ USD kể từ năm 2005.
Tuy nhiên, nước cờ táo bạo nhất của Bắc Kinh vẫn là việc gây ra hàng loạt vụ tranh chấp về chủ quyền ở khu vực Đông Á. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, tăng trưởng kinh tế và sức mạnh quân sự khiến Bắc Kinh bắt đầu tin rằng mình không còn phải cúi đầu trước những lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực.
Giờ đây, khi bộ máy kinh tế Trung Quốc đang bị chững lại và lộ rõ nhiều hạn chế, một câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc còn khả năng tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao quyết đoán của mình nữa hay không?
Dựa trên những bài học trong quá khứ, câu trả lời của Bắc Kinh có thể là không.
Sự thận trọng vốn là cung cách làm việc từ trước đến nay của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ba lãnh đạo tiền nhiệm của ông Tập là Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đều ý thức được quyền lực yếu thế của Trung Quốc trước các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Chính vì vậy, khi nền kinh tế Trung Quốc đi xuống họ đều thay đổi các chính sách ngoại giao theo hướng đối thoại, hợp tác.
Nếu yêu cầu tăng trưởng trong ngắn hạn phụ thuộc vào xuất khẩu sang các nước phương Tây, Trung Quốc sẽ không tiếp tục duy trì chính sách hung hăng ở Biển Đông. Trong khi đó, tình trạng suy thoái kinh tế trong nước cũng sẽ hạn chế những dự án đầu tư lớn của Bắc Kinh ở các quốc gia đang phát triển. Hàng hóa xuống giá, các giải pháp kinh tế không rõ ràng sẽ khiến các dự án kể trên rơi vào nguy cơ vỡ nợ.
Điều quan trọng nhất là khi nền kinh tế tiếp tục suy thoái, Trung Quốc buộc phải phân bổ lại nguồn lực để duy trì tăng trưởng trong nước.
Nếu phải lựa chọn, rõ ràng Trung Quốc sẽ ưu tiên cho các vấn đề bên trong hơn là tìm kiếm vinh quang bên ngoài.
“Nhận diện Chiến lược An ninh Biển khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ” của nhóm AMTI
Ngày 20/8, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Chiến lược An ninh Biển Châu Á-Thái Bình Dương với những điểm nổi bật sau:
1. Nhận diện mục tiêu của Mỹ ở khu vực, bao gồm: (i) Tự do biển cả; (ii) Ngăn ngừa xung đột và các hành vi cưỡng ép; (iii) Thúc đẩy việc tuân thủ các Quy chuẩn và Luật pháp quốc tế.
Phạm vi địa lý của mục tiêu trải dài từ Ấn Độ Dương tới Biển Đông, Hoa Đông và Thái Bình Dương.
2. Nhận diện những biến động lớn về môi trường an ninh có thể đe dọa đến ổn định khu vực, bao gồm: (i) Cạnh tranh yêu sách biển và lãnh thổ. Đó là các yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển và các yêu sách vượt quá mức quy định ; (ii) Hiện đại hoá các lực lượng chấp pháp biển và quân sự; (iii) Thách thức trên biển: bao gồm việc gia tăng sử dụng các công cụ phi quân sự nhằm cưỡng ép các quốc gia khác, thực hiện các hoạt động trên biển và trên không gây bất ổn. Hoạt động cải tạo đang trong tình trạng tranh chấp cũng là thách thức trên biển đối với Mỹ.
3. Nhận diện 4 nỗ lực cần triển khai trong chiến lược biển.
- Tăng cường năng lực quân sự Mỹ trên biển;
- Xây dựng năng lực biển cho các đồng minh và đối tác bao gồm: Phillippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ;
- Sử dụng ngoại giao quân sự để giảm thiểu rủi ro và tăng cường minh bạch. Lầu Năm Góc sẽ theo đuổi mối quan hệ quân sự với Trung Quốc dựa trên ba trụ cột là đối thoại thực chất thông qua thỏa thuận lãnh đạo cấp cao; hợp tác thực tế ở các lĩnh vực mà hai bên cùng chia sẻ lợi ích; và các giải pháp giảm thiểu rủi ro.
Nỗ lực minh bạch chính là việc thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử về những Va chạm Bất ngờ trên Biển (CUES);
- Thúc đẩy cấu trúc khu vực. Hiện Lầu Năm góc đang thúc đẩy cam kết của mình với các thể chế khu vực như ADMM+, ARF, Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng, Hội thảo Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS), Hội thảo Hải quân Ấn Độ Dương (IONS).
“Các tín hiệu mâu thuẫn của Trung Quốc về Biển Đông” của Barry Desker
Quan điểm của Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông đang mâu thuẫn nếu không nói là khó hiểu. Đại chiến lược nhằm mở rộng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia thông qua sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” có thể bị đổ vỡ do lối hành xử hung hăng của họ ở Biển Đông.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất các tiếp cận “hai kênh” (dual track) với việc các tranh chấp sẽ được giải quyết bởi các quốc gia trực tiếp liên quan thông qua đàm phán và tham vấn dựa trên các cứ liệu lịch sử, luật pháp quốc tế và DOC, đồng thời ASEAN và Trung Quốc sẽ cùng nhau hợp tác để gìn giữ hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua triển khai DOC và các tham vấn về COC.
Chiến lược tiếp cận “hai kênh” này của Trung Quốc làm gia tăng khuynh hướng ly tâm trong nội bộ ASEAN xoay quanh vấn đề Biển Đông. Do các quyết định của ASEAN phải có sự đồng thuận của tất cả, nên việc Trung Quốc lợi dụng Campuchia trong các cuộc thảo luận nội bộ ASEAN về vấn đề Biển Đông và việc các nước Thái Lan, Lào, Myanmar không có nhiều lợi ích ở Biển Đông cho thấy rủi ro rất lớn về khả năng đạt được đồng thuận chung trong ASEAN. Từ đó, các lợi ích của Trung Quốc được bảo vệ trong khi rạn nứt trong ASEAN ngày càng mở rộng.
Nhưng chính những điều này đã dẫn đến sự chuyển đổi thái độ của một vài quốc gia ASEAN đối với Mỹ. Hệ quả như vậy đã nhắc nhở Trung Quốc một điều: chính sự xấu đi trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia khác xuất phát từ tranh chấp Biển Đông có thể phá huỷ tham vọng mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia ASEAN mà Trung Quốc đang xây dựng. Cụ thể, các rủi ro có thể đến với các sáng kiến của Trung Quốc như Con đường tơ lụa, Ngân hàng Cơ sở hạ tầng, và các đầu tư khác trong nỗ lực xây dựng cảng biển, phát triển dịch vụ vận tải và xây dựng đường bộ, đường sắt cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường.
Vấn đề lớn của Trung Quốc là với ảnh hưởng ngày càng tăng, nguy cơ đe doạ lợi ích của Trung Quốc chỉ có thể là Mỹ và mạng lưới các đồng minh Mỹ. Điều này dẫn đến một sự “tái cân bằng” của Trung Quốc nghiêng về phía đông, hướng về Thái Bình Dương. Trong một thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ tăng cường năng lực hải quân và không quân đồng thời đặt trọng tâm lớn hơn trong việc xây dựng các quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ với các nước ven biển trong dải Con đường tơ lụa trên biển. Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông có thể làm suy yếu liên minh chính trị và quan hệ đối tác mà Trung Quốc muốn thúc đẩy với các nước trong khu vực./.